Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hoạt động tấn công mạng của Bắc Triều Tiên xuất phát từ TQ

NamHan-cyber



Một điều tra viên tại Trung tâm Đáp ứng Khủng bố Mạng của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Triều Tiên ở Seoul


Bắc Triều Tiên thường bị coi là một quốc gia đói kém, cô lập và lạc hậu về công nghệ.

 Nhưng các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng các cuộc tấn công mạng gần đây xuất phát từ Bình Nhưỡng cho thấy khả năng tấn công mạng đẳng cấp thế giới.

Thông tín viên VOA Daniel Schearf tường thuật rằng cơ quan tình báo của Seoul cho biết Bắc Triều Tiên đã huấn luyện quân đội mạng và binh sĩ thuộc lực lượng này nhận được sự trợ giúp từ Trung Quốc.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Triều Tiên (NIS) trong tháng này đã cung cấp các chi tiết mới về quy mô, hoạt động cũng như các mục tiêu của đội quân mạng bao gồm các hacker được huấn luyện kỹ lưỡng của Bắc Triều Tiên.

Tại cuộc họp kín của ủy ban tình báo thuộc Quốc hội Nam Triều Tiên, NIS miêu tả 7 tổ chức tấn công mạng và một mạng lưới gián điệp của Bắc Triều Tiên hoạt động ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Cơ quan này dẫn lời nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cho biết rằng đối với Bình Nhưỡng, chiến tranh mạng có tầm quan trọng về mặt chiến lược ngang với các phi đạn và vũ khí hạt nhân của nước này.

Nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền Seo Sang- ki là chủ tịch của ủy ban. Ông nói rằng Bắc Triều Tiên đã thiết lập điểm tấn công mạng tại Trung Quốc vì nơi đó gần về mặt địa lý, hạ tầng Internet phát triển và các hoạt động có thể được bảo vệ.

Ông Seo nói rằng dường như có khoảng 1.700 hacker Bắc Triều Tiên cùng với 4.200 nhân viên hỗ trợ đang tiến hành các hoạt động ở Trung Quốc.

Theo ông, con số đó ngày càng gia tăng. Ông nói rằng họ kiếm được ngoại tệ nhờ việc đồng thời phát triển phần mềm ở Trung Quốc và thực hiện các hoạt động tấn công mạng để đánh cắp các bí mật công nghiệp.

NIS xác nhận một bản tin trước đây rằng Bình Nhưỡng đã tiếp cận các tài liệu nội bộ của một công ty công nghệ thông tin của Nam Triều Tiên ở Trung Quốc thông qua một nhân viên làm việc tại một chi nhánh địa phương.

Đài truyền hình KBS của Nam Triều Tiên hồi tháng Mười đưa tin rằng Bắc Triều Tiên có thể đã nhắm tới việc xâm nhập các hệ thống máy tính của Seoul vì công ty vừa kể thiết lập hệ thống mạng của các tổ chức chính phủ.

Ông Seo không cung cấp đầy đủ tên của công ty Nam Triều Tiên mà chỉ dùng chữ cái S để nói về công ty này.

Trung Quốc nhiều lần phủ nhận những cáo giác cho rằng nước họ là nơi xuất phát các vụ tấn công mạng.

Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc cũng là nạn nhân của các vụ tấn công.

Ông Kim Hung-Kwang là chủ tịch của một tổ chức ở Nam Triều Tiên có tên gọi Đoàn Kết Trí thức Bắc Triều Tiên.

Ông nói dù Bắc Kinh biết rằng những kẻ hacker Bắc Triều Tiên thực hiện các vụ tấn công mạng từ trong lãnh thổ Trung Quốc, nước này chưa từng bắt giữ hoặc trục xuất bất cứ người Bắc Triều Tiên nào.

Vì thế, ông nói rằng dường như Bắc Triều Tiên thực hiện các vụ tấn công dưới sự đồng ý ngầm của Trung Quốc.
Ông cũng nói rằng người ta tin là các binh sĩ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên trao đổi các mã độc và các kỹ thuật tấn công do Bình Nhưỡng tạo ra.

Dù kiểm soát chặt chẽ và chỉ giới hạn việc truy cập Internet cho tầng lớp thượng lưu, Bình Nhưỡng đã huấn luyện các hacker kể từ những năm 90.

Trong khi phần lớn các vụ tấn công ban đầu còn đơn giản và sử dụng các mã từng có trước đó, các chuyên gia nói rằng các vụ tấn công ngày càng trở nên tinh vi hơn.

Ông Kim nói rằng Bắc Triều Tiên đang phát triển các mã tấn công của riêng mình và sử dụng chúng để trắc nghiệm khả năng bảo vệ an ninh mạng của Nam Triều Tiên trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh mạng.

Ông nói rằng Bắc Triều Tiên có mục tiêu thực hiện thành công một cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quốc gia như hệ thống gas, điện, giao thông và năng lượng hạt nhân.

Nhà lập pháp Seo cho rằng bởi vì hệ thống Internet của Bắc Triều Tiên thuộc dạng khép kín, nước này dễ thực hiện các hoạt động bảo vệ mạng của mình. Ông nói rằng điều đó mang lại cho Bắc Triều Tiên một lợi thế.

Ông nói rằng mặt khác, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã có một hệ thống mà cơ sở hạ tầng phát triển rộng rãi trong xã hội và việc bảo mật của các công ty tư nhân tương đối yếu.

Ông cho rằng một cuộc tấn công khủng bố trên mạng có thể dẫn tới các thiệt hại lớn.

Bắc Triều Tiên bị coi đứng sau các vụ tấn công xảy ra đầu năm nay, gây ra việc ngưng hoạt động của hàng chục nghìn máy tính và gây thiệt hại lớn đối với các ngân hàng lớn, các cơ quan truyền thông và các cơ quan chính phủ.

Các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng thiệt hại về mặt kinh tế ước tính khoảng 800 triệu đôla.

Ông Seo thúc giục các nhà lập pháp thảo một dự luật cho phép sự đáp trả hiệu quả hơn trước các vụ tấn công mạng.

Switch mode views: