Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Có nên tin vào các thăm dò dư luận ?

IPSOS : một viện thăm dò uy tín của Pháp.

ipsos


 Trong thăm dò cuối cùng (17/11/2016), với 9.574 người, trước bỏ phiếu sơ bộ cánh hữu Pháp, IPSOS ghi nhận tỉ lệ ủng hộ cao nhất cho François Fillon, vượt Alain Juppé 1 điểm.Logo của Viện IPSOS

 Nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit), bầu cử tổng thống Mỹ 2016 với thắng lợi của Donald Trump, bầu cử sơ bộ của cánh hữu Pháp với việc cựu thủ tướng François Fillon trở thành ứng viên tổng thống…

Các sự kiện dồn dập trong vài tháng qua, gần như không được các viện điều tra dự báo, tất yếu đặt ra câu hỏi : Có nên tin vào các cuộc thăm dò dư luận ?

Các viện thăm dò dư luận đã lộ rõ những giới hạn của mình.
Nếu như trước đây đã có lần bị tố cáo là tạo dựng, hướng dẫn công luận, giờ đây, các cơ quan thăm dò bị chỉ trích là không đủ khả năng nắm bắt, cảm nhận được « nhịp đập » của xã hội.

Trong cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ năm 2016, dường như chỉ có một thăm dò dư luận luôn dự báo thắng lợi của Donald Trump ; còn tại Pháp, không một viện thăm dò nào dự báo cựu tổng thống Nicolas Sarkozy bị loại ngay trong vòng một cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu và cánh trung hữu, cũng như việc François Fillon sẽ về đầu, bỏ xa ứng viên Alain Juppé luôn luôn được coi là ứng viên tất yếu vào vòng hai, thậm chí là ứng viên tổng thống của phe này.

Thế nhưng giới chuyên gia nhấn mạnh, các cuộc thăm dò dư luận không mang tính tiên đoán kết quả bỏ phiếu và bao giờ cũng có tỷ lệ sai sót, lớn hay nhỏ tùy quy mô mẫu điều tra, tức là nếu số người được hỏi cao, đa dạng hơn thì tỷ lệ sai sót sẽ nhỏ.

Sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và đặc biệt là sau cuộc lựa chọn sơ bộ ứng viên tổng thống trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa và cánh trung hữu, giới chuyên gia Pháp vẫn khẳng định, phương pháp thăm dò dư luận tại Mỹ và Pháp khác nhau và các cuộc thăm dò dư luận ở Pháp vẫn rất cần thiết và khả tín, vấn đề là phải hiểu đúng vai trò và biết diễn giải thăm dò dư luận.

Mẫu chuẩn : 1000 người hay 2000 người ?

Trên đài phát thanh Franceinfo, ông Gael Sliman, chủ tịch viện thăm dò dư luận Pháp Odoxa giải thích, tại Pháp, mẫu điều tra bao gồm nhiều tầng lớp xã hội và có một tỷ lệ hạn định số người cho mỗi tầng lớp này.
 Trong khi đó tại Mỹ, các nhà điều tra áp dụng phương pháp ngẫu nhiên (aleatoire).

Trong chương trình « Tranh luận trong ngày » trên đài RFI ngày 21/11/2016, ông Frederic Dabi, phó giám đốc viện thăm dò dư luận IFOP giải thích :

« Cần phải thích ứng nội dung cuộc thăm dò dư luận với đối tượng thăm dò. Một cuộc điều tra về ý định bỏ phiếu có mẫu đối tượng thăm dò là 1000 người.
 Để nâng cao tính khả tín, đôi khi chúng tôi nâng lên thành 2000 người.
Nhưng tôi nhắc lại, mẫu thăm dò phổ biến là 1000 người.

Tại Pháp, về cuộc bầu cử sơ bộ lựa chọn ứng viên tổng thống ở cánh hữu và sắp tới là trong cánh tả, có lẽ cần phải có mẫu thăm dò lớn hơn nữa.
Từ khóa chủ chốt của tất cả các cuộc thăm dò dư luận là tính đại diện.
Cần phải làm sao cho mẫu thăm dò phản ánh sát nhất với thực tế đa dạng của nhóm cử tri.

Một trong những khó khăn lớn nhất của thăm dò dư luận là « ý định bỏ phiếu ma », tức là khi hỏi thăm dò thì họ nói là sẽ tham gia bầu cử, nhưng sau đó lại không đi bỏ phiếu.

Tại Pháp, vấn đề này ít nghiêm trọng hơn. Trên cơ sở các dữ liệu của Viện Thống Kê và Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia, chúng tôi có thể xây dựng được các mẫu đại diện ở cấp quốc gia, vùng, tỉnh, thậm chí từng quận.
Không nên hài lòng với các tiêu chí truyền thống như giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…

Tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề « bỏ phiếu ma » : đó là những người ít được học hành, có bằng cấp thấp hơn mức trung bình trên phạm vi quốc gia và họ không muốn trả lời thành thật khi được hỏi thăm dò ».

Có một thực tế mà đôi khi, các cơ quan truyền thông phải tính tới khi đặt hàng thăm dò dư luận : đó là mẫu đại diện càng lớn (hỏi nhiều người, thuộc nhiều tầng lớp) thì chi phí thực hiện thăm dò càng cao, cho dù thăm dò qua internet đỡ tốn kém hơn qua điện thoại hoặc cử điều tra viên xuống thực địa.

Đâu là phương pháp điều tra đúng ?

Liên quan đến việc « bỏ phiếu ma », tức là người được thăm dò không thành thật trả lời câu hỏi, thì có nhiều lý do.
 Chuyên gia Daniel Boy, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị ở Viện Khoa học Chính trị Paris, đưa ra ví dụ, tại Pháp, trong những năm 1950, người ta thường che giấu ý định bỏ phiếu cho đảng cộng sản ; trong những năm 1990, thì đối với đảng cực hữu Front National.

Những tưởng điều tra qua internet, người được hỏi không phải đối mặt với nhà điều tra thì hiện tượng « che giấu » này giảm, nhưng thực ra không hẳn như vậy.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống cũng cho thấy rõ điều này. Về phương pháp điều tra, ông Dabi có nhận định như sau :« Cách nay 20 năm, người đi điều tra gặp trực tiếp người được hỏi. Tiếp sau đó là giai đoạn dùng điện thoại để hỏi, điều tra ; dường như đây là cách điều tra tốt nhất.

Mọi ngươì đều biết là ánh mắt, cách nhìn, lắng nghe của nhân viên điều tra tác động đến câu trả lời của người được thăm dò.
Gần đây, điều tra dư luận được tiến hành qua internet. Đặc điểm của phương pháp này là không có nhân viên điều tra hiện hữu trước mắt người được thăm dò hoặc có tiếng nói ở bên kia điện thoại.

Do vậy, người được thăm dò sẽ có những câu trả lời thành thật hơn.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống của cánh hữu Pháp, các cuộc điều tra dư luận qua internet cho kết quả khả tín hơn, sát gần với kết quả cuộc bỏ phiếu hơn so với cách điều tra qua điện thoại ».

Cũng trong chương trình « Tranh luận trong ngày » trên đài RFI ngày 21/11, về phần mình, nhà báo Jean Sébastien Ferjou, đồng sáng lập trang thông tin Atlantico, lưu ý :

« Không chỉ có các cơ quan thăm dò dư luận sai mà cả người đọc, diễn giải các cuộc thăm dò cũng sai. Đó là những sai lầm cơ bản, vốn vẫn mắc phải từ trước đến nay. Người ta sai lầm trong cách đọc đồ thị biểu hiện tỷ lệ được lòng dân.

Tỷ lệ này không phản ánh ý định bỏ phiếu. Nếu không thì cựu bộtrưởng Xã Hội Simone Veil, cựu thủ tướng Pháp Raymond Barre, hay Mẹ Theresa đã trở thành tổng thống.
Sai lầm này đã lặp lại trong cách diễn giải về tỷ lệ được lòng dân của cựu thủ tướng Alain Juppé trong cuộc bầu cử sơ bộ lựa chọn ứng viên tổng thống của cánh hữu.

Sai lầm tiếp theo là nội dung câu hỏi thăm dò. Nếu hỏi người dân Pháp là ở cả cánh tả lẫn cánh hữu, ai sẽ là ứng viên tổng thống tốt nhất.
Họ sẽ không quan tâm đến câu hỏi này. Cũng tương tự, nếu hỏi các cử tri cánh hữu rằng ai là ứng viên tốt nhất cho đảng Xanh và môi sinh, họ sẽ trả lời là Nicolas Hulot. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến nội dung câu hỏi ».

Thăm dò dư luận : Công cụ phân tích chính trị trong các nền dân chủ Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, Arie Kapteyn, giáo sư kinh tế tại đại học Nam California, Los Angeles, Hoa Kỳ, là một trong ba chuyên gia đứng sau cuộc thăm dò dư luận USC Dornsife / Los Angeles Times và ông là người duy nhất thường xuyên nói đến khả năng Donald Trump thắng cử.

Trên báo Libération, chuyên gia này nêu ra một số yếu tố giải thích vì sao các thăm dò dư luận tại Mỹ đã sai lầm : Họ không thấy là thực tế có hai, thậm chí nhiều nước Mỹ, mà người ta đang sống trong các môi trường khác nhau và không biết những gì đang xẩy ra ở môi trường bên kia.

Hơn nữa, các cơ quan thăm dò không nhìn thấy hai hiện tượng : Những người thường xuyên không bỏ phiếu thì lần này lại ồ ạt đến phòng phiếu và những người bỏ phiếu cho Donald Trump đã không dám nói thật với các nhà thăm dò dư luận.

Bên cạnh đó, theo nhà báo Jean Sébastien Ferjou, trong thời gian gần đây, tại Pháp, có một số cơ quan thăm dò dư luận làm việc thiếu nghiêm túc, mang tính thiên vị.
Họ khai thác yếu tố dung sai và điều chỉnh để thực hiện ý đồ của mình. Tuy nhiên, đó là những hiện tượng hiếm hoi và đã bị chỉ trích mạnh mẽ.
Ông nhấn mạnh, thăm dò dư luận vẫn là một trong những phương tiện cần thiết để phân tích chính trị trong các nền dân chủ.

« Đây là một công cụ của nền dân chủ. Thế nhưng, phải biết cách đọc các cuộc thăm dò dư luận.
Về việc Donald Trump thắng cử tổng thống tại Mỹ, người ta có thể thấy được tiềm năng cử tri ủng hộ nhân vật này, cho dù hệ thống bầu cử tại Mỹ rất phức tạp.

Cần phải xem xét nhiều yếu tố khi nghiên cứu về dư luận. Không nên chỉ dựa vào một cuộc thăm dò. Người ta đã luôn luôn nhắc nhở rằng kết quả một cuộc thăm dò dư luận là hình ảnh chụp vào một thời điểm nào đó, phản ánh tình hình ở thời điểm đó.

Nhưng tôi muốn bổ sung thêm yếu tố xu hướng, sự năng động dẫn đến khả năng thay đổi.
Khi đặt một câu hỏi vào các thời điểm khác nhau mà ta có được các câu trả lời khác nhau, thì phải hiểu rằng dư luận đang thay đổi.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ lựa chọn ứng viên tổng thống của cánh hữu Pháp vừa qua, các cuộc thăm dò dư luận không nhầm về xu hướng biến đổi dư luận trong trường hợp François Fillon ».

Cuối cùng, chuyên gia Dabi lưu ý là thăm dò dư luận chỉ tồn tại ở những quốc gia có nền dân chủ phát triển :
« Tại các nước toàn trị, độc tài như Chilê dưới thời Pinochet trước đây hay tại các nước độc tài ở châu Phi, không hề có các cuộc thăm dò dư luận thực sự về các vấn đề chính trị.

Các cuộc thăm dò dư luận mang tính tiếp thị thì vẫn có, và đó là các hoạt động kinh doanh, làm ăn.
Tại Maroc, các cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu bầu cử bị cấm.

Như vậy, các cuộc thăm dò dư luận là một công cụ của sinh hoạt dân chủ và vẫn cần thiết.
Cần biết lựa chọn, khai thác những yếu tố tích cực của các cuộc thăm dò dư luận, bởi đó là một bức ảnh vào thời điểm nào đó, phản ánh một xu thế, một yếu tố góp phần giúp hiểu rõ vấn đề hơn và đồng thời cũng phải biết gạt bỏ những yếu tố tiêu cực ».

Switch mode views: