Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lãnh đạo Mỹ-Nhật thúc đẩy dự án vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương

trump-asia-japan 8

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trong cuộc họp báo chung, tại Tokyo, ngày 6/11/2017
REUTERS/Kiyoshi Ota/Pool

Nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Hoa Kỳ tại Nhật Bản hôm qua, lãnh đạo hai nước đã đồng ý sẽ thúc đẩy việc xây dựng một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và cởi mở, kêu gọi Ấn Độ và Úc tham gia vào dự án này.

Đây có thể sẽ là một liên minh vững chắc giữa các quốc gia dân chủ để ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc ở châu Á.

Trong cuộc họp báo chung, tổng thống Donald Trump và thủ tướng Shinzo Abe đều đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiến lược này.
Theo lời ông Abe, bảo đảm tự do hàng hải ở các vùng biển là “rất cần thiết cho nền hòa bình và sự thịnh vượng” của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ông nhấn mạnh là Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng khu vực này.

Về phần tổng thống Trump, ông khẳng định là hai nước sẽ có nhiều việc phải làm, kể cả trong lĩnh vực thương mại và quân sự, để thực hiện dự án đó.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật đã đạt được đồng thuận về một chiến lược theo ba hướng : phổ biến những giá trị căn bản về dân chủ, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và duy trì hòa bình và ổn định.

Kế hoạch này nhằm quy tụ những quốc gia có chung những giá trị căn bản về dân chủ và tự do mậu dịch, bao gồm cả Ấn Độ và Úc, cũng như các quốc gia ASEAN.
Chính thủ tướng Nhật Shinzo Abe là người đầu tiên vào năm 2016 đề xướng dự án một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhưng nay Washington quyết định tham gia vào dự án này trong bối cảnh sự hiện diện của Mỹ ở châu Á bị xem là đang suy giảm.

Ngay sau khi lên cầm quyền, tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và cho tới nay ông vẫn chưa đề ra một chiến lược rõ ràng về sự can dự của Mỹ ở châu Á trong lĩnh vực kinh tế cũng như những lĩnh vực khác.

Theo nhận định của tờ Nikkei Asian Review hôm nay, tuy thúc đẩy việc thiết lập một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, nhưng Nhật Bản cố tránh để bị Bắc Kinh xem đây là một liên minh chỉ để nhằm chống Trung Quốc.
Tokyo vẫn luôn nhấn mạnh rằng sáng kiến mà họ đưa ra “không nhắm đến bất kỳ quốc gia nào”.

Được mời gọi tham gia dự án này, các nước ASEAN cũng phải tỏ ra thận trọng, tránh bị trở thành một đối thủ của Bắc Kinh, vì những nước này có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn an ninh.
Đây cũng là trường hợp của nước Úc, có rất nhiều lợi ích kinh tế chung với Trung Quốc và cho tới nay vẫn cố không muốn phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh.

Riêng Ấn Độ, tuy vẫn có tranh chấp biên giới với láng giềng Trung Quốc, cũng phải cố giữ sự một sự cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh.
Theo nhận định của Nikkei Asian Review, thách thức đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản đó là làm sao ngăn chận những hành động của Bắc Kinh làm xáo trộn trật tự và các luật lệ về hàng hải ở Biển Đông, nhưng vẫn chung sống được Trung Quốc về mặt kinh tế.

Switch mode views: