Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lao động Việt đón Tết ở xứ Đài


ngviet dailoan 1
Nguời lao động Việt ở Đài Loan (minh họa). AFP PHOTO

Theo thống kê của Bộ lao động Đài Loan đến nay có hơn 566.000 người lao động Việt Nam đang có mặt tại Đài Loan. Những lao động Việt Nam tại đây có tuổi đời khá trẻ, họ chủ yếu làm các ngành nghề như lao động sản xuất, lao động ngành nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng, dịch vụ…

Không khí đón tết ở xứ Đài

Không phải người nào cũng được nghỉ ngơi để đón Tết, đa số họ phải đi làm trong những ngày Tết. Mặc dù không có nhiều thời gian chuẩn bị vì phải làm việc trong những ngày Tết, nhưng những lao động ở đây vẫn chuẩn bị đầy đủ hương vị Tết.

Cô Hồng, một người lao động hơn 3 năm ở Đài Loan kể về việc chuẩn bị những hương vị Tết ở nơi đất khách cô nói, bọn em không có thời gian để làm, để gói bánh, nên bọn em ra ngoài quán Việt Nam ở đây để mua bánh chưng, bánh tét, giò lụa… vì người Việt Nam mình sang đây lấy chồng Đài Loan rất nhiều nên các cô dâu Việt ở Đài Loan thường mở quán bán đồ tết cho người Việt.

Ngoài việc mua bánh chưng, giò lụa… ở các quán Việt Nam tại Đài Loan, những người lao động còn có thể mua đồ Tết tại các Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý Công Nhân Và Cô Dâu Việt Nam, cô Hồng tiếp tục chia sẻ:

“Người ta muốn để giúp đỡ hoặc tạo quỹ cho văn phòng (Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý Công Nhân Và Cô Dâu Việt Nam) cho nhà thờ có thể hoạt động được, thì người ta có thể mua ở chỗ cha Nguyễn Văn Hùng, vì những công nhân đang cư trú ở Văn phòng Cha sẽ cùng cha gói bánh, nên có thể bán bánh gây quỹ được, và bọn em nghĩ nên về đó để mua vì sẽ gây được một cái quỹ nhất định nào đấy. Ở đây họ có bán bánh chưng, giò chả… và tất cả những vật phẩm đặc trưng của ngày Tết.”

    Em mong Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi độc tài để có một cơ hội phát triển lớn mạnh một chút, không còn trình trạng xuất khẩu lao động ồ ạt như bây giờ nữa. Để những người lao động trẻ như bọn em có thể cống hiến cho đất nước, chứ không phải cống hiến cho một nước sở tại Đài Loan chẳng hạn, bọn em có sức trẻ, có trí tuệ, nhưng bọn em cống hiến cho những đất nước khác chứ không phải Việt Nam.

Dù ở nơi đất khách quê người, nhưng những lao động ở đây luôn luôn nhớ tới Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Dù cho phải đi làm trong những ngày Tết cổ truyền.

Anh Phạm Hoài, đang làm việc cho một công ty điện tử tại Đài Nam kể rằng:

“Thông thường, bọn em tự tổ chức Tết, những anh em làm ca đêm (đêm 29 Tết) thì sáng 30 Tết đi chợ, còn bọn em làm ngày 30 Tết thì phụ giúp anh em về nấu ăn, mua bánh chưng, bánh tét, giò lụa, bày mâm ngũ quả… rồi cùng làm lễ thắp hương cúng tổ tiên. Nói chung trong công ty anh em tự tổ chức đón giao thừa với nhau.”

Trong trường hợp không muốn đón tết với anh em cùng công ty, những người lao động ở đây có thể ăn tết cùng hội đồng hương mà người đó tham gia, anh Phạm Hoài tiếp tục chia sẻ:

“Trước đây thì không có, nhưng gần 1-2 năm lại đây thì có nhiều hội đồng hương, như hội đồng hương Nghệ An, Hải Phòng… họ cũng tổ chức đón Tết. Nếu như mình không đón với anh em, bạn bè ở công ty thì mình đi đón Tết với hội đồng hương, ở chỗ hội đồng hương thì đông hơn.”

Anh Hồ Sỹ Cảnh, một người Công giáo Việt Nam đang làm việc cho một công ty ở Đài Bắc cho biết, Ngoài việc đón Tết với anh em cùng công ty, với hội đồng hương, những người công giáo tại Đài Loan còn có thể đón Tết cùng với Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý Công Nhân Và Cô Dâu Việt Nam do Cha Nguyễn Văn Hùng tổ chức tại các nhà thờ Công Giáo.

Anh Cảnh tiếp lời:

“Bên này, ở chỗ nào thờ thì cũng làm, cũng tổ chức giao lưu Văn nghệ, văn nghệ xong có Thánh lễ, rồi ăn tiệc, đón năm mới. Ở nhà thờ tổ chức thì tổ chức ban ngày thôi, còn buổi tối 10 giờ là phải về.”

Ước mong trong dịp đầu năm

Dù sống trên xứ người, nhưng những lao động này luôn ước mong một tương lai tốt đẹp đến với người Việt Nam ở khắp nơi, đặc biệt là những lao động Việt Nam ở nước ngoài. Bởi những người Việt khi đi lao động ở xứ người, một số ít trong họ thường đánh mất hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Anh Phạm Hoài mong muốn rằng:

“Em mong muốn người Việt Nam đi ra ngoài thì cũng nên giữ hình ảnh của dân tộc Việt Nam, bởi vì em thấy hầu như nước nào cũng vậy, không chỉ ở Đài Loan mà ở Hàn Quốc, Nhật, rồi các nước khác… em thấy báo chí họ đưa tin về người Việt Nam nào là ăn trộm, rồi nhiều vấn đề khác, mất hình ảnh lắm.”

ngviet dailoan 2
Những phụ nữ Việt đã kết hôn với công dân Đài Loan trong buổi kiểm phiếu diễn ra ở Đài Bắc vào ngày 16 tháng 1 năm 2016.

Ngoài việc mong muốn những người lao động Việt Nam ở nước ngoài giữ hình ảnh đẹp về người Việt, anh Hoài còn mong muốn nhà nước Việt Nam tạo nhiều điều kiện cho người lao động để họ cải thiện thu nhập, anh Phạm Hoài tiếp lời:

“Em chỉ mong muốn một chuyện là nhà nước quan tâm đến người lao động một tý để giảm chi phí đi lại cho người lao động Việt Nam. Em cũng mong muốn đi lao động ở Đài Loan sẽ được như đi lao động ở Hàn Quốc, toàn bộ người lao động sẽ do bộ lao động quản lý, không qua môi giới thì thu nhập của bọn em sẽ cao hơn một tý.”

Cô Hồng lại cho rằng, không thể tiếp tục tin tưởng vào nhà nước Việt Nam, vì từ xưa tới nay, nhà nước Việt Nam không hề tỏ ra quan tâm đến người lao động, điển hình là họ cho ra đời nghị định 95 về việc lao động bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng, hay gần đây là nghị định 115 về việc đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Cô Hồng chia sẻ:

“Em mong Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi độc tài để có một cơ hội phát triển lớn mạnh một chút, không còn trình trạng xuất khẩu lao động ồ ạt như bây giờ nữa. Để những người lao động trẻ như bọn em có thể cống hiến cho đất nước, chứ không phải cống hiến cho một nước sở tại Đài Loan chẳng hạn, bọn em có sức trẻ, có trí tuệ, nhưng bọn em cống hiến cho những đất nước khác chứ không phải Việt Nam.”

Còn anh Hồ Sỹ Cảnh ước mong trong dịp đầu năm rằng, mỗi người Việt Nam hãy sống có tình yêu và trách nhiệm hơn với chính mình và dân tộc Việt Nam, đừng thờ ơ với vận mạng của đất nước và của dân tộc. Đồng thời anh gửi lời chúc đến những người Việt ở khắp nơi, anh tâm tình:

“Sắp đến năm mới rồi, chúc mọi người an khang, mạnh khỏe, chúc cho mọi người có công việc ổn định, sang năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn.”

Dù ở bất kỳ nơi đâu, người Việt cũng luôn hướng về gia đình và quê hương với nỗi nhớ da diết. Và họ đều mong muốn quê hương sẽ sớm thay đổi để có một Việt Nam tươi sáng như chia sẻ của những người lao động Việt tại xứ Đài.

Switch mode views: