Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-05-2018

 Khủng bố bằng dao ở Paris dấy lại tranh luận về hồ sơ ‘‘S’’
Opéra- Paris

Tại hiện trường vụ khủng bố ở quảng trường Opéra, Paris, ngày 12/05/2018.
AFP/Geoffroy van der Hasselt

Vụ khủng bố Paris làm dấy lên cuộc tranh luận về cách đối xử với những người nằm trong danh sách bị cảnh sát theo dõi, việc Mỹ rời sứ quán tại Israel về Jerusalem gây căng thẳng tại Cận Đông là chủ đề trang nhất của nhiều báo Pháp hôm nay.

Le Monde chú ý đến mức tăng trưởng đột biến của dịch vụ video trực tuyến của Netflix « buộc truyền hình và điện ảnh phải thay đổi », trong lúc Les Echos nói đến « nỗi lo ngại » của châu Âu, sau thỏa thuận lập chính phủ tại Ý giữa phong trào 5 Sao và đảng cực hữu Liên Minh Phương Bắc.

Về vụ tấn công bằng dao tại quảng trường Opéra, Paris, hôm thứ Bảy 12/05/2018, khiến một khách qua đường thiệt mạng và bốn người khác bị thương, trong đó có hai người bị thương nặng, Le Figaro có bài « Vụ khủng bố tại Paris dấy lại cuộc tranh luận về những người có hồ sơ S (tức thuộc diện bị theo dõi) ».
Le Figaro trước hết khẳng định : hệ thống an ninh chống khủng bố đã làm việc rất hiệu quả.

Danh tính thủ phạm được xác định ngay lập tức. Đó là Khamzat Azimov, 21 tuổi, sinh quán tại Tchetchenia (thuộc Nga), được nhập quốc tịch Pháp năm 2010, do có mẹ đã được nhập quốc tịch trước đó. Khamzat Azimov đã bị cảnh sát thẩm vấn cách nay một năm, và nằm trong danh sách « S » từ 2016.

Ở phía cánh hữu, một số người chất vấn chính quyền tại sao không áp dụng các biện pháp ngăn chặn với các nhân vật trong danh sách S.
Phải chăng chính quyền đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của các phần tử này, và để cho họ có cơ hội gây thêm tội ác ?

Thủ phạm thường thuộc nhóm ít bị tình nghi nhất

Le Figaro dẫn lời một số chuyên gia cảnh sát, theo đó nằm trong danh sách S "không phải là bị kết án".
Đây chỉ là danh sách mà cảnh sát lập ra để tăng cường thu thập thông tin về các phần tử bị tình nghi.
Tại Pháp, có khoảng 20.000 người nằm trong danh sách này, trong đó có liên hệ với giới Hồi Giáo cực đoan là khoảng 12.000.

Hiện tại cuộc điều tra đang được tiến hành. Theo các thông tin ban đầu, thủ phạm không có tiền án. Và cho dù bị thẩm vấn cách đây ít lâu, vì có tiếp xúc với một người có vợ đi Syria, và có liên lạc với hai người gốc Tchetchenia, bị cảnh sát theo dõi.
Tuy nhiên, ứng xử trong đời thường và các hoạt động trên mạng xã hội của kẻ giết người tương lai không có gì gây nghi ngờ đặc biệt đối với cơ quan điều tra.

Theo một cựu chỉ huy cảnh sát Pháp, dân biểu đảng cầm quyền Jean-Michel Fauvergue, vấn đề đặt ra ở đây là, thủ phạm các vụ tấn công khủng bố thường là những nhân vật thuộc nhóm ít bị tình nghi nhất trong số 20.000 người trong hồ sơ S.
 Thủ phạm các vụ khủng bố như vậy thường hành động một cách đơn lẻ, lặng lẽ, bằng các phương tiện gây án thô sơ, do vậy cơ quan an ninh rất khó dự báo trước.

Khủng bố giảm trong bối cảnh Daech bị đẩy lùi

Trong một bài khác về chủ đề này, Le Figaro ghi nhận tình hình khủng bố tại Pháp giảm bớt trong năm ngoái, xét về số lượng nạn nhân.
Điều này có thể có liên hệ với việc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) tại Trung Đông hứng chịu nhiều thất bại về quân sự.

Theo cựu chỉ huy cơ quan tình báo Pháp (DGSE) Alain Chouet, cũng là tác giả của nhiều nghiên cứu về khủng bố, về Hồi Giáo cực đoan, hợp tác giữa tình báo Pháp và các cộng sự nước ngoài trong thời gian gần đây đã có nhiều tiến bộ, cho phép xác định được tốt hơn « các môi trường nhiều nguy cơ », giúp đề phòng trước một số đe dọa.
Tuy nhiên, chuyên gia về khủng bố Pháp cũng cảnh báo là, trong bối cảnh bị mất lãnh thổ tại Trung Đông, Daech có thể tiến hành thêm nhiều vụ khủng bố, để gây thanh thế.

Tổng thống và dân chúng bình tĩnh

Vẫn về chủ đề hành xử cần có để đối phó nguy cơ khủng bố đơn lẻ, xã luận tờ Le Figaro thiên hữu chỉ trích chính quyền - đã « nhắm mắt » trước nguyên nhân sâu xa của nạn khủng bố, đó là « chủ nghĩa cực đoan tôn giáo » ngự trị tại các vùng ngoại ô, trường học.
Trong khi đó, bài xã luận tờ báo thiên tả Libération mang tựa đề « Mỵ dân » lại trực diện lên án nhiều lãnh đạo « cánh hữu cứng rắn » và « cực hữu ».

Libération thừa nhận việc tấn bằng các phương tiện thô sơ là mối đe dọa khủng bố phổ biến nhất hiện nay, và rất cần phải tiếp tục tranh luận để làm thế nào chính sách và kỹ thuật chống khủng bố có hiệu quả hơn, thế nhưng không thể đánh lừa công luận khi đưa ra những giải pháp dễ dãi, được coi như một phép mầu, nhưng đi ngược lại với các nguyên tắc của một Nhà Nước pháp quyền, như nhiều lãnh đạo cánh hữu và cực hữu tung ra để quyến rũ cử tri. Libération ca ngợi đa số người Pháp vẫn bình tĩnh trước các thử thách.

Về phần mình, Les Echos có bài nhận định về thái độ bình tĩnh của tổng thống Emmanuel Macron, từ chối không có các phản ứng vội vã, như tuyên bố điều chỉnh luật pháp chống khủng bố, để trấn an một bộ phận công luận.
Theo Les Echos, công luận Pháp nói chung trong hiện tại tỏ ra không nao núng trước mối đe dọa khủng bố quy mô nhỏ, khó dự đoán nói trên.

Mỹ dời sứ quán tới Jerusalem : Căng thẳng cao độ

Lễ khai trương sứ quán Mỹ tại Jerusalem, đúng vào dịp 70 năm ngày Nhà nước Do Thái thành lập, diễn ra trong « không khí hết sức căng thẳng » là ghi nhận của Les Echos.
Một phái đoàn đông đảo quan chức cao cấp Mỹ, nhưng không có tổng thống Trump, tới tham dự lễ khai trương vào 16 giờ chiều nay.
Đối với Nhà nước Do Thái, quyết định chuyển sứ quán Mỹ mang lại nhiều lợi lộc trước mắt.

Cụ thể làm uy tín của đảng cầm quyền Likoud lên cao trong công luận, trong bối cảnh Tel Aviv vừa có thêm nhiều lợi thế, với việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chiến dịch không kích chống lại các căn cứ quân sự Iran tại Syria đạt kết quả, với sự ngầm thuận của Matxcơva (Israel cũng được Nga trấn an với tuyên bố sẽ không bán các hệ thống tên lửa phòng ngự mới cho chính quyền Syria).

Tuy nhiên, đối với chính quyền Palestine, quyết định dời sứ quán nói trên làm mất uy tín của Mỹ, với tư cách « nhà môi giới » cho một giải pháp hòa bình tại Cận Đông.
 Vẫn theo Les Echos Tel Aviv đang sẵn sàng trước « một tuần lễ căng thẳng cao độ ».
Cụ thể là lực lượng trực chiến xung quanh dải Gaza và vùng Cijordani của người Palestine, tăng gấp đôi, để đối phó với nhiều cuộc biểu tình dự kiến sẽ rất dữ dội.

« Món quà tẩm thuốc độc » với Israel

Việc chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem có thể khiến chính quyền Israel phấn chấn, thế nhưng theo nhà báo Patrick Saint-Paul của Le Figaro, đây là « một món quà tẩm thuốc độc » của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Quyết định đơn phương của Donald Trump, bất chấp khuyên can của các quốc gia bè bạn, làm tan vỡ các cơ hội cho việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Israel – Palestine.

Đối với cộng đồng quốc tế, Jerusalem không thể nào được công nhận làm thủ đô của Nhà nước Do Thái chừng nào mà người Palestine chưa có được Nhà nước của mình, mà nếu có chắc chắn cũng sẽ phải đặt tại (vùng đông) Jerusalem.
Ngược lại với mong muốn của cộng đồng quốc tế, tổng thống Mỹ quyết định dời sứ quán, quyết định gây căng thẳng cao độ, mà không đưa ra giải pháp hòa bình khả dĩ nào.
Le Figaro so sánh quyết định này như một « cú nhảy vào vô định » tại một khu vực, mà vốn chỉ cần « một tia lửa cũng đủ để gây ra một đám cháy lớn ».

Bốn cộng đồng Israel có tìm được tiếng nói chung ?

Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý khác về bốn cộng đồng chủ yếu tại Israel, với quan điểm hết sức đối chọi.
Cụ thể là các cộng đồng người Israel gốc Ả Rập, người Do Thái thế tục, người Do Thái sùng đạo và nhóm Do Thái « siêu chính thống ».

Theo nhà xã hội học và chính trị học Denis Charbit, giảng dạy tại Israel, thì sau 70 năm lập quốc, Nhà nước Do Thái đã thành công trong việc giành được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế, giờ đây vấn đề là « sự thừa nhận của thế giới Ả Rập ».
Nhưng bên cạnh đó, vấn đề lớn khác là phải làm sao để bốn cộng đồng chủ yếu của Israel có thể chung sống hòa bình được với nhau.

Hạt nhân Iran : Các phương án của châu Âu để đối phó với Trump

Về hồ sơ hạt nhân Iran đang bế tắc, Les Echos có bài « Iran : Các phương án của châu Âu để đối phó với Trump ». Sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, các nước châu Âu tìm cách phối hợp hành động.

Đây sẽ là chủ đề chính của cuộc hội kiến ngày mai giữa lãnh đạo ngoại giao châu Âu với ngoại trưởng ba nước Pháp, Đức, Anh.
Nguyên thủ 28 nước châu Âu cũng sẽ bàn về vấn đề này trong hai ngày thượng đỉnh của Liên Hiệp, thứ Tư và thứ Năm tới tại Sophia, Bulgari.

Theo một nguồn tin châu Âu, các nước châu Âu có thể áp dụng một quy tắc, vốn được lập ra từ năm 1996, để đối phó với việc Mỹ cấm vận Cuba.
Luật nói trên cho phép các doanh nghiệp và tòa án châu Âu « không chịu sự chi phối của các trừng phạt do một bên thứ ba đặt ra ».

Quy định này, dù « phức tạp khi áp dụng », nhưng sẽ mang lại « nhiều lợi thế » cho phía châu Âu trong các đàm phán với Mỹ.
Một phương án khác là tăng cường khả năng độc lập tài chính của châu Âu, để không phải phụ thuộc vào các định chế cấp vốn, có liên hệ với Hoa Kỳ.
Mục tiêu là « lách khỏi sự chi phối của hệ thống ngân hàng quốc tế mang tên Swift », chịu sự kiểm soát của Washington.

Les Echos cũng nhận xét là, cho dù các nỗ lực của Paris và nhiều thủ đô châu Âu, nhưng khả năng nổi dậy để khẳng định sự độc lập của Liên Âu trước Hoa Kỳ là viễn cảnh không dễ dàng.
 Không chắc là các nỗ lực nói trên có thể đi đến thành công.

Điểm nóng chuyển qua Cận Đông, các tập đoàn tin học Mỹ-Trung tăng giá

Trong lĩnh vực kinh tế, chứng khoán của ba đại tập đoàn Mỹ Apple, Amazon và Microsoft, cùng một số tập đoàn tin học Trung Quốc tăng giá, nhờ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung giảm nhiệt, điểm nóng tập trung vào Trung Đông, là thông tin của trang tài chính và thị trường của Les Echos.

Theo Les Echos, chỉ số NYE FANG+, bao gồm 10 công ty lớn của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này tăng hơn 15% từ một tháng nay.
Cùng thời gian này, giá trên sàn chứng khoán của ba tập đoàn nói trên đã tăng thêm hơn 400 tỉ đô la.
Cannes : « Giang Hồ Nhi Nữ » được ngợi ca, Triệu Đào có thể đoạt giải « nữ diễn viên xuất sắc »

Về Liên hoan điện ảnh Cannes đang diễn ra, nhiều báo Pháp ca ngợi bộ phim « Giang Hồ Nhi Nữ » (hay « Những kẻ bất tử ») của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha (Jia Zhang Ke).

Le Monde có bài « Phim đen (hay phim về giới tội phạm) của Giả Chương Kha », giới thiệu với độc giả cốt truyện ba hồi của bộ phim về quan hệ kỳ lạ giữa Bin, thủ lĩnh một băng nhóm tội phạm với Qiao.
Người phụ nữ đã cứu mạng Bin, phải vào tù vì hành động xả thân, rồi trở thành thủ lĩnh của chính băng nhóm tội phạm của người tình.

Giang Hồ Nhi Nữ của Giả Chương Kha có ánh sáng và bóng tối, vừa lãng mạn, bay bổng, lại vừa đầy kịch tính, diễn biến mau lẹ.
Le Monde bảo đảm là bộ phim này xứng đáng là « một trong các bộ phim lớn » của đạo diễn Giả Chương Kha.

Le Monde cũng mời độc giả chú ý đến một hoạt động khác của đạo diễn họ Giả, kể từ phim « Sơn Hà Cố Nhân » (2015).
Nhờ các nỗ lực của Giả Chương Kha, một hệ thống rạp chiếu phim độc lập đã ra đời tại tỉnh Sơn Tây (Shanxi), quê hương ông.

Le Monde không quên thông báo điều có vẻ như rất nghịch lý là ông hoàng của điện ảnh độc lập Trung Quốc đắc cử dân biểu, và tham gia vào chính Quốc Hội đã bỏ phiếu thông qua điều khoản trong Hiến pháp Trung Quốc dành cho Tập Cận Bình quyền lực tuyệt đối.

Libération có hai bài viết về Giang Hồ Nhi Nữ. Một để giới thiệu nữ diễn viên Triệu Đào (Tao Zhao), 41 tuổi, trong vai Qiao, mà tờ báo dự đoán là « ứng cử viên sáng giá » cho giải nữ xuất sắc nhất của Cannes năm nay.
Triệu Đào – vợ và là diễn viên trong tất cả các bộ phim chính của Giả Chương Kha - cũng có mặt tại Cannes lần này.

Bài viết thứ hai của Libération mang tựa đề « Những kẻ bất tử : tấn bi kịch thuần khiết và cô đúc », nhìn bộ phim dài thứ 12 của Giả Chương Kha, như một « bản tự họa », một « bức tranh hoành tráng », kết tinh toàn bộ cuộc đời làm phim của ông cho đến nay.

Switch mode views: