main billboard

Ông bảo điều khó nhất mà các cơ quan tình báo phải làm “là phải đoán xem các nhà lãnh đạo những nước khác muốn làm gì, để rồi báo cáo cho các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ biết.”


Sáng Thứ Ba, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đưa ra bản dự thảo ngân sách của tài khóa 2015. Sáng Thứ Tư, phái đoàn Bộ Quốc Phòng do ông Tổng Trưởng Chuck Hagel hướng dẫn sang Thượng Viện dự buổi điều trần, mục đích là để giải thích cho các vị nghị sĩ và dân chúng biết tại sao lại cắt giảm quân số từ 570,000 người xuống chỉ còn 440,000 người, tại sao lại hủy bỏ một số chương trình giúp hiện đại hóa quân sự, và liệu những quyết định cắt giảm này sẽ ảnh hưởng thế nào đối với tình hình an ninh quốc gia, với vai trò của quân đội Mỹ ở một thế giới vẫn còn nhiều sôi động.

bieutinh chongngaBiểu tình trước Tòa Bạch Ốc, Washington, DC, chống Nga xâm lăng Ukraine. (Hình: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

Tất cả những câu hỏi được chờ đợi đó không là những câu hỏi hàng đầu của buổi điều trần. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain, một trong những chính trị gia thường lên tiếng chỉ trích chính sách ngoại giao của Tổng Thống Obama, là người bắn phát súng đầu tiên, nêu thắc mắc tại sao chuyện Ukraine lớn như thế mà tình báo Hoa Kỳ - trong đó có cả tình báo quốc phòng - lại không đoán biết trước nhà lãnh đạo Vladimir Putin của Nga sẽ đưa quân vào Crimea? Ông Hagel bình tĩnh trả lời trách nhiệm của ông “không phải là để đánh giá khả năng của tình báo quốc gia.” Ông McCain đặt câu hỏi đuổi theo, cho biết đó là tin tức được báo chí loan tải và yêu cầu người điều khiển Ngũ Giác Ðài cho biết “cảm nghĩ của ông về những bài báo này như thế nào.” Câu trả lời: “loan tải tin tức là chuyện của báo chí” chứ không liên quan gì đến ông, nhất định không đưa ra một lời bình luận hay nhận định nào.

Từ tuần trước, khả năng làm việc của tình báo Mỹ trong vụ Nga đưa quân vào Crimea là một trong những đề tài tạo nhiều sôi nổi tại Washington D.C., khởi đầu bằng phát biểu của ông McCain, cho rằng theo ông thấy “những gì xảy ra (ở Crimea) khiến cho cả chính phủ lẫn các quan chức chuyên trách tình báo Hoa Kỳ phải ngạc nhiên” và chính cá nhân ông “cũng ngạc nhiên vì không hiểu tại sao chúng ta lại không biết trước được chuyện đó.” Vị nghị sĩ từng ra tranh cử tổng thống (2008) không vội vã chê trách dàn tình báo Mỹ không làm được việc, nhưng vừa lắc đầu vừa bảo “có lẽ phải xem xét lại vấn đề,” xem sai trái nằm ở chỗ nào.

Sau ông McCain là đến bà nghị sĩ Dân Chủ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo của Thượng Viện. “Chúng ta phải sử dụng những nguồn năng lực cho thật đúng chỗ, không thể để cho quân Nga tràn sang chiếm Crimea rồi Washington mới biết.” Bà nghị sĩ đại diện cho tiểu bang California nói thêm Quốc Hội “sẽ chú ý đến chuyện này, thảo luận với hành pháp và với những viên chức điều khiển ngành an ninh tình báo” để tình trạng tương tự không xảy ra. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Saxsy Chambliss của tiểu bang Georgia đồng ý với quan điểm đó, nói rằng “không rõ sơ sót nằm ở chỗ nào, nhưng rõ ràng trong những buổi điều trần mật ở Quốc Hội, phía hành pháp không nói rõ là chuyện Nga đưa quân sang Ukraine có thể xảy ra.” Ông Chambliss “không muốn chỉ trích, đổ lỗi cho ai” nhưng “muốn bên an ninh tình báo duyệt xét lại xem sơ hở nằm ở chỗ nào.”

Các phát biểu của những vị dân cử đầy uy tín bên lập pháp được sự ủng hộ của những viên chức từng làm việc với các cơ quan tình báo an ninh Hoa Kỳ, đại cương cho rằng họ không ngạc nhiên khi được nghe những lời chê trách. Một trong những người thuộc nhóm này là ông cựu nhân viên Bob Baez của cơ quan CIA, cho hay sau ngày chiến tranh lạnh kết thúc và sau ngày biến cố 11 Tháng Chín 2001 xảy ra “nước Mỹ không chú trọng đến Nga cho bằng chú trọng đến các hoạt động của quân khủng bố.” Phát biểu trên truyền hình, ông Baez cho hay trước đây Hoa Kỳ có người nằm ngay trong quân đội của Nga “cung cấp những tin chúng ta cần phải biết, bây giờ có lẽ những nguồn tin quý giá đó không còn nữa” vì phần lớn nỗ lực “được dồn cho những mục tiêu khác mà chính phủ (Mỹ) coi là quan trọng hơn, thay vì phải tiếp tục có người ở Nga cung cấp những tin cần biết.”

Phía tình báo lên tiếng ngay, cho hay “ngay từ ngày đầu, chúng tôi đã không làm gì sai trái.”

Theo ông Shawn Turner, chánh Văn Phòng Giám Ðốc Tình Báo Quốc Gia, “trước và trong những ngày biến cố Ukraine xảy ra, cơ quan an ninh đã trình bày từ giờ, từng chi tiết một, đi kèm với những tin tức giá trị giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ tình hình để đưa ra các quyết định cần thiết.” Ông Turner nhắc lại “điều này được thực hiện ngay từ lúc đầu và ngay cả trong ngày hôm nay.” Phát ngôn viên Todd Ebitz của Cơ Quan này tiếp lời, nói rõ “trong những báo cáo liên tục gửi cho các cấp lãnh đạo ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi luôn luôn có nói đến việc Nga có thể đưa quân sang can thiệp vào những gì xảy ra ở Ukraine, nếu bảo chúng tôi không nói đền điều đó thì hoàn toàn sai.”

Cơ quan tình báo CIA cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng quá chú tâm vào chuyện truy lùng khủng bố mà quên những khu vực cần thiết khác, chẳng hạn như Nga. Phát ngôn viên của cơ quan này là ông Dean Boyd nói rằng “mặc dù chúng tôi không thể nói rõ những gì chúng tôi đang làm, nhưng với tầm hoạt động đa năng khắp nơi, chúng tôi có thừa khả năng để báo động trước những điều có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của quốc gia và chúng tôi làm điều này mỗi ngày. Những ai cho rằng chúng tôi làm sót điều này là những người không nắm bắt đủ tin tức (về những việc CIA làm và báo cáo cho các giới chức chính phủ).”

Mặc dù ông phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney cho biết Tổng Thống Obama nhận được “tin tức cập nhật hàng ngày” nhưng từ chối trả lời cầu hỏi liệu tổng thống có hài lòng với tin tức tình báo ông được báo cáo mỗi buổi sáng về biến chuyển xảy ra ở Ukraine hay không, nhưng một viên chức cao cấp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia đã lên tiếng bênh vực cho các cơ quan an ninh tình báo, nhắc lại chuyện “từ thứ Sáu tuần trước Tổng Thống (Obama) đã lên tiếng cảnh báo tổng thống Nga đừng đưa quân sang can thiệp tại Ukraine, nói rõ là điều đó chẳng có lợi gì cho Nga mà còn có hại (there will be cost).” Viên chức này tiết lộ rằng lời cảnh báo đó được đưa ra “sau những bản báo cáo dồn dập được gửi về Tòa Bạch Ốc, sau những buổi phúc trình trực tiếp dành riêng cho tổng thống mỗi buổi sáng, giúp tổng thống quyết định những gì ông cần phải làm trước khi được thông báo người lính Nga đầu tiên xuất hiện ở Crimea.”

Không biết lời giải thích đó có giúp giải tỏa những chỉ trích lẫn nghi ngờ về khả năng hoạt động của của các cơ quan đặc trách tình báo Hoa Kỳ hay không, nhưng chuyện đang được tranh cãi ở thủ đô Hoa Kỳ khiến mọi người nhớ lại câu chuyện ông Cựu Giám Ðốc CIA Leon Panetta trình bày trong buổi điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện hồi tháng Giêng năm 2011. Ông bảo điều khó nhất mà các cơ quan tình báo phải làm “là phải đoán xem các nhà lãnh đạo những nước khác muốn làm gì, để rồi báo cáo cho các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ biết.”

Vài năm trước đó, một cựu nhân viên an ninh Hoa Kỳ kể lại “khoảng 1 tuần trước khi Bắc Hàn nổ thử nghiệm hạt nhân (2009), chúng tôi báo cáo tất cả mọi chi tiết thu thập được cho Tòa Bạch Ốc biết, đi kèm với một số dự đoán khác nhau.” Trong một buổi phúc trình cho Tổng Thống và Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, có người nêu câu hỏi có thể biết đích xác lúc nào vụ nổ sẽ xảy ra hay không, “anh em chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, thầm nghĩ chẳng ai có thể biết được rõ đến như thế.” Vừa lắc đầu ông này vừa bảo “chuyện đi guốc trong đầu người khác là điều không dễ làm, nhất là trong trường hợp người đó lại là một nhà lãnh đạo.”