Hồ Ðình Phương là nhà thơ miền Trung, có nét trong sáng lành mạnh, đa số ca tụng quê hương và tình tự dân tộc. Nhạc Hoàng Trọng cũng có sự trong sáng tương tự. Có lẽ vì thế mà ông tìm đến Hồ Ðình Phương để làm lời ca cho những tác phẩm tươi đẹp.
Lúc sinh thời, Phạm Ðình Chương thường ví các bài thơ phổ nhạc của ông là một hôn phối. Với người viết thì hôn nhân tuyệt mỹ của Thơ và Nhạc là Thanh Tâm Tuyền và Du Tử Lê với Phạm Ðình Chương, Phạm Thiên Thư và Nguyễn Tất Nhiên với Phạm Duy.
Nhưng có thể bị lãng quên, thì có thơ Hồ Ðình Phương với nhạc Hoàng Trọng.
Hồ Ðình Phương là nhà thơ miền Trung, có nét trong sáng lành mạnh, đa số ca tụng quê hương và tình tự dân tộc. Nhạc Hoàng Trọng cũng có sự trong sáng tương tự. Có lẽ vì thế mà ông tìm đến Hồ Ðình Phương để làm lời ca cho những tác phẩm tươi đẹp. Thời điểm là sau cuộc di cư 1954 cho đến đầu thập niên 60. Tác phẩm đầu tiên là “Chiều Nhớ Mẹ,” nhịp Slow chậm rãi và lời ca tha thiết. Quỳnh Giao xin nhắc lại để chúng ta khỏi quên:
Chiều ơi, chiều vướng hồn tôi
Chiều xuống miền xa xôi xin nhắn ai ngoài ngàn lối
Rằng đây, nhìn khói vờn qua
Nhìn cánh đồng bao la, lòng nhớ quê xưa mẹ già...
Rồi liên tục là Mộng Ban Ðầu, Mộng Ðẹp Ngày Xanh, Tình Không Biên Giới, Mộng Lành, Bên Bờ Ðại Dương, Nguồn Mến Yêu, Bạn Lòng, Trăng Lên, Mộng Ngày Hồi Hương, Bắc Một Nhịp Câu, Tình Trăng, Nhớ Về Ða Lạt, Mộng Ðẹp Tình Xuân,Tiễn Bước Sang Ngang, Ngỡ Ngàng, Hai Mối Tình Yêu, Hương Yêu, Ðẹp Mùa Yên Vui, Nhớ Thương... Tính nhẩm thì cũng gần hai chục bài chứ không ít.
Những ca khúc như Mộng Ban Ðầu, Mộng Lành, Mộng Ngày Hồi Hương, Bắc Một Nhịp Cầu, Tình Trăng, Ngỡ Ngàng, Tiễn Bước Sang Ngang, đã thành công rực rỡ với nhịp điệu Tango. Cũng từ đấy, nhạc sĩ ít nói ít cười này mới có danh hiệu là “Vua Tango.”
Trong phạm vi nghề nghiệp, Quỳnh Giao đặc biệt yêu thích các ca khúc về quê hương và tình người của Hoàng Trọng và Hồ Ðình Phương. Khi trình bày, mình thấy lòng hân hoan sung sướng hơn. Ðó là những bài Mộng Ðẹp Ngày Xanh, Bên Bờ Ðại Dương và Bạn Lòng. Cả ba tác phẩm đều viết vào năm 1956.
Mộng Ðẹp Ngày Xanh là bài hát theo kiểu semi-classique, trên nhịp Slow với cung Do Trưởng trong sáng. Hoàng Trọng và Hồ Ðình Phương sáng tác ca khúc này cho ngày lễ Văn Hóa. Ðược trình bày lầu đầu tại rạp Thống Nhất (Norodom) với giọng soprano của danh ca Kim Tước là lập tức nổi tiếng. Lời ca chan chứa tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa thời chinh chiến:
Mộng đẹp vừa khai lối, đem ta gom chung một trời
Yêu thương dâng lên tình người, nhịp với bao nụ cười tươi
Kìa tuổi xanh đưa tới, xanh lên mắt anh rạng ngời
Xanh qua tóc em tuyệt vời, đẹp lắm ôi mầu xanh ơi....
Dù ngày mai muôn lối, anh theo non sông đợi chờ
Em lo trông nom mẹ già, hồn chúng ta nào chia xa
Nhờ mầu xanh luôn mới, xanh không phai duyên tình người
Lại tìm nối bóng song đôi, nên ta mãi còn chung vui...
Ca khúc Bên Bờ Ðại Dương cũng sáng tác trên tiết điệu Slow chậm rãi, cung Ré Trưởng cao vút và tươi sáng để ca tụng vẻ đẹp của đất nước và lịch sử. Với nhiều người thì đây là một trong những ca khúc đẹp nhất về quê hương của chúng ta:
Ðất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương
Bắc với Nam tình nối qua lòng miền Trung
Ðất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang
Vượt núi rừng dài Trường Sơn
Vào tới ruộng ngọt phương Nam
Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm
Trên máu xương cùng hát ca bài thành công
Dân nước tôi, nòi giống hùng cường Lạc Long
Làm gái toàn là Trưng Vương
Làm trai rạng hồn Quang Trung...
Khi xưa, nghe danh ca Anh Ngọc trình bày Bên Bờ Ðại Dương là một niềm vui. Chất giọng sung mãn và làn hơi dài như mang cả hồn sông núi ngạo nghễ vào lồng ngực. Mỗi lần nghe lại là thêm một lần luyến nhớ quê hương.
Vì kỷ niệm xa xưa, người viết này yêu thích nhất bài Bạn Lòng, được sáng tác khi mình mới lên mười. Nhịp Boston dìu dặt dẫn lời ca về tình bạn đằm thắm:
Bạn lòng thân mến đây giây phút hồn tôi nghe chan chứa hương đời
Nhạc lời êm ái, tôi ca ấm vành môi mong sao đến bên người
Bạn là trăng sáng trong đêm tối hồn tôi soi lên bao ánh tươi
Bạn là hoa thắm trên hoang vắng tình tôi vun lên một mùa mới...
Nhạc phẩm này viết để hát solo đơn ca cũng được mà duo song ca lại càng hay. Trong chương trình của ban Tây Hồ ngày xưa của Hoàng Trọng, ông soạn hòa âm công phu cho song ca nam-nữ, với phần phụ họa của toàn ban.
Nói về kỷ niệm, người viết còn nhớ năm 1961, thân mẫu Minh Trang bị cảm bất ngờ, bảo đứa con gái lên đài hát thế. Năm 14 tuổi khi đi Ðà Lạt hát trường ca Con Ðường Cái Quan, con bé còn giữ tên của cha mẹ chứ chưa có biệt hiệu. Vào tuổi 15, trước khi con bé lên đài hát thay cho mẹ, chú Hoàng Trọng hỏi bà mẹ: “Chị có tên cho nó chưa? Ðể chiều nay còn giới thiệu!”
Thế là bà hỏi con muốn gọi tên gì? Bà ngoại có biệt hiệu khi làm thơ là Bội Quỳnh đấy. Con bé làm ra vẻ người lớn: Thế thì Quỳnh Dao đi. Có gì đâu, chỉ vì vừa học câu “một vùng như thể cây quỳnh cành dao” thầy Việt văn mới giảng hôm qua ấy mà!...
Chiều đến, đi học đàn về, con bé lễ mễ sách vở và bài hát đến đài phát thanh mà run sợ. Chú Hoàng Trọng đưa hai bài hợp ca, một bài tam ca, một bài song ca và một bài đơn ca.
Bài đơn ca là Chiều vàng của Nguyễn Văn Khánh. Trên đồi xanh, chiều đã xuống dần, mặt trời lấp ló sau đồi, chiều vàng... cũng dễ thôi, đâu có ngán. Nhưng bài Bạn Lòng mới đáng sợ, vì phải song ca với chú Anh Ngọc! Chú vừa cao lớn, hát giọng trượng phu oang oang mà mình là bé con lại hát anh anh em em với chú.
Trước khi hát, Anh Ngọc còn dặn: “Ðứng xa ra! Giọng cháu cao bắt micro lắm, không được đứng gần!” Trong khi đó, dàn phụ họa toàn ban cười khúc khích bên kia micro.
Ngày xưa, phòng vi âm của đài phát thanh chỉ có một micro, hai người song ca đứng phía trước, dàn phụ họa đứng phía sau mà thu vẫn rõ ràng cân đối. Ban nhạc khoảng 20 người ngồi đàn một góc, và nhạc trưởng đứng trước ban nhạc vừa cầm nhịp vừa ra dấu cho ca sĩ. Kỷ niệm in trong óc, đã hơn nửa thế kỷ qua vẫn không quên được, mỗi khi hát Bạn Lòng lại thấy rưng rưng.
Cũng từ Hoàng Trọng, tên Quỳnh Dao của mình bị chú viết trên bài hát và trong chương trình thành Quỳnh Giao với chữ GI. Từ đó mới có Quỳnh Giao viết GI, chỉ riêng có ba người ngoan cố vẫn dùng chữ D là Anh Ngọc, Phạm Duy và Phạm Ðình Chương. Khi ra hải ngoại, chú Chương nói thôi đổi luôn là Giao đi, kẻo Mỹ nó lại gọi là Dow!
Khi hát lại thơ Hồ Ðình Phương với nhạc Hoàng Trọng, người viết nhớ lại quê hương và kỷ niệm thanh xuân.