Biên giới Việt Nam : Cam Bốt đề nghị LQH cấp bản đồ gốc
- Thứ Ba, 07 tháng Bảy năm 2015 16:07
- Tác Giả: Trọng Thành
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tại Diễn đàn Kinh tế Mekong - Năm tại Tokyo ngày 03/07/2015.
Reuters
Theo báo chí Cam Bốt, ngày 06/07/2015, Thủ tướng Hun Sen đã gửi thư đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị cung cấp các bản đồ gốc về đường biên giới với Việt Nam, từng được cố Quốc vương Sihanouk đệ nạp lên Liên Hiệp Quốc.
Theo người đứng đầu chính quyền Cam Bốt, Phnom Penh muốn có được các bản đồ này để bảo vệ « tính chính xác » của việc phân định biên giới, chống lại « chủ nghĩa dân tộc cực đoan », có thể đưa quốc gia này đến « thảm họa ».
Báo Cambodge Post cho biết các bản đồ do Vua Sihanouk trình Liên Hiệp Quốc năm 1964 đã được đưa vào điều 2 của Hiến pháp Cam Bốt năm 1993.
Theo đó, đường biên giới của nước này được xác định theo « các bản đồ có tỷ lệ 1/100.000 (tức bản đồ do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản) được xác lập trong thời gian từ 1933 đến 1953, và được quốc tế thừa nhận trong thời gian từ 1963 đến 1969 ».
Trong bức thư nói trên, Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen khẳng định : Phnom Penh muốn có được các bản đồ gốc, để « khẳng định tính chính xác » của tiến trình phân định biên giới đang diễn ra, nhằm « chấm dứt sự kích động của chủ nghĩa dân tộc cực đoan » vì các mục tiêu chính trị, có thể dẫn Cam Bốt đến « thảm họa ».
Còn theo The Phnom Penh Post, nghị sĩ đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (CNRP) Um Sam An hoan nghênh đề nghị của ông Hun Sen gửi Liên Hiệp Quốc và kêu gọi chính quyền thẩm tra các bản đồ và việc ấn định các trạm biên phòng với sự tham gia của đối lập, xã hội dân sự và giới chuyên gia.
Tình hình tại biên giới Cam Bốt – Việt Nam có thể tiếp tục căng thẳng. Trước lá thư của Thủ tướng Hun Sen, vẫn theo The Phnom Penh Post, một nghị sĩ đảng đối lập CNRP thông báo kế hoạch huy động 10.000 người tham gia vào cuộc tuần hành ngày 19/07 tới tại tỉnh Svay Rieng, nơi xảy ra đụng độ.
Hôm qua, người phát ngôn chính phủ Cam Bốt Phay Siphan thông báo, chính phủ sẽ đàm phán để tránh xảy ra một cuộc tuần hành như vậy tại khu vực biên giới.
Về phần mình, lãnh đạo đảng đối lập Cam Bốt Sam Rainsy cho biết sẽ chờ đợi kết quả yêu cầu của ông Hun Sen, nhưng không loại trừ một cuộc tuần hành, « nếu đó là nguyện vọng của nhân dân ».
Cambodge Post ghi nhận, bức thư của Thủ tướng Hun Sen được gửi đi ngay sau khi có thêm một sự cố mới xảy ra đúng tại địa điểm có đụng độ khiến khoảng một chục người bị thương ngày 28/06, thuộc tỉnh Svay Rieng, giữa một nhóm hơn 200 thanh niên Cam Bốt do hai nghị sĩ đối lập dẫn đầu với phía Việt Nam.
Cụ thể, hôm thứ Bảy 03/07, một người Cam Bốt tranh đấu vì quyền trẻ em đã bị một số người dân phía Việt Nam hành hung. Người này bị công an Việt Nam bắt, tuy nhiên, hôm sau đã được thả về Cam Bốt.
Sau sự cố 28/06, ngày 30/06, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng cáo buộc những thành phần cực đoan xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ Việt Nam, tấn công cư dân và lực lượng an ninh, khiến 7 người Việt Nam bị thương.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Phnom Penh có biện pháp « không để những hành động tương tự tái diễn, bảo đảm cho công tác phân giới cắm mốc được tiến hành thuận lợi vì lợi ích chung của nhân dân hai nước ».
Ngày hôm sau, báo Cam Bốt cho biết chính phủ hai nước thành lập nhóm làm việc chung giữa hai nước để “ xem xét và làm rõ” vụ việc.
Trả lời báo giới, Ngày 01/07, ông Var Kim Hong – trưởng ban Biên giới của chính phủ - khẳng định các bản đồ về biên giới với tỷ lệ 1/50.000 hiện nay mà Cam Bốt và Việt Nam sử dụng là bản sao trung thành của các bản đồ 1/100.000 trước đây, tiến trình hoạch định biên giới của Ủy ban Biên giới chính phủ hai nước là « hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp » Cam Bốt.
Trả lời báo Giáo duc Việt Nam hôm qua, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ Việt Nam Trần Công Trục thông báo, cho đến nay 78% chiều dài biên giới đã được phân định theo Hiệp ước năm 1985 và và Hiệp ước bổ sung năm 2005.
Còn theo ông Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn của báo mạng VnExpress hôm nay, khi ký Hiệp ước bổ sung năm 2005, hai bên đã cam kết hoàn thành cắm mốc biên giới « trước tháng 12/2008, sau đó điều chỉnh thành cuối năm 2012 », tuy nhiên, phía Cam Bốt đã đề nghị lùi thời hạn, do « tình hình chính trị ở Campuchia diễn biến phức tạp ».
Tin mới
- Tổ chức thượng đỉnh BRICS, Nga muốn khẳng định không bị cô lập - 08/07/2015 18:07
- Lục quân Hoa Kỳ sắp giảm quân số - 08/07/2015 15:07
- Trung Quốc hoàn tất dự luật khống chế mạng internet - 08/07/2015 15:01
- Đàm phán hạt nhân : Iran đòi bỏ cấm vận vũ khí - 08/07/2015 14:53
- Tại Nhà trắng, Obama và Nguyễn Phú Trọng bày tỏ quan ngại về Biển Đông - 08/07/2015 14:36
- Biểu tình trước Nhà Trắng phản đối TBT Nguyễn Phú Trọng - 08/07/2015 06:55
- Thế giới chờ kết quả cuộc họp thượng đỉnh về khủng hoảng Hy Lạp - 07/07/2015 22:46
- Hạt nhân Iran : Đàm phán sẽ kéo dài thêm nhiều ngày - 07/07/2015 18:23
- Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục rơi dù được can thiệp - 07/07/2015 18:09
- Biển Đông : Philippines điều trần tại Tòa án Trọng tài - 07/07/2015 18:03
Các tin khác
- Chiến sự ác liệt ở miền Bắc Syria - 07/07/2015 15:54
- Quân đội Trung Quốc muốn có oanh tạc cơ tàng hình tầm xa - 07/07/2015 15:04
- Vài cảm xúc sau khi xem trận Mỹ đè bẹp Nhật 5-2 trong trận chung kết bóng đá nữ thế giới - 07/07/2015 14:39
- Những điều ít biết trong nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - 07/07/2015 14:23
- Du lịch Việt Nam liên tục tuột dốc - 06/07/2015 17:35
- Hy Lạp : Phe chống thắng lợi, tương lai bất định - 06/07/2015 16:42
- Phong trào dân chủ Hồng Kông không đe dọa "an ninh quốc gia" - 06/07/2015 16:34
- Bắc Kinh khẳng định tôn trọng người Duy Ngô Nhĩ - 06/07/2015 15:54
- Người Mỹ gốc Hoa dùng thẻ tín dụng giả trộm $75,000 - 06/07/2015 00:46
- Putin: Quan hệ Mỹ-Nga là chìa khoá giải quyết khủng hoảng thế giới - 05/07/2015 21:37