Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bà mẹ Việt tìm được con, sau 48 năm thất lạc

timcon 48nam 1
Giây phút hai mẹ con gặp nhau sau 48 năm xa sách. (Hình chụp tù màn hình TV đài CBN News)

SAN ANTONIO, Texas (NV) – Bà Thúy Nga Nibblett, cư dân San Antonio, Texas, vừa tìm được đứa con lai, là con ruột của bà, sau 48 năm thất lạc, một bằng chứng cho thấy lòng mẹ đối với con không bao giờ phai nhạt dù ở bất cứ phương trời nào.

Bà Thúy Nga quê ở Sơn Trà, một quận ngoại ô, cách trung tâm Đà Nẵng 10 km về hướng Đông Bắc.

Năm 1969, khi chỉ mới 17 tuổi, bà có thai đứa con đầu lòng.

Bà kể: “Ở tuổi ấy, tôi chỉ muốn vào vườn, trèo lên cây, hái quả xoài, quả ổi, chứ đâu có nghĩ gì đến mấy chuyện lăng nhăng này.”

Nhưng vì gia đình quá mong mỏi bà sớm lấy chồng, mong mỏi đến mức ngoài những trận chửi bới “ngập mặt” ra rả hàng ngày, bà còn thường xuyên bị những trận đòn cháy da, chín thịt, đến nỗi thân bà triền miên bị sưng nhức, tím bầm.

“Hình như thầy (cha) tôi muốn gả tôi đi để ông sớm có tự do thì phải. Anh tôi thì hùa vào,” bà kể.

Khổ thân bà. Bà không biết lấy chồng để làm gì cả; bà không biết tại sao phải lấy chồng. Bà chỉ ao ước được yên thân ở nhà với thầy, với anh, để được vui đùa cùng bạn bè đồng trang lứa.

Tuổi 17, bà chưa biết chuyện gái trai.

Tuổi 17, bà chỉ thích hồn nhiên sống tuổi ngây thơ thời con gái của mình.

Mồ côi mẹ từ năm lên 11, bà không biết tình thương yêu của gia đình, bà không biết sự ấm cúng của một ngôi nhà. Bà lớn lên trong sự nghiêm khắc đến lạnh lùng của thầy và anh trai.

Tuổi 17, bà phải đi làm sở Mỹ để phụ giúp gia đình.

“Thực ra, tôi bắt đầu đi làm từ năm 14 tuổi, nhưng phải nói dối là 15 thì họ mới nhận,” bà cười cười.

Công việc của bà là phân chia thức ăn trong phòng ăn quân đội Mỹ.

Rồi sau một lần bị hành hạ đau đớn hơn cả những lần trước, bà than thở với ông xếp là Skip Soule.

timcon 48nam 2
Bà Thúy Nga, người mẹ hạnh phúc nhất đời sau 48 năm long đong, và chồng, ông Bill Nibblett. (Hình: Bảy Nguyễn cung cấp)

Khi ông Soule vuốt ve an ủi bà rồi lấy đi trinh tiết của bà, bà vẫn không hiểu ông làm thế để làm gì. Bà cứ mặc cho ông thỏa thích vì, ít nhất, bà thấy dễ chịu hơn khi bị chửi bới hay đánh đập.

“Nếu không vì gia đình quá khắt khe, ép buộc tôi phải thành hôn với một người tôi không hề thương yêu, tôi đã không có thai với ông Skip đâu,” bà Thúy Nga nói.

Khi thấy bụng bà ngày càng lớn, và nhất là cha đứa bé lại là quân nhân Mỹ, cha bà nổi giận và vội vã dọn nhà đi chỗ khác.

Dĩ nhiên, sau đó, bà phải chịu không biết bao nhiêu nguyền rủa, đắng cay trong lúc chờ ngày sanh đẻ.

Quay lại sở làm, bà mới biết ông Soule đã chuyển đi chỗ khác rồi. Không ai biết đi đâu. Ông không hề biết chuyện bà có thai.

“Sanh được đứa con trai, tôi đặt tên Trần Văn Hùng. Nhưng ôm con, hôn con, chưa được vài tiếng thì thầy tôi lấy mất đi của tôi. Con tôi, tôi xé ruột ra mà đẻ, mà thầy tôi nỡ lòng nào lấy đi của tôi,” bà Thúy Nga gạt nước mắt nói. “Đánh đập tôi bao nhiêu cũng không làm tôi đau đớn bằng lấy con tôi đi.”

Rồi bà bắt đầu đi tìm kiếm tất cả các cô nhi viện mà bà biết để tìm con. Cứ ở đâu có cô nhi viện là bà tìm đến, xa xôi đến mấy bà cũng lặn lội đi tìm.

“Các bà sơ, các ni cô, ai ai cũng ái ngại cho tôi. Có người khuyên tôi nên quên đi mà về cho yên thân,” bà kể. “Quên con? Quên con tôi? Làm sao mà quên được. Con trai tôi chứ có phải là đồ vật đâu mà quên.”

Đợi một dạo lâu, anh bà mới cho biết rằng họ đã đổi danh tánh của đứa bé rồi, và nói đừng tìm nữa, vô ích.

Đau buồn quá, bà như người mất hồn một thời gian dài.

Bà chỉ biết cầu xin Chúa cứu giúp mẹ con bà.

Và tình mẹ thương con không bao giờ suy suyển trong lòng người mẹ 17 tuổi.

Bà lại tiếp tục tìm con, dù biết tên con mình đã bị đổi rồi. Ở đâu đó trong thâm tâm, bà vẫn tin chắc rằng sẽ tìm được con. Bà sẽ tìm mãi, tìm mãi, cho đến khi nào tìm được con mình mới thôi.

Rồi bà tìm được một đứa bé lai Mỹ trong một cô nhi viện, cùng tuổi con mình. Bà đem đứa bé về nhà nuôi.

Đó là quãng thời gian bà thấy hạnh phúc nhất so với những năm tháng đã qua.

“Nuôi nó được tám tháng trời, một hôm, đi làm về, tôi mới biết là thầy tôi lại đem đi cho mất rồi,” bà chán nản thở dài.

Mà đã xong đâu, bà lại bị thầy và anh tiếp tục mắng mỏ, đánh đập để hối thúc lấy chồng. Chán nản, không thiết sống nữa, bà bằng lòng để được ra khỏi nhà. Nhưng trước ngày đám cưới, bà nảy ra ý định sẽ bỏ trốn chồng, sống tự lập. Nhờ vậy, bà mới có thể cắn răng mà mặc quần áo cô dâu, lấy người xa lạ.

timcon 48nam 3
Con gái bà Thúy Nga cầm bảng tìm anh trai. (Hình: Bãy Nguyễn cung cấp)

Đám cưới xong, chưa kịp động phòng, bà trốn đi, đến ở tạm nhà người bạn.

“Gia đình chồng tôi lùng xục đến, lôi tôi về, đánh cho một trận đau đớn không thua gì những trận đòn hồi còn ở nhà,” bà kể. “Nhưng quen cảnh bị đánh đập quá rồi, hôm sau tôi trốn nữa.”

Lần này, bà lên tận Đà Nẵng.

“Nhưng chẳng được bao lâu, vì nhớ nhà quá, tôi tìm về, định nhìn mặt thầy tôi một tí,” bà nói. “Chưa về đến nhà, không hiểu vì sao, gia đình chồng tôi chạy ra chặn bắt rồi trói tay tôi vào xe Vespa,” bà nhớ lại. “Lần này họ cạo đầu tôi, để tôi xấu hổ, không dám ra đường.”

Bà tâm sự: “Tôi chán đời lắm, nhưng phải cố sống để tìm con.”

“Về nhà, họ nhốt tôi vô thùng đựng gạo, đợi hôm sau nhốt tôi trong phòng rồi cho chồng tôi vào,” bà nói. “Lúc ấy, tôi đang cưa cửa sổ bằng đồ dũa móng tay. Nhưng chỉ mỏi tay thôi. Ông ấy vào dỗ ngọt tôi, nói thương ông ấy đi rồi ông sẽ nói cha mẹ cho tôi ra ngoài.”

Được thả ra, bà đi nữa.

Bà vô sở làm, ông sếp Bill Nibblett thấy đầu tóc bà bị sởn nham nhở, bèn hỏi cớ sự rồi đem lòng thương, xin cưới bà.

Bà kể: “Tôi không muốn lấy ai cả. Không lấy Mỹ, không lấy Việt. Tôi chỉ muốn tìm con thôi.”

Nhưng sau nhiều lần ông xin hoãn về Mỹ để đợi bà đổi ý, bà bằng lòng lấy ông.

“Cứ mỗi lần ông ấy xin ở lại là sáu tháng. Trong sáu tháng, ông ra trận, không biết sống chết lúc nào. Sợ cho ông ấy, tôi gật đầu cho xong,” bà nói.

Bà theo chồng đi Mỹ năm 1971.

Suốt 46 năm dài ở Mỹ, lúc nào bà cũng canh cánh nghĩ đến đứa con đầu lòng thất lạc của mình.

“Ở với ông Nibblett, có con trai, có con gái, nhưng tôi vẫn muốn tìm con tôi. Nhiều người khuyên tôi đừng tìm nữa, biết đâu nó đã chết rồi,” bà nói. “Nhưng là mẹ, tôi linh cảm rằng con trai tôi còn sống và cũng muốn tìm tôi.”

Bà luôn cầu nguyện Chúa sớm cho bà gặp con.

Trong cuộc hành trình tìm con, bà gặp ba người con lai, cũng sinh năm 1969 như con bà. Biết không phải con mình, bà cứ nhận luôn cả ba người làm con nuôi.

“Thôi, họ chưa tìm đuọc mẹ ruột thì tôi nhận cả ba người là Bảy, Brian, và Vinny làm con nuôi. Cầu mong cho con tôi được người khác lo lắng dùm,” bà thành thật nói.

Năm 2015, bà liên lạc được với ông Soule, cha đứa con thất lạc của bà. Lúc này bà mới hay rằng ông đã có lần quay lại tìm bà, gặp anh trai bà và cho địa chỉ để bà liên lạc.

“Hỏi ra, anh tôi mới thú thật là đã đốt hết những thông tin đó,” bà ngao ngán nói.

Nhưng linh cảm của người mẹ và đức tin mãnh liệt vào tôn giáo vẫn cho bà biết là bà sẽ gặp được con.

Rồi bà nhờ trung tâm Family Tree DNA, một cơ sở chuyên tìm thân nhân qua DNA.

Bà lại tiếp tục đợi chờ kết quả.

Hai năm dài lại trôi qua.

Và sau cùng, năm nay, bà nhận được email của Family Tree DNA báo là có “possible match,” có sự tương hợp, giữa cha mẹ và con, có nghĩa là họ tìm ra người có DNA trùng với bà.

“Lần này, tôi biết chắc là con mình, bây giờ có tên là Kirk Kellerhals. Tôi gởi email cho Kirk ngay lập tức để cho Kirk số điện thoại và xin Kirk gọi lại tôi.

Kirk gọi bà.

Chúa đã trả lời bà.

Lập tức, bà lên xe với ông Nibblett và vượt 2,566 km từ San Antonio, Texas, đến Virginia Beach, Virginia, để gặp con.

Vừa gặp Kirk, bà ôm chầm lấy con vào lòng. Cả hai mẹ con cùng ròng ròng nước mắt. Cả hai mẹ con cùng cảm thấy một sự trọn vẹn, một sự hoàn toàn trong lòng mình.

“Không thể tả được niềm vui của tôi khi tìm được đứa con suốt 48 năm. Tôi cám ơn Chúa đã ban phước lành cho mẹ con tôi,” bà vui sướng nói.

Là một cô bé mất con năm 17 tuổi. Bà hiện có sáu người con – ba con ruột, ba con nuôi.

“Cha mẹ, con cái mà lạc nhau thì không bao giờ có được sự toàn vẹn. Cứ tin tưởng vào ơn trên, ‘cứ tìm, rồi sẽ thấy,’” bà khuyên nhủ.

Switch mode views: