Châu Á và Trung Đông : Mảnh đất màu mỡ cho các tập đoàn vũ khí
- Thứ Tư, 14 tháng Ba năm 2018 17:55
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Triển lãm vũ khí Châu Hải (Zhuha), Trung Quốc, 12/11/2012.
REUTERS/Bobby Yip
Chiến sự mà ai cũng chứng kiến hằng ngày tại vùng Trung Cận Đông, tình hình căng thẳng triền miên ở châu Á, đặc biệt là ở vùng Biển Đông bắt nguồn từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, đây là những nhân tố làm lợi cho các nước sản xuất vũ khí trên thế giới.
Trong bản báo cáo công bố ngày 12/03/2018, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển đã xác nhận tình trạng nói trên bằng những số liệu cụ thể, cho thấy là trong vòng 5 năm gần đây, cả hai khu vực Á-Úc và Trung Cận Đông đã mua 74% lượng vũ khí bán ra trên thế giới.
Theo ước tính của SIPRI, từ năm 2013 đến 2017, ở cấp độ toàn cầu, lượng vũ khí bán ra đã tăng bình quân 10%, với Hoa Kỳ vẫn là nước bán được nhiều nhất, chiếm 34% thị trường, theo sau là Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc…
Về phần các khách hàng, Ấn Độ đứng đầu danh sách các nước nhập vũ khí nhiều nhất, theo sau là Ả Rập Xê Út.
Sự kiện Ấn Độ và Ả Rập Xê Út đứng đầu danh sách nước mua vũ khí tiêu biểu cho xu thế chung của việc mua bán vũ khí trên thế giới trong thời gian gần đây.
Vùng Trung Cận Đông nổi bật với đà tăng chóng mặt của lượng vũ khí mua vào : tăng bình quân 103% trong 5 năm qua.
Trên bình diện khối lượng, số vũ khí mà Ả Rập Xê Út mua vào đã tăng 225%, với nước Mỹ là nhà cung cấp hàng đầu, theo sau là Anh và Pháp.
Tuy nhiên, theo SIPRI, nếu tính về khối lượng vũ khí, chứ không phải là đà tăng, thì Trung Cận Đông - với 32% tổng lượng vũ khí bán ra trên thế giới - còn thua vùng châu Á và Châu Đại Dương, đã mua đến 42% số vũ khí bán ra trên toàn cầu.
Tình hình căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc, đã thúc đẩy Ấn Độ lao vào công cuộc hiện đại hóa quân đội.
Vì không có được một ngành công nghiệp vũ khí đủ sức đáp ứng nhu cầu, Ấn Độ đã phải đi mua của nước ngoài, chủ yếu của Nga, nước chiếm 62% thị phần vũ khí Ấn Độ.
Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận là Ấn Độ cũng bắt đầu mua vũ khí Mỹ, với một khối lượng đã tăng gấp 5 lần vào năm ngoái, 2017, so với 5 năm trước đó.
Theo chuyên gia Siemon Wezeman thuộc viện SIPRI: “Căng thẳng giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc đã làm cho nhu cầu của Ấn Độ đối với các loại vũ khí nặng ngày càng tăng, vì đây là những thứ mà bản thân nước Ấn không thể sản xuất.”
Đối lập với Ấn Độ, Trung Quốc đang trở thành đại gia cả trong lãnh vực nhập khẩu lẫn xuất khẩu vũ khí.
Trong thời điểm 2013-2017, Trung Quốc là nước đứng hàng thứ năm trong danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí trên thế giới, nhưng đồng thời cũng đã vươn lên đứng thứ năm trong số quốc gia xuất khẩu, với số lượng bán ra tăng 38% trong thời gian 5 năm gần đây.
Ghi nhận đáng chú ý của SIPRI : Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Miến Điện, nơi mà quân đội bị Liên Hiệp Quốc tố cáo là đã tiến hành chiến dịch thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Hồi Giáo Rohingya.
Thị phần vũ khí Trung Quốc tại Miến Điện lên đến 68%, trong lúc Nga chỉ còn 15%.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn là nhà cung cấp vũ khí chủ chốt cho Pakistan (70%), hay cho Bangladesh (71%).
Báo cáo của SIPRI cũng không quên đề cập đến Việt Nam. Hà Nội đã trở thành bạn hàng quan trọng thứ ba của vũ khí Nga, chỉ thua Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong giai đoạn từ 2011-2015, SIPRI đã từng ghi nhận rằng Việt Nam xếp hàng thứ 8 về nhập khẩu vũ khí trên thế giới. Đà tăng mua vũ khí vẫn tiếp tục đều đặn, với các nguồn cung cấp ngày thêm đa dạng.
Từ 2013 đến 2017, theo cơ sở dữ liệu của SIPRI, Việt Nam mua vũ khí từ hơn một chục nước khác nhau, đi đầu là Nga, theo sau là Belarus, và đứng thứ ba là Israel, mà loại pháo phản lực EXTRA đã thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây khi có tin là Việt Nam đã đặt loại vũ khí đó trên một số thực thể ở Trường Sa (Biển Đông).
Ngoài ra, danh sách các nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam còn bao gồm Séc, Slovakia, Ukraina, các nước Đông Âu cũ, hay Hàn Quốc, Ấn Độ.
Xu thế mới được SIPRI ghi nhận là Việt Nam bắt đầu nhận vũ khí từ Mỹ, cụ thể là năm 2017, đã tiếp nhận một số vũ khí Mỹ trị giá 54 triệu đô la, cụ thể là một chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton cũ của Tuần Duyên Mỹ, và 6 xuồng tuần tra cao tốc mới Metal Shark.
Tin mới
- Bầu cử tổng thống Nga : một vở tuồng không hẳn thiếu kịch tính - 15/03/2018 22:24
- Syria 7 năm nội chiến - 15/03/2018 22:14
- Rex Tillerson bị sa thải: Thỏa thuận hạt nhân Iran như “đèn treo trước gió” - 15/03/2018 22:07
- Mỹ : Học sinh biểu tình tại Washington đòi siết luật về súng - 15/03/2018 21:51
- Vụ Skripal: Quan hệ Anh-Nga căng thẳng, châu Âu thận trọng - 15/03/2018 21:41
- Đức điều tra tướng công an CSVN vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - 15/03/2018 02:03
- Trọng tâm của thượng đỉnh ASEAN - Úc sẽ là tranh chấp Biển Đông - 14/03/2018 22:59
- Duterte thông báo rút Phillipines khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế - 14/03/2018 22:50
- Rex Tillerson nhận tin bị sa thải qua twitter của TT Trump - 14/03/2018 22:40
- Vì sao tổng thống Mỹ cách chức ngoại trưởng Tillerson? - 14/03/2018 18:33
Các tin khác
- Truyền thông Nhật: Thủ tướng Abe nghiên cứu khả năng gặp Kim Jong Un - 14/03/2018 17:43
- Nga : Ông Putin tới Crimée trước ngày bầu cử tổng thống - 14/03/2018 17:26
- Nhà vật lý Stephen Hawking qua đời - 14/03/2018 16:50
- Tại Syria, xà phòng Aleppo ''gắng gượng hồi sinh'' từ đống tro tàn - 14/03/2018 16:41
- Tổng thống Mỹ Donald Trump thay ngoại trưởng - 14/03/2018 02:57
- Đảo Guam và người Việt tị nạn - 14/03/2018 02:42
- Bắc Triều Tiên: Tập Cận Bình kêu gọi các bên kiên trì và khôn khéo - 13/03/2018 23:04
- Trung Quốc: Tập Cận Bình tăng quyền nhờ cơ quan chống tham nhũng mới - 13/03/2018 22:55
- Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ: Không có dấu hiệu Nga can thiệp bầu cử - 13/03/2018 17:04
- Syria: Mỹ "sẵn sàng hành động" nếu Hội Đồng Bảo An bị tê liệt - 13/03/2018 16:42