Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyện về một phụ nữ Việt đa tài lẻ loi ở Indiana


Người phụ nữ gốc Việt "ôm" những giải nhất ở Elkhart, Indiana


ELKHART-INDIANA (NV) - 10 giải nhất cuộc thi thiết kế thời trang; ba năm liên tiếp đoạt quán quân cuộc thi làm vườn; giải nhất cuộc thi nấu ăn năm 2014 với món gỏi gà, đó là những thành tích “bề nổi” của bà May (Mai) Beane, người phụ nữ cho mình là người gốc Việt duy nhất ở thành phố Elkhart, Indiana.

ba mai beane 1Bộ sưu tập thời trang bà Mai đoạt giải nhất. (Hình: May Beane)

Bà cho biết, từng giúp đỡ hàng trăm ngàn người Việt Nam tỵ nạn ở đảo Thái Lan từ năm 1976-1982.

Bà là bà Mai, người phụ nữ gốc Việt chưa từng rời khỏi thành phố Elkhart xinh đẹp, yên tĩnh gần 40 năm qua, từ ngày bà đến Mỹ vào năm 1975.

“Bây giờ đối với tôi, vùng Elkhart này cũng như ở Việt Nam vậy. Tôi cứ nghĩ hàng xóm ở đây là người Việt Nam. Mỗi khi nấu ăn mà cần một cái trứng, tôi lại chạy qua nhà họ và nói, 'xin chào, cho tôi hỏi xin một cái trứng gà nhé,'” qua điện thoại, bà bắt đầu bộc bạch về cuộc đời của mình.

Trại tỵ nạn tên “Cô Mai” ở Thái Lan.

Bà kể, cách đây 48 năm, bà tốt nghiệp bằng Home Economics của trường Regina Pacis ở Sài Gòn. Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, cộng thêm thời gian dài làm việc cho tổ chức Tin Lành của người Mennonite, cũng ở Sài Gòn, bà được sang Mỹ học trước năm 1975.

Khi biến cố 1975 xảy ra với hàng triệu người Việt Nam bỏ xứ đi tìm tự do bằng đường biển, đường bộ...bà cùng với nhóm người Mennonite của mình rời Mỹ, sang Thái Lan để giúp đỡ những người tỵ nạn. Đó là Tháng Giêng, 1976, theo lời bà kể.

ba mai beane 2Buổi tiệc Giáng Sinh ở "Trại Cô Mai." (Hình: May Beane)

“Sáu năm ở đảo Thái Lan, tôi là người Việt Nam duy nhất. Nhiệm vụ của tôi ngoài trách nhiệm công việc trong tổ chức của người Mennonite, tôi còn trách nhiệm lớn lao khác cho riêng mình, đó là bảo vệ đồng hương của tôi,” bà nói.

Câu chuyện hồi ức của bà những tưởng là sẽ rời rạc lắm sau một thời gian dài sống ở thành phố xa lạ. Thế nhưng, như bà nói, “những ngày tháng trên đảo ở Thái Lan là những ngày tháng tôi không bao giờ quên, cho đến ngày tôi chết.”

Những con tàu vượt biên thường cập bến vào ban đêm. Lúc nào cũng là những người Mỹ chạy ra trước rồi khiêng người vào.

“Vì lúc đó, tất cả người trên tàu đã hoàn toàn kiệt sức,” bà nói.

“Có một câu chuyện mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh mỗi khi nhớ đến. Một ngày nọ, chúng tôi phát hiện một người phụ nữ bị trôi dạt vào đảo, nằm bất tỉnh trên bãi cát. Sau khi được khiêng về trại, cô ấy tỉnh dậy, khóc, cười như người mất trí. Phải đến mấy ngày sau, mới dần dần tỉnh lại. Tàu của cô ấy sau mấy ngày tàu lênh đênh trên biển thì bị sóng đánh, cô là người duy nhất còn may mắn sống sót. Người chồng và hai đứa con nhỏ chết trước mặt cô ấy. Sau đó, cô ấy cạo đầu xin đi tu.”

Một tuần sau, nhờ sự can thiệp đặc biệt của tổ chức Mennonite, người phụ nữ này được chính phủ Canada nhận vào quốc gia của họ, theo bà Mai.

ba mai beane 3Bà Mai và những người ở đảo. (Hình: May Beane)

Theo bà kể, sáu năm ở đảo Thái Lan, bà xem nơi đó như nhà của mình. Nơi bà ở là một “hộp thơ” của những người Việt Nam trong nước gửi cho thân nhân của mình và ngược lại. Nhờ có bà, mà những người tỵ nạn khi đến trại đều có sẵn chiếu để nằm, có những ngày hội truyền thống trong thời gian ở đảo, có những buổi sinh hoạt nhóm cho vơi phần nào nỗi nhớ nhà. Và nhất là, tương lai của họ được quyết định nhanh hơn và dễ dàng hơn.

“Tôi mang cả đứa con nhỏ của tôi vào trại ngủ chung với họ. Vì tôi biết tất cả mọi người đều chung tâm trạng là 'sợ' và 'nhớ nhà,'” bà nói.

Bà cho biết nhiều lần bà đã đứng ra bênh vực, giúp đỡ đồng hương của bà bị người Thái ở đảo ức hiếp.

“Ở đâu cũng có người tốt người xấu. Người Thái Lan cũng vậy, có người tốt người xấu. Tôi tuyệt đối không cho ai ức hiếp đồng hương của tôi,” bà nói bằng một giọng nói mạnh mẽ và dứt khoát.

Đó là vì sao họ gọi là trại "Cô Mai,” bà kể.


Người phụ nữ của những giải nhất

ba mai beane 4Những bộ trang phục bà Mai đoạt giải nhất. (Hình: May Beane)

Bà cho biết, gần 40 năm sống ở Elkhart, là gần bốn thập niên bà sống một cuộc đời đơn giản, không máy điện toán (bà chỉ mới có máy tính gần đây, do một người cháu tặng) không điện thoại di động. Bà chỉ có một điện thoại đặt ở căn nhà bà dành làm “văn phòng” làm việc, là nơi bà thiết kế và thực hiện cá mẫu trang sức.

“Những ngày không đi làm, tôi ở thư viện suốt. Thư viện cũng như nhà của tôi. Nhân viên ở đó như người nhà của tôi,” bà nói.

Tuy vậy, ngôi nhà của bà lại là nơi đón tiếp rất nhiều những người bạn gần 40 năm ở Elkhart.

Bà kể: “Họ đến nhà tôi, nếu tôi đang nấu ăn, thì họ tự động lấy chén, dĩa, bỏ thức ăn vào rồi đi ra vườn của tôi ngồi ăn.”

Thế mới hiểu rõ vì sao bà nói rằng “ở Elkhart cứ như đang ở Việt Nam.”

Sau mấy mươi năm làm cho hãng điện tử, bây giờ đã về hưu, thời gian của bà gần như dành hết ở thư viện, làm vườn, thiết kế và nấu ăn.

Nói về 10 giải nhất của cuộc thi thiết thời trang ở thành phố Elkhart, bà kể cứ tưởng như khó mà dừng lại.

“Tôi tham gia cuộc thi 4H-FAIR đều đặn 20 năm rồi. Đây là cuộc thi rất lớn do đại học Purdue tổ chức hàng năm. Có khoảng 250 người từ các nơi đến xem triển lãm. 4H tượng trưng cho Hand; Heart; Head và Health.”

ba mai beane 5Những thiết kế trang sức của bà Mai. (Hình: May Beane)

Bà cho biết, bà đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế thời trang 10 năm liên tiếp. Lần cuối cùng, bà vượt qua 92 thành phố của Indiana và đoạt giải nhất tiểu bang. Những bộ sưu tập do chính bà khoác lên người mình trong đêm trình diễn.

“Khi họ thông báo giải tư, giải ba rồi giải nhì, mà tôi vẫn chưa thấy gọi tên tôi, thế là tôi biết chắc mình đoạt giải nhất,” bà kể lại một cách hào hứng.

“Một tay tôi cầm máy quay, một tay tôi đưa lên vẫy vẫy khi giám khảo gọi tên mình. Tôi sợ họ không thấy tôi. Lúc đó, tôi tự hào và hãnh diện vô cùng khi họ biết tôi là người Việt Nam,” bà vừa cười vừa nói.

Không chỉ đoạt giải nhất về thiết kế trang phục, bà Mai “ẵm” luôn giải nhất về thiết kế trang sức cho những bộ trang phục đó, theo lời bà nói.

“Tôi thiết kế và tôi tự tin mặc những bộ thiết kế của mình, mặc dù tôi không phải là người mẫu. Tôi chỉ có một công thức duy nhất, đó là hãy luôn luôn là người đứng đầu, hãy luôn luôn tự tin. Tự tin rất quan trọng,” bà Mai kể.

Bà chia sẻ: "Có lẽ chính vì sự tự tin đó, thêm vào là niềm đam mê, tính tỉ mỉ, khả năng sáng tạo của mình mà tôi Mai đã vượt qua rất nhiều những người chuyên nghiệp khác."

Tuy nhiên, “giải nhất cuộc thi nấu ăn vẫn là điều tôi thích nhất và tự hào nhất, vì đó là món gỏi gà ăn với nước mắm.”

“Tôi làm hai loại, loại cay và loại không cay. Và tôi nghĩ ban giám khảo chấm giải nhất vì món nước mắm đó,” bà nói.

ba mai beane 6Một loại hoa trong vườn của bà Mai. (Hình: May Beane)

Người phụ nữ tự cho mình là “sống cuộc đời như một nữ tu” nổi tiếng cả thành phố Elkhart còn vì khu vườn của bà. Đó là khu vườn mà “chính vì nó, mà tôi không thể bỏ đi đâu hơn 30 năm qua. Vì tôi không biết làm sao để mang nó đi theo.”

Bà cho biết, rất yêu cây cỏ và hoa lá, và bà tham gia cuộc thi làm vườn và thắng giải nhất luôn ba năm liên tiếp.

Bà nói sản phẩm bà mang đến cho cuộc thi cũng mang đầy hơi thở của quê hương của bà, đó là một chậu dược thảo phải có đủ với năm loại cây. Bà chọn cây xả, cây hành, cây gừng, cây quế và một loại rau thơm khác.

Khu vườn của bà Mai được rất nhiều đài truyền hình, báo chí ở địa phương đến xin quay phim, chụp ảnh, nhất là vào mùa Hè, khi các loại hoa nở rực cả khu vườn của bà, theo bà Mai kể.

Bà nói, mùa đông đến, bà mang mang hoa và cây vào nhà, bắt đầu công việc thiết kế quần áo, trang sức.

“Tôi chưa một lần rời khỏi Elkhart. Nhưng nếu có bất kỳ người Việt Nam nào đến Elkhart, thì đó là người nhà của tôi,” bà tuyên bố.

Bà mong câu chuyện của mình đến với mọi người, cũng như được chia sẻ niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nơi thành phố Elkhart xinh đẹp của bà với đồng hương trên đất Mỹ, bà thổ lộ.

Switch mode views: