Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Các học khu California hồi hộp chờ kết quả Dự Luật 30

WESTMINSTER - Ngày 6 tháng 11 này, khi hàng triệu cử tri California đi bỏ phiếu bầu cử, họ không chỉ góp phần chọn vị tổng thống sẽ lãnh đạo đất nước Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ tới, mà còn định hướng đi cho nền giáo dục của California trong tương lai gần, qua lá phiếu hoặc là “Yes,” hoặc là “No” đối với Dự Luật 30 - tăng thuế tạm thời để tài trợ giáo dục.”

jerry brownThống Ðốc Jerry Brown trình bày trước Quốc Hội California tình trạng ngân sách thiếu hụt của tiểu bang và lý do tại sao ông đề ra Dự Luật 30 để cứu vãn nền giáo dục công lập. (Hình: AP Photo)

“Có lẽ chưa lần bầu cử nào khiến tôi hồi hộp chờ đợi như kỳ này.” Ông Andrew Nguyễn, ủy viên Hội Ðồng Giáo Dục học khu Westminster, tâm sự với phóng viên nhật báo Người Việt như vậy khi nói về Dự Luật 30.

Không chỉ “hồi hộp chờ đợi,” thật ra, ông Andrew và những người như ông “vừa đợi vừa lo.”

Không riêng học khu Westminster, học khu Garden Grove và nhiều học khu khác trên toàn tiểu bang, chia sẻ cùng tâm trạng lo lắng này.

Số phận của Dự Luật 30 có ảnh hưởng lớn đến ngân sách giáo dục của mọi học khu trong niên khóa này cũng như những năm tới, vì một điều khoản trong dự luật quy định rằng, nếu không được thông qua, ngân sách giáo dục do tiểu bang tài trợ cho các học khu sẽ tự động bị cắt giảm nặng, tổng cộng hơn $6 tỷ, bắt đầu từ ngày 1 Tháng Giêng, 2013.

Nói về sự cắt giảm này, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên giáo dục Học Khu Garden Grove cho biết: “Nếu Dự Luật 30 bị bác, học khu Garden Grove có thể bị mất thêm $21.2 triệu so với số tiền $26.6 triệu đã bị cắt năm ngoái, khiến học khu bị hụt đi $48 triệu trong vòng chỉ hai niên khóa, số tiền tương đương 10% ngân sách hàng năm.”

Ông Alan Trudell, phát ngôn viên của học khu giải thích: “Mất thêm ngân sách $21 triệu có nghĩa là sẽ mất đi chừng $438 cho mỗi học sinh. Và như vậy có nghĩa là không thể tránh được việc phải bớt nhân viên, bớt thầy cô, tăng số học trò cho mỗi lớp.”

Ngoài ra, vẫn theo lời ông Alan Trudell, học khu cũng sẽ phải giảm thiểu, thu hẹp nhiều chương trình và sinh hoạt cho các em, bớt các lớp học cho người lớn, các lớp thể thao của trung học, trì hoãn việc việc tu bổ trường lớp và tối tân hóa dụng cụ...

Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt, rằng liệu học khu đã có những dự định cụ thể nào, chẳng hạn như đóng cửa bao nhiêu lớp, cho nghỉ bao nhiêu người, Luật Sư Lân từ khước không đưa ra những con số chính xác. Ông trình bày: “Ðây là một vấn đề rất nhạy cảm. Dĩ nhiên chúng tôi có một danh sách giảm ngân sách cho từng mục theo thứ tự ưu tiên, nhưng không muốn thông báo trước vì có thể sẽ khiến các nhân viên lo lắng không cần thiết.”

Rồi ông nói thêm: “Chúng tôi đang cố gắng nói rằng không có kế hoạch sa thải giáo viên hoặc nhân viên. Chúng tôi hy vọng rằng có thể giữ nguyên câu nói này trong thời gian trước mặt.”

Luật Sư Lân nhấn mạnh rằng ngân sách của học khu được soạn với giả thuyết là Dự Luật 30 sẽ không được thông qua. Ông nói: “Rút kinh nghiệm về sự cắt giảm ngân sách nhà nước trong nhiều năm qua, chúng tôi không thể giả định bất cứ điều gì cho đến khi học khu nắm được ngân phiếu trong tay.”

Tuy thế, cả Luật Sư Lân lẫn ông Alan đều cho biết không thể tuyên bố ủng hộ hay chống đối dự luật.

Học khu Westminster vì nhỏ hơn, nên ngân quỹ bị cắt sẽ nhỏ hơn, chỉ $4 triệu, tuy thế tính đổ đồng cũng lên tới khoảng $418 mỗi học sinh. Và số tiền bị cắt này khiến Ủy Viên Hội Ðồng Giáo Dục Andrew Nguyễn vẽ nên một bức tranh u ám.

Ông phân tích: “Ngân quỹ giáo dục của học khu từ lâu nay đã bị cắt. Hiện giờ học khu cho học trò nghỉ mỗi niên khóa từ 5 đến 10 ngày học. Những ngày đó, thầy cô, nhân viên toàn trường không ai có lương, cả trường đóng cửa. Nếu Dự Luật 30 không được thông qua, có thể học khu sẽ phải đóng cửa trường gần một tháng trời.”

Vẫn theo lời ông Andrew, một lớp học trung bình tại học khu Westminster xưa kia chỉ tối đa là 21 em, giờ có lẽ sẽ phải đông tới hơn 30 em, ngân quỹ cho phụ giáo (teacher aid) thì đã hết lâu rồi, cứ tưởng tượng cảnh một giáo viên loay hoay với hơn 30 học sinh, thì sẽ thấy khó khăn như thế nào.

Khác với học khu Garden Grove, học khu Westminster tuyên bố thẳng là họ ủng hộ cả Dự Luật 30 (lẫn Dự Luật 38, một dự luật cạnh tranh với 30), không những thế còn công khai cổ động cử tri trong vùng bỏ phiếu “Yes” cho dự luật này với nhiều tài liệu và bài viết.

Dự Luật 30 do Thống Ðốc Jerry Brown đề ra, trong một nỗ lực quân bình ngân sách cho tài khóa 2012-2013. Nếu dự luật được thông qua, những cử tri California có thu nhập trên $250,000 một năm sẽ bị tăng thuế lợi tức từ 1% đến 3% trong vòng 7 năm, và tất cả mọi người sẽ phải đóng thêm .25% cho thuế tiêu dùng (thêm 25 cents cho mỗi $100) trong vòng 4 năm. Ðổi lại, tiểu bang California dự trù sẽ kiếm thêm mỗi năm vừa đúng gần $7 tỷ, để khỏi cắt sâu thêm vào ngân sách tài trợ cho các trường công lập từ mẫu giáo đến đại học, hiện đã rất kiệt quệ.

Liệu rồi Dự Luật 30 có được thông qua không?

Lịch sử cho thấy cử tri California từ xưa đến giờ không có cảm tình nhiều với các dự luật đề nghị tăng thuế. Trong một thập niên qua, họ bác bỏ 10, và chỉ thông qua 1 dự luật loại này, đó là dự luật xin đánh thuế thêm 1% cho người có lợi tức trên 1 triệu đô la một năm để hỗ trợ việc săn sóc sức khỏe tinh thần.

Ðó là lý do tại sao những ai quan tâm đến ngành giáo dục như hai ủy viên giáo dục của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang “đợi chờ trong lo lắng.”

Ủy Viên Giáo Dục Andrew Nguyễn tâm sự: “Ðiều khiến tôi lo nhất là không biết cử tri trên toàn biểu bang có hiểu rõ nếu họ bỏ phiếu bác bỏ Dự Luật 30, thì sẽ gây ảnh hưởng gì lên nền giáo dục tiểu bang không.”

Biết đâu, khi hiểu ảnh hưởng quan trọng của lá phiếu đến nền giáo dục của con em, có thể cử tri sẽ nghĩ khác và bầu khác những lần trước?

Hãy chờ xem!

Switch mode views: