2016, năm hoàng hôn của các nền dân chủ non trẻ Á châu
- Thứ Năm, 22 tháng Mười Hai năm 2016 16:05
- Tác Giả: Tú Anh, Arnaud Dubus
Xuống đường nhân Ngày Nhân Quyền ( Human Rights Day). Ảnh chụp tại Manila, Philippines ngày 10/12/2016.TED ALJIBE / AFP
Tại Đông Nam Á, năm 2016 là năm thụt lùi của dân chủ và nhân quyền, là một năm thắng thế của xu hướng độc đoán.
Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều rơi vào tình trạng này.
Ngược lại ở Bắc Á, một lần nữa Hàn Quốc chứng tỏ là một quốc gia có tinh thần trách nhiệm khi đất nước bị khủng hoảng nghiêm trọng.
Các chính phủ ASEAN cần noi gương Hàn Quốc khi bị dân chúng tính sổ.
Trên đây là hai nhận xét chung của giới quan sát về thời sự châu Á năm 2016. Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok tổng kết :
Toàn cảnh các nền dân chủ non trẻ ở Đông Nam Á như thế nào trong năm sắp kết thúc?
Nhìn chung, 2016 không phải là năm tốt đẹp cho các quyền tự do tại những quốc gia mà chế độ đa đảng được công nhận ?
Arnaud Dubus : Như anh đã trình bày, Đông Nam Á bước vào một khúc quanh với những chính quyền độc đoán trong năm 2016, một bước ngoặt đã manh nha xuất hiện từ một năm trước.
Tại Thái Lan, chính quyền quân sự độc đoán tiếp tục củng cố quyền lực với bản Hiến Pháp đẩy các đảng đối lập qua bên lề sinh họat chính trị.
Quân đội có thể đứng sau hậu trường chỉ đạo mọi chính sách quốc gia.
Đến tháng 12 thì họ ban hành đạo luật về internet cực kỳ hà khắc, đúc kết một năm suy thóai nhân quyền.
Giới tướng lĩnh Thái Lan dường như đang nắm thượng phong trong khi đối lập chống độc tài bị xuống tinh thần từ khi bản Hiến Pháp mới được thông qua bằng trưng cầu dân ý.
Tại Malaysia, nơi mà nền dân chủ được phô trương, thủ tướng Najib Razak bác bỏ mọi cáo buộc tham nhũng ở qui mô lớn.
Ông cho bỏ tù những lãnh tụ phong trào đòi bầu cử trước kỳ hạn.
Chưa bao giờ trong lịch sử Malaysia mà một vị thủ tướng bị mất lòng dân lại cố bám trụ bằng mọi thủ đoạn như ông Najib Razak.
Tại Philippines, Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống, đã đưa Philippines này vào tình trạng một nước vô luật pháp.
Trong bảy tháng qua, cảnh sát và dân quân đã hạ sát 6.500 người.
Trong số nạn nhân, ngoài những người sử dụng ma túy, kẻ tình nghi buôn bán ma túy, còn có những người vô can, chẳng liên hệ gì đến tệ nạn xã hội này.
Với chính phủ Duterte, những vụ hành quyết ngoài khuôn khổ pháp luật như thế này không bị điều tra hay truy tố.
Chính phủ cũng không có biện pháp kiểm soát các nhóm dân quân.
Tại Cam Bốt, sau gần 40 năm cầm quyền, rõ ràng là ông Hun Sen sẵn sàng bảo vệ chiếc ghế thủ tướng bằng mọi giá.
Uy tín đảng đối lập (Cứu Nguy Dân Tộc) của Sam Rainsy gia tăng nhiều trong lòng dân chúng Cam Bốt trước cuộc bầu cử năm 2018.
Tuy nhiên, cũng như lần bầu cử cách nay 5 năm, 2013, lần này ông Hun Sen không ngần ngại dùng các biện pháp đe dọa, bạo hành, các thủ đoạn pháp lý và chính trị để đánh phá đối lập.
Nhiều chính trị gia đối lập như ông Khem Sokha, sau một thời gian bị giam, chỉ được thả nhờ có lệnh ân xá của quốc vương Sihamoni.
Một chi tiết đáng được lưu ý : thủ tướng Cam Bốt từng tuyên bố ông là « fan », là người ngưỡng mộ tổng thống Philippines.
Công luận biết tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương tái lập án tử hình.
Điều không ai ngờ là vào lúc người dân Philippines chuẩn bị Giáng Sinh và năm mới thì nhà lãnh đạo tự khoe « tự tay bắn giết » đề ra định mức : mỗi ngày hành hình từ 5 đến 6 tội phạm.
Dự luật tái lập án tử hình sẽ được đưa ra quốc hội biểu quyết vào tháng 01/2017.
Án tử hình tại Philippines đã được bãi bỏ vào năm 2006 sau một chiến dịch vận động hành lang của Giáo Hội Công Giáo.
Bình luận về tuyên bố « quota hành quyết » của tổng thống Duterte (ngày 17/12/2016) Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Philippines, đức cha Jerôme Secillano lo ngại : Philippines có thể đã bị xem là một nước man rợ, giờ đây sắp trở thành thủ đô thế giới của án tử hình.
Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad Al- Hussein, trong bức thư gửi Quốc hội Philippines cảnh báo : Manila vi phạm bổn phận quốc tế nếu tái lập án tử hình. Đặt ra quota hành quyết mỗi ngày là hành động quá trớn.
Nếu hình ảnh Philiipines bị xấu đi vì tổng thống Duterte xem nhẹ luật pháp và sinh mạng công dân, thì Miến Điện của bà Aung San Suu Kyi, Nobel hoà bình 1991 ra sao ?
Đối lập dân chủ lên cầm quyền từ tháng 04/2016 dường như không đáp ứng được những hy vọng mong chờ vì bị bản Hiến Pháp do chính quyền quân sự để lại trói tay.
Nội chiến vẫn tiếp diễn, số phận người Hồi Giáo Rohingya vẫn hẩm hiu và tình hình tự do báo chí cũng không khả quan hơn so với thời điểm chính phủ dân sự mới lên.
Arnaud Dubus : Rất thất vọng. Không những bà Aung San Suu Kyi tỏ ra cứng rắn với cộng đồng người Rohingya, thiểu số theo đạo Hồi ở miền tây Miến Điện bị an ninh, cảnh sát kỳ thị bạc đãi mà về quyền tự do báo chí cũng thụt lùi.
Dường như bà Aung San Suu Kyi không dám chấp nhận rủi ro và sợ mất uy tín nếu chính phủ của bà đi ngược lại xu hướng chung, dân tộc chủ nghĩa và bài đạo Hồi, của đa số dân Miến Điện.
Một số vụ phóng viên bị bắt hoặc bị ám sát đã xảy ra trong năm nay. Nhưng bà Aung San Suu Kyi không phản ứng gì vì bà bị phe quân nhân trói tay.
Dù từ bỏ quyền lực chính trị nhưng phe nhà binh vẫn nắm các bộ quan trọng trong chính phủ.
Trong bầu không khí ảm đảm này, vẫn còn một tia hy vọng bừng lên tại bán đảo Triều tiên.
Đối với giới quan sát, tai tiếng chính trị gây chấn động Hàn Quốc dẫn đến sự kiện tổng thống Park Geun Hye bị dân chúng xuống đường phản đối và quốc hội truất phế là hình ảnh « tích cực » nhất tại châu Á 2016 :
New York Times cho rằng đây là một cơ may để Hàn Quốc thanh lọc tham ô và tái lập niềm tin từ chính trị cho đến kinh tế.
Nhìn từ Đông Nam Á , giới chuyên gia của viện nghiên cứu Đông Nam Á IRASEC xem Hàn Quốc là tấm gương sáng cho các quốc gia láng giềng noi theo.
Arnaud Dubus :Quốc gia Á châu tạo ra niềm hy vọng lớn nhất trong năm 2016 là Hàn Quốc.
Tổng thống Park Geun Hye bị tai tiếng bê bối và đã bị Quốc hội truất phế trong bối cảnh hàng trăm ngàn dân xuống đường, biểu tình đòi tổng thống từ chức.
Bà Park Geun Hye dính líu vào một vụ tai tiếng lạm quyền thế và tham ô.
Một trong những cố vấn thân thiết, một loại pháp sư, đồng bóng, có ảnh hưởng mạnh với tổng thống và lạm dụng ưu thế đó để bỏ túi hàng chục triệu đôla từ các đại tập đoàn công nghiệp Chaebol.
Nếu trong những ngày tới đây, Toà Bảo Hiến công nhận quyết định của Quốc Hội thì tổng thống Park Geun Hye sẽ mất chức.
Khác với Thái Lan và Malaysia, phong trào phản kháng của người dân Hàn Quốc đã buộc giới lãnh đạo chính trị phải nhượng bộ.
Hơn nữa, tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye nhìn nhận bà có lỗi và có trách nhiệm trong vụ tại tiếng này.
Đây là một bài học mà ít có một chính phủ nào tại châu Á biết noi gương : đó là trách nhiệm của cá nhân khi nắm chính quyền.
Related news items:
Tin mới
- Sắc mầu Giáng Sinh - 24/12/2016 15:33
- Donald Trump : Hoa Kỳ phải tăng cường khả năng hạt nhân - 23/12/2016 17:52
- Syria: Quân đội chính phủ thông báo chiếm toàn bộ thành phố Aleppo - 23/12/2016 17:39
- Lễ Giáng sinh và mê tín trong dân gian Pháp - 23/12/2016 17:22
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-12-2016 - 23/12/2016 16:58
- Báo Trung Quốc lo ngại cố vấn thương mại chính quyền Trump - 23/12/2016 16:32
- Cảnh sát Ý bắn hạ nghi phạm vụ khủng bố Berlin - 23/12/2016 16:18
- Tác giả ''Chết dưới tay Trung Quốc'' làm chủ tịch Hội Đồng Thương Mại Mỹ - 22/12/2016 21:56
- Đức : Nhà chức tránh bị chỉ trích vì để lọt lưới nghi can khủng bố - 22/12/2016 21:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-12-2016 - 22/12/2016 17:11
Các tin khác
- Cựu phu nhân Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ qua đời - 21/12/2016 20:09
- Khí hậu : Công trái Xanh đầu tiên, sơ tán dữ liệu đối phó với Trump… - 21/12/2016 20:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-12-2016 - 21/12/2016 19:47
- Hy Lạp : Đầu độc thực phẩm để gây hại cho các tập đoàn lớn - 21/12/2016 19:31
- Có nên tin vào các thăm dò dư luận ? - 21/12/2016 18:44
- Thái Lan nhờ Trung Quốc giúp sản xuất vũ khí - 21/12/2016 17:48
- Đức ráo riết truy lùng tài xế chiếc xe khủng bố ở Berlin - 21/12/2016 17:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-12-2016 - 20/12/2016 22:43
- Donald Trump thắng phiếu đại cử tri, chính thức đắc cử tổng thống Mỹ - 20/12/2016 16:55
- Nhìn lại 2016: Vẫn còn hy vọng cho TPP - 20/12/2016 16:04