Biển Đông : Chiến lược đi dây của Nga giữa Việt Nam và Trung Quốc
- Thứ Năm, 20 tháng Tư năm 2017 19:00
- Tác Giả: Mai Vân
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng tại điện Kremlin ngày 17/11/2015.
ALEXEI NIKOLSKY / SPUTNIK / AFP
Trong bài viết tựa đề "Kế hoạch của Putin tại Biển Đông" ( Putin’s Plan In The South China Sea), Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh (Centre for Security Studies) thuộc Viện Công Nghệ Liên Bang Thụy Sĩ ở Zurich ngày 17/04/2017 đã tìm hiểu thêm về chính sách Biển Đông có vẻ mâu thuẫn của Nga hiện nay, vì vừa thân Trung Quốc, vừa bán vũ khí cho Việt Nam, đối thủ của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Tác giả bài viết trước hết ghi nhận rằng chính sách của Nga về tranh chấp Biển Đông phức tạp hơn là những gì cho thấy.
Trên bình diện chính thức, Matxcơva là một tác nhân ngoại cuộc, không phải là một bên tranh chấp.
Theo bộ Ngoại Giao Nga, Mátxcơva « chưa bao giờ can dự vào tranh chấp ở Biển Đông », và nguyên tắc của Nga là « không đứng về bên tranh chấp nào ».
Tuy nhiên, đằng sau bề ngoài chính thức là không dấn thân đó, Nga vẫn tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và đàm phán hàng tỷ đô la vũ khí và dầu khí với các bên tranh chấp.
Những điểm này cho thấy là dù không có những tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, Matxcơva vẫn có những mục tiêu chiến lược, những quyền lợi và hành động có ảnh hưởng trực tiếp trên diễn tiến của các tranh chấp ở Biển Đông.
« Đối tác tự nhiên » của Bắc Kinh và « đối tác chiến lược » của Hà Nội
Một phần tư của chương trình hiện đại hóa quân đội Nga cho đến 2020 được dành cho Hạm Đội Thái Bình Dương, đặt tổng hành dinh ở Vladivostok, thành phố miền Viễn Đông Nga, để có trang thiết bị tốt hơn dùng vào các chiến dịch ở những vùng biển xa.
Hợp tác quân sự Nga-Trung đã tiến đến mức mà tổng thống Putin đã xem Trung Quốc là « đối tác tự nhiên và đồng minh tự nhiên ».
Cuộc thao diễn hải quân chung giữa hai nước gần đây - Joint Sea 2016 - cũng diễn ra ở Biển Đông, và là cuộc diễn tập đầu tiên loại này giữa Trung Quốc và một nước thứ hai ở vùng Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về yêu sách "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nhưng quan hệ Nga và Việt Nam, một bên tranh chấp ở Biển Đông, cũng trên đà gia tăng tương tự : Nga và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên hàng « đối tác chiến lược toàn diện », giống như đối với Trung Quốc.
Nga và Việt Nam đang phát triển đề án chung về dầu khí ở Biển Đông và Matxcơva cũng đang tìm cách trở lại căn cứ Cam Ranh, đồng thời bán cho Hà Nội các vũ khí tiên tiến giúp Việt Nam nâng cao khả năng quân sự.
Cách hành xử hiện nay của Matxcơva, tuy nhiên, lại không mấy phù hợp với các tuyên bố trung lập chính thức.
Việc đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội, hai quốc gia quan trọng trong cuộc tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, làm cho ý đồ của Nga khó hiểu hơn, và cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh liên quan đến các quyền lợi ngoại giao của Nga.
Hai tầng trong chính sách Biển Đông của Nga
Các cường quốc thường chơi những ván bài ngoại giao trên nhiều cấp độ, và đôi khi các cấp độ chồng lấn lên nhau trên những vấn đề hay khu vực cụ thế.
Đối với vấn đề Biển Đông, chính sách đối ngoại của Nga được triển khai trên hai cấp độ đang chồng lấn lên nhau : ở cấp hệ thống (tức là toàn cầu) Nga muốn cân bằng lực lượng để chống tình trạng bá quyền, và ở cấp khu vực, là chủ trương khoanh vùng để bảo vệ quyền lợi.
Ở cấp toàn cầu, căn cứ vào tương quan lực lượng hiện thời và cảm nhận về những mối đe dọa lớn, với tư cách nước tìm kiếm sự cân bằng cho hệ thống quyền lực trên thế giới hiện nay (đang bị Mỹ chi phối), Nga thách thức sự lãnh đạo độc tôn của Mỹ bằng nhiều cách, như đã được chứng tỏ ở Gruzia, Ukraina và Syria.
Chủ trương cân bằng ảnh hưởng này đã khiến Nga xích lại gần Trung Quốc, nước cũng như Nga, muốn thách thức sự thống trị của Mỹ và xem chính sách « xoay trục qua châu Á » là mối đe dọa lớn cho an ninh Trung Quốc.
Như thế, đánh giá của Nga và Trung Quốc về các mối đe dọa đến từ bên ngoài trùng hợp với nhau ở chỗ là đều xem các chính sách của Mỹ mang tính chất đe dọa đối với họ - sự phát triển của NATO về phía đông, trong trường hợp của Nga, và sự xoay trục sang Châu Á, trong trường hợp của Trung Quốc.
Áp lực đến từ vai trò lãnh đạo quốc tế của Mỹ, cộng thêm với ý muốn kháng lại của Nga và Trung Quốc, đã đẩy 2 nước này xích lại gần nhau.
Nhìn từ góc độ đó, vấn đề Biển Đông đối với Nga là một phần trong một một ván bài lớn ở cấp độ toàn cầu, khiến Nga không đi ngược lại quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông, và trong một chừng mực nào đó, còn mặc nhiên, thậm chí công khai, ủng hộ.
Cấp độ thứ hai – tức là khoanh vùng khu vực– xuất phát từ các mục tiêu mang tính chất quốc gia và khu vực : Matxcơva muốn đa dạng hóa quan hệ và tránh các bất ổn định có thể tác hại đến quyền lợi kinh tế của Nga ở Châu Á Thái Bình Dương.
Về thương mại, Nga muốn thu lợi từ những hợp đồng năng lượng, hạ tầng cơ sở và vũ khí.
Nhờ tăng cường hợp tác với Hà Nội, kể cả hợp tác về công nghệ quân sự, xuất khẩu vũ khí, liên doanh trong các đề án năng lượng, Matxcơva tạo ra một sự cân bằng lực lượng và quyền lợi chung quanh Biển Đông, và đồng thời đa dạng hóa được quan hệ đối tác với các nước châu Á, với Việt Nam là cửa ngõ dẫn vào bên trong cộng đồng ASEAN.
Điều đó giải thích vì sao Nga, cho dù không chống chính sách của Trung Quốc, nhưng lại tỏ ra thông cảm với các quan ngại của Việt Nam ở Biển Đông.
Sự chồng lấn giữa hai cấp độ nói trên đã làm cho chính sách Biển Đông của Nga mập mờ, khó hiểu.
Nhân tố chống Mỹ trong chính sách Biển Đông của Nga
Hệ quả chính của ván bài « hai cấp độ này » là đối với Nga bản thân cuộc tranh chấp Biển Đông, cũng như chính sách ứng phó của Nga, là một biến số chứ không phải là một hằng số : tranh chấp càng chuyển từ vấn đề chủ quyền trong khu vực sang thành sự đối đầu Mỹ-Trung, thì cách hành xử của Nga càng mang tính chất cân bằng lực lượng, chống lại tình trạng đơn cực.
Ngược lại, nếu Mỹ càng ít can dự thì chính sách của Nga càng xa rời cấp độ cân bằng lực lượng trên toàn cầu và càng mang nhiều yếu tố khoanh vùng khu vực hơn.
Cho đến giờ, hai cấp độ nêu trên trong chính sách Biển Đông của Nga ở Biển Đông vẫn vận hành tốt, không mâu thuẫn với nhau.
Việt Nam đã hưởng lợi từ công cuộc hợp tác với Nga, không chỉ vì những lợi ích do chính Nga mang đến, mà còn là vì nhờ quan hệ gần gũi giữa Nga với Trung Quốc, Việt Nam có thêm điều kiện củng cố quan hệ với Trung Quốc, điều mà Hà Nội cũng coi trọng.
Không như quan hệ với Mỹ, quan hệ đối tác với Nga cho phép Việt Nam tiếp cận với công nghệ vũ khí tiên tiến, năng lượng, tránh bị kẹt trong thế trên đe dưới búa trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung.
Hơn nữa, Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng vũ khí, trang thiết bị của Nga.
Chính sách của Nga cũng phù hợp với tính toán chiến lược của Bắc Kinh.
Quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt với yếu tố quân sự mạnh mẽ có vẻ như mang tính chống Trung Quốc, nhưng trong thực tế lại có lợi cho Trung Quốc, vì điều đó sẽ góp phần cản trở việc tăng cường liên minh Hà Nội-Washington.
Tuy không hài lòng trước việc Nga chuyển giao vũ khí cho Việt Nam, Bắc Kinh cũng công nhận rằng nếu việc chuyển giao đó suy giảm hay chấm dứt, điều đó sẽ khiến Việt Nam thay đổi chính sách đa dạng hóa quan hệ quân sự hiện nay để nghiêng về phía Washington, và thay đổi đó sẽ siết chặt thêm vòng vây Trung Quốc mà Mỹ chủ trương.
Do đó, dù nhấn mạnh trên lập trường chống quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh vẫn chấp nhận sự can dự của Nga cũng như hợp tác quân sự Nga-Việt.
Về phần Nga, khi qua lại với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, Matxcơva đang thực hiện các mục tiêu khu vực và toàn cầu của mình : Gia tăng ảnh hưởng của Nga trong cán cân quyền lực Châu Á, làm chậm đà liên kết Mỹ-Việt, và định hình lại tranh chấp Biển Đông sao cho có chỗ nhiều hơn cho các cuộc đàm phán đa phương.
Đối với Nga, việc duy trì nguyên trạng, cho dù không hoàn hảo, vẫn hơn là phải ứng phó với chiến thắng của một bên này trên bên kia.
Tin mới
- Tổng Thống Trump, Quốc Hội và FBI: Chuyện gì xảy ra? - 19/05/2017 23:40
- Vì sao 3.000 nhà báo nước ngoài đến Paris đưa tin bầu cử Pháp ? - 15/05/2017 21:39
- Triều Tiên phóng tên lửa là có mục đích khác? - 15/05/2017 01:59
- Bầu cử Pháp: Các lãnh đạo châu Âu mong chờ Macron thắng cử - 05/05/2017 17:00
- Bầu cử Pháp: Tỷ lệ vắng mặt, chìa khóa chính cho vòng hai - 04/05/2017 20:00
- Khi dân số Hồi Giáo gia tăng thì bạo lực & khủng bố cũng sẽ tăng theo - 02/05/2017 21:23
- Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Washington và Bình Nhưỡng muốn gì ? - 02/05/2017 15:15
- Macron, Le Pen và châu Âu : Cải tổ để hội nhập hay 'Frexit' ? - 27/04/2017 22:30
- Bầu cử tổng thống Pháp : Thất bại lịch sử của cánh hữu - 24/04/2017 19:16
- Donald Trump : Ba tháng thay đổi thái độ "đến chóng mặt" - 20/04/2017 21:11
Các tin khác
- Châu Á : Quyền lực « cha truyền, con nối » - 17/04/2017 17:42
- Chuyện sắp đánh nhau - 16/04/2017 02:14
- MUA ĐÀN BÀ VN : Ba Tàu Không ưng được đổi lại..!! - 14/04/2017 23:14
- Ngoại giao Mỹ: Quan điểm của Donald Trump quay ngoặt 180° - 14/04/2017 18:38
- Oanh kích vào Syria, Trump chứng tỏ quyết tâm hơn Obama - 08/04/2017 02:55
- Obama hay Trump, ai cũng cần bảo hiểm - 03/04/2017 19:43
- Khi TT Trump giận dỗi, mắng nhiếc người trong nhà - 31/03/2017 21:54
- 60 năm Hiệp định Roma : Tương lai nào cho Liên Hiệp Châu Âu ? - 26/03/2017 06:29
- Trump Vào Bạch Cung: Thế Giới Chấn Đông, Hoa kỳ Hùng Cường - 12/03/2017 22:24
- Kinh tế Trung Quốc : Tập Cận Bình nói một đàng, làm một nẻo - 07/03/2017 03:41