Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Libya : Hội nghị Paris chuẩn bị cho tổng tuyển cử

libya-security-meeting

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và thủ tướng Libya Fayez Al Sarra tại điện Elysée, Paris, 29/05/2018.
Etienne Laurent/Pool via Reuters

Hôm nay 29/05/2018, một hội nghị quốc tế về Libya dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại phủ tổng thống Pháp, nhằm mở đường cho bầu cử Quốc Hội và tổng thống Libya trước cuối năm nay.

Nếu diễn ra, đó sẽ là các cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên tại Libya kể từ khi chế độ độc tài Kadhafi sụp đổ năm 2011.

Cách nay 10 tháng, nước Pháp đã đứng ra làm trung gian cho cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Libya chủ chốt, ông Fayez Al Sarraj, thủ tướng chính phủ đoàn kết dân tộc, thủ đô Tripoli (miền tây) và tướng Khalifa Haftar, tư lệnh lực lượng Quân Đội Quốc Gia (miền đông).

Tìm kiếm hòa bình cho Libya là một ưu tiên ngoại giao của tổng thống Emmanuel Macron.
Cuộc hội kiến nói trên được tổ chức tại La Celle-Saint-Cloud, gần Paris, ngày 25/07/2017, hơn hai tháng sau khi ông Macron đắc cử tổng thống.

Hội nghị lần này được coi là một giai đoạn mới cho tiến trình đối thoại giữa các phe phái để đưa Libya thoát khỏi cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
 Ngoài hai lãnh đạo nói trên, còn thêm hai nhân vật chủ chốt khác : ông Khaled Al Mishri, chủ tịch Thượng Viện Libya, có trụ sở ở thủ đô Tripoli (miền tây) và chủ tịch Hạ Viện Anguila Saleh, trụ sở tại Tobrouk (miền đông).

Theo các nguồn tin của RFI, các bên sẽ phải ký kết một thỏa thuận chính trị bao gồm 8 điểm, với nội dung chính là lịch trình và các điều kiện tổ chức bầu cử.
Lịch trình do đặc phái viên Liên Hiệp Quốc phụ trách hồ sơ Syria, Ghassan Salamé, thảo ra cùng với thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj.

Theo văn bản này, các bên sẽ cam kết bảo đảm an ninh cho quá trình bầu cử, dưới sự giám sát quốc tế.
Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế coi bầu cử là con đường duy nhất giúp Libya thoát khỏi khủng hoảng.

Theo thỏa thuận này, toàn bộ các định chế quốc gia, trong đó có ngân hàng trung ương và quân đội, sẽ phải được tái thống nhất.
Quyền hạn của thủ tướng chính phủ đoàn kết quốc gia sẽ phải được tăng cường để giúp cho quá trình chuẩn bị tổng tuyển cử diễn ra thuận lợi.

Một cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức trong vòng ba tháng tới để sơ kết quá trình thực thi thỏa thuận 8 điểm.
Về phía quốc tế, có khoảng 20 quốc gia và định chế cử đại biểu tới hội nghị Paris về Libya, trong đó có đại sứ nhiều cường quốc như Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nước châu Phi, các nước láng giếng của Libya cử các đại diện ở cấp cao nhất.
Tình trạng hỗn loạn tại Libya từ năm 2011 là mối đe dọa lớn về an ninh và di dân đối với khu vực.

Ra Tuyên bố chung : 10/12/2018 là ngày bầu cử

Trong Tuyên bố chung được công bố sau hội nghị Paris, bốn lãnh đạo Libya đã cam kết phối hợp để tổ chức hai cuộc bầu cử Quốc Hội và tổng thống, dự kiến diễn ra ngày 10/12/2018.
Tuyên bố ghi rõ : chúng tôi cam kết phối hợp « với Liên Hiệp Quốc để tổ chức các cuộc bầu cử đáng tin cậy và hòa bình… », « tôn trọng các kết quả bầu cử ».

Một lần nữa, Pháp « ném phao » cứu Libya

Huy động cộng đồng quốc tế cứu nguy Libya ra khỏi tình trạng nội chiến, ổn định bờ nam của Địa Trung Hải là một trong những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của điện Elysée.
Tuy nhiên, đây là thử thách chông gai mà nguy cơ thất bại lớn hơn xác xuất thành công, theo nhận định của AFP.

Tổ chức được « Hội nghị Paris » là một thành công của tổng thống Emmanuel Macron, chứng tỏ ít ra trên mặt trận ngoại giao, Pháp ở trong thế chủ động. Vấn đề là thực tế chính trường và chiến trường tại Lybia rất phức tạp sẽ cản trở mục tiêu xây dựng hòa bình.

Giới chuyên gia nêu lên hai cản lực chính : Thứ nhất là từ tình trạng đất nước rối loạn đã xuất hiện quá nhiều nhóm dân quân vũ trang, chống đối nhau và sẵn sàng tẩy chay mọi giải pháp mà họ xem là âm mưu can thiệp từ bên ngoài khi thấy bất lợi.

Trong phe « miền đông », nhiều nhóm có thế lực không tham gia hội nghị Paris sau khi đòi phải được ngồi ngang hàng với bốn phái đoàn khác.
Còn phe « miền tây », kiểm soát Tripoli và tuy được Tây phương công nhận, vẫn nghi ngờ sáng kiến của Pháp che dấu dụng ý « củng cố thế lực » cho chính quyền của tướng Khalifar Haftar do Nga hậu thuẫn.

Một khó khăn khác là Pháp muốn tổng tuyển cử càng sớm càng tốt trong khi một số thủ lĩnh Lybia muốn tổ chức trưng cầu dân ý thông qua Hiến pháp, quy định rõ quyền hạn tổng thống, trước đã.

Pháp dường như muốn « tranh thủ thời gian và thời cơ » để đi trước Mỹ, Nga và Ý trong cuộc đua giành ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự tại Lybia.
Trong khối Liên Hiệp Châu Âu, nước Ý là mẫu quốc cũ của Lybia và cũng là vùng đất đón nhận làn sóng di dân châu Phi da đen vượt biển từ Lybia.

Theo nhật báo La Republica , giới ngoại giao Ý không hài lòng về sáng kiến Lybia của Paris :
 « Macron lợi dụng thời cơ khủng hoảng chính trị tại Ý để chiếm thượng phong ».

Nhóm nghiên cứu chống khủng hoảng quốc tế IGC International Crisis Group khuyến cáo Pháp tránh kết thúc hội nghị với những cam kết như đinh đóng cột mà chỉ cần một tuyên bố chung « rộng mở nhiều khả năng ».


Switch mode views: