Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Luật siết chặt tự do tôn giáo của Quốc hội Miến Điện bị chỉ trích

birmanie parlement

Dân biểu Miến Điện đến họp Quốc hội ở Naypyitaw, Myanmar ngày 18/08/ 2015.
REUTERS/Soe Zeya Tun

Dưới áp lực của giới Phật tử cứng rắn, Quốc hội Miến Điện hôm qua, 20/08/2015, đã bỏ phiếu thông qua hai dự luật liên quan đến tôn giáo.

Đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì dân chủ bỏ phiếu chống dự luật, mà trước đó Liên Hiệp Châu Âu đã cảnh báo là « đe dọa tiến trình hướng đến hòa giải dân tộc và chuyển sang xã hội dân chủ cởi mở » tại Miến Điện.

Người phát ngôn của lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi cho AFP biết : « hai luật điều chỉnh việc chuyển đạo và chế độ hôn nhân đa thê đã được Quốc hội phê chuẩn », Liên đoàn quốc gia vì dân chủ đã bỏ phiếu chống, vì các luật này có thể gây bất lợi cho nhân quyền.
Tuy nhiên, theo  phát ngôn viên Win Myint, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ chỉ là thiểu số, ý kiến của đảng đã không được nghe theo.

Nội dung đầy đủ của hai luật này chưa được công bố. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, hướng chung của các luật này là gây khó khăn cho việc thay đổi đức tin tôn giáo và hình sự hóa các quan hệ ngoài hôn nhân.

Trong ít tháng gần đây, chính quyền Miến Điện cũng ra hai luật khác, bị chỉ trích mạnh vì xâm phạm quyền phụ nữ và tự do tôn giáo, trước hết quyền của người theo đạo Hồi, chống lại các cuộc hôn nhân giữa người khác tôn giáo.

Dự luật về hôn nhân với người khác tôn giáo, được Quốc hội thông qua, nhưng chưa có hiệu lực, đặc biệt bị lên án.

Theo bản thảo dự luật này được công bố từ tháng 12/2014, một người theo đạo Phật muốn lập gia đình với người khác tôn giáo phải được chính quyền địa phương cho phép, nếu không tuân thủ sẽ bị phạt tù hai năm.
Phe cực đoan có thể kích động xung đột tôn giáo trước bầu cử

Một loạt các luật liên quan đến tôn giáo vừa được Miến Điện thông qua cho thấy ảnh hưởng gia tăng của giới sư tăng cực đoan.
 Sư Wirathu, nổi tiếng vì lập trường dân tộc chủ nghĩa cứng rắn, ca ngợi các luật mới giúp cho « mọi công dân được an toàn ».

Một loạt điều luật gây lo ngại xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền và quyền tự do tôn giáo được chính quyền tung ra đúng vào lúc quốc gia này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 11 tới, được coi như một trắc nghiệm cho tiến trình dân chủ hóa đầy trắc trở của Miến Điện, hiện do chính quyền bán dân sự lãnh đạo.

Theo ông David Mathieson, hiệp hội theo dõi nhân quyền HRW, chủ trương xây dựng luật về tôn giáo nói trên của chính quyền Miến Điện mang tính « dân tộc chủ nghĩa cực đoan » và có thể dẫn đến xung đột tôn giáo, các luật này « có thể được sử dụng trước và sau cuộc bầu cử để truy bức các nhóm tôn giáo thiểu số ».

Cũng hôm qua, tổ chức nhân quyền Carter cảnh báo, nhiều khả năng hàng nghìn người thuộc các sắc tộc thiểu số tại Miến Điện sẽ bị tước quyền bầu cử, vì không có giấy tờ. Báo cáo của hiệp hội được công bố ngày 19/08, lưu ý việc « nhiều nhóm dân tộc chủ nghĩa và nhiều đảng phái chính trị để lấy lòng cử tri, sẽ tìm cách kích động căng thẳng tôn giáo, trong bối cảnh chính trị vốn đã căng thẳng hiện nay ».
 

Switch mode views: