Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Iran-Hoa Kỳ : Hai chiến lược bế tắc

Irak -USA

Đồng rial của Iran liên tục rớt giá trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.
ATTA KENARE / AFP

Đối đầu giữa Washington và Teheran ngày càng leo thang.

Trong bài « Iran-Hoa Kỳ : Hai chiến lược bế tắc », trên báo Le Figaro (04/09/2018), nhà báo Renaud Gerard cho rằng tại vùng Trung Đông, tuy Iran và các đồng minh đã thu được thắng lợi trong các hồ sơ quan trọng, tạo được trục Shia, nhưng các thành công này không giúp ích gì cho người dân Iran, trong bối cảnh nước này lại bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng sai lầm nếu đi theo các khuyến cáo của phe diều hâu trong hồ sơ Iran.
Tác giả điểm lại những thắng lợi rõ ràng về mặt quân sự của Iran trong bốn cuộc khủng hoảng chính tại Trung Đông :

Thứ nhất là quân đội Mỹ phải rút khỏi Irak năm 2010, tạo thuận lợi cho các lực lượng chính trị theo hệ phái Hồi Giáo Shia, thân Iran.
Thứ hai là thắng lợi về quân sự của tổng thống Syria Bachar al Assad, đồng minh của Iran.
Thứ ba là tại Liban, tổ chức Hồi Giáo Hezbollah thân Iran, đã đạt được điều họ muốn : đó là quyền phủ quyết các quyết định chiến lược của chính phủ Liban.
 Và thứ tư là tại Yemen, lực lượng Houthi được Iran ủng hộ vẫn nắm quyền kiểm soát thủ đô, bất chấp các cuộc tấn công của liên minh Ả Rập do Ả Rập Xê Út lãnh đạo.

Khi tổng kết giữa cái giá phải trả và các lợi thế có được, tác giả đặt câu hỏi :
Các thắng lợi đó, việc tạo dựng được trục Shia ở Trung Đông mang lại lợi lộc gì cho Teheran ?

Do bị Mỹ trừng phạt, kinh tế Iran bị suy sụp, người dân ngán ngẩm về các cuộc phiêu lưu tốn kém ở bên ngoài, trong khi « chiến lợi phẩm » lại ít ỏi và chẳng tốt đẹp gì : đất nước Syria bị tàn phá, người dân Iran ở cảng Bassora đang bất bình, sống trong cảnh nghèo nàn, thiếu thốn, không điện, không nước.
Trong khi đó, Nam Yemen có nguy cơ bị chia cắt.

Còn tại Liban, tuy lực lượng Hezbollah có ảnh hưởng, nhưng đất nước này đang trở thành một trung tâm tài chính quốc tế và nhất nhất tuân theo các mệnh lệnh của bộ Tài Chính Hoa Kỳ.

Iran đang tìm cách củng cố vai trò là một cường quốc trong khu vực, nhưng sức mạnh của cường quốc này là vô ích nếu không giúp gì cho sự thịnh vượng của người dân Iran.
Chiến lược mà Iran theo đuổi đang ngày càng tỏ ra bế tắc. Chính quyền Teheran đã sai lầm khi từ chối đối thoại với Washington, với lý do phẩm giá của dân tộc Iran bị chà đạp.

Mặt khác, theo Renaud Girard, Hoa Kỳ cũng sẽ sai lầm nếu đi theo các khuyến cáo cực đoan của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Chính trị gia diều hâu này chủ trương bần cùng hóa, bóp nghẹt người dân Iran với hy vọng là họ sẽ vùng lên lật đổ chế độ.
Thế nhưng, chiến lược này có nguy cơ tạo hiệu ứng ngược : tổng thống Rohani, được cho ôn hòa, có thể bị thất thế và phe quân đội cứng rắn lên ngôi.

Tác giả nhận định, giới sinh viên và doanh nhân Iran có xu hướng thân phương Tây
 Iran sẽ từng bước chuyển đổi thông qua cải cách chứ không phải bằng một cuộc cách mạng hay bạo lực. Dường như chính quyền Washington không hiểu được điều này.
Chính vì thế, cả Mỹ lẫn Iran đều đang theo đuổi các chiến lược đi vào ngõ cụt.

 Và chừng nào chiến lược thù nghịch này còn diễn ra thì Trung Đông không thể có ổn định chính trị và phục hồi lòng tin trong lĩnh vực kinh tế, vốn rất cần thiết cho sự phát triển của toàn vùng.

Switch mode views: