Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vùng than Trung Quốc trông chờ vào nhà « độc tài » địa phương

chine shanxi ok

Tỉnh Sơn Tây (Shanxi), thủ phủ công nghiệp than và cũng là một trong những trung tâm lịch sử-văn hóa của Trung Quốc.
Ảnh : Wikipedia

Có lẽ ít nơi nào ở Trung Quốc lại tập trung nhiều tương phản như tỉnh Sơn Tây (Shanxi), miền đông bắc.

Vùng than hàng đầu nước này thường lâm vào cảnh thiếu điện ; con em vùng mỏ không được hưởng các ưu đãi như tại các khu vực xa xôi, trong lúc nạn tham nhũng hoành hành ở quy mô nghiêm trọng nhất nước.

Nhiều người Sơn Tây đặt niềm tin vào một lãnh đạo « độc tài », có thể mang lại thay đổi lớn.
Đây là nội dung chính của bài viết « Giấc mơ Trung Quốc của Tập Cận Bình đến vùng than » của nhà báo François Dubé, được đăng tải trên mạng The Diplomat, ngày 22/11/2016. RFI giới thiệu :

Bài viết của François Dubé mở đầu với tâm sự của một thanh niên Sơn Tây, 26 tuổi, có cha là một chủ mỏ than. Anh cho biết người cha đã giàu lên rất nhanh chóng, nhờ khai thác được thứ tài nguyên trời cho này.

Tuy nhiên, ngay khi mới giàu lên, ông đã trở thành nạn nhân của đủ loại quan chức chính quyền địa phương, buộc ông phải chi tiền để « mua xe », thậm chí « nhà », hay « trả học phí cho con cái quan chức du học ở nước ngoài », để đổi lại là các giấp phép khai thác.

Câu chuyện của người thanh niên nói trên về tình cảnh nửa nạn nhân, nửa hưởng lợi của người bố chủ mỏ đã trở thành điều hết sức bình thường tại Sơn Tây.

Sơn Tây, với 36 triệu dân cư, là nơi được coi là vùng khai thác than lớn nhất nước, với 25% sản lượng than toàn quốc.
Tại Trung Quốc, 70% điện sản xuất và tiêu thụ trên toàn quốc là nhờ than. Than chính là một bí quyết làm nên tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc.
 Loại năng lượng hóa thạch hết sức ô nhiễm, nhưng giá rẻ này, đã giúp cho các hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới.

Tuy nhiên, từ ít năm trở lại đây, tăng trưởng chững lại tại Trung Quốc khiến nền kinh tế tỉnh Sơn Tây bị tác động mạnh. Giai đoạn hoàng kim của ngành than tại Sơn Tây cũng không thể kéo dài vì lý do môi trường.

Các mỏ than nhỏ cùng với các mỏ kim loại quý, vừa là nguồn thu gần như là duy nhất của Sơn Tây, nhưng cũng là nguyên nhân của tình trạng nước và không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Sơn Tây đứng trước áp lực phải thay đổi mô hình kinh tế, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và tiếp theo đó là việc ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, với kế hoạch cải cách, ưu tiên các doanh nghiệp lớn.

Sau một thời gian dài kiểm soát chặt giá than, chính quyền Trung Quốc quyết định thả nổi giá của hầu hết loại than vào năm 1999.
Đợt sụt giá mạnh trong hai năm 2012 đến 2013 tạo điều kiện để các công ty lớn của Nhà nước thôn tính hàng loạt các công ty nhỏ.

Công ty gia đình của cha người thanh niên được phỏng vấn cũng chịu cùng số phận như bao nhà khác. Đối với rất nhiều người dân Sơn Tây, thời kỳ dễ thở đã lùi xa vào quá khứ.

Theo kế hoạch của chính quyền, Sơn Tây sẽ phải chuyển đổi mô hình kinh tế, từ chỗ dựa vào tài nguyên khoáng sản, hướng sang du lịch.
Nhưng đó là những khẩu hiệu xa xôi. Trong hiện tại, đa số người dân của khu vực nằm cách Bắc Kinh khoảng 400 km về phía tây cảm thấy bị chính quyền trung ương bỏ rơi.

« Trung Quốc phải xin lỗi Sơn Tây ! »

Tình cảm phẫn nộ vì bị bỏ rơi này đã được bày tỏ lần đầu tiên trước công chúng qua bài viết của một giáo viên trường Đại học Thái Nguyên (Taiyuan), Sơn Tây, năm 2014. Bài viết mang tựa đề : « Trung Quốc phải xin lỗi Sơn Tây ! ».

Bài viết đã dựng lại hình ảnh kinh khủng về Sơn Tây, một vùng đất đóng góp nhiều cho « sự tăng trưởng mầu nhiệm » của Trung Quốc, nhưng lại không được đền bù tương xứng.
Nhà giáo trường đại học Thái Nguyên tố cáo chính sách kìm giá của Bắc Kinh đã tước đoạt của người Sơn Tây hàng tỉ đồng trong nhiều năm trời.

Đối với tác giả bài viết nổi tiếng này, Sơn Tây thực sự là một tỉnh bị bỏ rơi, thua thiệt, do vị trí bị kẹt giữa vùng duyên hải phía đông, rất thịnh vượng về kinh tế, và các khu vực xa xôi phía tây được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của chính quyền trung ương.
Rất nhiều cư dân Sơn Tây đồng tình với quan điểm của tác giả.

Đứng đầu về số quan chức bị trừng phạt

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, vùng đất hiện thân cho một đất nước Trung Quốc thu nhỏ với muôn vàn bất công này là trọng điểm của cuộc chiến chống tham nhũng, với tên gọi « đả hổ, diệt ruồi », do ông Tập chủ xướng.

Với khoảng 15.450 quan chức bị trừng phạt riêng trong năm 2014, Sơn Tây đứng đầu Trung Quốc về mặt này.
Chiến dịch đả hổ diệt ruồi đã khiến chính quyền địa phương này phải tuyên bố là tỉnh đang thiếu viên chức trầm trọng.

Trong số những quan chức Sơn Tây bị hạ bệ, nổi tiếng nhất có Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), nguyên thư ký của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, và Lệnh Chính Sách (Ling Zhengce), phó chủ tịch cơ quan Hiệp Chính tỉnh Sơn Tây (một cơ quan tương tự như Mặt Trận Tổ Quốc ở Việt Nam - người viết).

Riêng trong tháng 10/2016 vừa qua, 7 quan chức chính quyền và hàng chục cán bộ đảng cấp tỉnh đã bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng.

Thị trưởng Sơn Tây : Vấn đề của Trung Quốc là Đảng kiểm soát tất cả

Theo nhà báo François Dubé, trong lúc giới quan chức đảng và chính quyền của tỉnh Sơn Tây bị thất sủng, cũng tại vùng mỏ này đã nổi lên một nhân vật lãnh đạo mới.
Ông Cảnh Ngạn Ba (Geng Yanbo), vốn là thị trưởng của Đại Đồng (Datong), một thành phố hơn 3 triệu dân, năm 2008 (Đại Đồng được coi là một trong các thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc).

Cảnh Ngạn Ba chủ trương một cuộc thay đổi lớn cho Đại Đồng, xây dựng lại trung tâm thành phố, biến nơi đây thành một trung tâm du lịch, dựa trên thế mạnh là một cố đô thời nhà Ngụy (Wei).

Khoảng 500.000 người đã buộc phải di chuyển trong kế hoạch khổng lồ này. Ông Cảnh được tặng cho biệt danh là « Cảnh phá hủy ».
Năm 2013, ông Cảnh được thăng chức thị trưởng thành phố Thái Nguyên, tỉnh lỵ tỉnh Sơn Tây.

Thị trưởng Cảnh Ngạn Ba bị những người chỉ trích lên án là có phong cách độc tài giống như Tập Cận Bình. Tuy nhiên, nhân vật này cũng nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt của khá đông đảo dân chúng địa phương.

Trong phần kết của bài viết, tác giả bài báo nhấn mạnh là : Lãnh đạo thủ phủ tỉnh Sơn Tây đã công khai lên án hệ thống chính trị hiện hành tại Trung Quốc.

Trong một bộ phim tài liệu mới đây (The Chinese Mayor, 2014), ông Cảnh Ngạn Ba khẳng định :
« Toàn bộ vấn đề của Trung Quốc có gốc rễ trong hệ thống chính trị. Điều mà tôi đang làm là không thể được dưới chế độ này.…. Ban chấp hành của Đảng kiểm soát tất cả. Tôi chỉ là một thị trưởng... ».

Theo nhà báo François Dubé, trong bối cảnh đảng Cộng Sản kiểm soát toàn bộ xã hội, nhiều người trong xã hội Trung Quốc hiện nay chỉ còn biết đặt niềm tin vào những lãnh đạo có tham vọng thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay như Tập Cận Bình ở cấp trung ương, và những người như ông Cảnh Ngạn Ba ở Sơn Tây, để có thể dẹp bỏ những tệ nạn của hệ thống chính trị độc đảng Trung Quốc.

Switch mode views: