Macron, Le Pen và châu Âu : Cải tổ để hội nhập hay 'Frexit' ?
- Thứ Năm, 27 tháng Tư năm 2017 22:30
- Tác Giả: RFI
Mít tinh của ứng viên Emmanuel Macron, sau kết quả vòng đầu, tối 23/04/2017.
Reuters
Chưa bao giờ cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp lại mang tính quyết định cho tương lại của Liên Hiệp Châu Âu như lần này, với hai ứng cử viên vào « vòng chung kết » có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về Liên Hiệp Châu Âu :
Một bên là ông Macron, muốn đẩy mạnh cải cách cơ chế để thúc đẩy hội nhập chính trị, kinh tế, tài chính trong Liên Hiệp, còn một bên kia, bà Marine Le Pen, chủ trương Frexit, tức là rút nước Pháp, một trong hai đầu tàu Châu Âu, ra khỏi Liên Hiệp và vùng euro.
Ba hôm sau khi cử tri Pháp đã phán quyết ở vòng 1 cuộc bầu cử, các nhà bình luận trên nhật báo Công Giáo Pháp La Croix ngày 26/04/2017 đã có phân tích chi tiết về hồ sơ quan trọng này.
Khác biệt căn bản giữa hai ứng cử viên trên hồ sơ châu Âu được thấy rõ trên bình diện hình ảnh : Lá cờ châu Âu luôn xuất hiện trong các cuộc mít tinh tranh cử của ông Macron, chen lẫn với cờ Pháp, nhưng hoàn toàn vắng bóng trong các cuộc tập hợp của bà Le Pen.
Về tương lai các định chế ; ứng cử viên trung dung chủ trương duy trì nước Pháp trong châu Âu, trong khi ứng viên cực hữu kiên quyết từ chối.
Điểm chung duy nhất giữa hai người là cả hai bên đều không muốn giữ nguyên trạng như hiện nay, và đều muốn để cho người dân có tiếng nói quyết định.
Nhìn chung, theo các nhà phân tích, để thực hiện chương trình của mình, bà Marine Le Pen muốn được tự do hành động, không muốn bị các cam kết của Pháp với châu Âu ràng buộc.
Sự kiện được gọi là Brexit, tức là Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, là một tấm gương mà bà hoan nghênh và muốn noi theo.
Bà muốn đàm phán lại với các nước khác trong Liên Hiệp để đòi lại « chủ quyền tiền tệ, pháp lý, lãnh thổ, kinh tế » cho nước Pháp.
Nói cách khác Liên Hiệp Châu Âu sẽ chỉ còn là một cái vỏ rỗng.
Theo bà Le Pen, đề nghị có thể mệnh danh là Frexit đó, sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý.
Ứng cử viên này từng tuyên bố : « Nếu thương lượng không thành công thì tôi sẽ nói với người dân Pháp phải rời bỏ Liên Hiệp để xây dựng một châu Âu của các Quốc Gia và các Công Cuộc Hợp Tác ».
Bà cho biết sẽ từ chức nếu người Pháp không tán đồng ý kiến của bà.
Về phần mình, ông Emmanuel Macron cũng thấy rõ là dư luận hiện nay không mấy hài lòng với Liên Hiệp Châu Âu, nhưng ông không chủ trương tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mà kết quả quá bấp bênh.
Ông đã đề nghị tổ chức những « hội nghị dân chủ » tại 27 quốc gia trong Liên Hiệp vào cuối năm nay. Theo ông Macron, đó sẽ là một loại « hội nghị toàn dân », nối tiếp theo một sáng kiến Pháp-Đức chờ được thực hiện sau cuộc bầu cử Quốc Hội ở Đức vào tháng 9 tới đây.
Lộ trình đưa ra sau đó sẽ làm cơ sở cho « một sức bật mới của châu Âu » với những nước tình nguyện...
Emmanuel Macron sẵn sàng chấp nhận một châu Âu phát triển theo nhiều vận tốc khác nhau, một khái niệm mà các nước phía đông Liên Hiệp Châu Âu rất phản đối vì sơ mất quyền lợi.
Đối với ông Macron, một châu Âu đa vận tốc đã tồn tại trong thực tế, cụ thể là các thỏa thuận hợp tác tăng cường giữa một nhóm thành viên cụ thể, là khối dùng đồng euro…
Ngày 02/03 vừa qua, khi giới thiệu toàn bộ chương trình hành động của mình, ông Macron khẳng định: « Hãy mạnh dạn gánh vác trách nhiệm về một châu Âu đa vận tốc.
Châu Âu đã luôn luôn được xây dựng bằng những khát vọng về châu Âu. Thế nhưng trong 10 năm qua, không thấy có thêm khát vọng châu Âu nào, khiến cho những người yêu châu Âu không dám đề xuất bất cứ điều gì ».
Đối với ứng cử viên tổng thống Pháp, « điều tồi tệ nhất chính là chần chừ, không dám tiến lên phía trước để duy trì sự thuần nhất ».
Về đồng tiền chung euro, hai ứng cử viên hoàn toàn đối nghịch nhau
Trong điều cam kết thứ 35 trong cương lĩnh tranh cử của mình, bà Le Pen đã nói thẳng thừng về chủ trương « tái lập đồng tiền quốc gia phù hợp với tình trạng kinh tế...là đòn bẩy cho sức cạnh tranh » để « hỗ trợ cho các doanh nghiệp Pháp » và lấy lại « chủ quyền tiền tệ ».
Nói cách khác là vứt bỏ đồng euro, trở lại đồng tiền riêng của Pháp.
Còn ông Macron trái lại đã ủng hộ hết mình đồng tiền duy nhất, cho dù vẫn muốn khắc phục một số điểm yếu trong khâu in tiền và một số lệch lạc trong các quy tắc châu Âu.
Ông chủ trương « một châu Âu đóng vai trò phát triển công việc làm và kinh tế » của nước Pháp và đề nghị thành lập « một ngân sách của khu vực đồng euro do nghị viện của khu vực này thông qua ». Nghị viện này bao gồm các nghị sĩ châu Âu của các quốc gia sử dụng đồng euro.
Về không gian tự do đi lại Schengen, tức là việc tiếp tục duy trì biên giới phía ngoài không gian châu Âu hay tái lập biên giới từng quốc gia, trên vấn đề then chốt này, quan điểm hai bên cũng hoàn toàn đối nghịch nhau.
Emmanuel Macron muốn một châu Âu cởi mở, và việc tạm đóng cửa không gian Schengen, theo ông là chỉ nên nhất thời, khi có « tình trạng khẩn cấp » mà thôi.
Đối với ông, và điều được ghi rõ trên siteweb tranh cử của ông, việc « tự do đi lại giữa các nước châu Âu là một thực tế với những khoản lợi không thể chối cãi » về mọi mặt.
Trong chuyến thăm Berlin vào tháng Giêng, hai tuần sau vụ tấn công khủng bố tại thủ đô nước Đức, ông Macron đã lên tiếng cảnh báo là không nên co cụm, thậm chí còn chủ trương một « không gian Schengen được tăng cường ».
Ông đề nghị tuyển mộ thêm 5000 cảnh sát để canh chừng biên giới châu Âu, hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước, nhất là giữa Paris và Berlin.
Ngược lại thì bà Le Pen cho rằng việc « bỏ dần biên giới » giữa các nước là một « sai lầm chủ yếu » dẫn đến việc « lượng vũ khí lưu hành tăng vọt và giúp cho các phần tử khủng bố Hồi Giáo đi lại một cách cực kỳ dễ dàng trong các nước thuộc không gian Schengen ».
Nếu bà được bầu thì bà sẽ thương lượng lại thỏa thuận về Schengen mà đảng Mặt Trận Quốc Gia FN của bà cho là « vi phạm chủ quyền quốc gia ».
Marine Le Pen muốn bỏ đi thỏa thuận này và tái lập lại biên giới Pháp và tuyển dụng thêm 6.000 nhân viên hải quan trong nhiệm kỳ năm năm của bà, nếu bà được bầu.
Vấn đề tự do mậu dịch cũng đối lập bà Le Pen với ông Macron, với câu hỏi đặt ra là có nên ký thỏa thuận thương mại với các nước khác hay chỉ tập trung trên lãnh thổ Pháp ?
Khi đòi tái lập biên giới Pháp, bà Marine Le Pen nêu lên quan điểm « yêu nước » chống « tòan cầu hóa ». Xem tự do mậu dịch là yếu tố làm suy yếu kinh tế Pháp, bà chủ trương từ bỏ các hiệp định tự do mậu dịch và muốn đánh thuế 3% trên hàng nhập, chống lại « sự cạnh tranh bất chính của quốc tế ».
Ngược lại thì ông Macron xem tự do mậu dịch là một cơ may.
Tuy nhiên ông cũng tỏ ra cẩn trọng, muốn tăng cường các biện pháp chống phá giá như đối với Trung Quốc hay Ấn Độ trên mặt hàng thép, chẳng hạn.
Ông còn đề nghị cử ra một « Chưởng Lý Thương Mại Châu Âu » phụ trách vấn đề giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại, điều cũng sẽ được các « Ủy Ban Cảnh Giác Công Dân » theo dõi.
Nhìn chung, quan điểm châu Âu của ông Macron là duy trì, củng cố Liên Hiệp Châu Âu, duy trì Công Ước Schengen với những biện pháp bảo vệ an ninh : tăng cường cơ chế Frontex nhằm bảo vệ biên giới châu Âu, huy động 5.000 lính gác biên giới, tạo ra một hệ thống tình báo chung cho toàn thể Liên Hiệp, thậm chí « tiến tới việc thành lập một lực lượng cảnh sát chung để chống các tổ chức tội phạm và khủng bố ».
Trên mặt tài chính ông còn muốn thiết lập một ngân sách của khu vực đồng euro cùng với một nghị viện và một bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính riêng cho vùng đồng euro, và chủ trương dành thị trường công cộng châu Âu cho các doanh nghiệp có một nửa sản lượng làm ra tại châu Âu.
Với quan điểm trên, Emmanuel Macron về đầu trong vòng một cuộc bỏ phiếu đã khiến các nước láng giềng của Pháp thở phào nhẹ nhõm, nhất là khi các thăm dò dư luận cho thấy ông có thể giành hơn 60% số phiếu ở vòng hai.
Tuy nhiên các nước chưa hết thấp thỏm vì dù bà Marine Le Pen hiện chỉ được không đầy 40% dự định bầu, nhưng vẫn e ngại khả năng ngựa về ngược.
Tin mới
- LÃNH ĐẠO TRẺ của VIỆT NAM, LƯU THỊ QUYÊN - 26/05/2017 02:41
- Pháp: Bắt đầu chiến dịch tranh cử Quốc Hội - 22/05/2017 17:56
- Tổng Thống Trump có thể bị đàn hạch không? - 22/05/2017 00:08
- Tổng Thống Trump, Quốc Hội và FBI: Chuyện gì xảy ra? - 19/05/2017 23:40
- Vì sao 3.000 nhà báo nước ngoài đến Paris đưa tin bầu cử Pháp ? - 15/05/2017 21:39
- Triều Tiên phóng tên lửa là có mục đích khác? - 15/05/2017 01:59
- Bầu cử Pháp: Các lãnh đạo châu Âu mong chờ Macron thắng cử - 05/05/2017 17:00
- Bầu cử Pháp: Tỷ lệ vắng mặt, chìa khóa chính cho vòng hai - 04/05/2017 20:00
- Khi dân số Hồi Giáo gia tăng thì bạo lực & khủng bố cũng sẽ tăng theo - 02/05/2017 21:23
- Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Washington và Bình Nhưỡng muốn gì ? - 02/05/2017 15:15
Các tin khác
- Bầu cử tổng thống Pháp : Thất bại lịch sử của cánh hữu - 24/04/2017 19:16
- Donald Trump : Ba tháng thay đổi thái độ "đến chóng mặt" - 20/04/2017 21:11
- Biển Đông : Chiến lược đi dây của Nga giữa Việt Nam và Trung Quốc - 20/04/2017 19:00
- Châu Á : Quyền lực « cha truyền, con nối » - 17/04/2017 17:42
- Chuyện sắp đánh nhau - 16/04/2017 02:14
- MUA ĐÀN BÀ VN : Ba Tàu Không ưng được đổi lại..!! - 14/04/2017 23:14
- Ngoại giao Mỹ: Quan điểm của Donald Trump quay ngoặt 180° - 14/04/2017 18:38
- Oanh kích vào Syria, Trump chứng tỏ quyết tâm hơn Obama - 08/04/2017 02:55
- Obama hay Trump, ai cũng cần bảo hiểm - 03/04/2017 19:43
- Khi TT Trump giận dỗi, mắng nhiếc người trong nhà - 31/03/2017 21:54