Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hai miền Triều Tiên đàm phán để ngăn ngừa xung đột

NKOREA-SKOREA

Binh sĩ Hàn Quốc tại chốt canh trên cầu Hợp nhất phân chia hai miền Bắc - Nam Triều Tiên.
REUTERS/Kim Hong-Ji

Seoul và Bình Nhưỡng ngày 22/08/2015, đã chấp nhận ngồi lại đàm phán cấp cao tại Bàn Môn Điếm nhằm tìm giải pháp đối với tình hình căng thẳng leo thang tại vùng biên giới trên bộ.

 Bắc Triều Tiên đã đe dọa một « cuộc chiến toàn diện » nếu Hàn Quốc không chấm dứt các chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh.

Hãng tin AFP cho biết, thông báo về cuộc gặp gỡ này được đưa ra đúng hai giờ trước khi thời hạn chót mà lãnh tụ Kim Jong-Un của Bắc Triều Tiên đưa ra ngày hôm qua.
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại ngôi làng Bàn Môn Điếm vào lúc 6 giờ sáng, giờ địa phương, nơi đã diễn ra các cuộc đàm phán song phương vào tháng 10/2014.

Phát ngôn viên của phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết cử Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Young-Pyo và cố vấn An ninh quốc gia Kim Kwan-Jim làm đại diện.

Phía Bắc Triều Tiên sẽ cử Bộ trưởng Quốc phòng Hwang Pyong-So, được đánh giá là nhân vật số hai của chế độ Bình Nhưỡng, và Kim Yong-Gon, bí thư đảng Lao động kiêm phụ trách các mối quan hệ với miền Nam.

Căng thẳng giữa hai miền đã leo thang đáng kể trong 24 tiếng đồng hồ gần đây, ngay cả khi các chuyên gia quốc tế nhận định rằng Bình Nhưỡng vẫn có thói quen đưa ra những lời tuyên bố hiếu chiến như trên.

Quân đội Bắc Triều Tiên đã cho triển khai lực lượng tại biên giới và đặt các đơn vị trong « tình trạng chiến tranh », để sẵn sàng hành động nếu Seoul không ngưng chiến dịch phát loa tuyên truyền.

Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên đe dọa : « Chúng tôi đang đứng bên bờ một cuộc chiến tranh và tình hình không lay chuyển được ».
Còn tại miền Nam, chiến đấu cơ Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành những bài diễn tập không kích vào buổi trưa hôm nay để thị uy.

Cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao tình hình hiện nay tại bán đảo Triều Tiên.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon, hôm qua đã khuyến khích hai miền Triều Tiên chấm dứt tình trạng căng thẳng leo thang tại đây.

 Trong khi đó, Hoa Kỳ, hiện đang có 30.000 quân nhân tại Hàn Quốc, đã yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế.

Trong bản thông cáo của Lầu Năm Góc được công bố hôm nay, 22/08, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Martin Dempsey, đã nhắc lại « cam kết không hề lay chuyển của Mỹ » sát cánh cùng với Hàn Quốc.

Trung Quốc, đồng minh chính của Bắc Triều Tiên, cũng đã kêu gọi bình tĩnh và tránh mọi leo thang, đúng vào lúc Bắc Kinh đang thu hút các nhà lãnh đạo thế giới tới dự lễ kỷ niệm quân đội Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945 sẽ được tổ chức vào ngày 03/09 tới.

Cuộc chiến tuyên truyền

Ngay sau hôm Bình Nhưỡng đe dọa, Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-Hye tuyên bố cứng rắn Seoul không có ý định tuân theo mệnh lệnh của Bắc Triều Tiên, và sẽ không cho ngừng phát loa tuyên truyền ở biên giới.

Hàn Quốc đã quyết định sử dụng lại chiến tranh tuyên truyền - một phương pháp mà cả hai miền đã ngừng từ năm 2004, theo một văn bản thỏa thuận chung - nhằm trả đũa một vụ nổ mìn sát thương vào đầu tháng 08 tại biên giới khiến hai quân nhân Hàn Quốc bị cụt chân.
Biện pháp trên đã khiến Bắc Triều Tiên nổi giận.

Bình Nhưỡng đã phủ nhận mọi liên quan tới vụ nổ mìn.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào thứ Năm vừa qua 20/08 khi hai bên nã pháo vào nhau, tuy không gây thương tích.

Cuộc tấn công trực tiếp gần đây nhất của Bình Nhưỡng nhắm vào miền Nam xẩy ra vào tháng 12/2010 khi Bắc Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, khiến hai quân nhân và hai thường dân nước này bị thiệt mạng.

Hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh từ 65 năm nay vì cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) mới chỉ được đánh dấu bằng một thỏa thuận đình chiến, và chưa bao giờ một hiệp định hòa bình được chính thức ký kết.


Switch mode views: