Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bắc Triều Tiên : Một ngọn núi bị sụt do thử hạt nhân

Punggye-ri - bom

Căn cứ thử nghiệm nguyên tử Punggye-ri của Bắc Triều Tiên
(http://38north.org)

Vụ thử hạt nhân lần cuối cùng vào ngày 03/09/2017 tại Bắc Triều Tiên có cường độ mạnh đến nỗi làm dịch chuyển các sườn núi nơi diễn ra các vụ thử hạt nhân ngầm.

Báo Le Figaro ngày 12/05/2018 đăng một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science.
Đây là kết quả cộng tác của nhiều nhà khoa học theo sáng kiến của nhóm nghiên cứu trường đại học Nanyang Technical University Singapore.

 Lần đầu tiên các nhà khoa học đã kết hợp những ghi nhận địa chấn học với các ảnh vệ tinh nhằm hoàn thiện bảng mô phỏng về những gì thật sự đã diễn ra vào ngày 03/09 đó tại trung tâm thử hạt nhân Punggye-ri, đông bắc Bắc Triều Tiên.

Bất chấp bí mật bao phủ hoàn toàn chung quanh chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, cả thế giới nhận thấy là sức công phá của lần thử sau cùng đã tạo ra những dư chấn tương đương với một trận động đất có cường độ 6,3 độ Richter, tức là có cường độ cao hơn những lần thử trước, điều  này cho thấy sức mạnh của quả bom ít nhất là khoảng 100 nghìn tấn, tức mạnh gấp từ 5-6 lần quả bom đã san bằng thành phố Hiroshima năm 1945.

Một loạt các câu hỏi được đặt ra : Vụ nổ xảy ra ở độ sâu bao nhiêu, một thước đo quan trọng để tính toán sức mạnh thật sự tỏa ra từ năng lượng hạt nhân ?
 Phải chăng các dư chấn đáng kể do vụ thử gây ra đã làm hư hại nghiêm trọng nền đất thử của Punggye-Ri ?

Xuất phát từ những nghi vấn trên, giới khoa học đã tiến hành so sánh các hình ảnh không gian ba chiều chụp từ vệ tinh, và thấy là một số vạt bên sườn ngọn núi Mantap, nơi xảy ra các vụ thử ngầm dưới lòng núi đã bị biến dạng có khi đến hơn 3 mét.

Phương pháp so sánh ảnh ra-đa vệ tinh đã được các nhà địa chất-vật lý học sử dụng hơn 25 năm qua để nghiên cứu tác động của các trận động đất và núi lửa.
Nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học dùng đến kỹ thuật này để đưa ra các kết quả phân tích một vụ thử hạt nhân.

Ông Sylvain Barbot, giáo sư địa chất-vật lý học người Pháp có tham gia vào chương trình nghiên cứu của Singapore lưu ý là « những lần thử hạt nhân trước của Bắc Triều Tiên chưa đủ mạnh để có thể gây ra những biến dạng có thể đo được bằng kỹ thuật này ».

Nhưng với lần thử sau cùng này, các nhà khoa học nhận thấy núi Mantap cao 2.200 mét đã bị mất đi 50cm chiều cao.
Họ còn nhìn thấy rõ các sườn núi bị trượt dài theo chiều ngang, có khi lên đến 3,5 mét ở sườn phía tây và nam.

Ông Sylvain Barbot giải thích :
« Các hình ảnh vệ tinh chỉ cung cấp cho chúng tôi về những gì đã xảy ra kể từ sau vụ thử hạt nhân, và do vậy cần phải có thêm nhiều phân tích bổ sung khác, liên quan đến dư chấn động đất, để hiểu rõ hơn chuyện gì đã xảy ra giữa hai giai đoạn trước và sau khi thử ».

Khi phối hợp hai kỹ thuật, so sánh ảnh vệ tinh và đo dư chấn, các nhà khoa học vẽ ra được một kịch bản theo 4 bước.
 Đầu tiên hết, vụ nổ xảy ra sâu dưới 450m trong lòng núi và làm giật nẩy ngọn núi, phát ra những dư chấn động đất 6,3 độ Richter.
 Bước thứ hai, sau cú nảy lên tức thì là cột khói sụp xuống theo chiều đứng, ngay phía trên địa điểm vụ thử.

Bước thứ ba, tám phút sau đó, một vụ nổ khác, rất có thể là một đường hầm hay một cái hang ngầm nằm cách nơi xảy ra vụ nổ ban đầu 700m ở phía nam bị sập, gây ra một cơn địa chấn yếu hơn dư chấn ban đầu 60 lần.
 Sau cùng, giai đoạn thứ tư, lâu hơn, không phát ra các tín hiệu dư chấn nào và được đặc trưng bằng một sự sụt lún dọc theo ngọn núi. Hệ quả là núi Mantap bị mất đi 50cm.

Từ quan sát này, các nhà nghiên cứu khẳng định vụ thử đã được thực hiện ở độ sâu 450m trong lòng núi.
Một độ sâu đủ để cho biết quả bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên có một sức mạnh là 200 nghìn tấn, cao gấp hai lần so với ước tính ban đầu.

Sức tàn phá gây ra mạnh đến mức sự sụt lún của ngọn núi không thể chỉ do việc sụp hầm.
 Một giả thuyết do chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra hồi tháng 04/2018.

Trong trường hợp tiến trình phi hạt nhân của bán đảo Triều Tiên mà Kim Jong Un hứa hẹn trước cuộc gặp với Donald Trump tại Singapore vào ngày 12/06/2018 bị thất bại, chế độ Bình Nhưỡng rất có khả năng thực hiện các vụ thử khác ở Punggye-ri.

Switch mode views: