Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-09-2013

Không khí chính trị ngột ngạt, người dân Trung Quốc bất an

CanhsatTQ


Getty Images /Bloomberg/ Tomohiro Ohsumi


Lâu nay báo chí vẫn nói nhiều đến tình trạng không khí ở Bắc Kinh ô nhiễm đến khó thở, thế nhưng bầu không khí chính trị ở nước này cũng ngột ngạt không kém khiến cho không ít người vốn thuộc tầng lớp khá giả cảm thấy cuộc sống của họ bất an phải tính chuyện rời bỏ đất nước.

Thực tế này ở Trung Quốc đã được ông Francois Bourgon, phó tổng biên tập báo Le Monde phân tích qua bài viết : « Không khí ở Bắc Kinh không thở nổi, không khí chính trị cũng vậy ».

Vấn nạn ô nhiễm môi trường không khí của Bắc Kinh được tác giả liên hệ với một bầu không khí chính trị ngột ngạt ở đất nước Trung Quốc.

Tác giả viết : « Không chỉ có không khí (môi trường) không thở nổi. Bầu không khí chính trị cũng ngày càng trở nên khó thở hơn».

Theo tác giả, nếu như phe cải cách đã nuôi một chút hy vọng khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền thì lúc này họ đã nhanh chóng thất vọng. Bằng chứng là cuộc trấn áp nhắm với những người có đầu óc cải cách dám đòi công khai tài sản của các lãnh đạo đất nước được nhân lên gấp bội trong thời gian qua.

Chính quyền gia tăng kiểm soát internet, nhất là các mạng xã hội có tiếng nói chỉ trích chế độ. Trong một cuộc họp tại Bắc Kinh hồi tháng 8 vừa qua với các cán bộ tuyên huấn trong cả nước, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi thiết lập một « đội quân hùng hậu » để « chiếm lĩnh mặt trận truyền thông mới ».

Kết quả có ngay không phải đợi lâu. Một loạt các vụ bắt bớ những tiếng nói trên mạng được tiến hành ngay sau đó. Hàng chục những chủ trang viết có tiếng tăm trên mạng Vi Bác bị chính quyền mời đến họp để đả thông về « trách nhiệm xã hội » với các phát ngôn, bài viết của mình.

Họ được yêu cầu : « Nói lên sự thật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và trật tự công cộng, ủng hộ lý tưởng , đạo đức xã hội chủ nghĩa ».

Song song với trấn áp là tuyên truyền. Tổng giám đốc Tân Hoa Xã, Lý Thông Quân hôm 04/09/2013 đã có một bài viết trên diễn đàn của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó ông liệt kê ra một loạt các thách thức đối với chế độ trong việc « kiểm soát dự luận » .

Theo ông Lý Thông Quân thì các phương tiện truyền thông lớn của phương Tây vẫn chiếm thế áp đảo mặc dù Trung Quốc đã chi hàng tỷ nhân dân tệ quảng bá « quyền lực mềm » Trung Hoa.

Với giọng văn đầy hằn học lãnh đạo Tân Hoa Xã viết : « Một số thế lực thù địch và một vài cơ quan truyền thông phương Tây không muốn nhìn thấy một nước Trung Quốc phồn thịnh, chúng phát động đến Trung Quốc xu hướng phương tây hóa, chủ nghĩa ly khai và các « cuộc cách mạng màu », chúng tuyên truyền luận điệu về « sự đe dọa của Trung Quốc » và « sự sụp đổ của Trung Quốc » nhằm tấn công vào lợi ích và bôi nhọ hình ảnh của đất nước chúng ta ».

Tác giả bài viết nhận thấy, trong cái bối cảnh chính trị ngột ngạt như vậy, nhiều người thuộc tầng lớp khá giả ở thành thị đang chọn con đường rời bỏ Trung Quốc. Tác giả cho biết giờ đây ở Trung Quốc người ta đang nói đến « làn sóng di cư thứ ba », sau làn sóng của thập niên 1980 của những người bỏ ra nước ngoài vì mục đích kinh tế.

Tác giả nêu ra một con số ấn tượng : Trong năm 2011, đã có 150 000 người rời Trung Quốc. Họ không phải là những người nghèo khó như trước mà là những người giàu, có trình độ cao.

Cuộc di cư của những người nhiều tiền và những người giàu chất xám chủ yếu hướng về các nước như Hoa Kỳ, Canada, Úc hay New Zeland. Họ giải thích cho sự ra đi này bằng nhiều lý do : Nào là vì ở trong nước, môi trường sống ô nhiễm, mất an toàn thực phẩm, dịch vụ công cộng xuống cấp, luật pháp không bảo đảm hay vì muốn đa dạng hóa đầu tư và giáo dục cho con cái….

Để kết luận cho bài viết, bài báo trích lời của ông Nhâm Chí Cường, một đại gia bất động sản giàu có ở Trung Quốc giải thích trên blog của mình : « Có vô số lý do để di cư, nhưng quan trọng nhất là khái niệm an toàn. Đó là an toàn cuộc sống, an toàn sức khỏe, thực phẩm, không khí, giáo dục và các quyền (con người).

Bất an là một nguyên nhân quan trọng cho những bất ổn xã hội. Chỉ cần an dân thì sẽ tạo được một xã hội ổn định ».

Hồ sơ Syria thất bại dù phủ kín hội nghị G20

Syria vẫn là chủ đề tràn ngập các báo Pháp ra ngày cuối tuần, khi mà cuộc gặp thượng đỉnh G20 vừa kết thúc ngày hôm qua. Hồ sơ Syria đã lấn sân toàn bộ diễn đàn kinh tế của các cường quốc thế giới nhưng vẫn không tìm được một kết luận nào cho dù tổng thống Pháp và Mỹ vẫn cố gắng thuyết phục các nước về sự cần thiết của một chiến dịch quân sự trừng phạt Syria.

Nhật báo Libéation nhận định “ Syria làm tê liệt G20”. Theo tờ báo, tại Saint-Petersbourg, các chủ đề kinh tế đã bị che lấp hoàn toàn bởi cuộc đối mặt Obama và Putin về khả năng tấn công trừng phạt chế độ Bachar al-Assad do những nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học.

Như Libération cho thấy, bàn thì nhiều, nhưng làm cũng chẳng bao nhiêu. Cuối cùng, hội nghị G20 chỉ đúc kết vấn đề Syria trên một văn kiện “tối thiểu” không đề cập rõ ràng đến khả năng can thiệp vào Syria. Theo Libération, Hoa kỳ và Pháp đã thuyết phục được 11 nước ký vào văn kiện tối thiểu để nói lên “phản ứng mạnh mẽ của quốc tế” đối với Syria, bị tố cáo đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân mình, thì ý định can thiệp quân sự vẫn khó có thể được ủng hộ ở cuộc họp ngoại trưởng 28 nước Liên Hiệp Châu Âu tại Vinius, Litva ngày hôm nay với sự tham gia không chính thức của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Libération ghi nhận, ngày hôm qua (06/09) giữa mỗi phiên làm việc, tổng thống Obama lại cảm thấy khó có thể thuyết phục được hơn các đồng minh châu Âu.

Ý và Đức, hai đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ cũng từ chối công khai ủng hộ một chiến dịch quân sự ngoài khuôn khổ của Liên hiệp Quốc.

Về phần Pháp, trong các cộng sự của tổng thống Hollande, người ta cố gắng giảm thiểu sự bất đồng của các nước châu Âu và sự cô lập của liên minh Pháp-Mỹ trên hồ sơ tấn công Syria. Tuy nhiên, theo quan sát của Libération, cả Obama lẫn Hollande đều có vẻ bị các nước châu Âu bỏ rơi.

Trong cuộc họp báo kết thúc G20, tổng thống Pháp thông báo nếu có đánh, thì tất nhiên sẽ đánh sau khi khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu và sau khi Liên Hiệp Quốc thông báo kết quả thanh tra.

Đại đa số dân Pháp phản đối tấn công Syria

Vẫn là chủ đề có hay không tấn công Syria, nhật báo Le Figaro quan tâm đến dư luận Pháp với hàng tựa trên trang nhất “Syria: Người Pháp đồng loạt bác bỏ can thiệp quân sự”. Tờ báo cho biết, theo một thăm dò dư luận do viện Ifop thực hiện cho Figaro thì 68% số người được hỏi , trả lời phản đối Pháp can thiệp quân sự vào Syria”.

Le Figaro nhận định, bị cô lập trên trường quốc tế và bị đối lập phản đối, giờ đây Francois Hollande lại bị dư luận trong nước bỏ rơi. Le Figaro đặt câu hỏi “ Liệu có cần phải thêm vào cuộc khủng hoảng (kinh tế) một cuộc chiến tranh?

Đất nước có đủ phương tiện tài chính để lao vào một chiến dịch quân sự như đã phải làm ở Afghanistan hay không? Người dân đánh giá là không. Không ai có thế trách họ về điều đó”.

Nhà đối lập Nga Navalny thách thức chính quyền Nga

Libération quan tâm đến cuộc bầu cử thị trưởng Matxcơva diễn ra vào ngày mai (08/09) với cuộc chạy đua của ứng cử viên đặc biệt Blogger chống tham nhũng Alexei Navalny. Tờ báo chạy tựa “ Alexei Navalny thách thức Kremlin tấn công vào Matxcơva”.

“Thay đổi nước Nga bắt đầu từ Matxcơva “ là khẩu hiệu của nhà đối lập Alexei Navalny đưa ra trong chiến dịch tranh cử thị trưởng Matxcơva, một trong những chức vụ hành chính quan trọng nhất nước Nga. Đây là cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên từ năm 2004 cho chức đô trưởng.

Cuộc bầu cử thu hút sự chú ý của dư luận là bởi Navalny, một blogger chống tham nhũng nổi tiếng ở Nga và là một nhân vật đối lập trực diện rất khó chịu với tổng thống Putin.

Đang bị truy tố, được cho tại ngoại chờ kháng án, nhưng Navalny vẫn quyết đương đầu thách thức ứng cử viên, Sergei Sobianine, một nhân vật có thế lực thân cận với tổng thống Putin. Theo thăm dò hiện tại, ứng cử viên Sobianine vẫn dành được 58% ý định bỏ phiếu, Navalny được 18%.

Theo giới quan sát tại Nga, không ai dám bảo đảm chiến thắng của nhà đối lập nhưng việc anh ra tranh cử trong điều kiện một án tù vẫn treo lơ lửng trên đầu sẽ khích lệ phong trào phản kháng chính quyền Nga, buộc Putin phải suy nghĩ.

Sự kiện 11/09 của người dân Chilê

Sắp đến ngày 11/9, nhật báo Công giáo La Croix nhớ đến ngày kỷ niệm đặc biệt này của người dân Chilê với hàng tựa lớn trang nhất: “Chilê nhớ về ngày 11/09 của mình”.

Đó là ngày 11/09/1973, quân đội lật đổ tổng thống của đảng xã hội Salvador Allende, rồi thiết lập lên chế độ độc tài quân sự. Bốn mươi năm sau người dân Chilê vẫn không thể quên được những năm dài sống dưới chế độ độc tài quân sự của tướng Pinochet.

La Croix nhận thấy “Bốn mươi năm sau, Chilê vẫn còn mang những dấu tích của cuộc đảo chính”. Cuộc đảo chính năm đó đã dẫn đến thiết lập một chế độ độc tài của tướng Augusto Pinochet. Kéo dài suốt gần 20 năm chế độ độc tài đã gây ra biết bao tội ác thủ tiêu đối lập ghê rợn cùng một bộ máy chuyên chế bóp nghẹt mọi quyền tự do.

Phải đến năm 1988, thất bại sau cuộc trưng cầu dân ý Pinochet mới giải thể chế độ độc tài, chấp nhận bầu cử tự do. Thể chế độc tài đã bị xóa bỏ và Pinochet cùng những tay chân đắc lực của chế độ cũng đã phải ra trước tòa nhận trách nhiệm về tội ác của mình.

Tuy nhiên, La Croix nhận thấy ở Chilê ở nhiều nơi vẫn còn tồn tại hệ thống quản lý từ thời chế độ Pinochet nhất là trong giáo dục quyền được học hành cho mọi người vẫn không được tôn trọng. Vì thế mà từ nhiều năm nay, liên tục các phong trào sinh viên học sinh bùng lên đấu tranh đòi chính phủ phải cải cách hệ thống giáo dục có từ thời chế độ độc tài. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến giờ Chilê vẫn bị xếp vào một trong năm nước có nền giáo dục bất bình đẳng nhất thế giới.

Thể thao Pháp thất vọng và hy vọng mong manh  

Trở lại với nước Pháp với phần tin thể thao. Trận hòa 0-0 của đội tuyển bóng dá Pháp với đội Gruzia trong khuôn khổ vòng loại Cúp bóng đá thế giới Brazil 2014 tối qua trên sân khách Tbilisi đã gây thất vọng lớn cho người hâm mộ Pháp.

Báo Le Figaro gọi kết quả này là “ thất bại không tránh khỏi”. Một trận hòa và đội tuyển Pháp vẫn giữ vị trí nhì bảng nhưng đó là một thất bại lớn của thầy trò huấn luyện viên Didier Deschamps. Với kết quả này, viễn cảnh có vé trực tiếp đi Brazil 2014 càng trở nên xa vời và các cầu thủ áo Lam chỉ còn trông chờ vào chiếc vé vớt, với điều kiện họ phải thắng nốt hai trận cuối trước Belarussia và Phần Lan.

Người hâm mộ Pháp thất vọng còn bởi hôm qua, trước một đối thủ bị cho là dưới cơ rất nhiều, trong khi đội tuyển Pháp có đủ các danh thủ quốc tế nhưng lại thể hiện một lối chơi kém hiệu quả, rời rạc, lộn xộn chưa từng có.

Trong khi đó bên sân quần vợt thể thao Pháp đang nuôi một hy vọng, tuy rất mong manh. Tại giải Mỹ mở rộng, tay vợt Pháp Richard Gasquet lần đầu lọt vào bán kết giải Grand Chelem, hôm nay đối mặt tay vợt Tây Ban Nha Rafael Nadal, một cái tên mà thành tích trên đấu trường quốc tế cũng như kết quả đối mặt trực tiếp trong quá khứ đã thắng tuyệt đối tay vợt Pháp. Bởi vậy mà le Figaro phải thừa nhận trận bán kết là “một thách thức bất khả thi” cho Gasquet. Thế nhưng biết đâu đấy, chiến thắng âm thầm lại đến với quần vợt Pháp.

Nhân viên bị sa thải vì mê Facebook ở nơi làm việc

Chuyện này được thông tin trên trang kinh tế báo le Figaro. Đó là trường hợp một nữ nhân viên văn phòng phụ trách tuyển dụng tại Anglet ( Pyrénées-Atlantiques) đông nam nước Pháp, bị sa thải vì truy cập Facebook với mật độ quá nhiều trong giờ làm việc. Vụ việc được đưa ra tòa và tòa án đã phán xử việc sa thải là đúng luật.

Giám đốc văn phòng đã nhân lúc nhân viên này vắng mặt kiểm tra danh sách truy cập mạng của nhân viên đó và phát hiện số lượng truy cập quá dày đặc và cô này sau đó đã bị sa thải. Sự việc phải đưa ra tòa để phân xử và cuối cùng tòa đã xử thua cho nhân viên.

Theo tờ báo thì đây không phải là trường hợp duy nhất bị sa thải vì lạm dụng Facebook tại nơi làm việc. Hồi tháng Hai năm nay, một nữ nhân viên văn phòng cũng đã bị sa thải sau khi bị phát hiện đã truy cập 10 nghìn lượt trong một tháng vào Facebook và các trang không dính dáng gì đến chuyên môn.

Liệu có thể gọi đây là tai nạn nghề nghiệp thời công nghệ tin học ?


Switch mode views: