Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nguy cơ giải thể tổ chức Memorial, biểu tượng của perestroika Nga

russie hrw


Văn phòng của tổ chức nhân quyền Memorial ở Matxcơva : Bộ Tư pháp Nga đòi giải thể tổ chức này - REUTERS /Maxim Shemetov

Biểu tượng của công cuộc cải tổ, đổi mới – perestroika đang bị đe dọa : Tổ chức Nga Mémorial, đấu tranh cho nhân quyền và tưởng nhớ các nạn nhân dưới chế độ Stalin, đang phải đối mặt với nguy cơ bị giải thể.

Tổ chức này trở thành một cái gai trong con mắt của Tổng thống Vladimir Putin.

Từ 25 năm qua, Mémorial thu thập các thông tin liên quan đến tội ác của chính quyền cộng sản trước đây. Công việc này gặp rất nhiều khó khăn trong một đất nước mà một bộ phận dân chúng vẫn tôn thờ bạo chúa Stalin và những lời chỉ trích chế độ Xô Viết cũ thường bị coi là không yêu nước. Do vậy, Mémorial nằm trong tầm ngắm của tư pháp Nga.

Ngày mai, 13/11, Tòa Bảo Hiến Nga cho biết ý kiến về đề nghị của Bộ Tư pháp đòi giải thể tổ chức này.

Nếu Tòa thừa nhận đề nghị của Bộ Tư pháp là phù hợp với Hiến pháp Nga, Mémorial không thể tồn tại dưới hình thức hiện nay và có thể buộc nhiều tổ chức trực thuộc phải đăng ký với tư cách là tổ chức phi chính phủ. Một thủ tục phức tạp và vô nghĩa.

Để xoa dịu sự bất bình của công luận và giới tranh đấu cho nhân quyền, hôm thứ Hai, 10/11, Bộ Tư pháp Nga cho biết có thể sẽ đề nghị Tòa Bảo Hiến lùi thời hạn xem xét hồ sơ này và biện hộ rằng Matxcơva không có ý định giải thể Mémorial mà chỉ muốn tổ chức này chuyển đổi cho phù hợp với luật lệ hiện hành.

Bà Elena Jemkova, Giám đốc điều hành Mémorial nói với AFP : « Chính quyền muốn là tại Nga, tất cả phải vận hành theo hướng từ trên xuống dưới và người ta hiểu là vì sao : Việc tổ chức theo chiều dọc, từ trên xuống dưới, sẽ rất dễ kiểm soát ».

Vẫn theo bà Giám đốc, « Mémorial đã trải qua hàng loạt cuộc thẩm tra và tất cả đều hợp lệ.

Chúng tôi đã tồn tại trong hơn 20 năm qua và giờ đây, đột nhiên, Bộ Tư pháp nói với chúng tôi là không được, các vị hoạt động không đúng pháp luật ».

Mémorial được thành lập năm 1989 bởi các nhà cựu ly khai chế độ Xô Viết, trong đó có giải Nobel Hòa Bình Andrei Sakharov, với mục đích tưởng nhớ các nạn nhân bị đàn áp dưới chế độ cộng sản Xô Viết.

Tổ chức này còn đấu tranh chống lại chế độ độc đoán tại Nga và trở thành đối tượng trấn áp của chính quyền. Năm 2009, đại diện của Mémorial tại Tchetchenia, bà Natalia Estemirova đã bị sát hại.

Perestroika và những năm tháng dưới thời Tổng thống Boris Eltsin là thời kỳ hoàng kim của Mémorial. Năm 1999, tình hình thay đổi hẳng, sau khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền tại Nga.

Tháng 12/2008, cảnh sát đã khám xét các văn phòng của Mémorial và lấy đi các tài liệu liên quan đến tội ác của chế độ Stalin. Mémorial đã kiện ra tòa buộc cảnh sát phải hoàn trả những hồ sơ này.

Tháng Bẩy vừa qua, Mémorial cùng với 4 tổ chức phi chính phủ khác bị buộc phải đăng ký hoạt động với tư cách là « tác nhân ngoại quốc », một khái niệm có từ thời Xô Viết, nhắm vào những nhà ly khai bị cáo buộc làm việc cho phương Tây.

Chính quyền của Tổng thống Putin giờ đây thường xuyên sử dụng cụm từ này, với nghĩa xấu, để chỉ các tổ chức dân sự, được bên ngoài hỗ trợ tài chính và có hoạt động chính trị.

Vì từ chối đăng ký là một « tác nhân ngoại quốc » mà chi nhánh của Mémorial tại Saint Petersbourg đã phải đóng cửa.

Tại Châu Âu, các vụ tấn công của tư pháp Nga nhắm vào các tổ chức phi chính phủ gây lo ngại. Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz đã tố cáo đó là một quyết định « không thể chấp nhận được », và không có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Ông Konstantin Kalatchev, phụ trách một nhóm nghiên cứu chính trị, có trụ sở tại Matxcơva nhận định : « Chính sách của chính quyền Nga đối với các tổ chức phi chính phủ là như sau : Các tổ chức phi chính phủ là cần thiết để giải quyết các vấn đề của đất nước, nhưng không được xía vô lĩnh vực chính trị hoặc chịu ảnh hưởng của nước ngoài. Cho đến nay, chính sách này tỏ ra có hiệu quả ».

Theo chuyên gia này, « Mémorial là một trong những tổ chức phi chính phủ nổi tiếng. Các hành động của chính quyền nhắm vào tổ chức này mang tính chất biểu tượng, làm gương răn đe các tổ chức khác ».

Bất chấp áp lực của Matxcơva, bà Jemkova, Giám đốc điều hành Mémorial tỏ ra vững tin : « Tổ chức của chúng tôi được lập ra dưới thời Liên Xô. Chúng tôi đã vượt được qua thời kỳ Boris Eltsin và chúng tôi sẽ vượt được qua các thời kỳ khác ». « Có thể là sẽ khó khăn hơn, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc ».


Switch mode views: