Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyện 'thoát chết' của tài xế taxi bị 3 tù vượt ngục bắt cóc


WESTMINSTER, California (NV) - “Ngày hôm qua cô gọi đến, tôi vẫn còn rất sợ nên có hơi lớn tiếng với cô. Nhưng mà bạn bè quen biết nói với tôi rằng tôi không phải sợ hãi, hãy nói ra sự thật câu chuyện. Nên bây giờ cô muốn biết gì tôi sẽ nói, như tôi khai với cảnh sát vậy.”

Ðó là ông Mã Long, người đàn ông nhận mình là tài xế lái taxi bị ba người tù vượt ngục bắt cóc suốt bảy ngày, rồi được tù nhân Bắc Dương, một trong ba người tù vượt ngục, cứu sống, bắt đầu câu chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt tại tòa soạn vào sáng Thứ Ba, 2 Tháng Hai.

malong 1
Ông Long "lái taxi chui" - người bị những người tù vượt ngục bắt cóc 8 ngày (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nhật báo Người Việt có nhắn tin và gởi hình của ông cho anh Lee Trần, một người có mặt tại tiệm Auto Electric Rebuilders ở Santa Ana, nơi ông Bắc Dương ra đầu thú, nhờ xác nhận.

Anh Lee Trần viết: “Tôi không biết cá nhân ông, nhưng ông là người bước vào tiệm hôm đó và nói là ông Bắc Dương đang ngồi ngoài xe.”

Ông Mã Long năm nay 75 tuổi, “shared phòng” và sống một mình ở Garden Grove, làm nghề lái taxi đưa đón khoảng tám hoặc chín tháng nay. Có thể một phần do hãy còn hoảng hốt qua những gì xảy ra, một phần do sức khỏe, nên cuộc nói chuyện kéo dài hơn một tiếng rưỡi đôi lúc bị đứt quãng.

Cuộc gọi lúc 9 giờ 30 tối Thứ Sáu

“Hôm đó là Thứ Sáu, 22 Tháng Giêng, lúc 9 giờ 30 tối, tôi đang ngủ thì nhận được điện thoại gọi đến quán Ngon ở góc đường McFadden và Ward, Garden Grove, chở người. Tôi nghĩ chắc mấy người đi nhậu kêu chở về,” ông Long kể.

Khi đến nơi, thấy một người lên xe, rồi hai người nữa lên xe, “cả ba người đều là đàn ông, hai người Việt, một người Trung Ðông.”

“Tôi hỏi, 'Ba người lận sao? Mấy chú muốn đi đâu?' Lúc đó tôi đâu có nghi ngờ gì,” ông tiếp tục.

Khi được hỏi, ông Hồ Cường, chủ nhân quán Ngon, cho biết lúc đó ông không hề biết chuyện này.

Rồi ông kể, “Vài ngày sau cảnh sát có đến hỏi tôi, tôi cũng nói không biết. Sau đó họ đòi coi băng video an ninh, tôi cho họ coi nhưng họ cũng không thấy ai hết. Sau đó, tôi có nghe họ nói hình như ba người này vào quán nào gần đó.”

Theo lời đề nghị của ba người hành khách, ông Long chở ba người đến Walmart ở góc đường McFadden và đường Harbor, Santa Ana.

“Tên Trung Ðông (cách ông Long gọi Hossein Nayeri) xuống xe, rồi khoảng 10 phút sau quay trở lại. Khi đó, tên Bắc (sau này tôi mới biết tên) hỏi tôi có chở đi Rosemead được không. Tôi nói được, có tiền là đi. Họ hỏi giá. Tôi nói công chở từ quán Ngon đến đây 3 người là $30, đi Rosemead nữa thì tổng cộng $100. Bắc lấy tờ $100 đưa tôi. Tôi hỏi đến đâu để bấm GPS cho dễ đi thì họ bảo không cần, để họ chỉ đường,” vẫn theo ông Long kể.

Ông chở nhóm người này đến một cửa hàng Target ở Rosemead, “khi đó hơn 10 giờ tối.”

Tại đây, “tên Trung Ðông” vô Target, hai người còn lại ngồi trong xe cùng ông Long, theo ông kể.

Sau hơn một tiếng đồng hồ, “tên Trung Ðông” trở ra, “hắn mua đồ đạc nhiều lắm, kêu tôi mở cốp xe bỏ vô.”

Tiếp theo đó, Bắc kêu ông Long, “Chở tôi đến nhà má tôi gần đây.”

“Tôi chạy được một khúc, tới một quán cà phê, kế bên có một tiệm giặt đồ, tôi không nhớ tên tiệm vì tất cả tắt đèn tối thui. Bắc vô tiệm cà phê chừng 2-3 phút thì trở ra,” người tài xế taxi kể tiếp.

Sau khi lên xe, ông Long nghe Bắc nói bằng tiếng Anh gì đó với Tiêu (cách ông gọi Jonathan Tiêu, người trẻ nhất trong nhóm) mà ông không hiểu.

“Chỉ đến khi Tiêu lấy cây súng ra đưa cho Bắc, và Bắc chĩa vào bụng tôi thì tôi mới hiểu chuyện gì xảy ra,” ông Long nói.

Bắc nói “mượn xe đi vài ngày” rồi thò tay rút chìa khóa, kêu ông Long xuống xe, ra ngồi ở băng sau cùng với Tiêu, còn Hossein Nayeri ngồi vào chỗ tài xế.

“Họ khóa cửa xe làm sao mà người ngồi trong xe không mở được. Tôi chạy xe bao lâu nay mà không hề biết làm điều này,” ông nói thêm.

Ông Long nói, “Lúc đó tôi quá run.”

Sau khi lái xe đi lòng vòng thì họ dừng lại ở một motel ông Long không nhớ tên, “họ kêu tôi đưa ID để vô mướn phòng. Tôi ở cùng với họ trong một phòng có hai giường. Tôi ngủ chung giường với Bắc.”

Ông cho biết, “Tâm trạng tôi hoàn toàn hoảng sợ. Tôi có tật hút thuốc vậy mà không dám bước xuống giường, không dám nhúc nhích, không dám hó hé gì hết. Ðến khi mắc tiểu quá, tôi mới khều Bắc nói tôi muốn đi restroom rồi mới đi. Khi mệt quá cũng thiếp đi một chút.”

Ngày thứ hai bị bắt cóc (Thứ Bảy, 23 Tháng Giêng)

Ông Long kể, sáng ngày hôm sau, Thứ Bảy, 23 Tháng Giêng, sau khi thức dậy, họ chở nhau đến một quán ăn ông cũng không thể nhớ tên.

“Tôi kêu tô mì mà chỉ ăn vài viên chả cá thôi, không thể nuốt nổi,” ông kể.

Rời quán ăn, Hossein Nayeri vẫn là người lái xe, chở tất cả đi lòng vòng, “nhìn các bảng hiệu tôi nghĩ đó là downtown ở Los Angeles, rất đông đúc.”

“Họ lái xe vô một bãi đậu xe trên lầu và ăn cắp 3-4 bảng số xe, toàn những bảng ghi chữ chứ không ghi số,” ông Long nói.

Trên xe, ông Long nghe họ bàn tính “tùm lum,” lái xe đến chiều mà “không ăn uống gì hết.”

Sau đó đến một chỗ rất vắng, Bắc xuống xe.

Người tài xế nhớ lại, “Chờ hơn nửa tiếng thì Bắc gọi điện thoại ra. Không biết nói gì, chỉ thấy tên Trung Ðông chở tôi và Tiêu về lại Rosemead. Mọi người gặp Bắc ở đây, khi đó Bắc hớt tóc cao rồi. Bắc kêu Tiêu đi hớt tóc luôn. Khi đó tôi mới biết là Bắc đã lấy được một chiếc xe van.”

Tối đó, họ lái về thuê một motel khác, cũng bằng ID của ông Long, theo ông kể.

Cũng từ hôm ấy, ông Long mới biết ba người đàn ông này là ai, vì “họ mở TV coi tin tức và chỉ cho tôi coi hình họ trên đó.”

malong 2
Ông Mã Long tại tòa soạn báo Người Việt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ba ngày tiếp theo (Chủ Nhật, Thứ Hai, Thứ Ba)

Ngày Chủ Nhật, ông Long bị nhốt trong phòng không được ra ngoài và “lúc nào cũng có một người canh chừng tôi, thường là Tiêu. Chúng tôi không có nói gì với nhau. Tiêu hiểu tiếng Việt nhưng không nói tiếng Việt được.”

Theo ông Long, mỗi khi trở về motel thì Bắc và “tên Trung Ðông” lại “bàn cãi tùm lum.”

“Tôi không rành tiếng Anh, nhưng tôi nghĩ là tụi nói tranh cãi chuyện giết tôi, vì tôi có nghe tên Trung Ðông nói 'bùm,' còn Bắc thì phản đối, rồi tụi nó gây gổ nhau.”

Ngày Thứ Hai, Bắc chở ông Long đến một tiệm Rite Aid để lãnh tiền từ một tấm chi phiếu, nhưng “vì số tiền lớn nên họ phải đến Western Union để lãnh.”

“Tại đây, Bắc lấy căn cước của tôi rồi tự điền giấy tờ, rồi bắt tôi là người ký tên để lãnh $3,000 tiền mặt. Bắc tự nói cho tôi biết (chứ tôi đâu dám hỏi gì) đó là tiền của mẹ tên Trung Ðông gửi qua,” ông Long kể tiếp.

Ông nói thêm, “Tôi không nhớ chắc là trong ngày đó hay ngày hôm sau, tôi nói với họ là tôi bệnh tiểu đường, bệnh tâm thần, cao mỡ, nếu không có thuốc thì tôi sẽ chết. Họ bàn với nhau, rồi để Bắc chở tôi về nhà lấy thuốc. Nhưng trước khi đi họ điều tra tôi rất kỹ, hỏi nhà tôi có ai, share phòng với ai, chủ nhà là ai, có bao nhiêu người share phòng, ngủ ở đâu.”

“Tôi share phòng ở một mình, không vợ con gì hết,” ông nói thêm.

Người đàn ông bị bắt cóc giải thích, “Sở dĩ tôi đòi về lấy thuốc là tôi muốn viết lá thư để lại cho người bạn tôi đi cứu tôi, bạn tôi tên Lộc. Bắc giúp tôi bỏ thuốc vào túi, xếp quần áo giúp tôi mang theo.”

Lợi dụng lúc được Bắc đồng ý cho vào nhà vệ sinh, ông Long viết mảnh giấy có nội dung, “Gọi gấp cho Lộc, số điện thoại... Tụi nó bắt cóc, kêu tôi mướn phòng, muốn tìm bắt tụi vượt ngục, tìm tên tôi ở motel.”

Ông không dám để tờ giấy ở ngoài, mà “để vào trong cái ly nhựa cao cao dùng để hứng nước rửa mặt.”

“Khi tôi nhét vào thì tôi nhớ rõ ràng là cái ly trống, không có gì hết. Nhưng khi tôi được thả về, tôi vào tìm lại lá thư thấy trong ly có cái bàn chải, và cái thư còn trong ly. Vậy tức là có người thấy nhưng họ không dám gọi,” ông nghĩ.

Theo lời ông Long, nhà ông thuê có bà chủ ở cùng hai người con trai, ngoài ra còn có một cô sinh viên ở trọ.

Sau ba đêm ở motel, đến ngày Thứ Ba, trước khi rời khỏi đó, ông Long mới nhìn thấy được số phòng là 116 và tên motel là Flamingo.

Tiến về San Jose

Ông Long nhận ra ông đang được Bắc chở đi San Jose nhờ nhìn thấy các bảng tên đường.

“Bắc chở tôi bằng xe của tôi. Tên Trung Ðông và Tiêu đi bằng xe van do Bắc lấy. Khi đó, tôi mới nhìn thấy chiếc xe van đó gắn những bảng số mà tụi nó ăn cắp ở bãi đậu xe trước đó.

Ðến San Jose, ông Long cũng được yêu cầu đưa ID để mướn phòng ở motel.

Ông nói, “May mắn là tôi nhìn được cái danh thiếp của motel là '1050 Alabeta, phòng 114.'”

Sau một đêm ngủ ở San Jose, sáng hôm sau, Thứ Tư, ông Long được Bắc thông dịch cho biết là “tên Trung Ðông và Tiêu rủ ông đi biển chơi.”

“Khi đó tôi tin chắc là chúng nó dẫn tôi đi thủ tiêu. Khi vào tay chúng, sau hai ngày đầu hoảng sợ, đến ngày thứ ba, tôi nghĩ sống chết do trời, mà chết thì coi như 99% rồi, nên tôi nghĩ thôi không còn gì phải sợ, thà làm con ma no, tụi nó mua gì tôi cũng ăn, và vui vẻ trong lòng,” ông nhớ lại.

Thế nhưng sau khi đi lòng vòng trên biển, “tôi nhớ là Santa Cruz,” ông nói “lạnh quá, đi về” thì họ lại chở ông về, dù đi bằng một con đường khác.

Ông nhớ tiếp, “Tối hôm đó, thằng Trung Ðông cũng đòi giết tôi, rồi Bắc và nó đánh nhau trong phòng. Thằng Trung Ðông đánh Bắc một thoi vô ngay mũi, một thoi vô cằm máu mủ tùm lum. Bắc không đánh lại, nó bị thằng kia đè nằm cứng ngắc dưới đất. Tôi thì ngồi yên trên giường, không dám bước xuống. Thằng Tiêu cũng sợ, đi tới đi lui chứ không nói năng hay can ngăn gì.”

Sáng hôm sau, Thứ Năm, Bắc lái xe, chở ông Long và Hossein Nayeri “đi nhiều chợ, nhưng tôi chỉ nhớ được tiệm Ross bán quần áo.”

Ông Long nói tiếp, “Hồi đó giờ tôi đâu biết chữ vượt ngục là gì, nhưng nhìn thấy trên TV có chữ 'Inmate' tôi nhớ chữ đó, cứ tìm cơ hội xem có ai đứng gần đó thì tôi sẽ nói chữ đó để họ biết mà báo động nhưng không ai chú ý hết, không có ai mua đồ gần đó hết.”

Trên đường về, Bắc dừng xe tại một tiệm Home Depot để Nayeri vào mua đồ.

“Trong khi ngồi chờ ngoài xe, Bắc nói với tôi, 'Ði chú, tôi với chú đi về dưới.' Bắc nói vậy rồi làm thinh không nói gì nữa. Tôi nghe nhưng không trả lời. Tôi chỉ nghĩ tụi nó đang bày mưu lập kế giết tôi thôi chứ không hề nghĩ chuyện nó cứu mình,” ông Long kể tiếp.

Sau đó khi về đến motel, ông Long thấy “tên Trung Ðông thảy ra sợi dây thừng.”

Ông Long nói, “Khi đó khoảng hơn 2 giờ chiều. Tên Trung Ðông và Tiêu đi ra ngoài, mang theo chìa khóa xe tôi, nhưng Bắc kêu lại. Tôi thấy nó đưa chìa khóa xe tôi cho Bắc, rồi sau đó đưa luôn khẩu súng cho Bắc.”

“Chờ Tiêu và Nayeri đi khoảng 10-15 phút, Bắc kêu, 'Mau lên chú, mau lên chú, đi đi đi.' Chúng tôi rời San Jose lúc 3 giờ chiều. Trên đường lái xe về, Bắc có nói cho tôi biết tên Trung Ðông muốn giết tôi, nhưng Bắc không muốn, kêu tôi yên trí đi, rồi kêu tôi tháo pin điện thoại của tôi lẫn của nó ra. Nhưng tôi vẫn không tin Bắc,” ông Long tiếp tục câu chuyện kinh khủng nhất mà ông từng gặp phải trong đời.

Trở lại Rosemead, Bắc muốn ông Long cứu

Bắc đề nghị chạy về nhà ông Long ngủ đêm Thứ Năm, nhưng ông Long từ chối. Vì vậy, Bắc dừng lại ở Rosemead, thuê một motel, cũng bằng ID của ông Long.

Ðêm Thứ Năm cũng là một đêm khó quên với ông Long.

Ông kể, “Tối đó, Bắc ngồi nói chuyện với tôi. Nó khóc nhiều. Nó kêu tôi bằng 'bố,' nói tôi nhận nó làm con nuôi, rồi nói, 'Bố cứu con đi!'”

“Tôi hỏi cứu bằng cách nào,” ông Long nhớ lại, “Bắc nói muốn đi đầu thú.”

Theo ông Long, Bắc đề nghị phương án thứ nhất là ông Long báo cảnh sát để lấy $200,000 tiền thưởng.

“Bắc nói tôi giữ một phần, đưa má nó và hai con nó một phần,” ông Long kể. “Tôi trả lời giờ con kêu bố bằng bố, có thằng cha nào đi làm chuyện như vậy không? Tôi không làm. Tôi nói vậy nhưng thực ra lúc đó tôi đâu biết nó thực giả thế nào.”

Kế hoạch thứ hai của Bắc là “về Santa Ana, đến gặp Theresa Nguyễn, bạn của Bắc, kêu Theresa báo cảnh sát để nó đầu thú. Nhưng Bắc không có số điện thoại của Theresa. Bắc cũng tính để Theresa lấy một phần tiền thưởng, tôi một phần, để cho má Bắc một phần.”

Ông kể, “Kế hoạch thứ ba do tôi đề nghị. Tôi nói nếu Bắc muốn đầu thú thì khỏi làm gì hết, tôi sẽ chở Bắc đến sở cảnh sát đầu thú.”

“Bắc không chịu. Nói nếu đầu thú như vậy thì hãy tìm cho Bắc một luật sư vì tụi Mỹ nó ác lắm, nó đâu cần biết mình đầu thú hay gì đâu,” ông Long nói.

Trước lời đề nghị của Bắc, ông Long cho rằng “chỉ biết Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa của cộng đồng. Ðến đó chắc hy vọng luật sư sẽ giúp.”

Ðến tìm luật sư và Bắc ra đầu thú

Sáng Thứ Sáu, Bắc chở ông Long từ Rosemead chạy thẳng về văn phòng Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa ở góc đường Magnolia và đường Hazard, Westminster, ngay trung tâm Little Saigon.

Ông Long thú nhận, “Mãi cho đến khi trên đường đến tìm Luật Sư Nghĩa, tôi mới tin rằng Bắc cứu tôi, chứ từ khi rời San Jose tới giờ tôi vẫn nghĩ Bắc và tên Trung Ðông bàn mưu giết tôi thôi. Nghĩ vậy, nên tôi nói, 'Bắc, con cứu mạng bố. Bố sẽ nhớ ơn con.”

Ông Long cho biết, khi đến văn phòng Luật Sư Nghĩa, Bắc ngồi ngoài xe, ông Long vào trong.

“Tôi lên văn phòng, gặp cô thư ký trình bày câu chuyện. Luật Sư Nghĩa ngồi trong phòng lúc đó nhưng ông không nói gì hết, tôi chỉ nói với cô thứ ký. Tôi nói có người muốn đầu thú, tôi nói đó là một trong những người vượt ngục. Nhưng cô nói văn phòng này không chuyên về luật hình sự, kêu tôi đi tìm luật sư khác đi. Tôi năn nỉ hết sức, nhưng cô một mực từ chối rồi đuổi tôi đi. Tôi ở đó khoảng 5-10 phút gì đó. Cổ đuổi tôi đi. Ông Nghĩa ngồi một góc kia không nói gì hết, chỉ ngó thôi,” người tài xế taxi kể.

Ông tiếp, “Tôi xuống gặp Bắc, nói, 'thất bại rồi Bắc ơi, họ nói ở đây không tiếp tội hình sự. Bắc nói thôi vậy là 'chết rồi, chết rồi.'”

Khi nhật báo Người Việt gọi điện thoại đến văn phòng Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa để xác định tin này, thì Luật Sư Trần Sơn Hà, một phụ tá của ông Nghĩa, xác nhận, “Ông ấy (Long) có đến đây nhưng chúng tôi không phụ trách về hình sự nên chúng tôi không nhận.”

Sau đó, theo lời ông Long, Bắc lái xe trên đường Hazard, hướng về Santa Ana, rồi quẹo qua đường Harbor đến chỗ tiệm Auto Electric Rebuiders, nơi Theresa Nguyễn làm việc. Khi đó khoảng 11 giờ sáng.

Tại đây, Bắc đề nghị ông Long vào trong gọi Theresa hoặc Michael, là chồng của Theresa, ra gặp Bắc.

Không gặp được hai người này, chỉ có người đàn ông xưng là cha của Michael ra coi xe hư thế nào, như lời ông Long nói.

“Ông đó đi ra, dòm xe, rồi mở cửa nói gì đó với Bắc. Khi trở vô, ông gọi Theresa ra. Cô ấy ra hỏi tôi thì tôi nói có Bắc ngoài xe muốn gặp cô. Cô nghe tên Bắc không thấy có phản ứng gì đặc biệt hết. Cô kêu tôi đứng trong phòng đó, không được ra.”

“Rồi cô ra nói chuyện gì với Bắc đâu chừng 10 phút, rồi trở vô nói, 'Chú đi đi chú, lên xe đi mau đi, để Bắc tôi lo,’” ông Long kể.

“Tôi trở ra xe thì có chìa khóa xe đầy đủ hết. Theresa nói, 'Ði đi chú,' còn Bắc thì đưa tay vẫy vẫy như tạm biệt,” vẫn theo ông Long.

“Lúc đó tôi lái xe đi, bình tĩnh một cách lạ lùng. Tôi không về nhà mà lái xe qua nhà Lộc, bạn tôi ở đường Beach. Tôi vô nhà nói, 'Người chết trở về người chết trở về.' Tôi định để cho yên rồi mới báo cảnh sát.
Nhưng Lộc nói không được, mà chở tôi đi ngay đến Sở Cảnh Sát Orange County ở đường Flower, lúc đó trễ lắm là 1 giờ trưa Thứ Sáu,” ông Long tiếp tục câu chuyện.

Ông cho biết, ông ở sở cảnh sát đến gần 5 giờ chiều, rồi cảnh sát chở ông đi Rosemead để xác định lại những nơi ông và những người tù vượt ngục đã ghé qua, nhưng “tôi không nhận nhớ ra được, ngoại trừ tên motel là Flamingo và phòng số 116.”

“Lúc đi với cảnh sát thì tôi bình tĩnh nhưng không bình tĩnh hoàn toàn,” ông chia sẻ.

Những điều còn đọng lại

Ông Long sang Mỹ theo diện HO hơn 20 năm, cùng vợ và bốn người con, hai trai, hai gái. Ông nói ông từng rất khá giả nhưng khi ly dị vợ thì bước ra với ít bộ quần áo, và một chiếc xe cũ. Ông từng “cầm bảng đứng ăn xin nơi góc đường Brookhurst và đường Bolsa” và mới chạy taxi thời gian gần đây.

Ông nói, “Hiện giờ tối ngủ tôi vẫn thấy ác mộng, thấy có người hành hạ, giết mình chứ không thấy rõ là ai hết. Mặc dù trong những ngày đó ba người tù vượt ngục đó không làm gì tôi hết, không nói nặng nhẹ, không đánh một bạt tai. Nhưng ác mộng là do cái sợ của mình mà ra.”

“Nhìn lại thấy mình quá may mắn,” ông mỉm cười, sau những lúc cứ chùi nước mắt.

Khi được hỏi “ông nghĩ gì về Bắc Dương, người đã cứu ông?” ông trả lời, “Gia đình tôi, cá nhân tôi rất trọng cái ơn.”

Ông im lặng một lúc để dằn sự xúc động. Rồi ông tiếp, “Ai giúp tôi, tôi mang ơn, nhưng không phải mang ơn một ngày một bữa mà mang ơn suốt đời. Bắc là người cứu mạng tôi không mang ơn sao được.”

Ông nói thêm, “Nếu đêm đó tên Trung Ðông đừng đánh Bắc thì có lẽ mọi chuyện cũng khác. Bắc nói, 'Tôi vượt ngục với tụi nó, tính công chuyện làm ăn với tụi nó còn chưa xong mà nó còn đánh, hành hạ mình như thế này, thì nếu mọi chuyện xong rồi thì thế nào nó cũng giết tôi và chú thôi.'”

“Ngay tại lúc này, cảm xúc động lại trong ông là gì?”

Người đàn ông 75 tuổi cười, “Không nghĩ gì hết. Chỉ nghĩ được câu 'Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, ta còn một ngày nữa để yêu thương.'”

Switch mode views: