Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đi xem triển lãm, nghe ‘nghệ nhân’ Little Saigon kể chuyện chơi Bonsai


bonsai caykieng 1
Ông Phạm Thông hướng dẫn cách tỉa cây Bonsai. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Hội Cây Kiểng Việt Nam vừa tổ chức triển lãm Bonsai và non bộ cùng hướng dẫn kỹ thuật cắt, tỉa và nuôi cây, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều vào hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 8 và 9 Tháng Bảy, tại chùa Việt Nam, Garden Grove, nhân dịp Lễ Độc Lập Hoa Kỳ và mùa Hè 2017.

“Đây là dịp tốt cho những ai thích ngắm cây cảnh thiên nhiên, trồng Bonsai và làm non bộ, có cơ hội đến để thưởng lãm các công trình mà các anh chị em hội viên bỏ ra nhiều công sức để thực hiện cho hai ngày triển lãm năm thứ 19,” ông Nguyễn Đan, hội trưởng Hội Cây Kiểng Việt Nam, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

bonsai caykieng 2
Ông Ngụy Được bên cạnh tác phẩm của mình. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Dù sinh hoạt song song hai bộ môn là Bonsai và non bộ, nhưng anh chị em trong hội đa phần thích thú với Bonsai hơn, còn non bộ chỉ khoảng 20% người quan tâm, chủ yếu để gìn giữ món ăn tinh thần, giúp những người lớn tuổi vui thú điền viên. Vì thế, thư giãn nhẹ nhàng là chính,” ông hội trưởng nói thêm.

Triển lãm lần này có nhiều tác phẩm Bonsai đặc biệt cùng vài hòn non bộ. Các hội viên túc trực sẵn sàng để giải đáp mọi thắc mắc cho người xem.

Ông Lê Quang Bình, cựu hội trưởng bốn nhiệm kỳ, cho biết: “Trong cuộc triển lãm lần này, chúng tôi có công ty West America Inc. hiện diện để khách yêu Bonsai có thể mua cây, chậu, đất, kìm, kéo, dây xách. Tất cả dụng cụ ở trên bàn bên ngoài, và các loại cây ‘phô’ được bày phía trước.”

“Chúng tôi trưng bày hơn 30 tác phẩm đặc biệt, gồm California Juniper, cây thông đen Nhật Bản, cây bằng lăng, bông giấy chùm, v.v… và chỉ mong tạo niềm vui nhỏ cho đồng hương và người bản xứ trong dịp Hè về,” ông Bình tâm sự.

Ông hướng dẫn khách thưởng ngoạn vào phòng triển lãm.

bonsai caykieng 3
Ông Phạm Mỹ và tác phẩm bông Sứ Thái Lan. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Chậu cây “Bồ Đề” California Juniper lớn của ông Phạm Thông, cựu hội trưởng, được đặt ngay chính giữa lới vào. Thân cây được uốn nằm ngang, hai màu trắng và nâu chạy song song.

“Màu trắng là phần cây đã chết, màu nâu là phần cây còn nhựa sống để nuôi cành và lá thông. Xuất xứ từ núi ở sa mạc Mojave, California, cây này được trồng trong chậu bằng sành sau gần bảy năm săn sóc,” ông Phạm Thông giải thích.

Ông Thông cho biết khi từ núi lấy về, cây đã chết 90%.

“Sau khi giúp cây sống lại, tôi giữ cây năm năm trong thùng gỗ. Khi cây khỏe tôi mới lấy ra để tạo dáng. Một năm sau mới đem cây trồng trong chậu sành như mọi người thấy hôm nay. Đó cũng là may mắn tôi được ông Harry Hairao, người Nhật giới thiệu, tôi mới được lên núi đó lấy cây về,” ông kể.

Ông cho biết ông hiện có khoảng 40-50 cây loại này.

Một cựu hội trưởng khác, ông Ngụy Được, cho biết: “Tôi chơi Bonsai từ năm 1988. Mới đầu thì cũng chỉ văn nghệ thôi. Kể từ năm 2001 đến nay, tôi bắt đầu chú tâm và đi dạy cho các hội Bonsai địa phương và trên toàn nước Mỹ.”

“Đối với tôi, Bonsai là môn nghệ thuật vô cùng tận, lúc nào cũng phải học hỏi. Tuy nhiên, môn này lại đem lại sự thư giãn giống như thiền. Đồng hương nên tham gia để tịnh tâm,” ông nói.

bonsai caykieng 4
Ông Phạm Chí Nhân bên cây Bonsai của mình. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông cho biết hiện nay ông trồng khoảng hơn 130 cây Bonsai trong vườn nhà ông rộng khoảng 2.2 mẫu ở Chino. Nơi đây ông tiếp rất nhiều du khách đến thăm hàng năm. Ông cho biết ông được xếp vào hạng “headliner,” có nghĩa là nhân vật chính trong đại hội Bonsai của hội Golden State Bonsai Federation sẽ được tổ chức vào Tháng Mười năm nay.

Ông Được chỉ vào tác phẩm của ông được trưng bày. Đó là một “cây bách California,” loại California Juniper, thân có hai màu. Phần thân chết bên trái, màu trắng, tủa ra bốn nhánh như chiếc gạc nai, và phần nâu bên phải là thân sống nuôi cây thông xanh tốt.

Gần tác phẩm này, phía cuối phòng là một cây bông Sứ Thái Lan của ông Phạm Mỹ, 72 tuổi, cư dân Los Angeles.

“Ngày đầu cách đây 15 năm, tôi mua cây này giá $5 ở chợ trời Golden West. Khi ấy nó chỉ to bằng ngón chân cái. Sau tôi được biết loại bông Sứ này rất dễ trồng bằng hột. Chỉ cần tám tháng là ra hoa. Bông nó ra từng chùm!” ông Mỹ nói.

bonsai caykieng 5
Hai người ngồi giữa là ông Lê Quang Bình (trái) và hội trưởng Nguyễn Đan, cùng các hội viên. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông chỉ vào một tác phẩm khác của mình gần đó và giải thích: “Đây là cây Olive. Tôi thấy một người Mexico đốn cây, đem bỏ ven đường. Tôi đem một khúc về nuôi thành cây này sau 12 năm vun xới.”

Ông cho biết ông có khoảng 70-80 cây Bonsai ở nhà.

“Suốt ngày tôi ở ngòai vườn, từ sáng đến chiều và thấy tinh thần rất thoải mái. Mỗi tháng tôi họp với hội một lần, kết bạn ‘đồng chí’ thật sự. Thật là vui hết biết!” ông Mỹ chia sẻ.

“Hội quy tụ một số anh em cùng sở thích về cây kiểng để tìm thêm hương vị cho cuộc sống, vì tại Mỹ, ai cũng làm việc quá nhiều và cần đam mê một thú vui nào đó cho tinh thần thoải mái,” ông nói.

Ông Dũng Phạm, 51 tuổi, một hội viên trẻ, cư dân Garden Grove, cho biết: “Nhờ kinh nghiệm chuyên làm về cây kiểng cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn từ năm 1991, tôi phụ trách về kỹ thuật cho Hội Cây Kiểng Việt Nam sau khi qua Mỹ được tám năm.”

Ông Dũng chỉ tác phẩm của ông, loại California Juniper, có ba phần gốc và cho biết phải mất năm, sáu năm, cây của ông mới khỏe.

“Bonsai muốn cho càng ngày có thêm những đường nét thẩm mỹ thì phải siêng để ý về việc cắt tỉa cho tác phẩm được thêm gọn đẹp,” ông Dũng, trưởng ban kỹ thuật, góp ý.

“Bonsai còn có nghĩa là một kiểu dáng cây được nằm trong chậu cạn, kích thước tuy nhỏ, nhưng một điều kiện phải có, là trên cây nhỏ đó, phải mang đủ dáng nét của cây cổ thụ giống như bên ngoài, nếu chúng ta dùng máy ảnh để chụp một cây Bonsai, đừng lấy hình của chậu thì mọi người sẽ không biết cây này đang ở trong chậu hay đang sống ngoài thiên nhiên,” ông Dũng cho biết thêm.

“Muốn thưởng thức, nghệ nhân phải biết một số quy tắc kỹ thuật và mỹ thuật. Những người thưởng lãm nếu có một ít kiến thức về Bonsai thì khi thưởng thức tác phẩm sẽ nhiều thú vị hơn,” ông nói.

Trong góc phải của phòng triển lãm là tác phẩm của hội viên Phạm Chí Nhân, 80 tuổi, cư dân Santa Ana. Ông được giới thiệu là bác sĩ Đông Y, gia nhập hội được vài năm sau khi nghỉ hưu.

Một trong hai tác phẩm của ông cũng thuộc loại California Juniper và mất hai năm ông mới có được tác phẩm như ngày nay. Ông khoe một cây khác có hình con gấu trắng.

“Sau khi lên rừng lấy về, tôi phải mất ba năm để săn sóc, nuôi sống cây này,” ông Nhân nói.

Trong số những người đến xem, cô Nguyễn Loan, 44 tuổi, cư dân Irvine, chia sẻ: “Tôi thấy Bonsai đẹp và hay hay, rất mỹ thuật. Hiện tôi có hai cây ở nhà. Hôm nay tôi thích cây Bồ Đề. Ai cho là tôi lấy liền!”

Cô bạn đi theo tên Nguyễn Ngân, 46 tuổi, cư dân Yorba Linda, nghe thế, nói theo: “Đúng. Cho là lấy liền!”

Hội Cây Kiểng Việt Nam thành lập năm 1998, tại Orange County, và hiện nay có trên 100 hội viên, và họp mỗi tháng một lần vào Chủ Nhật của tuần lễ thứ ba. Mỗi năm hội đều có tổ chức triển lãm.

Mọi chi tiết, xin liên lạc ông Lê Quang Bình (714) 489-1261 hay ông Đan Nguyễn (949) 331-4050. Trang web của Hội cây Kiểng Việt Nam là www.hoicaykiengvietnamusa.com.

Switch mode views: