Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cứu vãn thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên, Trump và Kim thực sự muốn gì ?

Thuong dinh- singapore

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (ảnh ghép)
Mandel Ngan / AFP / KCNA VIA KNS

Hơn hai tuần trước cuộc gặp lịch sử giữa nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên tại Singapore, có nhiều dấu hiệu cho thấy, đôi bên đều có vẻ thiết tha với thượng đỉnh 12/06/2018 cho dù cả hai từng dọa hủy sự kiện rất được mong đợi đó, nhất là đòi hỏi của Washington muốn Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân là hố sâu ngăn cách không thể san bằng.

Ở Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump đã thay đổi hẳn lập trường chưa đầy 24 giờ sau khi công bố bức thư gửi đến lãnh đạo họ Kim với lời đe dọa rằng kho vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ "mạnh và dồi dào đến mức" ông cầu mong Thượng Đế là không bao giờ Mỹ phải dùng tới.

Về phía Bình Nhưỡng, lá thư của Donald Trump chắc còn chưa ráo mực, đích thân Kim Jong Un nhấc điện thoại mời tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae In  bước sang phía bắc đường biên giới Liên Triều và "bày tỏ quyết tâm" thượng đỉnh Singapore với Donald Trump được diễn ra tốt đẹp.

Có nhiều lý do để cả Bắc Triều Tiên lẫn Hoa Kỳ cùng thực sự mong muốn có được đối thoại trực tiếp đầu tiên.

Thứ nhất về hình thức bề ngoài, có lẽ cả Donald Trump lẫn Kim Jong Un cùng muốn đi vào lịch sử khi mà hình ảnh hai nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên bắt tay nhau tại Singapore, mở ra hứa hẹn đem lại hòa bình cho khu vực, cho cả thế giới.

Theo quan điểm của chuyên gia Pháp Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, tổng thống Trump xem thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên là một thắng lợi về mặt ngoại giao trên trường quốc tế, vào lúc mà chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, cách đàm phán kiểu con buôn – thậm chí là đôi khi thô bạo, của ông liên tục bị chỉ trích kịck liệt.

Lý do thứ hai để thượng đỉnh Singapore có cơ hội được diễn ra là về phía Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un dường như chỉ có lợi trong chuyện này.

Dù thượng đỉnh chưa diễn ra, việc Hoa Kỳ chấp nhận đối thoại trực tiếp với Bắc Triều Tiên đã là một thắng lợi mỹ mãn về phương diện ngoại giao, bởi vì qua đó, Bắc Triều Tiên tạm thời xua tan mối đe dọa bị Mỹ "đánh phủ đầu".
Ngoài ra, không chỉ Hoa Kỳ mà cả cộng đồng quốc tế mặc nhiên công nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia nguyên tử.

Trên cơ sở này, ông Kim Jong Un đã không còn mặc cảm gì kể cả trong đối thoại với Bắc Kinh.
Ông đã hai lần hội đàm với chủ tịch Trung Quốc trong hai tháng qua.

Lợi thế quan trọng khác mở ra cho chính quyền Bình Nhưỡng là viễn cảnh quốc tế ngưng gia tăng các biện phám cấm vận kinh tế Bắc Triều Tiên.
Vực dậy kinh tế nước nhà luôn là mục tiêu thứ nhì mà Kim Jong Un hướng tới sau khi đã trang bị vũ khí hạt nhân cho Bắc Triều Tiên.
Trên con đường phát triển đó, lãnh đạo số một Bắc Triều Tiên cần nước láng giềng phương nam là Hàn Quốc.

Chính ở điểm này, Kim Jong Un đang có một điểm tựa quý giá là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, có đường lối ôn hòa, đi theo chính sách "Vầng Thái Dương" của người tiền nhiệm Kim Dae Jung, chìa bàn tay thân thiện với Bình Nhưỡng.

 Bị kẹt giữa hai làn đạn là hai nhà lãnh đạo có tính khí thất thường, như Kim Jong Un sát cạnh và Donald Trump ở Nhà Trắng, tổng thống Hàn Quốc trước hết mong muốn "tránh cho đất nước ông phải lao vào một cuộc chiến, mà có thể là một cuộc chiến tranh nguyên tử" vô cùng lợi hại như phân tích của chuyên gia Mỹ Adam Mount, thuộc tổ chức Federation of American Scientists.

Sau cùng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên ý thức được rằng, Hàn Quốc là một nền dân chủ với nhiệm kỳ tổng thống 5 năm.
Nếu bỏ lỡ cơ hội lần này, không có gì bảo đảm là người kế nhiệm Moon Jae In cũng sẽ có đường lối thân thiện với Bình Nhưỡng như ông.

Cuối cùng, về mặt đối nội, Kim Jong Un cũng cần ghi một bàn thắng quan trọng với người dân là giờ đây, thế giới không còn có thể coi thường Bắc Triều Tiên, một quốc gia, mà phương Tây thường nhắc tới như một đất nước lạc hậu, bị mất mùa, đói kém.

Câu hỏi then chốt còn lại là, Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể nói chuyện được với nhau đến mức độ nào, khi mà tới nay, Washington vẫn đòi Bình Nhưỡng từ bỏ "hoàn toàn" từ bỏ vũ khí hạt nhân mà Kim Jong Un thì chắc chắn là không ngây thơ để tin vào một Donald Trump đổi ý như thay áo.

Họp báo tại Seoul hôm qua, tổng thống Hàn Quốc cho biết là lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới nay vẫn bán tín bán nghi về lời hứa bình thường hóa quan hệ của Hoa Kỳ, và bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng.

 Một số nhà quan sát cho rằng, với các diễn biến hiện tại, thượng đỉnh Singapore ngày 12/06/2018 có hy vọng diễn ra, nhưng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lại là một hồ sơ khác.

Switch mode views: