Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trẻ em và người lớn, học chơi nhạc và học nghe nhạc


LITTLE SAIGON (NV) - Các giáo sư dạy đàn người Tây phương thường rất ưa dạy học trò Á Châu, vì đa số các em có khả năng chú tâm cao hơn các bạn Âu Mỹ - trừ khi các em mang hội chứng Thiếu Chú Tâm (Attention Deficit/Hyperactivity Disorder hay ADHD). Khả năng tập trung (hay chú tâm, concentration) của các em là yếu tố quan trọng để trẻ có thể học nhạc và chơi nhạc thành công, ngoài các yếu tố khác như liên hệ giữa các em với thầy cô, tâm lý và hoàn cảnh sống của trẻ...

hocnhac
Từ trái: Tứ tấu Wes Luke, Bằng Lăng Ðỗ, Heather Huckleberry, James Sherry. (Hình: Tiểu Huyền cung cấp)

Trong thời hiện đại, trẻ được chơi các trò điện tử sớm quá, nên khả năng tập trung của các em Á cũng như Âu Mỹ đều giảm sút. Giáo sư âm nhạc, Ðỗ Bằng Lăng, nghĩ là cô đã rất may mắn, biết thực tập Mindfulness (tỉnh thức, chú tâm) từ khi mới lớn, nên cô học nhạc rất mau, và thành công trong nghề nghiệp. Do đó, hai giáo sư James Sherry và Ðỗ Bằng Lăng cho biết họ thường cho các em thực tập luyện sự chú tâm ngay trong lúc tập đàn. Trước hết, giáo sư dạy cho trẻ em biết cách theo dõi hơi thở, rồi tập có ý thức vào thế ngồi, thế đứng, sau đó chú tâm vào các nốt nhạc và lắng nghe giai điệu do thầy làm mẫu.

Ðể sửa soạn cho trẻ yêu và chịu khó tập đàn, theo hai giáo sư, các em từ lúc còn thơ (1 tới 4-5 tuổi), nên được cha mẹ hay ông bà cho tham dự các chương trình Early Childhood Music (Âm nhạc cho bé thơ). Các em sẽ được nghe nhạc trong các trò chơi chung với nhóm bạn cùng lứa... Người Âu Mỹ thường cho con trẻ học chung với mẹ, bà, hay người coi sóc các em, từ khi chưa đi mẫu giáo, trong khi hầu hết các trường, lớp nhạc của người Việt hình như chưa huấn luyện trẻ theo lối này. Kindermusik là phương pháp dạy cho trẻ em biết yêu nhạc, được phát triển từ Ðức Quốc trong thập niên 1960, lan qua Mỹ sau mười năm, và ngày nay có khoảng 5,000 giáo viên chuyên dạy cho các bé chơi và vận động tay chân, lắc lư thân mình theo điệu nhạc.

Loài người gần như là sinh vật hiếm hoi có phản ứng đối với nhịp điệu (Rythm). Khi nghe thấy tiếng đàn hát, phản ứng tự nhiên của các em bé là gật gù, đập chân, vỗ tay hoặc đứng lên nhảy nhót. Chỉ có vài loài chim là có phản ứng như vậy mà thôi. Nếu trẻ được nghe nhạc và giơ tay chân theo nhịp điệu từ bé, thì khi học đàn, các em sẽ giữ nhịp điệu và sau này học nhạc dễ dàng hơn.

Giáo Sư Bằng Lăng cho biết sau nhiều năm dạy dương cầm cho các thanh thiếu niên Việt Nam, Trung Hoa, Carribean và người trẻ từ Phi Châu (trong trường Divine word college, Iowa), cô thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các em khác nguồn gốc. Học sinh Á Châu giỏi về nhịp hơn so với các em từ quần đảo Carribean hay Phi Châu - là những trẻ không được nghe nhiều loại âm sắc khác nhau khi còn bé thơ.

Ðộc giả muốn xem tứ tấu, gồm Ðỗ Bằng Lăng (dương cầm), James Sherry (Trumpet), Wes Luke (vĩ cầm-Violin) và Heather Huckelberry (Oboe), có thể vào website dưới đây để ghi danh và in vé, hoàn toàn miễn phí. Buổi trình diễn tứ tấu diễn ra ở Little Saigon, nhà thờ Lutheran King of God, 10280 Slater Avenue, từ 7:30PM tới 9:30PM, Thứ Sáu, 3 Tháng Sáu, 2016.
http://www.eventbrite.com

Ðối với người lớn và các em mới học nhạc mà không có năng khiếu nổi bật, Giáo Sư James Sherry đã và đang dạy nhạc theo phương pháp M3 (Mindful Music Making) cũng có thể gọi là Học Tỉnh Thức và Lắng Nghe Sâu. Người học không chỉ là trẻ em mà các bạn đang đi làm cũng nên tập lắng nghe nhạc (Deep Listening) để có thể thưởng thức trọn vẹn âm thanh của bản nhạc mình yêu thích. Sự tập luyện này giúp cho họ được relax, giải bớt stress do công việc hay từ gia đình. Mindfulness cũng giúp cho học sinh tiến bộ khá nhanh trong trường học và trong lớp nhạc.

Trong câu chuyện về dạy nhạc cho trẻ em, hai giáo sư Bằng Lăng và James Sherry cho biết: Khi hát hợp ca hay hòa nhạc trong một ban nhạc lớn hay nhỏ (band hay choral), mỗi thành viên phải biết nghe nhau thì mới hát đúng và tạo ra âm thanh đẹp. Cũng như khi chuyện trò cùng người khác, nếu không biết lắng nghe nhau thì cả hai đều nói mà không thể hiểu nhau. Trẻ tập đàn hay một nhạc khí cũng cần biết lắng nghe âm thanh em thể hiện ra khi dùng nhạc cụ.

Ða số học sinh tham dự chương trình STEAM (Science Technology Engineering Arts Math) của hai giáo sư Sherry và Bằng Lăng, không phải là các em đã chơi nhạc giỏi. Các học sinh đã có kinh nghiệm cũng như các trẻ mới bắt đầu chơi nhạc, mỗi em được giao phó cho một nhiệm vụ khác nhau, chỉ cần biết lắng nghe nhau, là có thể hòa nhạc hay hát chung một bản nhạc về đề tài mà các em đã đồng ý với nhau trước khi ca hát hay hòa đàn.

Âm nhạc cho tuổi vàng

Tại vùng Little Saigon, phong trào học hát và trình diễn nhạc của các vị sắp hay đã vào lứa tuổi vàng, hiện nay đang phát triển rộng rãi. Một số ít hơn lại ưa nghe nhạc không lời, nên tới trường học vài lớp Music Appreciation để biết thưởng thức các tác phẩm danh tiếng trong nền âm nhạc cổ điển Tây phương (Classical Music), hay biết nghe và hiểu các nhạc kịch Opera, hiểu và thưởng thức loại nhạc Jazz, có lịch sử từ thời nô lệ họp nhau ca hát - đầu tiên tại vùng New Orleans (USA), v.v...

Những người đã về hưu, nhiều khi buồn chán, cũng có thể học lắng nghe sâu (Deep Listening) để cảm nhận được cái đẹp của một giai điệu âm thanh hay tiếng chim hót, tiếng thông reo. Trong thế giới âm thanh, cái đẹp nằm ngay trong tâm thức người nghe. Khi tâm mở ra, khi biết lắng nghe thì ta dễ chấp nhận và cảm nhận được các nét đẹp tiềm ẩn trong âm thanh. Biết lắng nghe sâu các âm thanh sẽ mang cho người nghe sự bình an và sung sướng. Có nhiều khoa học gia đã khám phá ra các ảnh hưởng tích cực của của các âm thanh đẹp trên cơ thể con người.

Ðối với các vị ở lứa “tuổi vàng” trên dưới 65, hai giáo Sherry và Bằng Lăng nghĩ rằng các vị ấy sẽ rất vui nếu biết lắng nghe và thưởng thức âm nhạc, có một số hiểu biết về âm nhạc và biết được ảnh hưởng của âm nhạc vào não bộ, tâm tình, cảm xúc, v.v... Ngoài ra, các vị cao niên cũng như học sinh nhỏ tuổi, khi biết chơi nhạc theo lối ứng tấu (Music Improvisation), cũng có nhiều thú vị: chơi đàn mà không cần ngồi hàng giờ để tập cho thuộc bài. Hai giáo sư James và Bằng Lăng đã nghiên cứu và ứng dụng về phương pháp tập nhạc cụ theo hứng (Improvised Music) từ nhiều năm. Họ cũng tham gia rất tích cực các hội nghị quốc tế về vấn đề dạy nhạc “ứng tấu” cho trẻ em và người lớn. Từ năm 2006, hội ISIM (International Society for Improvised Music) cổ võ cho một xã hội trong đó con người chấp nhận và hòa đồng với nhau một cách rộng rãi. Khi cùng nhau chơi nhạc Ngẫu Hứng, người ta dễ có thêm cảm thông, hiểu biết và lòng bao dung nhau. Trước đây người ta chỉ chơi nhạc Jazz ngẫu hứng, nhưng ngày nay các nhạc sĩ có thể “ứng tấu” đủ loại nhạc, và họ có thể mời khán giả tham dự bằng cách hát hay đọc thơ, mở đầu cho bản nhạc mà nhạc sĩ ngẫu hứng tấu lên bản đàn.

Switch mode views: