Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Âu giúp Thổ Nhĩ Kỳ mở trung tâm tiếp nhận di dân

auchau-tho



Chủ tịch ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (P.) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (T.), tại Bruxelles, ngày 05/10/ 2015.
REUTERS/Francois Lenoir



Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 06/10/2015, đã thống nhất với Ankara về một « kế hoạch hành động chung ». Theo đó, khối 28 nước sẽ huy động các quỹ của mình và tiếp nhận trên lãnh thổ Châu Âu số lượng người tị nạn ngày một đông tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đổi lại, chính quyền Ankara mở nhiều trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn trên lãnh thổ nước mình.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Châu Âu hy vọng quốc gia này sẽ thành lập sáu trung tâm tiếp nhận người tị nạn do Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đồng tài trợ.
 Cho tới nay, ý định này vẫn bị Ankara khước từ.

Ngoài ra, Châu Âu cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành thường xuyên hơn các chiến dịch tuần tra và cứu trợ ngoài khơi nước này, đồng thời Ankara sẽ tiếp nhận những người nhập cư kinh tế mà Châu Âu gửi trả về.

Trong phiên bản tạm thời của văn kiện đã thỏa thuận được với Ankara và được công bố hôm qua, Ủy ban Châu Âu khẳng định tiến trình thực hiện kế hoạch hành động trên « sẽ góp phần thúc đẩy việc tự do hóa cấp thị thực » cho những công dân Thổ muốn du lịch Châu Âu.

Thông báo trên được công bố sau khi một bản thỏa thuận nguyên tắc đã được nhất trí ngày 05/10 tại Bruxelles, giữa các nhà lãnh đạo Châu Âu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

« Bản kế hoạch hành động liệt kê một loạt các hành động và hợp tác cần được khẩn trương triển khai » để kiềm chế làn sóng người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Liên Hiệp Châu Âu.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã không đưa ra ngay phản ứng trước thông tin trên.
Bruxelles nhấn mạnh rằng mỗi đề xuất trong bản hiệp định còn phải được mỗi bên thông qua.

Cuộc khủng hoảng tị nạn là trọng tâm tranh luận ngày hôm nay, 07/10, tại Nghị viện Châu Âu ở thành phố Strasbourg (Pháp) với sự có mặt của tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ngay tối cùng ngày, bà sẽ bảo vệ chính sách tiếp nhận người tị nạn của mình trên một chương trình truyền hình được người dân chú ý theo dõi.

Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò then chốt vì hàng ngày, hàng nghìn người nhập cư đặc chân tới bờ biển nước này để vượt biển sang các hòn đảo thuộc Hy Lạp trên biển Egee.

Tuần trước, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã kiên quyết bác bỏ mọi đề xuất nhằm thiết lập trên lãnh thổ nước này các trung tâm tiếp nhận và ghi danh những người tị nạn mà Liên Hiệp Châu Âu muốn nhận.
 Ông đánh giá kế hoạch trên là  ''không thể chấp nhận được'' và ''phi nhân đạo''.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Châu Âu cam kết « ủng hộ » các dự án « tái định cư » cho phép những người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ được vào Châu Âu một cách trật tự » và không thiệt mạng ngoài khơi biển Egee.

Châu Âu tái khẳng định lời hứa « huy động tới một tỉ euro » cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng hai năm 2015 và 2016 và cấp thêm ngân sách, lên tới 500 triệu euro, cho một quỹ chuyên trách y tế và trường học cho người tị nạn Syria.


Switch mode views: