Nam-Bắc Calif. phối hợp trong Ðêm Ca Nhạc Tài Tử Miền Nam
- Thứ Sáu, 13 tháng Năm năm 2016 10:30
- Tác Giả: Văn Lan
WESTMINSTER, California (NV) - Ðêm Ca Nhạc Tài Tử lần 2 được tổ chức tại Hội Quán Lạc Hồng, Westminster vào lúc 7 giờ tối 7 Tháng Năm, để lại dấu ấn đẹp cho người hâm mộ dòng ca nhạc tài tử và cải lương miền Nam.
Ðây là buổi hội ngộ đầu tiên nối liền Nam-Bắc California, được kết hợp bởi 2 nhóm hàng đầu trong làng ca nhạc tài tử do Ðoàn Tiếng Vọng Tình Thương đến từ San Jose, Bắc California và Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng ở Quận Cam, Nam California.
Nguyệt Thanh trong bài “Ðờn Ca Tài Tử.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Hai MC duyên dáng Ngọc Mai và Băng Tâm điêu luyện trong phần dẫn chương trình, giới thiệu rất rõ ràng những kỹ thuật khó trình diễn cũng như xuất xứ của từng bài nhạc, giúp người nghe thưởng thức trọn vẹn những làn điệu tình tứ đầy quyến rũ.
Tất cả cùng hòa quyện theo tiếng đàn của các nhạc sĩ: Giáo Sư Châu Nguyễn đàn kìm, Giáo Sư Ngọc Dung đàn tranh, Minh Tâm và Phương Nghi đàn tranh, Ðặng Hồng đàn bầu, nghệ sĩ Văn Hoàng đàn guitar, và một thân hữu của Lạc Hồng cùng với âm thanh Quốc Dũng, khiến đêm nhạc trở nên hào hứng, quyến rũ từ đầu đến cuối.
Mở màn chương trình là tiết mục hòa tấu bài “Xàng Xê qua Lớp Xề,” một trong bộ Thất Chính của 7 bài lễ: Xàng Xê, Ngũ Ðối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá và Tiểu Khúc, qua phần hợp tấu của của Ðoàn Văn Nghệ Lạc Hồng.
Tiếp nối là bài “Ðờn Ca Tài Tử” của soạn giả Hùng Dân, theo thể điệu Xuân Tình, một trong 6 bài bắc thuộc dòng nhạc tài tử miền Nam, được trình bày qua tiếng hát Nguyệt Thanh với phần nhạc đệm của Ðoàn Văn Nghệ Tiếng Vọng Quê Hương.
Lời bài nhạc này đã nói lên hết tất cả tâm tình tri kỷ tri âm khi nghệ thuật đờn ca tài tử, không cầu kỳ mà cũng chẳng xa hoa, dù thôn quê hay chốn thị thành, với tâm hồn đam mê văn nghệ, không phân biệt già trẻ sang hèn, mỗi khi họp mặt đều trở thành tri kỷ tri âm. Âm điệu bổng trầm khoan nhặt, những ưu tư phiền muộn chẳng còn, khi tiếng ca hòa với tiếng đàn, nghe tâm hồn bay bổng lâng lâng, thêm yêu quê hương cuộc sống, và yêu nghiệp cầm ca.
Bé Bảo Trân trong bài “Về Lạy Quan Âm.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Giáo Sư Nguyễn Thị Mai, cánh chim đầu đàn của Ðoàn Văn Nghệ Lạc Hồng, trong phần tâm tình chia sẻ cùng khán giả, nói rằng nhạc tài tử Miền Nam còn được gọi là nhạc thính phòng Miền Nam hay nhạc cổ điển Nam Phần, một loại hình âm nhạc bác học, phát sinh và lưu hành trong tầng lớp thượng lưu của xã hội Việt Nam trước đây.
Do đó loại âm nhạc này phải luôn theo một khuôn khổ nhất định, quy tắc và âm luật của nhạc lý. Ðây là thể loại âm nhạc mà hòa âm được kiến tạo theo chiều ngang dựa trên nền tảng triết lý âm dương và ngũ hành của Á Ðông tương sinh tương khắc.
Bà cũng cho biết tại sao nhạc tài tử miền Nam thường mang phong vị buồn, đó là cả một thời kỳ lịch sử dân tộc khi người Pháp đô hộ Việt Nam, đất nước lâm nguy, người nghệ sĩ yêu nước nếu viết nhạc theo lối Tây Phương hoặc để lộ tác giả, sẽ bị mật thám Pháp bắt. Lý do đó mà nhạc tài tử chỉ dùng hò, xự, xang, xê, cống để diễn tả, qua âm nhạc nói lên tâm sự yêu nước, khóc thương cho vận nước điêu linh.
Tiếp theo, Thanh Thanh của Ðoàn Tiếng Vọng Quê Hương tiếp tục cống hiến tác phẩm “Trương Chi Mỵ Nương” của soạn giả Hoàng Chương trong 3 bài “Nam Xuân qua Nam Ai“trong phần hòa đàn của 2 đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng và Tiếng Vọng Quê Hương.
Nhiều tiết mục hấp dẫn khác dẫn dắt người nghe qua nhiều làn điệu và tiết tấu, khi sầu bi ai oán, lúc thơ thới hân hoan, với các thể điệu kết hợp trong những bi kịch lịch sử như “Vọng Chinh Phu” trong thể điệu Song Phi Hồ Ðiệp qua Chinh Phụ, sáng tác Giáo Sư Nguyễn Văn Thinh, “Trương Chi Mỵ Nương,” “Văn Thiên Tường,” với các ca sĩ Phi Yến, Nguyệt Thanh và Thanh Thanh.
Thảo Trang và Thanh Hiệp trong bài vọng cổ “Huyền Trân Biệt Khắc Chung.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ðặc biệt là giọng ca của bé Bảo Trân, 10 tuổi, học trò của cô Ngọc Dung, đến từ Ðoàn Tiếng Vọng Quê Hương, San Jose. Không ai ngờ được một em bé gốc Việt, với làn hơi điêu luyện và cách nhả chữ Việt lưu loát, trong tà áo dài duyên dáng đã thể hiện xuất sắc điệu Ðoản Khúc Lam Giang qua bài “Về Lạy Quan Âm” (gồm bộ ba Phi Vân Ðiệp Khúc, Vọng Kim Lang và Ðoản Khúc Lam Giang, nên thường được gọi là bộ ba Văn Giỏi) do nghệ sĩ Văn Giỏi sáng tác năm 1976, kết hợp âm hưởng của ca nhạc Huế và dân ca miền Nam.
Trong phần hai của chương trình, những tiết mục đặc sắc nữa lại đến với khán thính giả qua những bài vọng cổ, một tiết mục không thể thiếu trong các chương trình đờn ca tài tử với bài “Lá Trầu Xanh,” Thanh Thanh trình bày.
Hai nghệ sĩ thân hữu của Ðoàn Văn Nghệ Lạc Hồng, Thảo Trang và Thanh Hiệp, cống hiến khán thính giả bài vọng cổ “Huyền Trân Biệt Khắc Chung,” nói về chuyện tình ngang trái bi thương trong lịch sử Việt Nam, một công chúa vì quê hương đất nước mà dẹp bỏ tình riêng, lên đường sang Chiêm quốc làm vợ vua Chiêm để mang lại thanh bình cho hai dân tộc.
Khán thính giả vẫn ngồi lại đến giờ phút chót để thưởng thức, và các nghệ sĩ tiếp tục tục cống hiến.
Liên tục trong chương trình, tiết mục tân nhạc với “Trở Về Bạc Liêu” sáng tác Vũ Ðức Sao Biển qua tiếng hát Thiên Hương, rồi tân cổ giao duyên với nhạc phẩm “Ðò Tình Lỡ Bước” sáng tác nhạc sĩ Hoài Linh, soạn giả Loan Thảo viết lời vọng cổ, Thanh Hiệp trình bày, tiếp theo là Kim Anh với bài “Cảm Xuân Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn” sáng tác của soạn giả Cao Hoài Sang viết theo điệu Chiêu Quân, “Tình Bằng Hữu” sáng tác Trần Thiên Hùng, trình bày Thanh Thanh, “Ðêm Tài Tử” sáng tác cố soạn giả Trần Ngọc Thạch, Nguyệt Thanh trình bày.
Các giáo sư và ca nhạc sĩ trong đêm ca nhạc tài tử. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ðặc biệt, thính giả được nghe “Ngũ Khúc Long Phi” (năm khúc nhạc rồng bay), nhạc sĩ Võ Văn Phú sáng tác năm 1979, tổng hợp của 20 bài bản tổ, gồm có 5 khúc, hơi Bắc, hơi Oán, hơi Xuân, hơi Ai và hơi Hạ (hoặc Lễ).
Nét độc đáo của Ngũ Khúc Long Phi được soạn giả Trần Ngọc Thạch chuyển thể qua bài “Ðêm Tài Tử,” ca sĩ Nguyệt Thanh trình bày cùng với tiếng đàn của hai đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng và Tiếng Vọng Quê Hương.
“Phong Ba Ðình,” với tiết điệu vui tươi rộn ràng đã khép lại chương trình.
Các giáo sư Châu Nguyễn, Nguyễn Thị Mai và Ngọc Dung xuất thân từ Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn trước 1975, học nhạc miền Nam với các vị thầy nổi tiếng như Hai Biểu, Ba Dư, Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Vĩnh Bảo, Trần Viết Vấn, Nguyễn Hữu Ba, với các bộ môn nhạc cụ cổ truyền dân tộc như đàn nhị, đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà,...
Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng thành lập tại Mỹ năm 1989 do các giáo sư Châu Nguyễn và Nguyễn Thị Mai đồng sáng lập, thời gian qua đã tham gia trình diễn trong cộng đồng Việt Nam và các cộng đồng bạn khắp nơi, trong các tiết mục đờn ca tài tử cũng như đào tạo rất nhiều học trò thế hệ trẻ tại Mỹ.
Nói với Người Việt, cô Nguyễn Thị Mai, vị giáo sư nặng lòng với nền âm nhạc cổ truyền, cho biết ngày nay âm nhạc tài tử Miền Nam đã lan rộng và đi sâu vào các tầng lớp, và bà muốn giữ lại những tinh túy của nó, bởi vì đây là một dòng lịch sử bắt đầu từ thời kỳ Pháp đô hộ, phát sinh từ lòng yêu nước, mà nếu học hoài chắc cũng không bao giờ xong.
Bà muốn truyền lại hết cho các em, nhất là thế hệ sinh ra tại Mỹ, bị trở ngại vì ngôn ngữ, nhưng bà cũng rất mừng vì có các em học sinh từ lứa tuổi 5, 6 đến 18 tuổi, đang say mê theo học các lớp nhạc tài tử, các lớp học đàn cổ truyền Việt Nam và tham gia các buổi trình diễn lớn với nhiều tiết mục ca múa cùng vũ đoàn và ban hợp xướng Lạc Hồng.
Các em rất vui khi được trình diễn cùng với các bạn người Mỹ và các cộng đồng khác ở các trường đại học, các trung tâm, thư viện... đó cũng là những chứng chỉ tốt trong chương trình học của các em.
Còn Giáo Sư Ngọc Dung cho biết Ðoàn Văn Nghệ Tiếng Vọng Quê Hương được thành lập năm 1986, từ đó đến nay vẫn tồn tại và phục vụ cho cộng đồng người Việt tại San Jose, miền Bắc California và cả những cộng đồng nào muốn gìn giữ bản sắc dân tộc trong những buổi trình diễn. Mỗi tháng đoàn họp sinh hoạt một lần, các hội viên ôn luyện những bài bản sẽ trình bày, và mỗi tuần phải học đều. Ngày 11 Tháng Chín hàng năm, sắp tới đây đoàn sẽ làm lễ giỗ Tổ âm nhạc cổ truyền.
Và ngày 16 Tháng Mười tới đây, Ðoàn Tiếng Vọng Quê Hương sẽ làm một buổi văn nghệ từ thiện giúp người khiếm thị và những bệnh nhân phong bất hạnh tại Việt Nam, cô Ngọc Dung chia sẻ.
Related news items:
Tin mới
- Cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng đại hội 'Lưu Bút Ngày Xanh' - 19/05/2016 16:31
- Cá chết, nước mắm hết? - 18/05/2016 11:46
- Chuyện xảy ra ngày xuống đường 08/05/2016 - 17/05/2016 19:33
- Tập Aikido để chiến thắng chính bản thân mình - 17/05/2016 00:50
- Quantin Phạm và kế hoạch đạp xe xuyên nước Mỹ - 15/05/2016 19:39
- Chân dung một lính cứu hỏa gốc Việt ở Garden Grove - 15/05/2016 19:27
- Sài Gòn biểu tình trên diện rộng - 15/05/2016 13:37
- Trẻ em và người lớn, học chơi nhạc và học nghe nhạc - 13/05/2016 23:49
- Sáu cây cầu gắn với lịch sử Sài Gòn. - 11/05/2016 19:38
- Vợ LS Nguyễn Văn Ðài điều trần nhân quyền tại Hạ Viện Mỹ - 11/05/2016 19:24
Các tin khác
- Khánh thành Viện Bảo Tàng Lịch Sử QLVNCH ở Little Saigon - 09/05/2016 14:43
- Lo ngại động đất ở Nam California tăng theo thời gian - 06/05/2016 19:09
- Thượng Viện California công nhận Ngày Áo Dài - 04/05/2016 11:49
- Lặng người xúc động cùng Du Ca trong 'Ðường Việt Nam' - 04/05/2016 11:45
- Tuyệt vời đêm ‘Hương Việt’ với Vũ Đoàn Việt Cầm - 04/05/2016 11:35
- Quảng Bình, Hà Tĩnh: Cá chết, xóm làng đìu hiu - 03/05/2016 17:05
- Tập Hồi ký của GS Vũ Quốc Thúc: Từ nguyên bản đến bản dịch Anh Ngữ - 29/04/2016 23:52
- 'Bà quả phụ Trung Tá Dù' nuôi 9 đứa con mồ côi - 29/04/2016 23:29
- Ngày mất Ðà Nẵng là ngày giỗ chồng - 29/04/2016 14:05
- Cựu Trung Tá Trần Ngọc Huế, 'người hùng thầm lặng' - 28/04/2016 10:34