Tương lai Hy Lạp trong tay Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu ?
- Thứ Hai, 06 tháng Bảy năm 2015 16:53
- Tác Giả: Thanh Hà
Mario Draghi, giám đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE cùng với Hội đồng các thống đốc phải quyết định về số phận của Hy Lạp - Reuters
Hy Lạp được ở lại hay phải đi ra khỏi khối euro ?
Trước mắt điều đó phụ thuộc vào quyết định của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE.
Nếu định chế tài chính này ngưng chương trình hỗ trợ khẩn cấp ELA dành cho các ngân hàng Hy Lạp, đương nhiên Athens phải từ bỏ đồng euro để tìm ra một đơn vị tiền tệ khác, với những hậu quả kinh tế, chính trị bất lường cho cả Hy Lạp lẫn phần còn lại của Eurozone.
Ý thức được tầm mức nghiêm trọng của vấn đề, ngày 28/06/2015 sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras thông báo tổ chức trưng cầu dân ý, BCE đã tuyên bố vẫn « bơm nước biển » vào các ngân hàng Hy Lạp.
Nhưng hôm nay, mọi chú ý đang dồn về trụ sở của BCE Frankfurt, nơi 25 thành viên trong Hội đồng các thống đốc ngân hàng trung ương nhóm họp để quyết định về số phận Hy Lạp, sau khi cử tri nước này đã ồ ạt bỏ phiếu chống các biện pháp khắc khổ mà bộ ba các nhà tài trợ của Athens, gồm Liên Hiệp Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, áp đặt.
BCE chẳng những đã cấp cho Hy Lạp 20 tỷ euro tín dụng qua hai kế hoạch hỗ trợ tài chính được thông qua hồi năm 2010 và 2012 mà còn đã bơm nhiều tiền cho các ngân hàng của Hy Lạp tránh để cho hệ thống ngân hàng của quốc gia này sụp đổ, gây vạ lây cho ngành tài chính, ngân hàng của châu Âu và quốc tế.
Vào lúc các nhà lãnh đạo của Châu Âu nỗ lực tìm ra một giải pháp chính trị cho vấn đề Hy Lạp, bộ trưởng Tài chính Pháp ông Michel Sapin trực tiếp kêu gọi Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu duy trì chương trình ELA cho Hy Lạp, tránh để các ngân hàng nước này thiếu hụt tiền mặt và mất khả năng thanh toán.
Về phần mình, Chủ tịch ủy ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker sáng sớm nay đã có các cuộc điện đàm với chủ tịch Eurogroupe Jeroen Dijsselboem, với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thống đống BCE Mario Draghi.
Một chuyên gia tài chính nhận định : BCE là định chế có tiếng nói cuối cùng về việc Hy Lạp « đi hay ở » lại trong khu vực đồng euro.
Một số nhà quan sát khác thì cho rằng, các chính khách châu Âu đang chờ đợi quyết định của BCE.
Trên nguyên tắc cuộc họp của Hội đồng các Thống đốc BCE được mở ra vào trưa nay nhưng vào giờ chót, đã được dời đến buổi chiều.
Điều đó cho thấy các lãnh đạo của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đang rất lúng túng trên vấn đề Hy Lạp.
Trên thực tế ngân hàng BCE do ông Draghi điều hành đang trong thế kẹt.
Nếu Athens và các chủ nợ chưa có triển vọng đạt tới một thỏa thuận để được giải ngân các khoản tín dụng mà quốc tế đã cam kết, đối lấy các chương trình cải tổ thực sự, thì BCE không thể duy trì chương trình hỗ trợ khẩn cấp ELA cho Hy Lạp.
Đặc biệt là trong bối cảnh nước Đức không ngừng gây áp lức với BCE đòi phải nghiêm khắc với con nợ Hy Lạp.
Lập trường của Đức được nhiều thành viên khác của châu Âu ủng hộ như là Slovakia hay các nước trong vùng Baltic.
Ngay từ khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa được công bố, từ Berlin đã có rất nhiều tiếng nói đòi Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đình chỉ « ngay lập tức » mọi biện pháp trợ giúp các ngân hàng Hy Lạp.
Vấn đề đặt ra là nếu không còn có thể trông chờ vào chương trình ELA thì các ngân hàng của Hy Lạp sẽ mất khả năng thanh toán.
Từ một tuần qua các ngân hàng phải tạm đóng cửa, và mỗi đầu người chỉ được rút tiền tối đa là 60 euro một ngày.
Trong trường hợp thiếu hụt tiền mặt, Hy Lạp bắt buộc phải sử dụng một đồng tiền khác để trả lương cho công nhân viên, để thanh toán các hóa đơn mua hàng
Đơn vị tiền tệ mới đó sẽ thay thế cho những đồng euro trở nên quá khan hiếm. Đồng thời có thêm một đơn vị tiền tệ thứ nhì đồng nghĩa với việc Hy Lạp bước ra ngoài khu vực đồng euro.
Chính vì muốn trách xảy ra kịch bản đen tối đó mà Athens đã liên tục cầu cứu BCE nâng mức trần chương trình hỗ trợ khẩn cấp.
Về phần mình Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu ý thức được rằng, cúp viện trợ cho các ngân hàng Hy Lạp, đẩy Athens ra ngoài Eurozone sẽ tạo ra một làn sóng hoảng loạn trên các thị trường tài chính quốc tế.
Mặt khác thì cũng phải nhìn nhận là với quy chế hiện tại, BCE tới nay đã dấn thân khá nhiều.
Định chế tài chính này đã can thiệp không chỉ vì Hy Lạp, một thành viên có trọng lượng kinh tế tương đương với 2 % GDP của khu vực đồng euro, mà còn nhằm tạo đà cho tăng trưởng trong toàn khu vực đồng euro qua quyết định hàng tháng mua vào 60 tỷ euro nợ của các ngân hàng trong khu vực đồng euro.
Biện pháp này được duy trì ít nhất là tới tháng 9/2016 cho dù đây không hơn không kém là một hình thức bơm tiền vào trong eurozone.
Tin mới
- Giáo chủ Iran cảnh báo ý đồ xấu của một số cường quốc - 17/07/2015 20:48
- Sau thỏa thuận hạt nhân, thách thức tiếp theo cho Tổng thống Iran - 17/07/2015 19:31
- Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung - Việt Nam nên học tập Thomas Jefferson - 16/07/2015 18:29
- Thỏa thuận hạt nhân Iran: Thắng lợi ngoại giao của Obama - 14/07/2015 19:17
- Quốc hội Mỹ có thể chặn thỏa thuận hạt nhân với Iran - 13/07/2015 15:46
- Hé lộ số phận của Đại tướng Phùng Quang Thanh? - 10/07/2015 23:12
- Mỹ đã gửi một thông điệp sai lầm cho Việt Nam - 09/07/2015 13:52
- Chiến lược triệt hạ Trung Hoa của Hoa Kỳ - 08/07/2015 20:23
- Quan hệ Mỹ Việt sẽ « sâu sắc, lâu bền » hơn - 08/07/2015 14:43
- Đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, Mỹ tìm đồng minh chống Trung Quốc - 07/07/2015 14:56
Các tin khác
- Chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng :Quan trọng nhất là giải tỏa sự nghi kỵ - 04/07/2015 15:46
- Chính sách ngoại giao « đu dây » của Cam Bốt - 03/07/2015 14:57
- Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc : Chiêu mới để thôn tính Biển Đông ? - 02/07/2015 15:09
- VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG : HÒA HAY CHIẾN ? - 30/06/2015 23:25
- Qua bài học Achentina, Hy Lạp không hoàn toàn tuyệt vọng - 30/06/2015 19:02
- Merkel sẽ bị lịch sử phê phán nếu Châu Âu bỏ rơi Hy Lạp - 29/06/2015 16:23
- Ai mua nhà ở Hoa Kỳ? - 27/06/2015 00:16
- NATO và Nga bên bờ một cuộc Chiến tranh lạnh mới ? - 25/06/2015 19:45
- Con đường tháo chạy của đại gia đỏ - 25/06/2015 06:21
- Nguyễn Phú Trọng đi thăm Hoa Kỳ nói lên điều gì? - 25/06/2015 05:38