Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Kerry hội đàm với Modi để cải thiện quan hệ Mỹ-Ấn

INDIA-USA 4

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tại New Delhi, 01/08/2014
REUTERS


Trong khuôn khổ chuyến công du Ấn Độ, hôm nay, 01/08/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi, trong nỗ lực cải thiện lại mối quan hệ giữa hai nước đã bị xấu đi trong những tháng gần đây.

Chuyến viếng thăm Ấn Độ ba ngày cùa ông Kerry còn nhằm chuẩn bị cho việc công du Hoa Kỳ của nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Ấn trong năm nay.

 Cách đây gần mười năm, vào năm 2005, ông Modi đã bị Mỹ cấm nhập cảnh, do vụ bạo động nhắm vào người Hồi giáo làm cho trên 1.000 người chết tại bang Goujarat mà ông lãnh đạo vào thời đó.

Trong bài xã luận đồng ký tên với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker đăng trên tờ báo Economic Times của Ấn Độ hôm thứ Tư 30/7, ông Kerry cho rằng « sự hợp tác lâu đời giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ » đang trong giai đoạn « chuyển đổi lịch sử ».

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh : « Khi chung tay làm việc, nền dân chủ lâu đời nhất thế giới và nền dân chủ lớn nhất thế giới có thể cùng dựng nên một kỷ nguyên thịnh vượng mới được chia sẻ, và an ninh cho hàng trăm triệu người tại Ấn Độ, ở châu Á và trên thế giới ».

Trong hai thập kỷ gần đây, Ấn Độ và Hoa Kỳ coi nhau là các đồng minh tự nhiên, vì cùng có mối quan ngại chung về sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như sự bành trướng của Hồi giáo cực đoan.

Nhưng quan hệ đôi bên đã bị ảnh hưởng vào năm 2013 với việc một nhà ngoại giao Ấn bị bắt giữ tại New York vì nghi ngờ bóc lột người giúp việc nhà, gây ra bão tố ngoại giao.

Giả thiết cho rằng đảng Bharatiya Janata Party (BJP) của ông Modi từng là mục tiêu của một chiến dịch giám sát do Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) tiến hành, vào lúc ông đang còn ở phía đối lập, đã làm tăng thêm sự nghi ngại và căng thẳng giữa hai nước.

Cuộc hội đàm giữa hai ông Kerry và Modi chủ yếu về hồ sơ nhạy cảm là vấn đề thương mại quốc tế.

Hôm qua, tại Genève, Ấn Độ đã làm thất bại một hiệp định về mở rộng trao đổi giữa 160 quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoại trưởng Mỹ tỏ ý tiếc về việc này.

Tân chính phủ Ấn Độ tuần rồi đã thay đổi ý kiến về hiệp định đã được thông qua ở Bali tháng 12/2013, đòi phải thương lượng về dự trữ lương thực từ nay cho đến 31/12/2014, trong khi ban đầu New Delhi đã chấp nhận thời hạn đến năm 2017.

Một viên chức Mỹ tuyên bố : « Chúng tôi ghi nhận Thủ tướng bày tỏ quyết tâm mở cửa nền kinh tế Ấn cho các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra những cơ hội.
Thế nên thất bại của TFA (Trade Facilitation Agreement) gởi đi một dấu hiệu nhập nhằng, làm mờ nhòe thông điệp mà ông muốn đưa ra.

Càng thấu hiểu sự lo ngại của Ấn Độ về an ninh lương thực, chúng tôi càng cho rằng hiệp định trên mang lại những lợi ích to lớn, đặc biệt cho những người nghèo trên thế giới. Quyết định của Ấn Độ không phù hợp với quan điểm của Thủ tướng ».

Ấn Độ vốn đấu tranh chống nghèo đói kể từ khi giành được độc lập, mua ngũ cốc với giá cao hơn giá thị trường cho nông dân, và bán thực phẩm có trợ giá cho hàng trăm triệu người nghèo.



Switch mode views: