Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bác sĩ Daniel Trương – 'Vua Parkinson'


FOUNTAIN VALLEY, California (NV) - Ít ai biết, ở ngay giữa lòng Little Saigon lại có một vị bác sĩ gốc Việt tên Daniel Trương, chuyên khoa thần kinh. Ít hơn nữa là số người biết rằng ông là một tiếng nói đầy thẩm quyền trên thế giới về ngành này.

Vóc dáng gọn gàng, cử chỉ linh hoạt của bác sĩ Daniel Trương, với đôi mắt hiền và lời lẽ khoan hòa, thật khó đoán được ông là một ông “Vua Parkinson” của thế giới.

Báo LATimes từng gọi ông là “bác sĩ phép lạ.”

bs daniel truong 1Bác sĩ Daniel Trương đang diều trị cho bệnh nhân 25 năm. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ngoài hơn 150 bài viết cho tạp chí y khoa Peer Review, bác sĩ Daniel Trương còn là tác giả của bảy cuốn sách quan trọng viết cho các bác sĩ chuyên môn ngành thần kinh và tâm thần.

Sách ông được dịch qua nhiều ngôn ngữ khác như Pháp, Nga, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Thái Lan và Việt Nam.

Năm 2015, ông được 14 Hội Thần Kinh Quốc Gia, trong đó có Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Hungary, Bulgary, Mexico và Việt Nam đề cử chức Giám Sát Viên tại Hội Đồng Thần Kinh Thế Giới (World Federation of Neurology – WFN).

Trước đây, ông từng nắm giữ chức vụ quan trọng tại đây, là chủ bút tạp chí Khoa Học. Ông là người sàng lọc và quyết định thông tin nào của các nhà nhiên cứu chuyên môn là đáng được đăng tải.

Nếu đắc cử vào chức vụ Giám Sát Viên, bác sĩ Daniel Trương sẽ cùng bốn người nữa trông coi các chương trình nghiên cứu trong địa hạt thần kinh trên thế giới trong bốn năm tới.

Tuy vậy,  ông vẫn dành thời gian để theo dõi và điều trị cho hơn 1,000 bệnh nhân khắp nơi trên toàn cầu.

Tại phòng mạch nằm trong khuôn viên bệnh viện Orange Coast Memorial, mỗi ngày, vị danh y này chỉ tiếp khoảng 20 bệnh nhân, đa số bị Parkinson. Ông nói với nhật báo Người Việt: “Vì tôi muốn dành nhiều thời gian cho từng người.”

Parkinson là một hội chứng thần kinh khiến bệnh nhân không làm chủ được cử động nên tay chân bị co giật liên hồi ngoài ý muốn. Đây là một bệnh trạng nghiêm trọng.

Vì thế, bác sĩ Daniel Trương luôn làm bệnh nhân cười bằng những câu nói đùa, khi tinh nghịch, lúc duyên dáng. Vào phòng mạch ông, bệnh nhân hoàn toàn không có thái độ khúm núm mà chỉ bộc lộ sự thân thiện.

Ông Bob Farmer, cư dân Las Vegas, một bệnh nhân cần tái khám ba tuần một lần, vừa nói vừa liếc nhìn bác sĩ Daniel: “Tôi đến đây 25 năm rồi. Lái xe từ nhà đến đây xa quá. Chắc tôi phải tìm bác sĩ gần hơn.”

Bác sĩ nói: "Biết vậy tôi đã không chữa cho ông."

Cả hai bật cười vì  nếu không có bác sĩ Daniel, ông Bob không thể lái xe được.

Ông Bob nhìn phóng viên Người Việt: “Anh thấy đó, bác sĩ cứ như vậy thì dù có xa hơn nữa, tôi vẫn không nề hà. Chúng tôi thích chọc ghẹo nhau.”

“Mà dù ông không vui tính thì tôi vẫn phải tìm ông vì ông đã chữa cho tôi rất nhiều,” ông thêm.

Bác sĩ Daniel từ tốn: “Từ ngày tôi giải phẫu để đặt điện cực trong óc ông để có thể điều tiết lượng thuốc trong cơ thể ông, Bob đã khỏe hơn rất nhiều.”

Ở phòng khám khác, bác sĩ hỏi một nữ bệnh nhân đang căng thẳng ngồi trên xe lăn: “Bà mấy tuổi?” Bà trả lời rụt rè: “Bảy mươi chín."

Ông nhẹ nhàng hỏi lại: “Năm mươi chín, phải không ạ?”

Bà khựng nhìn bác sĩ Daniel một giây rồi một nụ cười tươi nhẹ nở trên môi vì bà hiểu rằng ông muốn khen bà nhìn còn trẻ - một cách khen tế nhị, rất Mỹ. Từ đó đến lúc về, bà không còn căng thẳng như trước nữa.

bs daniel truong 2Một trong bảy tác phẩm quan trong của bác sĩ Daniel Trương. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Tương tự bệnh tiểu đường hay cao áp huyết, Parkinson là bệnh không thể trị tuyệt được, nhưng có thể kiểm soát.

Bệnh nhân của bác sĩ Daniel Trương gồm đủ mọi sắc dân, phần đông là da trắng.

Một điểm lý thú là bệnh nhân của ông không nhất thiết phải đến phòng mạch – bác sĩ Daniel Trương còn có thể “coi mạch” cho nhiều bệnh nhận ở khắp nơi trên thế giới từ ngay Fountain Valley, California.

Từ năm 2005, ông đã thành một “bác sĩ không biên giới” vì bắt đầu tiếp xúc với bệnh nhân trên internet qua Skype và có thể điều trị cho họ được. Vì thế, số người được ông giúp đỡ lại gia tăng hơn nhiều.

Bác sĩ Daniel cho hay: “Tôi đã chẩn bệnh cho rất nhiều bệnh nhân từ Việt Nam và những nước khác. Nhẹ thì chỉ cần uống thuốc. Nặng hơn thì họ sẽ phải sang Mỹ để giải phẫu đặt điện cực trong óc.”

Phương pháp chữa bệnh “thiên lý nhãn, thiên lý nhĩ” này, chẳng những đã tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho bao nhiêu người từ phương xa mà còn giúp họ cảm thấy an tâm vì được nghe bác sĩ khuyến khích và nhắc nhở thường xuyên.

Từ bao lâu nay, bác sĩ Daniel Trương được giới truyền thông thế giới ca ngợi trên truyền hình cũng như báo chí, từ các cơ quan toàn quốc Hoa Kỳ đến Nga, Trung Quốc, Mông Cổ… vì đóng góp kiến thức, kinh nghiệm và công lao vào những tổ chức chuyên khoa thần kinh trên thế giới.

Ông cũng được giới y khoa tại nhiều quốc gia mời đến diễn thuyết cho những bác sĩ chuyên khoa.

Sinh trưởng tại miền Bắc Việt Nam, ông theo gia đình di cư vào Nam năm 1955.

Ông là một trong số rất ít người Việt học ngành Y Khoa tại Tây Đức năm 1967, chuyên về thần kinh và tâm thần.

Sau khi lập gia đình năm 1982, ông sang Hoa Kỳ và tiếp tục thực tập khoa thần kinh, lúc đầu tại Đại Học Y Khoa South Carolina, rồi Đại Học Columbia rồi sang Luân Đôn làm việc tại Bệnh Viện Quốc Gia, Anh Quốc.

bs daniel truong 3Bác sĩ Daniel (thứ ba từ trái) tại Indonasia. (Hình: Daniel Trương cung cấp)

Cuộc đời hành nghề của người bác sĩ nổi tiếng này có những bất ngờ thú vị. Chẳng hạn, cách đây đã lâu, một quan chức chính quyền Việt Nam, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, mắc chứng Parkinson, phải sang Pháp chữa trị. Không dè các bác sĩ nổi tiếng ngành này tại Pháp lại giới thiệu ông ta sang Mỹ gặp bác sĩ Daniel Trương.

Bác sĩ Daniel Trương từ chối nêu đích danh nhiều bệnh nhân của mình vì quyền riêng tư của họ, ông chỉ nói: “Có nhiều yếu nhân của thế giới đã tìm đến tôi. Và tôi đã giúp họ.”

Ông gia nhập Hội Đồng Thần Kinh Học Quốc Tế năm 2002 và được vinh dự làm việc trong hội đồng thông tin. Nhiệm vụ của ông là phát triển tạp chí Thần Kinh Thế Giới.

Một điều bác sĩ Daniel Trương muốn nhắc nhở mọi người, cho dầu là mắc bất cứ chứng bệnh nào: “Đã chọn bác sĩ thì nên tin tưởng vào khả năng, kinh nghiệm và kiến thức của bác sĩ. Xin đừng tùy tiện thêm bớt liều lượng thuốc men theo hứng thú của mình.”

Switch mode views: