Ở những chỗ chính quyền xoá trắng ấy, rất nhiều người yêu nước, thiện chí và nhiệt tình, bằng những cách thức khác nhau, cố gắng góp nhặt và gìn giữ các ký ức về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979.
Trong bài “Viết và viết lại lịch sử”, tôi nêu lên luận điểm chính: Từ năm 1954, ở miền Bắc, và từ năm 1975, trong cả nước, đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn giành độc quyền trong việc viết sử, cả lịch sử hiện đại lẫn lịch sử cổ đại và trung đại.
Cái gọi là độc quyền ấy bao gồm ba khía cạnh. Thứ nhất, độc quyền về quan điểm. Quan điểm này lại gồm hai nét chính: một, lịch sử, trước hết, là lịch sử của đấu tranh giai cấp; và hai, viết lịch sử cũng là một hành động đấu tranh giai cấp, nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh giai cấp mà họ đang theo đuổi. Thứ hai, độc quyền trong việc diễn dịch và giải thích lịch sử. Xin lưu ý là lịch sử (history) khác với biên niên (chronicle). Trong biên niên (một hình thức sử khá phổ biến ở Việt Nam ngày xưa), người ta chỉ ghi nhận và trình bày các sự kiện theo trình tự thời gian, cái này kế tiếp cái khác; mỗi sự kiện như một đơn vị biệt lập. Lịch sử thì khác. Lịch sử là một nỗ lực tìm hiểu và diễn dịch quá khứ bằng cách phát hiện ra quan hệ nhân quả giữa các sự kiện: Điều các sử gia thường làm là xem sự kiện này là nguyên nhân hoặc hậu quả của một sự kiện khác; hơn nữa, họ còn so sánh và xếp hạng các sự kiện và các nhân vật theo một hoặc những tiêu chí nhất định: người này là ái quốc, người kia là phản quốc; người này là anh hùng, người kia là hèn nhát, v.v.. Thứ ba, họ cũng độc quyền trong việc sử dụng tài liệu lịch sử: Với mỗi triều đại, mỗi chế độ, hoặc cụ thể hơn, với mỗi nhân vật, họ sẽ quyết định việc khen hay chê, và dựa trên việc khen hay chê đó, họ sẽ quyết định việc chọn lựa các tư liệu thích hợp cho việc mô tả và đánh giá.
Suốt bao nhiêu năm, đảng Cộng sản lúc nào cũng quyết liệt trong việc giành và giữ những sự độc quyền ấy. Do đó, cái lịch sử mà họ trình bày trước mắt mọi người và dạy cho mọi học sinh từ tiểu học đến trung học và đại học, có thể khác hẳn với những lịch sử do người khác viết (chủ yếu là trước đó hoặc ở ngoại quốc, những lúc và những nơi họ không kiểm soát được).
Tuy nhiên, theo dõi sinh hoạt chính trị Việt Nam trong những năm gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy có những vùng nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn bỏ trắng. Một trong những vùng trắng quan trọng nhất là những xung đột liên quan đến Trung Quốc từ năm 1975 đến nay. Mà những xung đột ấy lại nhiều và tàn khốc vô cùng.
Đáng kể nhất là cuộc xâm lược kéo dài 29 ngày (từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 16 tháng 3 năm 1979) của Trung Quốc vào các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc của Việt Nam. Thời gian thì ngắn nhưng đó là một cuộc chiến tranh ở quy mô rất lớn. Trung Quốc huy động đến cả 9 quân đoàn với trên 300.000 lính, một ngàn chiếc xe tăng và một ngàn rưỡi khẩu pháo (1), tấn công vào 26 địa điểm; chưa tới một tuần lễ sau, chiếm 320 làng và thủ phủ của ba trong tổng số sáu tỉnh dọc theo biên giới (Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai). Sau một tháng, số người bị giết chết, về phía Trung Quốc, khoảng 25.000 người, và phía Việt Nam, khoảng 20.000 người (2). Các chuyên gia ước tính cứ trung bình một người chết thì có khoảng ba người bị thương tật; như vậy số người bị thương tật ở cả hai bên có thể lên đến cả trên 100.000. Đó là chưa kể các thiệt hại về vật chất: quân Trung Quốc đi đến đâu ở đó đều thành bình địa. Không có một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn cả.
Sau cuộc chiến tranh đầu năm 1979, Trung Quốc còn tấn công Việt Nam nhiều lần khác, với quy mô nhỏ hơn. Ví dụ, từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 năm 1980, Trung Quốc liên tục bắn pháo vào Cao Bằng; đầu tháng 5 năm 1981, Trung Quốc xua quân đánh chiếm một số cao điểm chiến lược thuộc hai tỉnh Lạng Sơn và Hà Giang; năm 1984, Trung Quốc lại tấn công huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn (tháng 4), sau đó, huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang (tháng 7); cuối năm 1986 và đầu năm 1987, Trung Quốc lại liên tục bắn pháo vào lãnh thổ Việt Nam. Quan trọng nhất, tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong lịch sử của bất cứ nước nào, chiến tranh bao giờ cũng là những sự kiện lớn; chiến tranh do ngoại xâm lại càng lớn. Lớn vì, thứ nhất, chúng tác động mạnh mẽ đến đời sống của mọi người; thứ hai, chúng ảnh hưởng sâu sắc đến các quan hệ đối ngoại; thứ ba, chúng để lại những vết thương không dễ hàn gắn trong tâm hồn của mỗi người, từ đó, để lại những ấn tượng khó phai nhạt trong ký ức của dân chúng, và những ký ức ấy, đến lượt chúng, lại góp phần hình thành nên bản sắc của cả một cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia xem các cuộc chiến tranh như những yếu tố quan trọng trong việc định nghĩa tính dân tộc (nationhood) của mình. Chiến tranh với một quốc gia láng giềng thường xuyên xâm lược mình lại càng có ý nghĩa lớn: Nó còn là một sự cảnh báo. Người ta cần phải nhớ không phải vì quá khứ mà còn vì tương lai. Một ký ức tập thể sẽ nuôi dưỡng một sự tưởng tượng tập thể. Với cả ký ức và tưởng tượng tập thể, mọi người sẽ thấy gần gũi với nhau hơn, đoàn kết với nhau hơn, do đó, sức mạnh của dân tộc sẽ được tăng cường. Với sức mạnh ấy, người ta mới có thể hy vọng đánh thắng các cuộc xâm lược kế tiếp.
Những phân tích trên, thật ra, hầu như ai cũng có thể hiểu. Nhà cầm quyền Việt Nam vốn trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, và trong các cuộc chiến tranh ấy, đã từng biết sử dụng ký ức và tưởng tượng tập thể như những nguồn sức mạnh chiến lược, lại càng hiểu rõ. Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp cũng như chống lại miền Nam và ngay cả trong cuộc chiến tranh đầu tiên chống lại Trung Quốc vào năm 1979, người ta đã biết viết lịch sử, hơn nữa, viết lại cả lịch sử trước kia, để, nói như Tố Hữu, “bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”.
Vậy mà, lạ, trong cả hơn chục năm vừa qua, cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979 hoàn toàn bị quên lãng. Trong lịch sử, không ai viết; trong văn học, không ai đề cập; trong truyền thông, không ai nhắc nhở; trong sinh hoạt, không một lễ tưởng niệm nào được tổ chức; thậm chí, di tích cũng không ai gìn giữ; không những vậy, còn bị phá hoại. Theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, bia đá kỷ niệm của Sư đoàn 337 chống “quân Trung Quốc xâm lược” bị đục bỏ chữ “Trung Quốc xâm lược”; bia ghi công Nguyễn Huệ đánh tan “giặc Tàu” bị đục bỏ để thay thế bằng một “tấm bia vô thưởng vô phạt” khác; bia mộ của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương hy sinh trong trận chống Trung Cộng xâm chiếm bãi đá Gạc Ma năm 1988 bị đục bỏ chữ “anh hùng” (3).
Rõ ràng là chính quyền Việt Nam muốn xoá trắng tất cả ký ức liên quan đến cuộc xâm lược tàn khốc và tàn bạo ấy.
Tại sao?
Xin nhường câu trả lời lại cho quý bạn đọc.
Ở đây, tôi chỉ xin lưu ý điều này: Ở những chỗ chính quyền xoá trắng ấy, rất nhiều người yêu nước, thiện chí và nhiệt tình, bằng những cách thức khác nhau, cố gắng góp nhặt và gìn giữ các ký ức về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979. Cứ đọc các trang mạng xã hội ở trong nước trong ngày 17 và 18/2 vừa qua thì đủ biết. (4)
Chỉ tiếc, những việc kỷ niệm, tưởng niệm và ghi chép lại lịch sử ấy lại bị cấm đoán (5), và những người yêu nước, nhiệt tình và thiện chí ấy lại thường bị phê phán là... bị xúi giục bởi các thế lực thù nghịch!
Tại sao?
Cũng lại xin nhường câu trả lời lại cho quý bạn đọc.
***
Chú thích:
1. Trung Quốc cũng chuẩn bị sẵn sàng khoảng 1000 chiến đấu cơ nhưng họ không sử dụng không lực trong suốt cuộc chiến này.
2. Brantly Womack (2006), China and Vietnam, The Politics of Asymmetry, Cambridge University Press, tr. 200.
3. Theo bài “Có một điều gì đó rất Lã Bất Vi” của Huỳnh Ngọc Chênh.
4. Ví dụ, bài “Vòng hoa tang cho truyền thống quật cường, bất khuất chống ngoại xâm” của J.B. Nguyễn Hữu Vinh
5. Xem bài “Việt Nam cản trở các hoạt động tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung” của Trà Mi.