Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giải Goncourt 2017 : Hitler và bi kịch châu Âu thế kỷ 20

goncourt  Eric Vuillard

Nhà văn Pháp Eric Vuillard giới thiệu tác phẩm sau khi đoạt giải Goncourt, ngày 06/11/2017.
REUTERS/Philippe Wojazer

Tác phẩm « L’ordre du jour » của nhà văn Eric Vuillard vừa đoạt giải văn chương danh giá Goncourt 2017 của Pháp công bố hôm nay 06/11/2017, là câu chuyện kể đặc sắc về việc nhà độc tài Hitler lên nắm quyền, vụ Đức xâm chiếm nước Áo và sự ủng hộ cỗ máy chiến tranh của giới kỹ nghệ nước Đức.

Nhà văn 49 tuổi có lối kể chuyện độc đáo bằng cách ẩn mình trong hậu trường lịch sử, để thuật lại những sự kiện đã được biết rõ.

Sau các tác phẩm nói về sự sụp đổ của đế quốc Inca (trong « Conquistadors », 2009), chinh phục thuộc địa (« Congo », 2012) và Cách mạng Pháp (« 14 tháng Bảy », 2016), nay « L’ordre du jour » là cơ hội để nhìn lại sự kiện Đức quốc xã lên nắm quyền.

Ngày 20/02/1933, một tháng trước tổng tuyển cử, một mật nghị đã diễn ra tại Berlin, với sự chủ trì của Hermann Goering và tân thủ tướng Adolf Hitler. Hội nghị tập trung giới tinh hoa của ngành kỹ nghệ và tài chính.
Đó là 24 con người cứng nhắc trong 24 chiếc áo ba-đờ-suy màu đen, nâu hoặc màu rượu chát, 24 miếng đệm vai bằng len, 24 bộ đồ vét với áo chẽn, 24 chiếc quần dài với kẹp quần và chiếc gấu lớn – theo lời kể của Eric Vuillard.

Trong số 24 nhân vật này có Gustav Krupp, Wilhelm Von Opel, ông chủ hãng Siemens, IG Farben… Eric Vuillard viết :

« Ngày nay, hãng Opel có tuổi đời còn lớn hơn cả nhiều Nhà nước, già hơn Liban và chính nước Đức ».
Các kỹ nghệ gia này tặng cho quốc xã tất cả số tiền mà phe này cần đến cho cuộc bầu cử.
Goering cười nói : « Nếu quốc xã thắng, các cuộc bầu cử này sẽ là cuối cùng cho đến 10 năm tới, thậm chí trong 100 năm ».

Chế độ Đức quốc xã sụp đổ, nhưng Vuillard nhắc nhở, BASF, Bayer, Agfa, Opel, IG Farben, Siemens, Allianz, Telefunken « vẫn còn đó, giữa chúng ta.

Tất cả các hãng này trong tương lai cũng sẽ tài trợ cho những đảng phái tùy theo sức mạnh của họ.
Các thương hiệu này vẫn hiện diện trong cuộc sống thường nhật của chúng ta : chăm sóc sức khỏe, cung cấp trang phục, chiếu sáng…
Những cái tên vẫn còn đó, và tài sản của họ là khổng lồ ».

Phe quốc xã nắm chắc quyền hành trong tay, và nhà văn theo dõi các hội nghị của phe này khắp nơi.
Tháng 11/1937, sau khi chiếm được vùng Sarre và quân sự hóa Rheinland, Hitler tiếp bá tước Anh Lord Halifax.

Nhà quý tộc bị chủ nhà chinh phục, những ý tưởng của quốc xã không làm ông Halifax lo ngại.
Nhà văn mỉa mai thuật lại cuộc gặp gỡ năm 1938 giữa Hitler và Kurt Schuschnigg, « nhà độc tài Áo », đã không lường được việc Đức xâm lăng Áo quốc.

Bữa tiệc linh đình khoản đãi tại Downing Street vào đúng hôm lính Đức tràn vào nước Áo được mô tả như một vở bi hài kịch.
 Cuộc xâm lược được Đức quốc xã tuyên truyền là dễ như trở bàn tay, theo Vuillard thì thật ra hầu như tất cả xe tăng Đức đều bị trục trặc lúc vừa vượt qua biên giới Áo.
Là cây bút cẩn trọng, Eric Vuillard đã chọn lựa việc kể lại lịch sử qua các chi tiết. Ông viết : « Sự thật nằm rải rác trong đủ loại bụi bặm lịch sử ».

Trong 160 trang giấy, nhà văn với cái nhìn thẳng thừng - không sáng tác thêm chi tiết nào cả, tất cả đều là sự thật – đã vẽ lại bi kịch châu Âu trong thế kỷ 20 bằng nét bút bậc thầy.

Switch mode views: