Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nga: Putin tranh cử muộn vì nắm chắc phần thắng trong tay

russia-putin-tai cu

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Matxcơva, ngày 01/03/2018
Sputnik/Alexei Nikolskyi/Kremlin via REUTERS

Ba tuần trước bầu cử tổng thống Nga, Vladimir Putin mới nhập cuộc, qua bài diễn văn đọc tại Quốc Hội hôm nay, 01/03/2018.

Không một ai trong số 7 đối thủ cùng ra tranh cử có thể đe dọa chiếc ghế của ông Putin ở điện Kremlin.

Dù bị chỉ trích không có chương trình tranh cử cụ thể, nhưng mọi người đều biết Putin chắc chắn tiếp tục thêm một nhiệm kỳ thứ tư sau khi đã loại đối thủ duy nhất có thể làm lu mờ hào quang của ông.
Không phải tình cờ mà điện Kremlin ấn định ngày bầu cử tổng thống vào 18/03, đúng ngày kỷ niệm 4 năm thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina.

Chủ Nhật 18/03/2018 hơn 100 triệu cử tri Nga và gần 2 triệu công dân Nga đang sống ở hải ngoại được kêu gọi đi bầu.
Từ khi chiến dịch vận động tranh cử chính thức mở màn hôm 19/02/2018, khác với 7 đối thủ khác, Vladimir Putin rất ít xuất hiện trước công chúng.
 Ông cũng không trình bày cương lĩnh tranh cử cụ thể.

Những người xấu miệng cho rằng sự kín tiếng đó chẳng qua là vì sau 18 năm cầm quyền, Vladimir Putin không còn gì để hứa với dân.

Trên đài RFI, chuyên gia phân tích chính trị Dmitri Orechkin, giải thích lập luận của phe ủng hộ Putin như sau : "Không ai bỏ phiếu cho Vladimir Putin vì chương trình tranh cử của ông ta. Bầu cho Putin, là bỏ phiếu ủng hộ một nước Nga oai hùng.
Là nguyên thủ quốc gia, ông Putin không cần phải đi sâu vào tiểu tiết, như là vấn đề thu nhập thấp của người dân.

Putin là người đem lại niềm tự hào cho nước Nga, vực dậy một đất nước từng gục ngã, chận đứng những mưu đồ của Âu, Mỹ ; ông ta là người đã giành lại được bán đảo Crimée cho nước Nga.
Không phải tình cờ mà Matxcơva ấn định ngày bầu cử tổng thống đúng ngày kỷ niệm chiếm được Crimée. Thật ra, Vladimir Putin không còn khả năng thực hiện được thêm những phép lạ cho nước Nga, do vậy ông ta muốn khai thác hình ảnh của một con đại bàng soải cánh bay rất cao và rất xa, để chinh phục được cả thế giới".

Tổng cộng có 8 ứng viên, 7 nam và 1 nữ, ra tranh cử tổng thống Nga lần này. Nhưng không một đối thủ nào có cơ may thu hẹp khoảng cách với Vladimir Putin, sau khi điện Kremlin đã dọn đường để tổng thống mãn nhiệm được " một mình một chợ".

Đó là chưa kể đài truyền hình Nhà nước đã trở thành một công cụ vận động hiệu quả. Nguyên đại biểu Quốc Hội Nga, Vladimir Richkov, thuộc phe đối lập tiếc là đài truyền hình không dành cho 8 ứng cử viên thời lượng phát biểu một cách đồng đều, các chương trình thường dành để ca ngợi thành tích của tổng thống mãn nhiệm. Nếu có trích lời các đối thủ của Putin, thì đấy thường là những phát biểu ngây ngô, vô bổ.

Trong khi đó, tiếng nói chống đối Putin mạnh mẽ nhất là Alexei Navalny, nhưng ông gần như đã bị vô hiệu hóa, cấm ra tranh cử. Navalny được lệnh trình diện tư pháp vào ngày 05/03/2018. Đương sự không loại trừ khả năng sẽ bị tống giam cho đến sau ngày bầu cử.

Theo quan điểm của nhà chính trị học người Nga, Dmitri Orechkin, dù rằng Alexei Navalny ít có khả năng đe dọa chiếc ghế tổng thống của ông Putin, nhưng việc chính quyền đặc biệt quan tâm đến nhân vật này đủ để cho thấy, Navalny là một yếu tố khiến điện Kremlin phải lo ngại. Bởi lẽ, Navalny là một chính trị gia có tài và có thể thu được từ 10 đến 20 % số phiếu của cử tri. Đó là điều mà điện Kremlin không thể chấp nhận được.

Chính quyền muốn là tất cả 7 đối thủ của Vladimir Putin không thu được quá 30 % cử tri ủng hộ và ông Putin thì bằng mọi giá phải bảo đảm tái đắc cử với ít nhất là 70 % số phiếu.

 Cần nhắc lại là từ khi ra tranh cử lần đầu vào năm 2000, ông Putin luôn giành được thắng lợi ngay ở vòng đầu.
Về phần nhà đối lập Navalny, do bị cấm ra tranh cử nên đã kêu gọi tẩy chay bỏ phiếu.

Chiến dịch này gây chia rẽ sâu đậm trong hàng ngũ đối lập ở Nga. Một cách khách quan, giới phân tích e rằng chiến thuật tẩy chay sẽ phản tác dụng.
Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử tuy có giảm, làm suy yếu tính chính đáng của một cuộc bầu cử, nhưng đổi lại, thì tỷ lệ ủng hộ tổng thống Putin sẽ cao hơn.
Trong mọi kịch bản, mối lo ngại duy nhất của điện Kremlin hiện nay là làm thế nào huy động được đông đảo cử tri Nga đi bầu vào ngày Chủ Nhật 18 tháng 3 tới đây.

 Từ năm 2000, tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử luôn được giữ nguyên ở mức 64 % theo thông báo của Ủy ban Bầu cử Nga.
Lần này, chính quyền trung ương đưa ra nhiều sáng kiến để các chính quyền địa phương kêu gọi cử tri đi bầu như tổ chức một cuộc thi chụp ảnh cử tri tại phòng phiếu, mở sổ số với phần thưởng là cả một chiếc xe hơi.

 Riêng một video clip quảng cáo cho ứng cử viên Putin được phổ biến trên các mạng xã hội gây nhiều tranh cãi do thông điệp bài người đồng tính.


Switch mode views: