Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thủ tướng Đức đi Mỹ : Vì sao bà Merkel phải nhún mình ?

Đối mặt với các cường quốc : Đức - Pháp phân vai

merkel 2


Trang bìa tuần báo Đức Der Spiegel số cuối tháng 4/2018, với hàng tựa "Ai có thể cứu phương Tây?"
(Capture d'écran)

Chuyến công du Mỹ của tổng thống Pháp tiếp tục là chủ đề trang nhất của nhiều nhật báo.

 Le Monde chạy tựa : « Macron và Trump cố gắng vượt bất đồng về Iran ».
« Macron tìm cách cứu thỏa thuận hạt nhân Iran », xã luận La Croix.
« Vừa là bạn hữu, vừa phản biện, Macron quyến rũ Quốc Hội Mỹ », tựa của Le Figaro.

Les Echos cũng chú ý đến bài phát biểu gần một giờ của tổng thống Pháp, với hồ sơ : « Macron kêu gọi nghị sĩ Mỹ đừng khép cửa với thế giới ».
Chuyến công du lặng lẽ của thủ tướng Đức tới Mỹ hôm nay là một chủ đề khác.
 Le Figaro có bài lý giải vì sao bà Merkel phải nhún mình.

Tiếp theo nốt bổng của chuyến công du của tổng thống Pháp, được truyền thông rộng rãi, với các nghi thức trọng thể, là nốt trầm của chuyến « công tác » chóng vánh của thủ tướng Đức đến Mỹ.

 Le Figaro lý giải vì sao chuyến công du Mỹ của thủ tướng Đức - lãnh đạo hàng đầu của châu Âu - lại diễn ra trong lặng lẽ, trong lúc chỉ cách nay hơn một năm, bà Angela Merkel từng được coi là nhà lãnh đạo châu Âu sáng giá nhất, thượng khách của Washington ?

Bài « Bà Merkel buộc phải nhún mình » của Le Figaro nhấn mạnh là thủ tướng Đức không được đón tiếp với nghi thức cấp Nhà nước như lãnh đạo Pháp.
Chỉ có một nghi thức tối thiểu dành cho nhà lãnh đạo Đức. Theo Le Figaro, ba lý do khiến Angela Merkel phải chấp nhận cách đón tiếp không vẻ vang này.

Thứ nhất, thủ tướng Đức - từng được coi là « người cuối cùng bảo vệ các giá trị phương Tây, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống » bị nguyên thủ Hoa Kỳ coi như một « vật cản », đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, theo chuyên gia về các quan hệ Đức-Mỹ Jan Techau, Quỹ German Marshall Fund, Berlin.

Trong thời gian tranh cử, Donald Trump liên tục lên án thâm hụt thương mại với Đức, hối thúc Berlin tăng đóng góp quân sự trong khuôn khổ NATO…
Vẫn theo chuyên gia Jan Techau, lý do thứ hai là, bên cạnh các nguyên nhân sâu xa, giữa hai lãnh đạo Đức-Mỹ « hoàn toàn không có quan hệ thân tình ».

 Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Angela Merkel và tổng thống Trump ở Washington, tháng 3/2017, để lại ấn tượng xấu.
Năm ngoái, lãnh đạo Đức từng nhấn mạnh là Liên Âu gần như không thể trông cậy được gì ở Mỹ.
Lý do thứ ba không kém phần quan trọng là vị thế của thủ tướng Merkel tại Đức đã suy yếu mạnh, với một liên minh cầm quyền mong manh.

Báo Đức Der Spiegel - số ra mới nhất, mang tựa đề « Ai sẽ cứu phương Tây ? » - nhận định : « Đức lại một lần nữa trở thành quốc gia chầu rìa của chính trị quốc tế », hình ảnh trang bìa với nền là tổng thống Trump bốc lửa, phía trước là bà Merkel co rúm sợ hãi, đứng cạnh tổng thống Pháp rất tự tin.
Cuộc không kích của liên quân tại Syria cho thấy rõ thế bị động của Berlin trong chính trị quốc tế.

Thủ tướng Đức chỉ dành cho các đồng minh một sự « ủng hộ » về chính trị.
Tổng thống Pháp thì cho biết liên quân không thể trông cậy được ở Đức, vì Quốc Hội Đức - định chế có vai trò quyết định - phải mất đến hàng tuần thảo luận mới ra được giải pháp.

Đối mặt với các cường quốc : Đức - Pháp phân vai

Tuy nhiên, Le Figaro cũng ghi nhận, thủ tướng Merkel đã hoàn toàn thích nghi với « vị trí ở tuyến sau » như hiện nay.
Bà ưa các cuộc thảo luận nội bộ hơn là lên màn ảnh truyền hình. Angela Merkel có các thế mạnh của mình.

Đối với nước Nga, thủ tướng Đức là một nhà môi giới quan trọng trong hồ sơ Syria.
Cộng đồng châu Âu và quốc tế cũng rất cần đến các đóng góp tài chính của Berlin.

Điểm đặc biệt quan trọng là lập trường của thủ tướng Đức và tổng thống Pháp về nhiều hồ sơ quốc tế lớn rất gần nhau.
Với tư cách là trụ cột của châu Âu, để đứng vững được trước các cường quốc thế giới, Berlin và Paris đang tìm cách phối hợp, với các vai diễn khác nhau, thay vì mạnh ai nấy làm.

Vẫn về chuyến công du của thủ tướng Đức, Les Echos cho biết thêm, bà Angela Merkel sẽ chỉ được Donald Trump tiếp trong vòng ba giờ đồng hồ.
 Ba giờ so với ba ngày công du của tổng thống Pháp, tay trong tay với đồng nhiệm Mỹ, quả là một trời một vực !

Macron mượn diễn đàn Quốc Hội Mỹ phê phán Donald Trump

Về ngày cuối cùng chuyến công du của tổng thống Emmanuel Macron tại Mỹ, báo Pháp đặc biệt chú ý đến bài phát biểu trước Quốc Hội Mỹ sáng thứ Tư, 24/04.
Theo Les Echos, tổng thống Macron đã sử dụng được cơ hội quý giá này để khẳng định lập trường khác biệt của nước Pháp với chính quyền Trump về hàng loạt vấn đề như Iran, thương mại quốc tế hay khí hậu.

Bài phát biểu của Macron dài gần một tiếng, gần gấp đôi thời gian dự kiến, được các nghị sĩ vỗ tay hơn 50 lần.
Emmanuel Macron đặc biệt kêu gọi nước Mỹ hướng đến « chủ nghĩa đa phương », « hợp tác quốc tế », bởi nếu để bị « chủ nghĩa cô lập », « thái độ co cụm », « chủ nghĩa dân tộc » chi phối, có nghĩa là nhường không gian cho các thế lực khác độc chiếm.

Về thỏa thuận hạt nhân Iran – mà cộng đồng quốc tế đang lo ngại Donald Trump đơn phương xé bỏ - tổng thống Pháp nhấn mạnh là « không thể từ bỏ » thỏa thuận này, một khi không có thỏa thuận mới thay thế, đồng thời tỏ rõ quyết tâm sẽ không bao giờ cho phép « Iran sở hữu vũ khí hạt nhân ».
Về khí hậu, ông khẳng định sẽ « không có một hành tinh B » cho nhân loại, và tin tưởng Hoa Kỳ sẽ trở lại với thỏa thuận khí hậu Paris.

Tình bạn « thật sự » hay « trò diễn » ?

Về chuyến công du của tổng thống Pháp, Les Echos có bài điểm báo thú vị : « Tình bạn, con dao hai lưỡi, nhìn từ nước Mỹ ».
Tất cả người Mỹ đều ca ngợi « phương pháp của tổng thống Pháp », đã thiết lập thành công mối quan hệ đặc biệt với tổng thống Mỹ, Donald Trump, điều mà chưa lãnh đạo nước nào làm được.

Báo Washington Post ca ngợi « một câu chuyện tình » giữa hai tổng thống, mà đỉnh điểm là cảnh Donald Trump chăm chú nhặt một chút gầu dính trên vạt áo của Emmanuel Macron.

Trong khi chuyên gia về ứng xử David Givens, trên Post, nhìn thấy ở đây mối quan hệ « bề trên, kẻ dưới », nhưng dù sao « vở kịch thơ mộng » này cũng là một sự thực.
 Một số nhà tấu hài của nước Mỹ thì ví cặp Macron – Trump với các nhân vật trong truyện cổ tích « Người đẹp và quái thú ».

 Theo Trevor Noah, trên Daily Show, vị tổng thống trẻ đẹp của nước Pháp đã khiến tổng thống Mỹ đột ngột hiện ra với gương mặt « con người ».
Nhà trào phúng bình luận thêm : « Donald Trump trong hai ngày gặp gỡ chứng tỏ có nhiều tình cảm với Emmanuel Macron, hơn cả với (vợ ông ta) Melania ! ».
Tuy nhiên, có một thực tế tương phản là chuyến công du của tổng thống Pháp không dẫn đến một kết quả đáng kể nào về ngoại giao và thương mại.

Báo chí Mỹ đặt câu hỏi : Liệu « quan hệ rất đặc biệt này » (nguyên văn tiếng Anh « very special relationship ») mà hai nguyên thủ thể hiện ra ngoài, là « chân thành », là một « trò lừa đảo » hay « diễn kịch một cách cường điệu » ?

Điều mà nhiều báo lưu ý là quan hệ vô cùng thân thiết với tổng thống Mỹ có thể không giúp tổng thống Pháp có được nhân nhượng nào từ Washington.
Xã luận Le Figaro cũng đặt câu hỏi tương tự « Sau bản tình ca của những người anh em, rồi đây sẽ là gì ? ».

Dự án chiến đấu cơ Pháp – Đức, nền tảng của phòng thủ châu Âu

Trở lại với mối quan hệ đồng minh Đức – Pháp.
 Kế hoạch hợp tác sản xuất chiến đấu cơ Pháp – Đức là tựa lớn trang nhất Les Echos.

 Hai tập đoàn Dassault Aviatoin và Airbus Defence&Space, hôm qua, tuyên bố ký kết một thỏa thuận « lịch sử », chế tạo máy bay chiến đấu, để thay thế cho Eurofighter và Rafale, từ năm 2035.
Theo bộ trưởng Quân Lực Pháp, đây là môt « bước tiến quyết định » trên đường tiến đến một nền phòng thủ chung do Liên Âu tự xây dựng.

 Tuyên bố được đưa ra chưa đầy một năm sau quyết định của Hội Đồng Pháp – Đức về Quốc phòng và An ninh, cho thấy Paris và Berlin muốn hành động mau lẹ.
Bài « Kết cục của một giai đoạn dài lưỡng lự của châu Âu » của Les Echos điểm lại giai đoạn dài 20 năm đắn đo của giới lãnh đạo châu Âu.

Vắng mặt các nhà cạnh tranh của Lục địa già, công ty Mỹ Lockheed Matin và chiến đấu cơ F-35 chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường thế giới.
Không chỉ chiến đấu cơ, trong lĩnh vực quân sự, Pháp và Đức còn có hàng loạt chương trình hợp tác chiến lược, về không gian, trực thăng, thiết giáp, phi cơ không người lái, cũng như trí tuệ nhân tạo, an toàn mạng.

Đây là những yếu tố chủ chốt trong hệ thống không chiến tương lai (gọi tắt là SCAF) của châu Âu.
Theo Le Figaro, nhờ phối hợp Pháp-Đức, giá thành của chiến đấu cơ tương lai sẽ rẻ hơn so với phi cơ Mỹ F-35 với tổng chi phí 300 tỉ đôla.

Thị trường xe hơi : Trung Quốc « mài vũ khí »

Về Trung Quốc, Le Figaro quan tâm đến « Xe hơi : Trung Quốc mài vũ khí », nhân dịp Triển lãm ô tô tại Bắc Kinh, khai mạc hôm qua.
Hiện tại Trung Quốc là thị trường xe hơi số một thế giới, với khoản 27 triệu xe bán ra năm ngoái, trong số đó 44% là do các công ti Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên, tình trạng tăng trưởng trong nước chững lại khiến các nhà sản xuất Trung Quốc tính đến việc phải mạo hiểm xuất khẩu sản phẩm.
Thâm nhập được thị trường các nước phát triển không phải là chuyện dễ.

 Các tập đoàn Trung Quốc hy vọng việc đầu tư vào các công ti châu Âu sẽ cho phép đặt chân vào thị trường này, đặc biệt trong các lĩnh vực xe hơi điện, hay động cơ kép điện – xăng, cũng như xe hơi không người lái.

Trung Quốc : Cơn giận mới của sinh viên Trung Quốc

Vẫn về Trung Quốc, Les Echos dẫn báo « Financial Times », chú ý đến phong trào phản kháng chống nạn bạo hành tình dục quy mô lớn tại Trung Quốc, được ví với « các hoạt động phản kháng có phối hợp lớn nhất » tại Trung Quốc kể từ vụ thảm sát Mùa xuân 1989 tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Bài « Cơn giận mới của sinh viên Trung Quốc » cho hay, bất chấp đàn áp và kiểm duyệt những người phản kháng kiên cường đòi hỏi chính quyền phải minh bạch về các vụ bạo hành tình dục, với quy mô lớn, mà ước tính một phần ba nữ sinh viên là nạn nhân (theo một điều tra năm 2016). Đầu năm nay, hơn 45 trường đại học đã gửi thư ngỏ yêu cầu các nhà quản lý can thiệp.

Cho đến nay, ít nhất có ba giáo viên bị sa thải. Một nữ sinh viên bị quản thúc tại gia, sau khi tìm cách thu thập thông tin về một nữ sinh khác, tự sát sau khi bị cưỡng hiếp.

 Financial Times đặt câu hỏi : Liệu chính quyền Bắc Kinh có dám sử dụng « biện pháp mạnh » để trấn áp như 30 năm trước ?
Tờ báo Anh cho rằng một kiểu đàn áp tương tự khó thể xảy ra trong hoàn cảnh hiện nay.

Switch mode views: