Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Các hãng phim Việt tại quận Cam “bơi” trong nạn 'download'

PhimVietWESTMINSTER (NV) - Ðằng sau việc sản phẩm của các hãng phim Việt đến với khán giả dễ dàng hơn qua Internet là sự khủng hoảng tài chính của họ. Dù sản phẩm ngày được phổ biến qua nhiều đài tivi tiếng Việt, các công ty sản xuất phim trong khu vực quận Cam, giống như các ngành sống nhờ phát hành băng dĩa khác, đang đối mặt với nguy cơ phá sản vì tình trạng cộng đồng tải phim lan tràn trên mạng.

DVD là nguồn thu nhập chính của các hãng lồng tiếng và sản xuất phim tiếng Việt tại quận Cam. (Hình: Thiên An)

Hằng Lâm, giám đốc một công ty lồng tiếng phim tại Santa Ana, cho biết “Mười năm về trước, ngành phân phối phim sống được lắm. Bây giờ thì hôm nay ra phim, mai là thấy trên mạng rồi, trên nhiều các website Việt Nam lắm, cứ lên là thấy phim của mình. Mình ráng bơi thôi, không biết khi nào thì không còn sức mà bơi nữa.”

Ngành chuyển âm và sản xuất phim có nhiều thay đổi lớn trong những năm gần đây. Các đài tivi tiếng Việt không những là thành phần tiêu thụ mới của các công ty phim lồng tiếng, mà còn giúp mang sản phẩm đến với nhiều khán giả hơn. Kỹ thuật phát triển khiến cho công việc chuyển âm bớt tốn công sức. Ngược lại, nhờ có các kỹ thuật tiên tiến mà việc tải phim trên mạng ngày một dễ dàng, với chất lượng âm thanh hình ảnh tốt hơn. Giữa các lợi và hại mà kỹ thuật cao mang lại, các công ty sản xuất phim của cộng đồng Việt có vẻ bị “hại” nhiều hơn là được hưởng “lợi”.

Thắng Nguyễn, phó giám đốc Vina Entertainment, tâm sự “Mình rất vui vì thấy ngày càng nhiều người coi phim của công ty qua đài SBTN và SET. Thử thách lớn nhất là các trang website cho người ta coi miễn phí và còn download làm DVD để dành. Vina Entertainment gặp nhiều khó khăn trong hai năm trở lại đây.”

Tương tự công ty của Hằng Lâm ở Santa Ana, công ty Vina Entertainment trụ sở tại Garden Grove chuyên chuyển âm và sản xuất phim cho cộng đồng người Việt. Phim từ nước ngoài được những công ty này mua về, chuyển ngữ kịch bản, lồng tiếng Việt, chỉnh sửa kỹ thuật và sản xuất thành DVD bán vào thị trường. Mặc dù “phim Ðại Hàn mắc gấp tám lần phim Trung Quốc,” các công ty sản xuất phim Việt hiện không tiếc đầu tư tiền bạc và công sức cho loại phim này để phục vụ thị hiếu khán giả. Thắng cho biết “Mỗi tuần một bộ phim Ðại Hàn vẫn không đủ cung cấp cho thị trường, bà con người Việt xem nhanh lắm, có người coi một ngày là hết một bộ”.

Chi nhiều, nhưng thu thì ngày càng ít đi. Hằng Lâm tâm sự “Phim bán ít đi một nửa so với thời xưa, hồi xưa chưa có kỹ thuật tải phim tinh vi và phổ biến như bây giờ. Hồi xưa các đại lý mua phim nhiều hơn, giờ mình xuống giá mà người ta cũng không còn mua nhiều”. Cộng tác viên của Vina Entertainment, Ngọc Ðan Thanh, nói “Cứ vầy không biết tiếp tục thêm được bao lâu. Nếu phải đóng cửa thì ngành lồng tiếng và sản xuất phim khó mà khởi đầu lại được.”

“Họ cũng tội lắm, khi đến đây bỏ phim cho tiệm bán, ai cũng than về nạn download phim” - một chị, xin giấu tên, tại tiệm mua bán và cho thê băng dĩa Show Time Video ở Westminster, chia sẻ về các hãng sản xuất phim Việt trong khu vực lân cận. Chị nói thêm “Khách hàng của tiệm hầu hết là Việt Nam. Họ đến mua băng gốc vì họ thích coi phim cho rõ trên màn hình rộng”.

Theo người nhân viên trên, khách hàng mua băng gốc là vì chất lượng âm thanh và hình ảnh, những điều mà phim download bất hợp pháp trên mạng trong khoảng thời gian gần đây đã đạt được. Hằng Lâm của Xell Entertainment cho biết, “Hai năm trở lại đây, kinh tế thì xuống mà kỹ thuật download phim thì lên, người ta có thể cắm máy tính vào màn hình lớn để coi. Mình dùng các kỹ thuật đặc biệt để làm giảm chất lượng phim sao chép, họ cũng vượt qua được”.

Duy Ngô, 26 tuổi, cư dân Huntington Beach, nói “Nhiều phim Hàn trên mạng chất lượng kém lắm, nhưng cũng có một số rõ như phim gốc vậy. Coi ở nhà thì đỡ mất thời gian chạy ra tiệm DVD, mà không tốn tiền nữa. Muốn phim gì google là có hết”. Hàng ngàn người có thói quen coi phim trên mạng chắc hẳn cũng chia sẻ những ý nghĩ của Duy.

“Nếu thấy được cái cực khổ của tụi chị, người ta sẽ không nỡ đâu” - Hằng Lâm tâm sự khi được hỏi cảm nghĩ chị dành cho khán giả coi phim của Xell Entertainment qua máy tính “Sản xuất ra được một bộ phim là cũng trầy vi tróc vảy đó, bao nhiêu công sức, bao nhiêu tiền bạc... người ta không thấy được thôi”.

Hoàng Ðạo, người chuyên lồng tiếng vai nam chính của công ty Vina Entertainment, đùa rằng “Mồ hôi và nước mắt là khi làm, còn khi mang ra bán là máu với nước mắt luôn”. Bên cạnh công việc chính là một thợ cắt tóc, Ðạo theo nghề lồng tiếng phim để thỏa đam mê nghệ thuật của bản thân. “Tiền công thì không bao nhiêu. Thấy khán giả gửi email khen, muốn gặp mặt, là động lực lớn nhất để theo nghề. Hy vọng khán giả mua DVD ủng hộ để các công ty sản xuất phim không phải đóng cửa” - anh Ðạo nói thêm, trước khi bước vào phòng chuyển âm tiếp tục khóc cười theo các diễn viên Ðại Hàn mà anh đang thủ vai.

Trong khi các công ty phim ảnh trong cộng đồng Việt đang gắng gồng mang phim đến khán giả, việc coi phim miễn phí và download phim trên mạng chưa có vẻ gì là thuyên giảm. “Phim Hàn tiếng Việt thì mình coi băng gốc vẫn tốt hơn, nhưng ai hỏi cách download thì mình cũng chỉ thôi. Nhiều người không rành máy tính tìm hỏi mình lắm, ai rành thì mò google là xong.” Duy Ngô nói

Switch mode views: