Điểm Báo Pháp Quốc ngày 18-02-2014
- Thứ Ba, 18 tháng Hai năm 2014 20:26
- Tác Giả: Thu Hằng
Tại Phnom Penh, đối lập mơ về « một mùa xuân Cam Bốt »
Các nhà sư cũng tham gia cuộc tập họp trước tòa Thượng thẩm Phnom Penh, đòi trả tự do cho 21người hoạt động bảo vệ nhân quyền và công nhân bị bắt giam. Ảnh chụp ngày 11/02/2014
Reuters
Sau nhiều cuộc biểu tình diễn ra từ vài tháng nay, chính phủ Cam Bốt ban bố lệnh cấm hội họp, có hiệu lực từ 03/01/2014 vừa qua. Lệnh này xuất phát từ cuộc biểu tình của công nhân ngành dệt may với sự ủng hộ của phe đối lập.
Trong bài : « Tại Phnom Penh, đối lập mơ về "một mùa xuân Cam Bốt" », đặc phái viên của báo Le Monde nhận định khó lường trước được diễn biến tình hình đây.
Có 5 người chết, hàng chục người bị thương và nhiều người bị bắt giam trong cuộc biểu tình của công nhân ngành dệt may.
Yêu cầu tăng mức lương tối thiểu từ 80 lên 160 đô la (từ 60 lên 120 euro) không được chính phủ và hiệp hội chủ ngành dệt may Cam Bốt thỏa mãn, vì giới lãnh đạo cho rằng yêu sách trên sẽ giết chết ngành công nghiệp này. Họ đề xuất mức lương tối thiểu là 100 đô la, áp dụng từ năm 2014. Sau đó, người lao động sẽ được tăng lương theo chu kỳ 3 hoặc 5 năm.
Phóng viên Le Monde phân tích những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng không lối thoát, có khả năng thành một « mùa xuân Cam Bốt », từ mùa hè 2013 vừa qua.
Trước tiên, Thủ tướng Hun Sen với đảng Nhân dân Cam Bốt của mình, nắm giữ quyền hành từ 32 năm nay.
Trong mắt của thanh niên Cam Bốt, chiếm 65% dân số, ông không còn là người hùng mang lại hòa bình cho đất nước, mà là đại diện cho bất bình đẳng và chính sách gia đình trị.
Tiếp theo, người dân cũng ngán ngẩm trước chính sách trục xuất, tịch thu đất trao cho các doanh nghiệp nước ngoài, nạn phá rừng hàng loạt và luật pháp bất công.
Tại cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7 năm 2013, lần đầu tiên Đảng của Thủ tướng Hun Sen có kết quả tồi nhất, chỉ có 68 ghế trong Quốc hội.
Đảng đối lập của Sam Rainsy đạt 55 ghế và không ngừng nhận được sự ủng hộ của người dân, đặc biệt sau cuộc đàn áp hung bạo của cảnh sát hồi đầu tháng 1 vừa qua.
Tầng lớp bình dân và trung lưu mới lên coi Sam Rainsy là người hùng. Thế nhưng, trong mắt các chủ doanh nghiệp, ông bị coi là kẻ mị dân, luôn chơi quân bài chống Việt Nam và những yêu sách không thực tế như tăng mức lương tối thiểu lên 160 đô la.
Tác giả bài báo nhận xét, chắc chắn một điều là từ khi Sam Rainsy hồi hương, người dân được tự do phát ngôn hơn và dám xuống đường biểu tình.
Về phần mình, thủ lĩnh đảng đối lập tin vào một thỏa thuận với chính quyền khi tuyên bố : « Hun Sen mới đây đã hứa với tôi là bầu cử trước thời hạn vào tháng 01 năm 2016.
Thậm chí, ông ấy nói với tôi muốn có một luật ân xá đối với ba nhân vật là chủ tịch Quốc hội, Heng Samrin, chủ tịch đảng cầm quyền là Chea Sim và cuối cùng là chính ông ấy. Và ông ấy đề nghị chính đảng đối lập yêu cầu luật ân xá này. Với tôi, đây là dấu hiệu ông ấy nghiêm túc tính đến việc ra đi ».
Chưa có gì đảm bảo tin này. Trái lại, tình hình rất đang nóng bỏng : Dân số trẻ, tỉ lệ thất nghiệp cao, nạn tham nhũng phổ biến, khoảng cách giầu nghèo tăng, tầm ảnh hưởng của các mạng xã hội ngày càng lớn. Và cuối cùng, một nhà lãnh đạo độc tài nắm quyền từ gần 30 năm nay.
Tăng trưởng Nhật Bản : Thất vọng
Vẫn liên quan tới tình hình châu Á, hai tờ Le Figaro và Les Echos quan tâm tới kết quả của chính sách « Abenomics » được mong chờ để khôi phục nền kinh tế Nhật Bản.
Le Figaro đưa tin : «Tăng trưởng đáng thất vọng của Nhật Bản ». Còn Les Echos đánh giá : « Chính sách "Abenomics" không tài nào thúc đẩy được tăng trưởng của Nhật Bản ».
Theo kết quả được công bố vào thứ Hai vừa qua, tăng trưởng chỉ đạt 0,3% vào quý 4 của năm 2013. Như vậy, trong năm 2013, tăng trưởng của Nhật Bản đạt 1,6% từ khi thực hiện chính sách « Abenomics », chỉ nhỉnh hơn một chút so với 1,4% tăng trưởng vào năm 2012 của chính phủ trước đó.
Báo Le Figaro phân tích xuất khẩu là lĩnh vực mang lại kết quả xấu cho quý 4 năm 2013.
Các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống của Nhật Bản, như đồ điện tử, ô tô hay trang thiết bị công nghiệp, luôn là đầu tầu cho sự tăng trưởng của nước này. Thế nhưng, những năm gần đây, lượng xuất khẩu của các lĩnh vực trên không ngừng thụt lùi.
Đây là hệ quả của sự di chuyển của bộ máy sản xuất Nhật Bản sang các thị trường được nhắm tới. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang phải chịu sự cạnh tranh với các quốc gia láng giềng đang lên.
Song dưới chính sách « Abenomics » được tiến hành từ 15 tháng nay, đồng yên sẽ không giảm giá khi những nhà xuất khẩu không tìm lại được sự năng động của mình trước đó.
Về khối lượng, xuất khẩu của Nhật Bản kém 10% so với thời kì thịnh vượng nhất cách đây 6 năm. Một yếu tố khác là hóa đơn năng lượng của Nhật Bản, thanh toán bằng đồng đô la, càng đắt đỏ hơn sau tai nạn Fukushima và nhà máy điện nguyên tử này ngừng hoạt động.
So với quý 3, tiêu thụ nội địa vẫn khá tốt, tăng 0,5%. Thế nhưng, các nhà phân tích lo ngại kết quả này sẽ giảm khi thuế giá trị gia tăng mới, từ 5% lên 8%, được áp dụng từ ngày 01/04 tới. Luật thuế mới này cũng sẽ gây khó khăn cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Các nhà phân tích cho rằng con số tăng trưởng trong quý đầu năm 2014 sẽ khả quan hơn cuối năm 2013. Tuy nhiên, họ e ngại sức tăng trên sẽ đóng băng sau ngày áp dụng luật thuế mới.
Họ kêu gọi Thủ tướng tung ra các cải cách mang tính chất cấu trúc mà ông đã hứa từ 14 tháng nay, đây chính là mũi tên thứ 3 trong chính sách « Abenomics » của ông.
Trung Quốc : Đông Quản ủng hộ gái làng chơi
Đông Quản, thủ đô tình dục của Trung Quốc, trong tình trạng giới nghiêm từ khi đài truyền hình trung ương CCTV phát hai phóng sự phản ánh tình trạng mại dâm tại đây, đặc biệt từ khi giám đốc công an của thành phố bị cách chức cách đây vài ngày.
Phóng viên báo Le Monde cho biết rõ hơn tình hình tại đây trong bài : « Trung Quốc : Đông Quản ủng hộ gái làng chơi ».
Mại dâm là ngành công nghiệp thăng hoa tại Đông Quản, thành phố cảng nằm giữa hai hành lang kinh tế Quảng Châu và Thâm Quyến.
Ước tính có khoảng 300 000 lao động tình dục và đóng góp khoảng 10% cho thành phố khổng lồ hơn 8 triệu dân.
Chiến dịch chống nạn mại dâm ở đây đã bắt nhiều gái làng chơi cùng với nhiều nhân viên của các tổ chức môi giới và đặc biệt là cảnh sát trưởng của thành phố. Thế nhưng, vụ việc đã gây lên một làn sóng ủng hộ đối với những « bàn tay nhỏ » của ngành công nghiệp này, thường là phụ nữ nhập cư đến từ các vùng nông thôn trong hoàn cảnh khó khăn.
Trên mạng internet, nhiều người bình luận đả kích sự đạo đức giả của chế độ, nơi mà nhà nước cộng sản diễn vẻ nghiêm khắc sau khi đã bảo lãnh cho những tật xấu còn tồi tệ hơn.
Thường được khoan dung bằng cách nhận tiền hối lộ, thậm chí được chính cảnh sát tổ chức, nạn mại dâm tại Trung Quốc liên quan chặt chẽ với ngành cảnh sát. Trong bản báo cáo được công bố hồi tháng 12 năm 2013, Asia Catalyst, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, nêu chi tiết những vụ lạm dụng thường xuyên của cảnh sát trong các cuộc bắt giam, cũng như những thủ đoạn cưỡng ép các gia đình và chủ của gái mại dâm.
Không cần xét xử, gái mại dâm thường xuyên bị đưa đến những trại giam và trung tâm giáo dục (từ 6 tháng tới 2 năm) do cảnh sát quản lý. Tại đây, họ bị ép làm việc và phải trả những khoản phí cao ngất ngưởng trong suốt thời gian lưu lại. Tổ chức phi chính phủ trên kết luận, đây cũng là một ngành công nghiệp thực sự.
Tại Seoul, đường cao tốc biến mất khỏi bầu trời
Nhìn sang Hàn Quốc, trong bài : « Tại Seoul, đường cao tốc biến mất khỏi bầu trời », đặc phái viên của báo Le Monde đề cập tới việc Seoul đang tìm lại cảnh quan thoáng đãng trước đây bằng cách phá hủy những con đường cao tốc trên không.
Biểu tượng của những năm tăng trưởng, 101 đường trên không gây mất thẩm mỹ cho cảnh quan thủ đô Hàn Quốc. Những con đường này được xây dựng dưới thời Thị trưởng Kim-Hyun-ok, với biệt danh « Kim xe ủi ». Trong những dự án của ông, các tuyến đường treo chiếm một vị trí quan trọng.
Trước sự bùng nổ dân số và giao thông, trong những năm 1980, 101 đường đã được xây dựng, một mặt vì vừa nhanh thi công, mặt khác giá thành rẻ hơn so với làm đường ngầm.
Thế nhưng, ngoài vấn đề ô nhiễm cảnh quan, các công trình này cũng đặt ra vấn đề không an toàn do tình trạng xuống cấp quá nhanh đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.
Từ đầu những năm 2000, dân số Seoul giảm xuống dưới 10 triệu người, chính quyền thành phố bắt đầu bảo vệ chính sách hướng tới tạo một môi trường tốt hơn. Từ năm 2002, khoảng 15 đường trên không đã bị phá hủy, thay vào đó là những khu vực xanh hay những tuyến đường nhẹ nhàng hơn.
Bị coi là mất thẩm mỹ, thế nhưng các tuyến đường trên vẫn là một yếu tố quan trọng đối với lịch sử của Seoul, biểu tượng của những năm phát triển.
Và người Hàn Quốc muốn lưu lại kỉ niệm đó. Viện bảo tàng Lịch sử Seoul đang chuẩn bị một cuộc triển lãm diễn ra vào tháng 5 tới với chủ đề : « Vĩnh biệt đường treo », vì theo cơ quan trên « các con đường trên phản ánh sự thay đổi của một thành phố bị chiến tranh tàn phá thành một thủ đô hiện đại và công nghệ cao ».
Tổng thống Pháp mở cửa chào đón các doanh nghiệp nước ngoài
Sau chuyến công du và tiếp xúc với các doanh nghiệp Mỹ, hôm qua, tổng thống Pháp François Hollande đã trải thảm đỏ đón 34 nhà đầu tư nước ngoài tại điện Elysée. Các báo Pháp ra ngày hôm nay tiếp tục đưa tin về sự kiện này.
Trang nhất của báo Le Monde đăng tin : « Hollande đối đầu với sự hoài nghi của các ông chủ nước ngoài ».
Tổng thống Pháp đưa ra hàng loạt biện pháp để lấy lại lòng tin và tăng cường sức thu hút của nước Pháp. Các nhật báo tóm tắt bẩy biện pháp chính, bao gồm : Thành lập tổ chức « France international entrepreneurs » bằng việc sát nhập Cơ quan đầu tư quốc tế (Agence française des investissements internationaux) và Ubifrance (tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp trong xuất khẩu) ; cấp « hộ chiếu tài năng » có giá trị 4 năm cho các cử nhân trẻ có trình độ, các nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư và người lao động có tay nghề cao ; tạo điều kiện dễ dàng cho các chuyến công du làm ăn ; tạo điều kiện đón tiếp sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài ; giúp đỡ thành lập các chi nhánh nước ngoài tại Pháp ; đơn giản hóa thủ tục hải quan ; khôi phục niềm tin về mặt thuế khóa đối với các doanh nghiệp và giảm nhẹ các thủ tục xã hội.
Dưới tiêu đề « Lời kêu gọi "vốn nước ngoài" của Hollande », tờ Les Echos cho biết người đứng đầu nhà nước Pháp hứa hẹn với các nhà đầu tư nước ngoài sự ổn định và tính đơn giản.
Sáu tháng một lần, ông sẽ họp Hội đồng chiến lược về sức thu hút. Tờ Le Figaro thông tin François Hollande cam đoan với các chủ doanh nghiệp Pháp và nước ngoài đầu tư vào Pháp sự ổn định về quy định thuế khóa và hành chính.
Tờ báo cũng cho biết thêm : « Bị bài diễn văn quyến rũ, giờ đây, các chủ doanh nghiệp chờ hành động ».
Về phần mình, báo Libération lại nhận xét chiến lược marketing của Hollande lại không đưa ra được những đột phá lớn.
Tin mới
- Obama công khai ủng hộ đấu tranh bảo vệ văn hóa Tây Tạng - 22/02/2014 18:40
- Canada chấm dứt chương trình "đầu tư để được nhập cư" - 21/02/2014 00:31
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 20-02-2014 - 21/02/2014 00:15
- Bỏ 19 tỉ đô la mua WhatsApp : Facebook muốn tiếp tục ngôi vị dẫn đầu - 20/02/2014 21:06
- Trung Quốc sẵn sàng cho một cuộc chiến «ngắn, gọn» với Nhật - 20/02/2014 20:38
- Mỹ tiếp tục xây nhà máy điện hạt nhân - 19/02/2014 22:20
- Thổ Nhĩ Kỳ : Ban hành luật quản lý internet gây nhiều tranh cãi - 19/02/2014 21:43
- Ukraina : Bạo lực bùng phát dữ dội trở lại tại Kiev - 19/02/2014 21:35
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 19-02-2014 - 19/02/2014 21:29
- Iran thương lượng với Nga đổi dầu lấy lò phản ứng hạt nhân mới - 19/02/2014 00:49
Các tin khác
- Việt Nam : Toà tuyên y án sơ thẩm luật sư Lê Quốc Quân - 18/02/2014 19:44
- Những câu hỏi đặt ra sau cái chết của ông Phạm Quý Ngọ - 18/02/2014 19:36
- Liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược bị chính quyền 'hạ nhục' - 17/02/2014 21:07
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 17-02-2014 - 17/02/2014 20:29
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 16-02-2014 - 17/02/2014 01:03
- Tuần hành tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 tại Hà Nội - 17/02/2014 00:18
- Hà Nội: Biểu tình chống TQ nhân kỷ niệm chiến tranh biên giới - 17/02/2014 00:10
- Đức Giáo Hoàng cho lời khuyên nhân ngày Valentine - 16/02/2014 00:07
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 15-02-2014 - 15/02/2014 23:40
- Giới blogger Trung Quốc kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ can thiệp - 15/02/2014 23:12