main billboard

Như vậy, ai là người nên được đối xử tử tế hơn trong dịp này?


Mới đây, tại buổi sinh hoạt của hội cựu nữ sinh một trường trung học nọ, tôi được xếp cho ngồi cạnh hai cựu giáo sư của trường. Ðang sung sướng và hân hạnh được gặp hai nhà giáo khả kính, ôn lại một số chuyện cũ của thời đi học, thì niềm vui của tôi bị cắt đứt ngang. Một phụ nữ mà tôi nghĩ là một cựu nữ sinh của trường đến tận nơi, yêu cầu hai vị giáo sư này chuyển xuống ngồi ở một hàng ghế dưới để dành các ghế hàng đầu cho những người khách khác chưa tới. Tuy không biết những người khách chưa tới là ai nhưng tôi chắc không phải là ông bà Obama. Dẫu thế, tôi vẫn thấy rất khó chịu. Hai vị cựu giáo sư này không tự ý chiếm lấy hai chỗ của hàng ghế đầu. Cả hai được một cựu nữ sinh khác dẫn đến tận nơi mời ngồi xuống ghế, để rồi mấy phút sau, hai cụ bị bà cựu nữ sinh yêu cầu đổi xuống hàng ghế dưới, nhường chỗ cho người khác. Tôi bị cản ngay lúc ấy nên đã không nói được vài ba lời phải quấy với người đàn bà ấy. Mãi sau buổi lễ, tại một tiệm ăn, khi ngồi ăn với một số bạn bè, tôi mới nói lên được (thẳng vào mặt của bà ta) việc làm sai quấy của bà ta, việc làm mà tôi chắc chắn bất cứ ai nghe qua cũng thấy rất khó chịu.

reserved chairs(Ảnh minh họa . dreamstime.com)

Trước hết, hai vị cựu giáo sư đã không tự ý ngồi xuống ở hàng ghế đầu, mà hai cụ đều đã được ban tổ chức đưa tới tận nơi. Nếu có lầm lẫn trong việc xếp chỗ (đưa hai cụ lên ngồi hàng ghế đầu) thì việc yêu cầu hai cụ đổi chỗ cũng đã là việc rất không nên. Ðằng này, hai cụ rất xứng đáng được mời ngồi ở hàng ghế đầu. Hai cụ đều là những người có tuổi. Ðã chắc gì những người khách chưa tới đó đáng được nể trọng hơn hai cụ về tuổi tác?

Hai cụ không thể bị đối xử như vậy. Hai cụ phải được dành cho những cách đối xử trân trọng hơn những người khách chưa tới. Giản dị là vì hai cụ đều là những người từng dậy ở cái trường có tổ chức cựu nữ sinh ấy.

Sau ít phút thì những người khách mời được dành cho hàng ghế đầu cũng lục đục kéo tới. Buổi lễ bắt đầu sau đó, và những người khách đó liền cười nói trò chuyện với nhau thoải mái bất kể nỗ lực thông dịch sang tiếng Anh của ban tổ chức. Tôi nhìn sang thì thấy mấy khuôn mặt đã gặp vài ba lần ở mấy buổi sinh hoạt khác. Họ là những đại diện của mấy khu vực thuộc địa phương, chứ chưa phải là cỡ tiểu bang, và lại càng không phải là cấp liên bang. Những người ấy, có người tuổi tác có thể chưa bằng con cái của hai vị cựu giáo sư. Những đóng góp của họ cho ngôi trường trung học cũ ở Việt Nam phải nói ngay là không có gì. Vậy mà họ được dành cho cách đối xử trịnh trọng hơn là cách đối xử mà người cựu nữ sinh kia dành cho hai cựu giáo sư. Bậy hết chỗ nói.

Kế đến, những người này được mời lên nói dăm ba câu và tặng cho hội cựu nữ sinh mấy tấm bằng khen (tiền chế) mà bất cứ một tổ chức nào mời họ đến, họ đều in ra để tặng cho có lệ. Có một tấm tưởng lục tặng cho hội thì in sai cả tên trường, thành trường TRUONG VUONG. Làm việc như thế thì họ coi ngôi trường của hội có ra cái gì đâu, mà họ lại vẫn được trọng vọng hơn là hai cụ giáo cũ của trường? Một phụ nữ dân cử khác thì trọ trẹ vài câu tiếng Việt đánh dấu sai bét, đọc sai lên sai xuống rồi quay ra cười ngặt nghẽo mãi. Hai người phụ nữ được mời lên sân khấu thì phục sức như vừa đi chợ về. Ðôi ba câu hát biểu không sửa soạn trước cùng với lối ăn mặc như vừa kể có phải là thái độ trân trọng đối với ngày hội của trường và cần được đối xử tử tế hơn là cách đối xử dành cho hai cựu giáo sư của trường không?

Tất cả, sau khi xuất hiện cho có lệ thì bỏ về ngay, trong khi đó, hai cô giáo cũ của trường thì ngồi lại đến tận phút chót và lại còn có quà bằng hiện kim không nhỏ cho quĩ hoạt động của trường. Trong khi đó, quà của những ông bà dân cử cho hội chỉ là mấy tờ tưởng lục gọi là ghi nhận việc làm của hội. Rồi liền tất tả biến ngay.

Như vậy, ai là người nên được đối xử tử tế hơn trong dịp này?

Nên nhớ những người đại diện đó cần chúng ta hơn là chúng ta cần họ. Họ cần phiếu của chúng ta. Nếu chúng ta không đi bầu, không bỏ phiếu cho họ thì họ không thể ngồi vào được những chiếc ghế dân cử đó. Bởi thế, không cần dành cho họ những đối xử đặc biệt nào, nhất là không được coi họ cao hơn là những cựu giáo sư của trường.

Thỉnh thoảng đi ngoài đường tôi nhìn thấy những chiếc bumper sticker dán trên cản của những chiếc xe chạy trên đường. Người hút thuốc, chống lại những luật chống hút thuốc thì khẳng định: I SMOKE AND I VOTE. Người chống phá thai thì I AM PRO LIFE AND I VOTE, người ủng hộ quyền sở hữu súng thì I HAVE GUNS AND I VOTE...

Tất cả những cái bumper sticker đó, tuy nghe thì hài hước, nhưng lại chính là những lời hăm dọa nhắm vào các ứng cử viên: chúng tôi có lá phiếu nên các ông các bà phải biết điều với chúng tôi...

Như vậy thì ai cần ai?

Họ mới là người cần và đến với chúng ta là vì họ cần lá phiếu của chúng ta. Nhưng chúng ta thì đã có thời, thời tuổi trẻ đi học của chúng ta, chúng ta đã rất cần các thầy cô của chúng ta. Vậy thì có cần phải quá nịnh bợ những người ấy một cách không cần thiết và quay sang vô lễ với các cựu giáo sư có tuổi của mình như cô cựu nữ sinh kia không?

Tôi nghĩ là không.

Nếu cần phải yêu cầu dời chỗ thì chính tôi mới là người mà bà cựu nữ sinh kia phải chiếu cố. Chứ đuổi hai cô giáo cũ của trường đi ngồi chỗ khác thì vừa bậy vừa hỗn. Không thể tha được.