Hoa Kỳ: Kinh tế phục hồi, số sinh viên ghi danh giảm hẳn
- Thứ Tư, 31 tháng Bảy năm 2013 20:59
- Tác Giả: Người Việt
HOA KỲ - Sự tăng trưởng trong sĩ số sinh viên ghi danh đi học, kéo dài trong thập niên vừa qua, giúp phát triển lãnh vực giáo dục ở Mỹ và cũng góp phần đẩy giá học phí lên cao hơn, nay coi như chấm dứt, tạo ra lo lắng cho tương lai của nhiều trường. Theo phân tích của nhật báo NYT.
Tranh đua để được nhận vào các trường danh giá nhất sẽ không thay đổi, nhưng việc vào các trường cấp trung sẽ dễ dàng hơn. Hình minh họa. (Hình: Getty Images)
Bài báo cho biết, mức ghi danh đại học giảm 2% trong niên khóa 2012-2013, chỉ dấu rõ rệt đầu tiên về chiều hướng đi xuống kể từ thập niên 90, tuy nhiên hầu như tất cả sự sút giảm đó đều xảy ra trong các trường hoạt động kiếm lời (for profit) và các đại học cộng đồng.
Nay các con số có được cho thấy niên khóa 2013-2014 sẽ là năm mà các đại học bốn năm, các trường không vì lợi nhuận (nonprofit), khởi sự tình trạng co cụm có thể kéo dài mấy năm nữa.
Số người trong hạn tuổi vào đại học ở Mỹ nay đang giảm xuống sau hơn một thập niên tăng vọt, và nhiều người từng chọn hướng đi học thay vì kiếm việc làm trong thời buổi khó khăn trước đây, nay đang bị lôi kéo trở lại thị trường lao động vì sự phục hồi kinh tế đang diễn ra trong nước.
Bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ là các trường đại học không ở trong số dồi dào tiền của nhất hay danh tiếng nhất, và phải trông cậy phần lớn vào nguồn tiền học phí, tạo ra sự lo ngại về tình hình tài chánh hay ngay cả sự sống còn của các trường này.
“Hiện có nhiều trường đang trong tình trạng chênh vênh về mặt tài chánh, và có nhiều khả năng sẽ không thể tiếp tục hoạt động nếu không thu hút đủ số sinh viên,” theo lời David A. Hawkins, giám đốc đặc trách chính sách và nghiên cứu tại Hiệp Hội Quốc Gia Tư Vấn Ðại Học (NACAC), với thành viên gồm hơn 1,000 trường đại học.
Vẫn theo bài báo, sự tranh đua để được nhận vào các trường danh giá nhất sẽ không thay đổi, nhưng giới tư vấn đại học tin rằng việc vào các trường cấp trung sẽ dễ dàng hơn.
Một thí dụ rõ rệt nhất về sự thay đổi trong chiều hướng ghi danh đại học có thể thấy ở đại học Loyola University New Orleans và St. Mary's College of Maryland.
Sau hạn định 1 Tháng Năm, thời hạn để những người ghi danh quyết định chọn trường, cả hai trường Loyola và St. Mary nhận ra rằng có tới gần 1/3 số người họ chấp nhận cho vào học lại quyết định không đến hai nơi này.
Cả hai trường bị buộc phải cắt giảm hàng triệu đô la trong ngân sách và có nỗ lực gấp gáp nhằm thu hút sinh viên trước khi niên học bắt đầu.
Các giới chức trường Loyola gọi đến hàng loạt các sinh viên được nhận vào học nhưng lại quyết định chọn nơi khác, cả với những người đã đóng tiền thế chân cho các đại học khác.
Các giáo sư và giới chức điều hành, vốn thường không liên hệ đến công việc thu nhận sinh viên, cũng góp phần vào nỗ lực này, “và chúng tôi cũng đề nghị họ xem là chúng tôi có thể giúp gì hơn về vấn đề trợ giúp tài chánh hay không,” theo lời Roberta Kaskel, giới chức đặc trách về ghi danh tại Loyola.
Từ trước đến nay, sau ngày 1 Tháng Năm, nếu có lớp nào chưa đủ sĩ số, các đại học thường chọn thêm sinh viên từ danh sách dự khuyết, và việc có sự tính toán sai lầm lớn lao như xảy ra cho St. Mary's và Loyola là điều hiếm thấy.
Tuy nhiên, các nhà tư vấn được các bậc cha mẹ thuê mướn để giúp con họ được nhận vào đại học cho hay trong mùa Xuân và mùa Hè này, nói rằng họ thấy nhiều đại học tích cực săn lùng sinh viên hơn trước, liên lạc với các sinh viên từng từ chối lời mời vào học của họ và ngay cả những người không hề nộp đơn xin học.
“Sau ngày 1 Tháng Năm, tôi nhận được email từ ba hay bốn đại học nói rằng 'chúng tôi vẫn còn chỗ, và chúng tôi đang kiếm người lấp vào các khoảng trống này,' tôi không hề thấy điều này trước kia,” theo lời Lisa Bleich, một cố vấn ghi danh đại học ở Westfield, tiểu bang New Jersey.
“Tôi có một khách hàng đồng ý vào một đại học, sau đó đổi ý kiến và muốn vào trường University of Pittsburgh, nơi cô cũng được nhận,” bà Bleich nói. “Trường University of Pittsburgh thực ra không tích cực kiếm thêm sinh viên nhưng họ cũng đồng ý nhận cô này. Vài năm trước đây, họ sẽ từ chối thẳng.”
Don McMillan, một nhà tư vấn ở Boston, cho hay văn phòng của ông tuần này nhận được điện thoại của các gia đình từ Saudi Arabia và Ý, muốn con họ được nhận vào đại học Mỹ, trong khi ngày khai giảng chỉ còn khoảng một tháng.
“Chúng tôi gọi đến chừng 15 đại học và thấy rằng có khoảng một nửa vẫn còn chỗ cho khóa mùa Thu và sẵn sàng cứu xét, đây là điều làm tôi thật sự ngạc nhiên,” ông nói. “Ðây không phải là các trường như Tufts, M.I.T., Harvard, hay những trường tầm cỡ đó, vốn không hề có khó khăn trong việc thu nhận đủ số sinh viên.”
Số sinh viên ghi danh vào đại học Mỹ tăng từ từ trong hơn hai thập niên, cho đến khi tăng vọt từ 15.2 triệu năm 1999 lên 20.4 triệu năm 2011, theo các dữ kiện của chính phủ Mỹ.
Cuộc suy trầm kinh tế khởi sự năm 2007 lại đẩy thêm nhiều người vào đại học vì khó kiếm việc làm.
Tuy nhiên, số người Mỹ đến tuổi 18 đã đến đỉnh vào năm 2009 và sẽ tiếp tục giảm xuống cho tới năm 2016.
Số học sinh tốt nghiệp trung học nay không còn gia tăng nữa và tình trạng công ăn việc làm cũng đang cải thiện, khiến việc đi học đại học không còn là giải pháp hấp dẫn như trước. (L.T.)
Tin mới
Các tin khác
- Nhờ Prop 30, đại học cộng đồng mở thêm nhiều lớp học Hè - 16/05/2013 00:49
- Nạn quay cóp trong giới sinh viên gốc Việt ở Little Saigon - 17/04/2013 00:43
- Đại học cộng đồng Calif.: Hàng trăm ngàn sinh viên không có lớp - 16/04/2013 02:08
- Cal State Fullerton sẽ đào tạo giáo viên tiếng Việt - 22/02/2013 20:27
- Con cái di dân thành công cao hơn trong xã hội Mỹ - 12/02/2013 01:57
- Muốn con thành công? Ðừng trả tiền học cho chúng - 07/02/2013 01:25
- Số người Mỹ tốt nghiệp trung và đại học tăng cao - 20/11/2012 06:27
- Ðại học Cal State định tăng học phí sinh viên ra trường trễ - 12/11/2012 15:16
- Sinh viên Mỹ ngày càng oằn vai dưới gánh nặng học phí - 24/07/2012 06:40