main billboard

Dân Biểu Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Bob Goodlatte đưa ra lời cảnh báo “cần phải dành nhiều thì giờ hơn để nghiên cứu kỹ những gì đã xảy ra trong quá khứ hầu tránh những sai lầm ở tương lai”, coi đó là mục tiêu mà phía Cộng Hòa nhắm tới.


Mặc dù đồng ý trên quan điểm phải sửa đổi luật di trú để giải quyết tình trạng cư ngụ bất hợp pháp của hơn 11 triệu người đang có mặt ở Hoa Kỳ, nhưng các vị dân cử Cộng Hòa đồng ý với nhau ở điểm “không thể vội vã” thông qua dự luật giải quyết vấn đề quan trọng này như Tổng Thống Barack Obama đang mong đợi.

caito ditru didanDi dân bất hợp pháp tại vùng biên giới giữa Arizona và Mexico. (Hình minh họa: John Moore/Getty Images)

Trong bản thông điệp liên bang đọc hôm Thứ Ba tuần trước, tổng thống Hoa Kỳ nói rằng nếu Quốc Hội thông qua luật cải tổ di trú ông “sẽ ký ngay tức khắc”. Trước đó dư luận nghe được từ hành lang Quốc Hội cho hay dự luật sẽ được soạn thảo và đưa ra “trong vòng 90 ngày tới” để Thượng Viện có thể bàn thảo và bỏ phiếu trước khi các vị dân cử đi nghỉ hè. Thượng Nghị Sĩ John McCain, một trong những người chủ xướng cải tổ luật di trú, cũng lên tiếng thúc đẩy các vị dân cử lưỡng đảng khi nói rằng giải quyết tình trạng cư trú bất hợp pháp trên đất Mỹ “là vấn đề chính trị nóng bỏng nhất phải làm ngay”, và thông thường không chính trị gia nào muốn bỏ lỡ cơ hội “để những vấn đề quan trọng như thế này bị nguội đi” ý muốn nói nếu để quá trễ sẽ không ai muốn nói tới nữa, ngay sự ủng hộ của người dân cũng sẽ giảm bớt đi.

Nếu những gì cả Tổng Thống Obama lẫn Nghị Sĩ McCain nói đều được xem là Tòa Bạch Ốc và phía Thượng Viện đã sẵn sàng, nhưng bên Hạ Viện chưa bày tỏ dấu hiệu nào cho thấy cũng sẵn lòng ủng hộ. Hôm tổng thống ra trước lưỡng viện đọc bản thông điệp liên bang và nói về chuyện này, đa số các vị dân cử Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đứng dậy vỗ tay ủng hộ trong khi ông Chủ Tịch Hạ Viên John Boehner vẫn giữ thái độ dửng dưng, mặt lạnh như tiền. Giữa tuần này một cố vấn của ông Boehner còn nói người đang lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện “chưa nghĩ đến chuyện sẽ đưa bất kỳ dự luật nào liên quan đến cải tổ di trú ra thảo luận trong năm nay”, điều đó có nghĩa là ai nóng lòng thì mặc ai, “Hạ Viện Cộng Hòa chúng tôi không vội vã như những người khác”, vị cố vấn của ông Boehner giải thích rõ hơn.

Không nóng lòng, chẳng vội vã, nhưng ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner cũng chẳng dại gì lên tiếng trực tiếp đối đầu với Tòa Bạch Ốc để bị chê bai là cản trở những điều dân chúng Mỹ muốn chính phủ phải làm. Ðể có thể nói lên quan điểm của mình mà không bị vướng mắc chính trị, ông Boehner đồng ý cho Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện thực hiện một loạt những buổi điều trần ghi nhận ý kiến của cả 2 thành phần ủng hộ và không ủng hộ cải tổ di trú.

Ngay trong buổi điều trần đầu tiên ở Hạ Viện, Dân Biểu Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Bob Goodlatte đưa ra lời cảnh báo “cần phải dành nhiều thì giờ hơn để nghiên cứu kỹ những gì đã xảy ra trong quá khứ hầu tránh những sai lầm ở tương lai”, coi đó là mục tiêu mà phía Cộng Hòa nhắm tới. Vị dân biểu Cộng Hòa xác nhận trách nhiệm của Quốc Hội là phải tìm cách giải quyết một vấn đề ông gọi là “không dễ làm” nhưng đồng thời cũng nói “vẫn còn rất nhiều câu hỏi về mặt luật pháp chưa ai có thể trả lời, cộng với chi phí để thực hiện các điều cần làm và làm sao ngăn chận không để chuyện người từ nước khác không tiếp tục tìm cách vào Mỹ và ở lại”.

Với tư cách thành viên Dân Chủ cao cấp nhất trong ủy ban, Dân Biểu Zoe Lofgren đưa ý kiến nếu muốn giải quyết “phải giải quyết toàn diện”, đi đúng theo chiều hướng Tổng Thống Obama muốn nhắm đến là những người đang cư ngụ bất hợp pháp tại Mỹ sau cùng sẽ trở thành công dân Hoa Kỳ. Bà Lofgren cho rằng tất cả những đề nghị nên giải quyết một phần hay từng phần “đều là những đề nghị rất nguy hiểm” vì chỉ tạo thêm những rắc rối “trong lúc vẫn không giải quyết tận gốc rễ vấn đề cần phải giải quyết”. Bà Lofgren cũng cho biết các vị dân cử Dân Chủ “đã sẵn sàng bắt tay vào việc, chỉ còn đợi đồng viện Cộng Hòa cùng tham gia”.

Ngay sau lời phát biểu được các nhà quan sát xem là “tiếng nói lập pháp nhưng đại diện cho hành pháp” đó, Dân Biểu Trey Gowdy, chủ tịch Tiểu Ban Di Trú kể lại chuyện của một cô bé 12 tuổi tử Sierra Leone may mắn được nhận vào Mỹ sau khi phải trải qua những điều kinh hoàng xảy ra trong cuộc nội chiến ở đất nước của cô. “Cô bé này bị lính chặt đứt tay, cô ta chạy trốn và lúc nào cũng thầm cầu xin Chúa ơi cho con chết đi chứ sống như thế nào khi còn không thể nào sống được”. Cuối cùng, cô bé đáng thương đó đã được nhận vào Hoa Kỳ sau khi hoàn tất mọi thủ tục về di trú.

Câu chuyện đó chỉ dẫn đến điều ông Gowdy muốn trình bày: Nước Mỹ là một quốc gia tôn trọng luật pháp, nên “không thể viện dẫn bất cứ lý do nào để áp dụng luật pháp với người này mà không áp dụng với người khác, nếu chúng ta bắt cô bé đáng thương này phải hoàn tất mọi thủ tục xin định cư trước khi đặt chân đến lãnh thổ Hoa Kỳ thì liệu chúng ta có đồng ý cho những người cố tình vi phạm luật pháp khi họ trốn vào Mỹ hay cố tình ở lại sau khi visa du lịch hết hạn, để rồi rồi sau này họ (những người cố ý phạm pháp đó) sẽ trở thành công dân của nước Mỹ hay không?”

Ðó là câu hỏi không dễ trả lời, chắc chắn sẽ tạo ra tranh cãi khi các bản thảo dự luật được đưa ra bàn luận trước Quốc Hội.

Một trong những vấn đề vừa tế nhị vừa gai góc đã được nói tới hồi giữa tháng này là chuyện phải giải quyết thế nào cho những trường hợp hôn nhân đồng tính khí một trong 2 người -hoặc cả 2 người- đều ở trong diện cư trú bất hợp pháp. Theo trình bày của ông Jay Carney, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, “Ý của tổng thống là đối xử với họ y hệt như trường hợp của các cặp vợ chồng khác”, tức “không đẩy những người thuộc diện này tới chỗ phải chọn lựa hoặc sống với người mình yêu hoặc sống với quốc gia mình muốn cư ngụ”.

Người đầu tiên ở Hạ Viện lên tiếng hoan nghênh điều này là Dân Biểu Michael Honda của đảng Dân Chủ ở tiểu bang California, một trong những vị dân cử trong nhiều năm qua từng lên tiếng bênh vực quyền lợi cho người đồng tính, ủng hộ mọi đề nghị cho thành phần này được hưởng tất cả những quyền lợi về di trú. Trong khi đó ở Thượng Viện, Nghị Sĩ John McCain -một trong 8 vị nghị sĩ đang soạn thảo dự luật cải tổ di trú- cho hay dự thảo luật ông và những đồng viện khác sẽ đưa ra vào tháng tới “không nói gì về quyền lợi di trú của những cặp vợ chồng đồng tính” bảo thêm ông không tán thành việc cho những cặp vợ chồng đồng tính được hưởng các quyền lợi di trú như những cặp vợ chồng bình thường khác, đi kèm với lời nhắc nhở có cải tổ luật di trú “thì cũng đừng đi quá đà” (nguyên văn: “a red flag for me”).