main billboard

Một trong những thành viên nòng cốt của Tea Party là ông Daniel Horowitz còn phát biểu “nước Mỹ không bao giờ chấp nhận những chính trị gia tệ hại, những kẻ sẵn sàng bỏ phiếu mà không nghĩ đến những người bạn thân thiết nhất, những kẻ sẵn sàng thương lượng với đối phương mà không nghĩ đến lập trường.”


Một ngày sau khi thất bại ở cả trận chiến Obamacare lẫn trận chiến ngân sách, những người ủng hộ Tea Party và thành phần bảo thủ của đảng Cộng Hòa đều có chung một lập luận và một cách giải quyết. Lập luận: họ thua không phải vì đánh sai mục tiêu mà vì bị một số chính trị gia cùng đảng ở Thượng Viện “phản thùng.”

Cách giải quyết: phải tung đòn đánh bọn này bằng cách đưa người ra tranh cử đối đầu với những thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã bỏ phiếu theo đảng Dân Chủ, hay nói theo lối cánh bảo thủ đang nghĩ, “đã gật đầu chấp nhận đòi hỏi của Tổng Thống Barack Obama.”

Cả 2 điều đó được thể hiện ngay hôm Thứ Năm vừa rồi khi ông Chris McDaniel, thượng nghị sĩ tiểu bang Mississippi, loan báo quyết định ra tranh cử chức nghị sĩ liên bang. Ðối thủ chính trị của ông là một vị dân cử đầy uy thế của chính trường Hoa Kỳ: Thượng Nghị Sĩ Thad Cochran, một trong những nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu mở cửa lại chính phủ liên bang, cho phép Tòa Bạch Ốc được vay tiền trang trải các chi phí, kể cả chi phí thực hiện Obamacare, đạo luật cánh bảo thủ đang tìm mọi cách để triệt hạ.

Ngay sau khi loan báo tin tranh cử, ông McDaniel nhận được sự hậu thuẫn thật mạnh mẽ đến từ các tổ chức bảo thủ, đồng thời cử tri từng ủng hộ các ứng viên Tea Party lũ lượt ghi tên tham gia vào chương trình vận động kiếm phiếu cho ông.

Một trong những thành viên nòng cốt của Tea Party là ông Daniel Horowitz còn phát biểu “nước Mỹ không bao giờ chấp nhận những chính trị gia tệ hại, những kẻ sẵn sàng bỏ phiếu mà không nghĩ đến những người bạn thân thiết nhất, những kẻ sẵn sàng thương lượng với đối phương mà không nghĩ đến lập trường.” Cũng vẫn theo lời ông Horowitz, bài học thu được từ trận chiến vừa kết thúc cho thấy “chúng ta sẽ chẳng bao giờ thành công nếu Thượng Viện vẫn còn những người không bảo thủ đúng mức, những người sẵn sàng gật đầu với để nghị phía Dân Chủ đề ra.”

Phát biểu nêu trên chứng tỏ quả có rạn nứt trong đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện. Một bên là các vị thượng nghị sĩ như ông Ted Cruz của tiểu bang Texas, ông Mike Lee của tiểu bang Utah và một số vị nghị sĩ khác nhất quyết đánh tới cùng (cho tới khi nào bên Dân Chủ chấp nhận hủy bỏ Obamacare), bên còn lại là những vị thượng nghị sĩ đồng ý với đòi hỏi Tòa Bạch Ốc đưa ra và được sự ủng hộ nhiệt liệt của cánh Dân Chủ. Phe bảo thủ Cộng Hòa tin rằng những lá phiếu “phản thùng” đó đã đem lại thành công cho đối thủ, và cách duy nhất để trừng phạt “là loại trừ những ai đã gật đầu bỏ phiếu cho đối phương.”

ted cruzThượng nghị sĩ Ted Cruz

Ðó là điều mọi người đều trông thấy khi ông Ted Cruz, vị thượng nghị sĩ con cưng của đảng Cộng Hòa lên tiếng ở diễn đàn Thượng Viện trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu hồi tối Thứ Tư tuần trước. Ông bảo, “Ðiều tôi mong ước là tất cả các đồng viện Cộng Hòa cùng nhau tưởng tượng nếu chúng ta kết hợp thành một khối, cùng lên tiếng ủng hộ các bạn ở Hạ Viện để tranh đấu cho đòi hỏi của người dân thì kết quả chắc chắn sẽ khác.” Sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc với chiến thắng nghiêng về phe Dân Chủ, ông Cruz vừa lắc đầu vừa nói với báo chí vào lúc giữa đêm: bài học lớn nhất ông học được là “bài học đoàn kết,” ý muốn nói chỉ vì thiếu đoàn kết mà cánh Cộng Hòa thất bại, cho dù ông tin tưởng “mọi người đều thấy chúng tôi đã cố gắng đến phút cuối cùng để tranh đấu cho nguyện vọng của họ.” Ðến ngày Thứ Bảy ông lại đưa ra 2 nhận xét khác, đầu tiên ông bảo “tin tưởng trong tương lai đảng Cộng Hòa sẽ biết lắng nghe, không phạm phải sai lầm cũ,” kế đến ông nhắc nhở các đồng viện cùng đảng “sẽ không bao giờ chiến thắng nếu những người trong đảng lại nã súng đại bác bắn những người đang đứng lên và đang dẫn đầu là các vị dân cử Cộng Hòa ở Hạ Viện.”

Những điều vị thượng nghị sĩ được một số nhà báo Á Châu săn tin ở thủ đô đặt cho biệt danh “anh hùng đơn thương độc mã” nói ra đã vang dội ở nhiều nơi. Nữ ứng cử viên Nancy Mae của tiểu bang South Carolina nhắc nhở cừ tri “đừng quên ông Lindsey Graham là vị dân cử duy nhất của tiểu bang bỏ phiếu ủng hộ phe Dân Chủ,” một ứng cử viên khác cũng đang nuôi mộng “lật đổ” ông Graham là ông Lee Bright nói mạnh hơn “chúng ta chẳng được gì cả. Chúng ta đã giơ tay đầu hàng.” Tại Tennessee, ứng viên Cộng Hòa Joe Carr dùng ngay kết quả cuộc bỏ phiếu Thượng Viện làm đòn tranh cử, đánh thẳng vào điểm Thượng Nghị Sĩ Lamar Alexander “bỏ phiếu đồng ý cho tăng mức nợ trần mà không hề buộc ông Obama phải cắt giảm chi tiêu,” hoặc ứng viên Matt Bevin của tiểu bang Kentucky cho phổ biến ngay cuốn video vận động tranh cử, trong đó có đoạn nói như sau: “Chuyện chính phủ phải đóng cửa có thể giải quyết được nếu chúng ta có những nhà lãnh đạo tài ba ở Washington D.C. Rất tiếc chúng ta lại có những người như ông Harry Reid (Dân Chủ) và ông Mitch McConnell (Cộng Hòa), những chính trị gia chuyên nghiệp chỉ biết bỏ phiếu quyết định sao có lợi cho quyền lợi chính trị của họ, chứ không phải có lợi cho mục tiêu hay quyền lợi của người dân Hoa Kỳ.”

Tiểu bang Kentucky, nơi ông Chủ Tịch Khối Thiểu Số Mitch McConnell đang vận động tái ứng cử cũng là địa điểm được bà Cựu Thống Ðốc Sarah Palin nhắm tới qua lời kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi bộ mặt chính trường bẵng cuộc bầu cử giữa kỳ 2014. Trên Facebook, bà cựu ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng Hòa viết rằng, “Tối nay (tối Thứ Tư tuần rồi) các bạn phải ngủ thật ngon giấc, vì sau đó chúng ta phải dồn mọi sức lực cho cuộc tranh cử giữa kỳ 2014 ở cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Chúng ta sẽ bắt đầu ở tiểu bang Kentucky, chúng ta cũng không quên vận động thật mạnh ở South Carolina, Tennessee và Mississippi. Chúng ta sẽ làm việc không ngừng nghỉ. Chúng ta chỉ mới bắt đầu cuộc chiến thôi.”

Lời kêu gọi “vùng lên” đó sẽ giúp tập thể cử tri bảo thủ và Tea Party lên tinh thần nhưng chưa hẳn đã được mọi người chia sẻ. Tổ chức chuyên thăm dò công luận Pew Research Center vừa cho biết chỉ có 30% người dân ủng hộ lập trường của Tea Party, 49% không tán thành. Bản phân tích của Pew Reaserch Center còn cho thấy hồi tháng Sáu vừa qua “46% cử tri cấp tiến và ôn hòa của đảng Cộng Hòa nói họ có cảm tình với Tea Party” nhưng sau khi chính phủ liên bang phải đóng cửa “tỷ lệ ủng hộ của tập thể này chỉ còn có 27%.” Dựa vào những con số không mấy thuận lợi đó, phân tích gia độc lập Steve Bruno tin rằng “cuộc vận động của Tea Party sẽ khó khăn hơn, họ sẽ phải leo dốc chứ sân chơi không bằng phẳng, không được thuận lợi như hồi 2010 khi họ giúp đảng Cộng Hòa lấy khối đa số ở Hạ Viện.”

Một số chiến lược gia của đảng Dân Chủ, trong đó có ông Jim Manley từng làm việc với Ủy Ban Ðiều Hành Trung Ương, cũng có nhận xét tương tự. Theo ông “điều thú vị nhất là số thượng nghị sĩ Cộng Hòa chán ngấy trò lố lăng của ông Cruz mỗi ngày một nhiều. Vài tháng trước đây thì đông, bây giờ chỉ còn có 18 nghị sĩ ủng hộ ông ta.” Ðiều đó cũng cho thấy: Tea Party ước mơ thì cứ việc ước mơ, nhưng đánh bật được các vị nghị sĩ Cộng Hòa ra khỏi chính trường vì họ bỏ phiếu với đảng Dân Chủ là điều không dễ làm.