Biển Đông : Trung Quốc nhắc lại lập trường đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp
- Thứ Hai, 06 tháng Năm năm 2013 01:34
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) bên cạnh người đồng nhiệm Indonesia trong cuộc họp báo tại Jakarta ngày 02/05/2013.
REUTERS/Beawiharta
Tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Brunei vào hôm qua, 04/05/2013, chặng cuối cùng trong vòng công du bốn nước Đông Nam Á đã đưa ông qua Thái Lan, Singapore và Indonesia.
Tại Brunei, nước hiện là chủ tịch ASEAN, ông Vương Nghị đã tiếp tục đưa ra những tuyên bố hữu hảo, và kêu gọi các nước có tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua đàm phán với Trung Quốc.
Theo giới phân tích, chuyến thăm Đông Nam Á lần này của Ngoại trưởng Trung Quốc vẫn nhằm thúc đẩy sách lược chia rẽ ASEAN trên hồ sơ Biển Đông vì trong cùng thời điểm, báo chí Trung Quốc tiếp tục hù dọa các nước trong vùng, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Theo Tân Hoa Xã, ông Vương Nghị đã ghé thăm Brunei vào hôm qua và đã có hai cuộc tiếp xúc cấp cao với đồng nhiệm Brunei Mohamed Bolkiah, và với Quốc vương Brunei.
Theo các nhà quan sát, rõ ràng là tranh chấp đang diễn ra giữa bốn thành viên Hiệp hội Đông Nam Á với Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông là trọng tâm các cuộc thảo luận tại Brunei, vì lẽ hơn phân nửa bản thông cáo báo chí chung Trung Quốc – Brunei công bố sau chuyến công du được dành cho vấn đề này.
Nhìn chung hai bên đã hoan nghênh các quan hệ được xem là “láng giềng tốt” và sự hợp tác “hai bên cùng có lợi” giữa ASEAN và Trung Quốc. Bên cạnh đó, bản thông cáo còn nhấn mạnh đến sự kiện là tranh chấp Biển Đông “không phải là một vấn đề giữa toàn khối ASEAN với Trung Quốc, và cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua các cuộc đàm phán và tham khảo ý kiến hữu nghị giữa các bên có liên can”.
Về hướng đi sắp tới, cũng theo bản thông cáo, tất cả các bên phải thực hiện một cách toàn diện và có hiệu quả bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… thúc đẩy từng bước việc tiến tới một bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Trong tiến trình này, bản thông cáo nói rõ : “Tất cả các bên cần tăng cường thông tin liên lạc, xây dựng sự đồng thuận, thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau”.
Vấn đề Biển Đông cũng đã được Ngoại trưởng đề cập trước đó nhân dịp ghé Thái Lan, Singapore và Indonesia - các nước ASEAN vốn không có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Tại các nước này, ông Vương Nghị cũng nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh là giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương.
Nếu Ngoại trưởng Trung Quốc đã có những lời lẽ hòa hoãn tại các thủ đô Đông Nam Á, thì ngay tại Trung Quốc, báo chí nước này tiếp tục tỏ thái độ hung hăng nhắm vào các nước ASEAN dám đối đầu với Trung Quốc.
Gần đây nhất là bài viết của Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch (Ruan Zongze), được nhật báo Anh ngữ China Daily đăng tải hôm qua, lưu ý khối ASEAN là phải kiềm chế các thành viên, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, nếu muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc này không ngần ngại đối lập các nước ASEAN với nhau khi cho rằng :
“Thái Lan có quan hệ thân thiện với Trung Quốc, Indonesia có vị trí quan trọng trong khối ASEAN, Singapore là bộ não của ASEAN, Brunei là chủ tịch đương nhiệm”.
Trong lúc đó Việt Nam và Philippines lại “đe dọa quan hệ ASEAN -Trung Quốc để thủ lợi riêng bằng cách gây bất ổn tại Biển Đông”.
Tác giả bài báo dẫn chứng hai sự kiện : Philippines vào năm 2012, đã làm tình hình căng thẳng khi khuấy động vấn đề đảo Hoàng Nham (tên Trung Quốc đặt cho bãi Scarborough Shoal trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hiện đã bị Bắc Kinh chiếm trong thực tế) và Quốc hội Việt Nam, cũng vào năm 2012, đã thông qua Luật Biển xác định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Tây Sa (tức là Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa).
Đối với chuyên gia này, tuy Indonesia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng hai nước này muốn giải quyết qua đàm phán chứ không có thái độ như Việt Nam và Philippines.
Tin mới
- Vatican: Không có chia rẽ nội bộ về vụ nữ tu Hoa Kỳ - 08/05/2013 16:34
- Đặt chân lên Hỏa tinh, một giấc mơ từ nay có thể thành hiện thực - 08/05/2013 06:10
- Một nhà điều tra Liên Hiệp Quốc xác định phe nổi dậy tại Syria sử dụng hơi độc - 06/05/2013 22:48
- Libya thông qua luật thanh lọc các quan chức thời Kadhafi - 06/05/2013 22:30
- Miến Điện đẩy lùi chỉ tiêu bài trừ tệ nạn ma túy - 06/05/2013 22:23
- Thủ tướng Hun Sen muốn tại nhiệm đến năm 74 tuổi - 06/05/2013 21:07
- Phó thủ tướng Nhật: 1.500 năm chưa bao giờ có quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh - 06/05/2013 02:46
- Pháp: Phe tả cấp tiến và đối lập xuống đường chống chính phủ - 06/05/2013 02:16
- Đã chọn xong năm thẩm phán cho "vụ kiện đường lưỡi bò" Trung Quốc - 06/05/2013 02:07
- Hơn 600 người chết trong vụ sập xưởng may tại Bangladesh cuối tháng Tư - 06/05/2013 01:43
Các tin khác
- Thất vọng, hai vợ chồng cùng bỏ Đảng CSVN - 05/05/2013 00:08
- Mỹ: Sinh viên mới ra trường khó kiếm việc, lo lắng tương lai - 05/05/2013 00:00
- Ngoại trưởng Ấn Độ có thể sẽ hủy chuyến đi Trung Quốc - 04/05/2013 22:42
- Giới phóng viên Việt Nam phản ứng đề xuất sửa Luật báo chí của Bộ Công an - 04/05/2013 22:35
- Thủ tướng Thái kiện một nhà vẽ tranh biếm họa - 04/05/2013 18:51
- Bộ Nội An ra lệnh kiểm soát kỹ chiếu khán du học sinh vào Mỹ - 04/05/2013 04:48
- Kỹ sư Trung Quốc ăn cắp tài liệu kỹ thuật của GM bị bỏ tù - 03/05/2013 20:47
- Liên Hiệp Quốc họp bàn về Syria, Hoa Kỳ không loại trừ việc vũ trang cho phe nổi dậy - 03/05/2013 19:31
- Chuyên gia Mỹ : Trung Quốc có ý hướng dùng sức mạnh để thúc ép Nhật Bản - 03/05/2013 18:54
- Lý do gây thù hận tôn giáo ở Miến Điện - 02/05/2013 22:52