Các thách thức đón chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại châu Á
- Thứ Sáu, 03 tháng Mười Một năm 2017 01:45
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ngoại trưởng Rex Tillerson (T). Ảnh tại Nhà Trắng, ngày 01/11/2017.REUTERS/Kevin Lamarq
Bắt đầu từ ngày mai, 03/11/2017, ông Donald Trump lên đường khởi sự vòng công du châu Á đầu tiên trong cương vị tổng thống Mỹ.
Theo chương trình dự kiến, ông sẽ bắt đầu bằng khu vực Đông Bắc Á, thăm ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Trung Quốc.
Sau đó, ông sẽ ngược xuống vùng Đông Nam Á, ghé Việt Nam tham dự Thượng Đỉnh APEC ở Đà Nẵng rồi ra Hà Nội tiếp xúc với giới lãnh đạo Việt Nam, trước khi qua Philippines dự Thượng Đỉnh của hiệp hội Đông Nam Á ASEAN.
Với một loạt vấn đề chồng chất, từ tên lửa, hạt nhân Bắc Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho đến thâm hụt thương mại với Trung Quốc, khủng bố hoành hành ở Philippines, biết bao vấn đề đang là những thách thức đặt ra cho người đứng đầu nước tự nhận mình là cường quốc Thái Bình Dương, mà nhất cử nhất động trong vòng công du sẽ được theo dõi, mổ xẻ.
Trả lời phỏng vấn của RFI Việt Ngữ, giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc đã vui lòng chia sẻ các nhận định của ông về một số thách thức đặt ra cho tổng thống Mỹ, phải lao vào một môi trường đa phương trong lúc bản thân lại chủ trương song phương và Nước Mỹ Trên Hết – America First.
Giáo sư Thayer:Thách thức chính mà ông Donald Trump phải đối mặt trong chuyến đi Châu Á là thuyết phục các quốc gia trong khu vực rằng Hoa Kỳ vẫn tích cưc dấn thân một cách xây dựng vào khu vực, và chứng tỏ tư thế lãnh đạo trong nhiều lãnh vực - từ kinh tế, chính trị, đến ngoại giao và quân sự - các lãnh vực mà các quốc gia khu vực sẽ theo đuổi.
Liên quan đến các vấn đề kể trên, thách thức đối với tổng thống Trump là làm sao xử lý một cách đa phương các vấn đề đó, và tôn trọng thay vì phá hoại các định chế đa phương sẵn có như APEC, ASEAN và quan trọng hơn hết là Thượng Đỉnh Đông Á EAS.
RFI: Còn đối với khu vực, họ chờ đợi gì nơi ông Trump và chính quyền Mỹ ?
Giáo sư Thayer: Ở Đông Bắc Á thì rõ ràng là Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ hoan nghênh lời tái khẳng định của tổng thống Trump chống phổ biến hạt nhân ở Bắc Triều Tiên nhưng không đến mức tán đồng việc Mỹ đơn phương sử dụng sức mạnh quân sự.
Ở Trung Quốc thì Tập Cận Bình sẽ muốn ông Trump nói ra là ông sẽ đối đãi với Trung Quốc như một cường quốc ngang hàng và hai bên cùng làm việc với nhau, thứ nhất là để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên một cách hòa bình và thứ hai là cùng nhau giải quyết các vấn đề kinh tế chứ không phải là một cách đơn phương.
Ở Đông Nam Á, các nước trong khu vực muốn thấy tổng thống Mỹ hỗ trợ một cách mạnh mẽ quyền tự chủ của ASEAN trong khu vực và vị trí trung tâm của hiệp hội Đông Nam Á trên các vấn đề an ninh khu vực.
Họ cũng muốn thấy tổng thống Mỹ cam kết là sẽ để cho nước Mỹ hỗ trợ một cách cụ thể công cuộc xây dựng cộng đồng ASEAN và sự hội nhập kinh tế.
RFI : Sự kiện tổng thống Trump vắng bóng tại Thượng Đỉnh Đông Á phải chăng là một tín hiệu xấu đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Châu Á ?
Giáo sư Thayer:Quyết định vào giờ chót của ông Trump là rời Manila trở về Mỹ sớm và bỏ qua Thượng Đỉnh Đông Á là một sai lầm lớn của chính quyền của ông.
EAS tập hợp không chỉ 10 thành viên của ASEAN mà còn có các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các đối tác như Ấn Độ, New Zealand, cũng như Trung Quốc và Nga.
Từ lâu các đồng minh và đối tác của Mỹ hy vọng EAS sẽ trở thành một diễn đàn thực thụ của các lãnh đạo, bàn thảo, xử lý các vấn đề, các thách thức về an ninh qua sự liên kết giữa các định chế đa phương của ASEAN, như Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng mở rộng và Thượng Đỉnh EAS.
Hoa Kỳ luôn tuyên bố mình là một cường quốc Thái Bình Dương, còn Trung Quốc thì khẳng định rằng Mỹ là nước ở bên ngoài.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giờ đây có thể phát biểu tại Thượng Đỉnh với một chiếc ghế bỏ trống. Hành động của ông Trump sẽ có tiếng vang lớn hơn là lời lẽ của ông.
RFI: Tổng thống Trump sẽ viếng thăm Việt Nam, ông ấy có thể ‘mang’ cái gì đến cho Hà Nội ?
Giáo sư Thayer:Ông Trump sẽ dừng chân 2 lần ở Việt Nam. Lần đầu là ở Đà Nẵng để dự Thượng Đỉnh APEC.
Ông Trump sẽ phát biểu tại Diễn Đàn APEC-CEO, và sẽ cổ vũ cho những thỏa thuận tự do mậu dịch tiêu chuẩn cao được xem như nền tảng cho quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Lần thứ nhì là chuyến viếng thăm chính thức Hà Nội.
Chuyến công du Việt Nam của ông Trump tiếp nối ngay theo chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo chính phủ Đông Nam Á đầu tiên chính thức thăm Washington sau ngày ông Trump nhậm chức.
Tổng thống Trump sẽ mang thêm cho Việt Nam sự đảm bảo là Hoa Kỳ vẫn tôn trọng cam kết phát triển công cuộc đối tác toàn diện mà chính quyền trước của ông Obama đã đồng ý.
Ông Trump sẽ nhấn mạnh trên sự tương đồng quan điểm chiến lược giữa hai quốc gia, và những cơ hội trước mắt đối với cả hai bên, kể cả trong việc tăng cường sự tương tác giữa hai chính phủ ở mọi cấp, tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, trao đổi khoa học, công nghệ và giáo dục, và cả về di sản chiến tranh (chất độc da cam, bom mìn chưa nổ).
Ông cũng sẽ nói là Hoa Kỳ hậu thuẫn cho một trật tự dựa trên cơ sở luật pháp và một giải pháp hòa bình ở Biển Đông.
Và cuối cùng thì tổng thống Mỹ sẽ hỗ trợ cho các công ty Mỹ vào Việt Nam đầu tư, trao đổi thương mại, để hai bên cùng hưởng lợi.
RFI: Đâu là những lãnh vực mà Việt Nam có thể tranh thủ nhân chuyến thăm của ông Trump ?
Giáo sư Thayer:Trên bình diện chung, Việt Nam sẽ tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trên Bắc Triều Tiên để nước này ngưng việc phổ biến hạt nhân ; ủng hộ việc chống khủng bố, chống tin tặc và ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không của Mỹ trên Biển Đông.
Riêng về Việt Nam, Hà Nội sẽ tái khẳng định cam kết cải tổ kinh tế để các tập đoàn Mỹ có thể hoạt động tốt hơn ở Việt Nam.
Nhất là các lãnh đạo Việt Nam rất có thể sẽ cho thấy thiện chí sẵn sàng giải quyết những vấn đề ưu tiên kinh tế mà các nhà đàm phán thương mại Mỹ nêu lên, như bảo vệ quyền sở hữu tri thức, du nhập thuốc thú y và dịch vụ Mỹ (như tài chính, quảng cáo, và chuyển vùng điện thoại di động roaming).
Lãnh đạo Việt Nam cũng sẽ nhấn mạnh đến hợp tác trong công nghệ quốc phòng.
RFI: Nhiều nhà phân tích cho rằng vấn đề Biển Đông chỉ là thứ yếu trong các ưu tiên của Mỹ ? Ông nghĩ thế nào ?
Giáo sư Thayer:Cả ông Trump lẫn các bộ trưởng Ngoại Giao, Quốc Phòng đều chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Nhưng họ không đưa ra được một chiến lược nhất quán để ngăn chận các hành động quyết đoán của Trung Quốc.
Mỹ đã phản ứng trước việc Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân bằng cách thông qua chính sách Northeast Asia First – Đông Á trước đã – qua đó hạ thấp vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trong danh sách các ưu tiên.
Câu hỏi khó giải đáp đối với ông Trump là ông có thể thành công trong việc gây sức ép trên Trung Quốc hay không, cả về hồ sơ Bắc Triều Tiên lẫn Biển Đông, mà không gây ra phản ứng kháng cự của Trung Quốc hay yêu cầu là phải có đi có lại ?
Tổng thống Trump đã đi theo chính sách chung của Mỹ về Biển Đông khi ông tiếp hai thủ tướng Việt Nam và Singapore.
Đó là chủ trương ủng hộ giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở luật quốc tế, gồm luật biển UNCLOS, tôn trọng tiến trình pháp lý và ngoại giao, đúc kết sớm bộ Quy Tắc Ứng Xử, bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và hàng không.
Vào tháng 5, tổng thống Trump đã thông qua một kế hoạch thường niên mới về các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, nhắm thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc và những quốc gia khác.
Related news items:
Tin mới
- Syria: Quân đội Nga cáo buộc Washington phạm "tội ác chiến tranh" - 04/11/2017 01:03
- Quân đội Syria tái chiếm toàn bộ thành phố Deir Ezzor - 04/11/2017 00:39
- Mỹ: Nghị sĩ Cộng Hòa trình bày dự thảo cải cách thuế của TT Trump - 04/11/2017 00:30
- Kỵ binh: Nét đặc sắc của Vệ Binh Cộng Hòa Pháp - 03/11/2017 22:34
- Việt Nam: HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do tất cả tù nhân chính trị - 03/11/2017 17:50
- Biển Đông: Trung Quốc thông báo đạt được một thỏa thuận với Việt Nam - 03/11/2017 17:38
- Nhà Ngô thứ hai nằm xuống loạn lạc nổi lên - 03/11/2017 04:23
- Nobel Kinh tế Richard Thaler: Kinh tế học hành vi làm thay đổi xã hội - 03/11/2017 03:15
- CIA cho giải mật tài liệu về trùm khủng bố Ben Laden - 03/11/2017 02:55
- Lãnh đạo Miến Điện Suu Kyi lần đầu tiên đi thăm bang Rakhine - 03/11/2017 01:53
Các tin khác
- Trung-Triều: Tập Cận Bình viết thư cho Kim Jong Un - 02/11/2017 22:40
- Nhà xuất bản Đức Springer Nature phải tự kiểm duyệt ở Trung Quốc - 02/11/2017 22:34
- Các lãnh đạo ly khai Catalunya trình diện tư pháp Tây Ban Nha - 02/11/2017 21:05
- Nga và Iran thắt chặt quan hệ đối phó với trừng phạt của Mỹ - 02/11/2017 20:46
- Cựu lãnh đạo lực lượng du kích FARC ra tranh cử tổng thống Colombia - 02/11/2017 14:42
- Thẩm vấn nghi phạm vụ tấn công khủng bố New York - 02/11/2017 01:39
- Tổng thống Pháp trình bày luật chống khủng bố trước Tòa Nhân Quyền Châu Âu - 01/11/2017 19:34
- ASEAN và Trung Quốc diễn tập trên biển, Việt Nam vắng mặt - 01/11/2017 19:27
- Nhật Bản hy vọng cứu được TPP trước hội nghị APEC - 01/11/2017 18:24
- New York bị khủng bố bằng xe tải, cư dân vẫn bình tâm - 01/11/2017 17:26