“Nếu tiến trình giải quyết tình trạng cư trú cho tập thể người đang cư ngụ bất hợp pháp trên đất Mỹ trở thành cuộc chiến chính trị giữa 2 đảng hay giữa hành pháp và lập pháp, lúc đó chúng ta sẽ đẩy các nỗ lực muốn giải quyết vấn đề vào chỗ bế tắc.”(TNS Cộng Hòa Marco Rubio)
Ðầu Tháng Hai năm 2007, chỉ vài tuần trước khi chính thức loan báo ra tranh cử tổng thống, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain tổ chức cuộc gặp gỡ với một số nhà báo ở thủ đô để trình bày quan điểm của ông về những vấn đề nước Mỹ phải giải quyết.
Năm trong tám thượng nghị sĩ đề nghị cải tổ luật di trú Mỹ. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
Trong cuộc tiếp xúc kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ đó, tất cả các nhà báo khi ra về đều nhớ như in điều vị nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Arizona nói với họ: “Ðừng mơ tưởng chuyện chúng ta sẽ bắt giữ cả chục triệu người cư ngụ bất hợp pháp trên lãnh thổ này, nhốt họ vào trại giam rồi sau đó đẩy họ về nguyên quán.” Ông bảo thêm “chắc chắn phải giải quyết tình trạng cư trú cho họ” nhấn mạnh ở điểm “bất kể là chúng ta đồng ý hay không đồng ý, bất kể là chúng ta ủng hộ hay không ủng hộ.”
Ông McCain có đủ tư cách chính trị để nói điều đó vì tiểu bang ông đại diện nằm sát bên cạnh Mexico, là nơi sinh trưởng của đa số những cư dân đang sinh sống bất hợp pháp trên đất Mỹ. Trước ngày gặp báo chí để chia sẻ cảm nghĩ cá nhân, ông đã nhiều lần nói đến việc phải giải quyết vấn đề mà chính Tổng Thống George W. Bush cũng từng gọi là “chuyện nan giải” và mong muốn “giải quyết trước ngày tôi rời Tòa Bạch Ốc.” Tài liệu của Tòa Bạch Ốc cũng cho thấy Tổng Thống Bush hai lần trực tiếp gặp ông McCain để bàn thảo về chuyện này, đồng ý với hầu hết những ý kiến ông McCain đưa ra (trong đó có cả đề nghị tăng ngân sách để thuê thêm nhân viên đặc trách canh phòng biên giới) trước khi ông Bush gật đầu, gửi sang Quốc Hội bản dự thảo cải tổ luật di trú.
Mặc dù tin tưởng có đủ thế lực chính trị sau ngày đắc cử vẻ vang nhiệm kỳ thứ nhì để có thể vận động Quốc Hội thông qua những vấn đề khá tế nhị, nhưng chính cá nhân ông Bush cũng không ngờ sự chống đối của người dân lại cao tới như vậy. Hai tuần trước ngày Thượng Viện đưa vấn đề này ra thảo luận, hầu như ngày nào cũng có cả chục ngàn cú điện thoại từ mọi nơi gọi vào cho văn phòng các vị thượng nghị sĩ, với lời nhắn gửi chung như sau: “Hoa Kỳ là quốc gia thượng tôn luật pháp, không thể chấp nhận cho những người cố tình vi phạm luật pháp trở thành công dân Mỹ.” Những lời nhắn gửi dồn dập - đôi khi mang cả tính hằn học - đã khiến cho chính đa số các vị nghị sĩ Cộng Hòa từng hứa sẽ ủng hộ tổng thống phải chùn bước, kết quả là 53 vị (38 Cộng Hòa và 15 Dân Chủ) chống đối, không chấp thuận đưa dự luật ra bàn cãi trước nghị trường. Ước mong của Tổng Thống George W. Bush bị “triệt” từ trong trứng nước.
Tình hình bây giờ đã đổi khác. “Hoàn toàn khác,” theo lời Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Charles Schumer, một trong tám vị nghị sĩ đồng ý sẽ cùng soạn thảo dự luật cải tổ di trú, nói với mọi người trong cuộc họp báo được trực tiếp truyền hình trên các đài CNN, FOXNews và MSNBC hôm 28 Tháng Giêng năm nay. Ðứng bên cạnh nhóm bạn đồng viện Dân Chủ lẫn Cộng Hòa có cùng ý hướng ở thềm Thượng Viện, Nghị Sĩ Schumer nhắc lại “đã từng có những nhóm đại diện cho cả 2 đảng đứng ngay ở chỗ này, cũng đưa đề nghị cải tổ di trú. Nhưng chúng tôi tin rằng tình hình đã thay đổi để Quốc Hội có thể thông qua dự luật, giải quyết trọn vẹn vấn đề. Ðây cũng là lần đầu tiên mọi người đều trông thấy những ai ủng hộ sẽ được thuận lợi về chính trị hơn những người chống đối,” cho biết thêm sẽ hoàn tất dự luật vào đầu Tháng Ba, thúc đẩy Ủy Ban Tư Pháp cứu xét vào mùa Xuân hay trễ nhất là vào cuối Hè.
Ngay sau ngày cuộc tổng tuyển cử kết thúc hồi đầu Tháng Mười Một năm ngoái, đã có dư luận cho rằng đảng Cộng Hòa phải tìm cách thu hút lá phiếu của tập thể cử tri Hispanic, “nếu không muốn thấy thất bại ở những cuộc bầu cử kế tiếp” như nhận xét của các chiến lược gia trong đảng. Khởi xướng ý kiến này là bà Cựu Thống Ðốc Christine Whitman của tiểu bang New Jersey, cho biết đã đến lúc “đảng Cộng Hòa phải thay đổi đường lối hoạt động” để thu hút lá phiếu của những tập thể đã đưa ông Obama ở lại Tòa Bạch Ốc, giúp đảng Dân Chủ lấy thêm ghế đại biểu tại Thượng và Hạ Viện. Một nhà phân tích độc lập khác là ông Larry Sabato còn đi sâu hơn, cho hay những lời lẽ “không mấy thiện cảm” với thành phần thiểu số mà ứng viên Cộng Hòa Mitt Romney đưa ra trong thời gian vận động tranh cử 2012 “đã khiến cho những tập thể thiểu số khó có thể đến gần với đảng Cộng Hòa,” đương nhiên nhóm xa lánh ông Romney và cánh Cộng Hòa mà ông Sabato nói đến chính là nhóm cử tri Hispanic.
Dù quyết định cùng nhau làm việc chung, nhưng rõ ràng hai cánh Dân Chủ và Cộng Hòa cùng “gờm” nhau, bên này e ngại phía bên kia sẽ cướp công của mình. Ðiều này được chính Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio nói đến khi đưa ra lời phát biểu ngụ ý cho thấy điều ông âu lo nhất vẫn chính là chuyện cả 2 đảng đều nhìn thấy “lợi thế chính trị, để quyền lợi của đảng lên cao hơn những gì đã hứa với cử tri.”
“Tôi muốn nói rõ như thế này,” vị thượng nghị sĩ trẻ tuổi gốc Cuba nghiêm mặt nói ở diễn đàn Thượng Viện. “Nếu tiến trình giải quyết tình trạng cư trú cho tập thể người đang cư ngụ bất hợp pháp trên đất Mỹ trở thành cuộc chiến chính trị giữa 2 đảng hay giữa hành pháp và lập pháp, lúc đó chúng ta sẽ đẩy các nỗ lực muốn giải quyết vấn đề vào chỗ bế tắc.” Ông bảo thêm, thông thường bên nào cũng muốn đưa ra những giải pháp nhanh nhất, tiện nhất, để thu hút phiếu cho mình trong những cuộc bầu cử sắp tới, “nhưng đó không phải là cách để giải quyết một vấn đề quan trọng như thế này.”
Ðiều ông nói khiến mọi người nghĩ ngay đến cảnh báo của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama. Nhà lãnh đạo nước Mỹ từng nói nếu Quốc Hội không đưa ra được kế sách giải quyết chuyện này, bên hành pháp sẽ soạn một dự luật, sau đó gửi qua bên lập pháp “và tôi sẽ yêu cầu các vị dân cử bỏ phiếu ngay tức khắc.”
Ba điểm chính trong kế hoạch của TT George W. Bush, năm 2007:
1. Tạm thời cấp quy chế hợp pháp cho những người đang cư trú bất hợp pháp, thành phần này sẽ được quyền nhập tịch sau khi chủ gia đình (head of household) trở về nguyên quán và nộp đơn xin sang Mỹ trở lại. Sẽ được cấp thẻ xanh nếu đơn xin trở lại Mỹ được chấp thuận.
2. Tăng ngân sách thuê thêm nhân viên kiểm soát biên giới, dựng thêm hàng rào dọc theo biên giới với Mexico, xây thêm trại tạm giữ những người bị bắt khi trốn lậu sang Hoa Kỳ.
3. Sẽ thực hiện các điều khoản trong dự luật Dream Act, cho những người cư trú bất hợp pháp hay con em họ được hưởng học phí in-state tuition như những người có giấy tờ cư trú hợp lệ ở Mỹ.
Ba điểm chính trong kế hoạch của tám thượng nghị sĩ, năm 2013:
1. Tạm thời cấp quy chế cư trú cho những người đang cư ngụ bất hợp pháp. Chi tiết sẽ được soạn thảo sau.
2. Tăng cường sử dụng máy bay không người lái (drones) vào công tác canh phòng biên giới, thành lập một ủy ban chuyên trách theo dõi hoạt động này và báo cáo cho Quốc Hội biết thành quả. Tăng cường hệ thống kiểm soát và cấp visa cho người từ nước ngoài xin vào Mỹ.
3. Cấp thẻ xanh cho những người đang làm các công việc chuyên môn, những người tốt nghiệp đại học và những người đang làm việc ở các nông trại. Tất cả những người thuộc diện khác phải chờ được cứu xét. Chi tiết về thủ tục cứu xét sẽ được soạn thảo sau.