Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tâm tình của người ‘không về’


Gần 1,400 ý kiến. 87% Không Về; 9% Về

Sau hơn 5 ngày đăng bảng thăm dò ý kiến trên www.nguoi-viet.com, đề tài: “Người Việt Ở Nước Ngoài Có Về Việt Nam Ăn Tết?”, đã có gần 10 ngàn người vào xem, để lại nhiều ý kiến; trong số này 1,392 người bỏ phiếu với tỷ lệ 87% “không về,” và 9% “về.” (Kết quả thăm dò tính đến 3pm ngày 1 Tháng Hai, 2016).

xeco hanoi
Dòng người hối hả những ngày cuối năm trên đường phố Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Dưới đây là một vài ý kiến tiêu biểu cho các nhóm trả lời “về” và “không về.”

Ðộc giả LeDan, thuộc nhóm Không Về, mở đầu ý kiến bằng tình yêu quê hương của mình: “Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mả tổ tiên ông bà, nhiều kỷ niệm từ thuở ấu thơ bắt bướm hái hoa, thả diều ngoài đồng ruộng mỗi chiều hè lộng gió... Vì lý do đó mà khi lớn lên tôi tình nguyện nhập ngũ cầm súng chiến đấu để bảo vệ quê hương.”

Nhưng quê hương của độc giả “tới lúc suy vong nên gặp phải người đồng minh bội phản, quay lưng vì quyền lợi quốc gia của họ. Cho nên cả nước chịu chung số phận ly hương, người ở lại trong nước thì bị Cộng Sản đưa đi kinh tế ở Trường Sơn để trả thù, tài sản bị chúng cướp sạch, nhà cửa, đất đai cũng mất về tay đảng.”

LeDan viết, “nay ta ở nơi đất nước tạm dung, đời sống ổn đinh thì hãy dồn công sức vun quén dạy dỗ con cháu học hành giỏi giang, chờ ngày khôi phục lại giang sơn trong tay Cộng Sản và lãnh thổ, biển đảo bị mất trong tay Tàu khựa mà đảng Cộng Sản đã bán hoặc dâng hiến.”

LeDan kết luận: “Không về,” vì không có lý do gì “mang tiền đô la về dâng cho chế độ hàng chục tỉ Mỹ kim mỗi năm, để chúng nuôi đảng, kéo dài sự cai trị tàn độc và không có tự do, nhân quyền.”

Ðộc giả khác, có tên “Charlie Chang,” thì đưa ra kết luận là “hầu như người Việt ở Mỹ về Việt Nam ăn Tết là những thành phần hưởng tiền già, trợ cấp tàn tật, welfare...” còn “người trẻ, lớn lên ở Mỹ ít có nghĩ đến chuyện về quê Việt Nam ăn Tết.”

Ðộc giả tên Jennie thì đưa ra nhận định trực tiếp về hoàn cảnh một phụ nữ được đề cập trong bài viết. Người phụ nữ này nhớ những kỷ niệm ngày xưa với chồng mà quyết định về, để sống với kỷ niệm cũ. Jennie đưa ra lời khuyên: “Hãy can đảm lên, đừng cố gắng sống bên này mà lòng hướng về bên kia.”

Một độc giả khác, ký tên “Joe,” không thuộc về nhóm nào, đưa ra ý kiến trung dung: “Về ăn Tết là tại vì còn người thân chứ nếu không có người thân thì chẳng lẽ lại ăn Tết ở Việt Nam một mình? Cũng có thể về ăn Tết để tìm lại cái không khí Tết ngày xưa. Nhưng đã là xưa thì cũng khó mà tìm được cái xưa trong cái nay. Lý do là vì cái chắc chắn trường tồn trong đời là... sự thay đổi!”

Joe kết luận: “Năm hết Tết đến, dầu ăn Tết ở chỗ nào, cũng mong mọi người có một cái Tết vui vẻ.”

Ðộc giả khác, ký tên “Tran,” viết một ý kiến dài, phân tích nội tâm của mình, về việc có nên về hay không. Ý kiến vừa có tính tình cảm, vừa mang nặng lý trí, xin đăng nguyên văn:

“Tôi là người Việt tị nạn rời VN vào năm 1982. Tôi đang định cư tại Bắc Âu. Tôi cũng đã nhiều lần về thăm quê hương. Tôi đã được chứng kiến đời sống của người dân từ Bắc chí Nam, được nhìn sự thay đổi của đất nước, nhìn chung thì sự thay đổi khá lớn về kinh tế. Ðời sống của người dân khá hơn so với thập niên 80 nhưng về chính trị thì chẳng thay đổi bao nhiêu.

“Quyền tự do ngôn luận bị giới hạn, tệ nạn tham nhũng từ các cấp, quan liêu của các người có quyền có chức. Nhưng nói chung đã chấp nhận về lại Việt Nam trong lúc này thì tôi phải chấp nhận các điều đó dù rằng tôi không muốn và theo tôi đã tự biện hộ phải chăng sự có mặt của tôi trên quê hương là sự trao đổi hai chiều: Nhà nước cần tiền và tôi cần về để thăm quê hương và người thân.

“Dù rằng tôi đã nhiều lần tự biện hộ để được về, nhưng sau mỗi lần về thật sự tôi cảm thấy vô cùng áy náy và khó chịu với lương tâm của tôi, khi tôi biết dân tộc tôi đang khao khát tự do và dân chủ thật sự cho chính họ. Có rất nhiều anh chị em của nhiều thế hệ đã và đang dấn thân sẵn sàng chấp nhận mọi bạo lực, đàn áp, tù đày và sự hy sinh cả tính mạng trước chính quyền CSVN. Chính quyền CSVN sẽ sử dụng hình thức nào, chắc chúng ta là công dân Việt Nam đã biết rồi, dã man và khủng khiếp. Nhưng làn sóng dấn thân của người đấu tranh Dân Chủ và Tự Do tại Việt Nam càng lúc càng nhiều. Cho nên tất cả sự dấn thân của con người quá sức kiên cường và dũng cảm đã làm tôi phải thức tỉnh và nhìn lại mình. Tôi phải xét lại sự có mặt của tôi tại Việt Nam trong lúc này đúng lúc hay không. Tôi đã tự trả lời KHÔNG. Bởi tôi có mặt tại Việt Nam trong lúc này không khác chi tôi đã tự thừa nhận VN thật sự có Dân Chủ và Tự Do và phủ nhận sự dấn thân của những người đã thắng được sự sợ hãi, sẵn sàng chấp nhận mọi bất trắc cho bản thân để đòi quyền làm người dưới chế độ độc tài. Sự đòi quyền Tự Do và Dân Chủ này không phải chỉ cho bản thân của họ mà cho toàn dân tộc Việt Nam.

“Thân phận của tôi hôm nay đã được ổn định đời sống vật chất, thừa hưởng quyền tự do và dân chủ của đất nước tôi đang sống. Còn tại quê nhà, người dân đang khao khát từng ngày từ giờ mong được tự do và dân chủ như tôi. Cho nên tôi nhận ra được mình không nên có mặt tại Việt Nam trong lúc này để ủng hộ tinh thần những người kiên cường bất khuất của dân tộc, trong khi tôi cũng là công dân Việt Nam nhưng tôi đã không làm được gì cho quê hương và dân tộc tôi trong khi quê hương đang cần nhiều người dấn thân trong công cuộc cải cách chính trị này.

“Nơi tôi ở là đất nước có cộng đồng Việt Nam rất ít. Xuân đã về, không khí đón Xuân rất tẻ nhạt, nỗi nhớ quê càng nhiều hơn, nhưng riêng tôi đành chấp nhận sự mất mát này để xin chia sẻ nỗi vất vả và đau thương của dân tộc đang bị đảng Cộng Sản thống trị trên quê hương Việt Nam.

“Tôi chia sẻ những gì nơi đây không có ý chỉ trích người khác. Tôi luôn tôn trọng sự lựa chọn về hành vi và cách sống của người khác dù rằng có khác nhau trên quan điểm. Tôi chỉ xin mượn trang báo Người Việt để trang trải sự thẹn lòng của tôi trong thời gian qua, và tôi tìm lại cho tôi một cách sống tích cực hơn về trách nhiệm và bổn phận của công dân Việt Nam.”

(Cuộc thăm dò ý kiến còn kéo dài đến ngày 8 Tháng Hai (giờ California). Ðộc giả có ý kiến hoặc muốn bỏ phiếu “về,” “không về,” xin vào www.nguoi-viet.com)

Switch mode views: