Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hồng Kông lo ngại Bắc Kinh bóp nghẹt cuộc bầu cử 2017

Hongkong Lyphi



Ông Lý Phi, Phó Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Luật cơ bản Hồng Kông đang phát biểu tại trụ sở Đặc khu hành chính Hồng Kông, 22/11/2013
REUTERS/Tyrone Siu


Tiến trình đòi cải cách chính trị ở Hồng Kông trở nên sôi sục, căng thẳng dâng lên, sau tuyên bố của một giới chức cao cấp của chính quyền Trung Quốc.

 Hôm nay, 22/11/2013, ông Lý Phi (Li Fei), Phó Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định những người chống lại chế độ độc đảng của Trung Quốc không thể trở thành lãnh đạo đặc khu này.

Dư luận và đối lập Hồng Kông lo ngại cuộc cải cách chính trị hướng đến việc cử tri bầu trực tiếp người đứng đầu Hồng Kông vào năm 2017 sẽ thất bại.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ với 100 doanh nhân và các nghị sĩ Hồng Kông hôm nay, trong khuôn khổ chuyến làm việc ba ngày tại Hồng Kông, nhân vật số hai của Quốc hội Trung Quốc nói :
 « Hồng Kông là một đặc khu hành chính của Trung Quốc… Trưởng đặc khu này phải là một người yêu đất nước và yêu Hồng Kông. (…) Nói một cách khác, ai đối đầu với chính quyền Trung Quốc thì không thể trở thành lãnh đạo đặc khu ».

Tuyên bố của lãnh đạo Quốc hội Trung Quốc tại Hồng Kông được đưa ra hai ngày sau khi Quốc hội Hoa Kỳ có bản báo cáo về các triển vọng của dân chủ tại Hồng Kông.

 Theo báo cáo của Ủy ban đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung (US-China Economic and Security Review Commission) : « Bất chấp các tuyên bố ủng hộ chính thức từ Bắc Kinh và của Trưởng đặc khu Hồng Kông, triển vọng có được một cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2017 đang xa dần ».

Trả lời phỏng vấn AFP, nhà chính trị học Joseph Chang (Cheng Yu-shek/Trịnh Vũ Thạc), thành viên Liên minh vì một nền dân chủ thực sự - tập hợp của hơn mười đảng phái ủng hộ một nền dân chủ cho Hồng Kông – khẳng định :
 « Quan điểm không thể đối đầu với chính quyền trung ương là rất nguy hiểm và đe dọa đời sống chính trị. (…)

Lo ngại chủ yếu của giới dân chủ là cho dù cuộc bầu cử 2017 có được tổ chức theo lối phổ thông đầu phiếu, thì việc (Bắc Kinh) kiểm soát danh sách các ứng cử viên sẽ khiến cuộc bầu cử này không còn là dân chủ ».

Bà Emily Lau, chủ tịch đảng Dân chủ Hồng Kông, được AFP trích dẫn, nhận định: « Việc chính quyền trung ương can thiệp và đưa ra các giới hạn trong chuyện này là không phù hợp. (…)

Chính quyền trung ương cần phải để cho nhân dân Hồng Kông có không gian để bày tỏ các quan điểm của mình và chính quyền đặc khu điều hành các cuộc thảo luận ».

Quan hệ giữa chính quyền Bắc Kinh và giới dân chủ Hồng Kông tiếp tục căng thẳng.
 Các giới chức lãnh đạo của phái đoàn Trung Quốc đang làm việc tại Hồng Kông có nhiều cuộc gặp với các nghị sĩ Hồng Kông và các lãnh đạo cộng đồng.

Tuy nhiên, theo nghị sĩ Dennis Work, đảng Công dân (đảng có đông dân biểu thứ hai ở Hồng Kông), yêu cầu của các nhà đối lập gặp ông Lý Phi đã bị từ chối.

Theo hệ thống bầu cử hiện nay, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông do một ủy ban nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh tuyển chọn.
Chính quyền Trung Quốc hứa hẹn vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh Quốc này sẽ được hưởng quyền bầu cử tự do kể từ năm 2017.

Về cuộc bầu cử 2017, chính quyền Hồng Kông dự kiến có một cuộc tham vấn ý kiến cử tri vào tháng tới.

Hồi tháng 7/2103, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), người đứng đầu Văn phòng liên lạc của chính quyền Bắc Kinh tại Hồng Kông, đã có một cuộc đối thoại chưa từng có với các nhà lập pháp địa phương.

Tuy nhiên, sự kiện này bị một số nghị sĩ tẩy chay. Chính quyền hiện nay của ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying), Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, bị chỉ trích mạnh mẽ vì thái độ thân Bắc Kinh và đưa ra nhiều chủ trương mất lòng dân.




Switch mode views: