Trung Quốc : 3 quan điểm đối phó với Bắc Triều Tiên
- Thứ Bảy, 01 tháng Tư năm 2017 18:35
- Tác Giả: Mai Vân
Lãnh đạo Kim Jong Un quan sát cuộc thi đua năm 2017 của các đội lái xe tăng của Quân Đội Bắc Triều Tiên. Ảnh do hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA công bố ngày 01/04/2017.
Reuters
Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm tên lửa, một thách thức không chỉ đối với Mỹ mà cả đối với ‘người đàn anh’ Trung Quốc.
Tuy luôn lên tiếng bênh vực, ngăn chận trùng phạt nhưng Bắc Kinh cũng cho thấy lúng túng trong cách đối phó với chế độ Bình Nhưỡng cho dù Trung Quốc là chỗ dựa lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên.
Điều này cũng gây phiền toái không ít cho Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, hiện nay có 3 trường phái ở Trung Quốc về cách đối phó với người đồng minh ngày càng khó trị. Hemant Adlakha, chuyên gia Ấn Độ về Trung Quốc, đã phân tích các quan điểm này trong bài viết trên tờ The Diplomat, ngày 25/03/2017.
Trước tiên Hemant Adlakha điểm lại sự cố: Vào đầu tháng này, Trung Quốc đã biểu thị thái độ bất bình với Bắc Triều Tiên sau vụ bắn 4 hỏa tiễn Scud vào Biển Nhật Bản.
Trước đó vào tháng Hai, Bắc Kinh đã đình chỉ việc nhập than đá Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đáp trả, chỉ trích Trung Quốc « nhày múa theo điệu nhạc Mỹ ». Đây không phải lần đầu tiên Bắc Triều Tiên trêu cợt, thách thức Trung Quốc.
Nhưng Bắc Kinh cũng rất lấy làm ngạc nhiên khi một số chuyên gia về các vấn đề chiến lược lên tiếng yêu cầu Trung Quốc « bỏ rơi » Bắc Triều Tiên.
Trong thời gian gần đây, thu hút sự chú ý của dân chúng Trung Quốc không phải là căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hay là quan hệ Mỹ-Trung thời Trump không rõ nét, mà là vấn đề « Kim mập Đệ Tam » như truyền thông không chính thức, mạng xã hội gọi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, vào lúc mà đảng và nhà nước ở Bắc Kinh hoàn toàn không có cách giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên.
3 xu hướng xử lý quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng
Hiện nay, theo The Diplomat, tại Trung Quốc có 3 trường phái lớn về cách ứng xử trong quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều Tiên.
Trường phái thứ nhất cho là Bắc Triều Tiên, trên mặt ý thức hệ và địa chính trị vẫn có vai trò then chốt đối với Trung Quốc vì hai lý do: Một là khi duy trì quan hệ chặt chẽ với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc không bị cô lập trong ván bài mà Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang chơi ở bán đảo Triều Tiên.
Hai là với Bắc Triều Tiên đứng bên cạnh, Bắc Kinh ở trong một tư thế tốt hơn để đối phó với tâm lý bài Trung Quốc trên thế giới.
Những người ủng hộ Bắc Triều Tiên này tin chắc rằng Bình Nhưỡng là lá bài chiến lược sáng giá nhất của Bắc Kinh, tầm quan trọng chiến lược này sẽ có giá trị then chốt hơn nữa trong những ngày tới đây.
Trương Chi Không (Zhang Zhikong), một bình luận gia và blogger tiếng tăm, nổi tiếng là trí thức tả khuynh ở Trung Quốc, đã viết trên blog của ông tuần qua : « Về mặt lịch sử, người Trung Quốc không bao giờ bỏ qua tầm quan trọng của Triều Tiên, và ngày nay khi đất nước trẻ hóa mình, thì Trung Quốc không nên từ bỏ bất kỳ vùng nào đã từng thuộc vùng ảnh hưởng truyền thống của mình ».
‘Từ bỏ’ Bình Nhưỡng
Một trường phái khác yêu cầu Bắc Kinh « từ bỏ » hẳn Băc Triều Tiên. Đây là những người ủng hộ cải tổ, ủng hộ kinh tế thị trường, những người được cho là trí thức hữu khuynh, giới cố vấn, chuyên gia.
Nhóm này đã đặc biệt lên tiếng thúc đẩy việc không mấy dễ chịu đối với chế độ Bắc Kinh là phải nghiêm ngặt trong quan hệ với Bình Nhưỡng, đặc biệt sau việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc.
Những người thuộc trường phái cứng rắn với Bắc Triều Tiên này đánh giá thật ra việc triển khai lá chắn là chống Trung Quốc chứ không phải là nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Họ trách cứ chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên đã tạo cớ cho việc triển khai THAAD.
Triệu Linh Mẫn (Zhao Lingmin), một nhà bình luận chính trị có tiếng ở Trung Quốc, đã nhận định như trên trên báo Financial Times - ấn bản Hoa ngữ : « Quyết định của Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc là một thảm họa đối với Trung Quốc và đã đến lúc Trung Quốc phải thay đổi suy nghĩ ».
Những người chủ trương từ bỏ Bắc Triều Tiên đều cho là việc THAAD đến Hàn Quốc phản ánh thất bại ngoại giao của Bắc Kinh và là một cái tát mà Washington giáng cho Bắc Kinh ngay trước chuyến đi Mỹ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng Tư này.
Đối với nhiều người, những tiếng nói bất thường này là lời cảnh báo lãnh đạo Bắc Kinh là Bắc Triều Tiên đã ‘cướp’ lịch trình ngoại giao của Trung Quốc.
Kết quả là cánh chủ trương « từ bỏ » này muốn Bắc Kinh giảm thiểu mọi quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế với Bắc Triều Tiên.
Họ phủ nhận quan hệ huynh đệ thân thiết « môi hở răng lạnh » giữa 2 nước Cộng Sản thời Mao Trạch Đông. Theo họ : « Bây giờ đã khác. Hiện thì Trung Quốc đã thay đổi, đã tiến triển còn Bắc Triều Tiên vẫn bám víu vào quá khứ ».
Về địa chính trị, lập luận của họ là Bắc Triều Tiên là « yếu tố tiêu cực » đối với Trung Quốc.
‘Loại trừ’ Bắc Triều Tiên
Quan điểm trường phái thứ 3 ở Trung Quốc là « loại trừ » Bắc Triều Tiên. Đây là điểm khó được Trung Quốc chấp nhận nhất, đối với cả đảng Cộng Sản lẫn chính quyền trung ương..
Những người chủ trương đưa ra lập luận là đảng Cộng Sản kẹt giữa phe « ủng hộ » và « từ bỏ » Bình Nhưỡng từ nhiều năm qua. Và hiện tại thì xu hướng rõ nét ở Bắc Kinh là thuận cho việc « từ bỏ ».
Hơn nữa với kinh tế Mỹ Trung ngày lệ thuộc nhau, Bắc Kinh không thể khiêu khích Mỹ trên vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Sớm muộn gì, Bắc Kinh sẽ phải chọn giữa « từ bỏ » hay « loại trừ » Bắc Triều Tiên, theo phân tích của trường phái thứ 3 này.
Họ còn dám cho là đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác trên hồ sơ này.
Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có sẽ dứt khoát lập trường về Bắc Triều Tiên trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp tới hay không ?
Dĩ nhiên là Trung Quốc như người ta thường thấy không đột nhiên thay đổi lập trường từng được làm rõ, chuẩn bị kỹ càng.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là các nhà lãnh đạo mạnh mẽ của Trung Quốc như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình đã từng khiến cả thế giới ngạc nhiên bởi các động thái chính trị và ngoại giao ngoài dự liệu của họ. Cần lưu ý rằng, ông Tập Cận Bình hiện đang là nhà lãnh đạo mạnh nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
Câu hỏi khác đang được dư luận Bắc Kinh đặt ra là liệu ông Tập Cận Bình có đủ mạnh để đấm vào mũi lãnh đạo tối cao của Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên hay không ?
Tin mới
- Trump sẵn sàng tự giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên - 03/04/2017 16:10
- Mỹ điều thêm 2 khu trục hạm đến tuần tra Biển Đông - 03/04/2017 16:03
- Vụ người Hoa bị bắn chết: 6000 người biểu tình tại Paris - 03/04/2017 15:56
- Khủng hoảng tại Venezuela : Khối thị trường chung Nam Mỹ cảnh báo Maduro - 02/04/2017 23:31
- Bầu cử tổng thống tại Serbia : Thủ tướng đương nhiệm hy vọng đắc cử ngay vòng một - 02/04/2017 22:12
- Thụy Điển: Bob Dylan đến Stockholm nhận giải Nobel Văn học - 02/04/2017 21:59
- Bầu tổng thống Pháp : ngày N-22 - 02/04/2017 21:41
- Trung Quốc khánh thành 7 vùng tự do mậu dịch mới - 02/04/2017 21:34
- Sắc luật bảo hộ mậu dịch của Donald Trump bị lên án - 02/04/2017 21:27
- Philippines : Tầu khu trục Mỹ đến Subic khẳng định lịch sử quan hệ đối tác - 02/04/2017 21:02
Các tin khác
- Phe nổi dậy cộng sản Philippines đồng ý thảo luận ngưng bắn - 01/04/2017 18:14
- Bắc Triều Tiên : Hoa Kỳ ban hành các biện pháp trừng phạt mới - 01/04/2017 18:08
- Đài Loan muốn hợp tác với Philippines, tham gia đối thoại về Biển Đông - 01/04/2017 18:02
- Miến Điện : Bầu cử mang tính trắc nghiệm cho uy tín của Aung San Suu Kyi - 01/04/2017 17:56
- Tổng thống Trump xem xét việc đến Việt Nam dự APEC - 01/04/2017 14:55
- Tại hội nghị ngoại trưởng NATO, Mỹ tố cáo Nga “xâm lược” Ukraina - 31/03/2017 19:01
- Thông điệp cứng rắn của Mỹ gởi châu Âu : Chi nhiều hơn cho quốc phòng - 31/03/2017 18:25
- Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ gặp rắc rối - 31/03/2017 18:01
- Kiều dân Pháp tại Trung Quốc được kêu gọi cảnh giác - 31/03/2017 17:52
- Hàn Quốc : Cựu tổng thống Park Geun-hye bị bắt, đối lập hoan hỉ - 31/03/2017 17:31