Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-04-2013

Tổng thống Nga ra lệnh chống nạn tham nhũng
RUSSIA Putin



Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho thành viên chính quyền đóng các tài khoản ở nước ngoài (Reuters / RIA Novosti)


Sau hiện tượng 30 đại biểu Quốc hội Nga đã từ chức trước khi phải kê khai thu nhập và một số ly dị giả nhằm trốn thuế, hôm nay báo Libération lại đề cập đến chủ đề này.

Theo tờ báo, tổng thống Putin mở ra cuộc chiến chống tham nhũng và ra lệnh cho các nhân vật chính phủ có ba tháng để đóng tài khoản ở nước ngoài.

Đây là một hình thức để nhắc nhở ai mới chính là chủ của đất nước.

Tổng thống Putin đã quyết định kiểm soát sự làm giàu của giới công chức Nga bằng cách ra lệnh cho họ cùng gia đình phải kê khai tài sản.

Đây thực sự là một bước ngoặt quan trọng của chính quyền Kremlin trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Theo ông Sergueï Ivanov, chánh văn phòng phủ tổng thống nhận xét thì cuộc chiến này không bỏ sót một ai bởi tính gian lận của các công chức Nga không còn là gì mới mẻ trên đất nước này.

Theo một sắc lệnh vừa được ký vào tháng Tư, các viên chức Nga có thời hạn cho đến đầu tháng 7 để đóng tài khoản ở nước ngoài và rút tiền về nước. Bên cạnh đó, họ còn phải kê khai tổng giá trị tài sản gửi ở nước ngoài và chứng minh nguồn gốc của lượng tài sản trên nếu giá trị tài sản vượt mức thu nhập của gia đình trong 3 năm gần đây.

Nếu họ muốn gởi tiền ở nước ngoài thì phải thông qua ngân hàng Nga.

Theo tin từ ngân hàng trung ương Nga, trong năm 2012 có gần 38 tỷ euro được chuyển trái phép ra ngoại quốc.

Theo một số chuyên gia, hành động của Putin như để khẳng định quyền lực vì ông có quyền sinh sát trong tay mà không cần tham vấn người nào.

Nga hiện tại được xếp thứ 133 trong tổng số 174 quốc gia báo động về nạn tham nhũng.

Tờ báo nhận định thay vì giao phó việc quản lý tài sản của công chức Nga cho các cơ chế độc lập như các đại diện cho quyền lập pháp và tư pháp, đằng này ông lại dành lấy quyền này.

Theo bà Elena Panfilova thuộc tổ chức Transparency International thì « đây là dấu hiệu cho thấy Putin không còn tin tưởng được người nào ».

Để biện pháp này hiệu quả thì tổng thống Putin phải kèm theo chương trình bảo vệ những người làm chứng, tố cáo nạn tham nhũng bằng cách tước bỏ khả năng một số quan chức cao cấp Nga có thể truy cứu pháp luật những người tố cáo tham nhũng sau này.

Pháp phẫn nộ với chính sách khắc khổ tại châu Âu

Chính sách khắc khổ áp đặt tại châu Âu đã làm không ít quốc gia phẫn nộ. Pháp, quốc gia sát cánh cùng Đức trong chiến dịch này giờ đây cũng không thể chịu đựng được nữa.

Báo chí Pháp hôm nay đưa tin cho biết các thành phần trong quốc hội đặc biệt là phe cánh tả thuộc đảng xã hội lên án gay gắt Đức và chính sách khắc khổ áp đặt lên châu Âu.

Báo Le Monde chạy tựa : « Hollande dưới sức ép của chính người thân cận ».

Tờ báo cho biết chính sách khắc khổ giờ đây bị đa số giới lãnh đạo Pháp chỉ trích.

Đầu tháng Tư, một loạt các bộ trưởng như Montebourg, Duflot và Hamon chỉ trí chính sách khắc khổ tại châu Âu và mời gọi tổng thống nên xem xét lại việc đổi hướng kinh tế vì chính sách khắc khổ chỉ gây kìm hãm tăng trưởng. Bây giờ lại đến lượt nhân vật thứ 3 trong chính phủ, ông Batolone kêu gọi tổng thống phải đối đầu với Đức nhằm giải quyết tình trạng này.

Tình hình kinh tế Pháp đang nằm trong báo động đỏ : thất nghiệp gia tăng chưa từng thấy, sức hút đầu tư kém, tiêu thụ giảm mạnh.

Giới lãnh đạo hàng ngày phải chịu sự đả kích từ phía phần đông dân chúng cho rằng chính sách kinh tế quá khắc khổ.

Trên tờ Les Echos phát hành ngày 24/04, bộ trưởng bộ Nông nghiệp Stéphane Le Foll nhận định : « cuộc khủng hoảng bắt buộc cánh tả phải thay đổi chiến lược ».

Bên cạnh đó, báo thiên hữu Le Figaro cũng không bỏ lỡ cơ hội đăng bài : « Đảng Xã hội tuyên chiến với Đức ».

Các đảng viên thuộc Đảng Xã hội đã có một giọng điệu cứng rắn lên án chính sách khắc khổ của thủ tướng Đức Angela Merkel.

Một đoạn tài liệu dài khoảng 20 trang sẽ được văn phòng quốc gia của Đảng Xã hội thông qua vào thứ ba tuần tới.

Nội dung bản thảo lên án chính sách khắc khổ của châu Âu mà đặc biệt là nhắm vào bà Angela Merkel. Tờ báo gọi đây là lời « kêu gọi cả quốc gia » chống lại Đức.

Trong cuộc họp báo, thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đánh giá nên nhượng bộ chiều theo số đông nhằm làm yên lòng nội bộ Đảng Xã hội đang sôi sục đả phá chính sách hà khắc tại châu Âu. Tuy nhiên, ông cũng thông báo rằng không nên đi quá xa vì có thể nó sẽ rất nguy hiểm.

Phía đảng đối lập UMP, ông Gilles Carriez bình luận rằng Đức đang trở thành bia chịu trận cho mọi sự thất bại của mô hình kinh tế, xã hội của ông Hollande.

Về phần mình, báo Libération nêu lên nhận định của cựu thủ tướng François Fillon rằng chưa bao giờ hoặc hiếm khi quan hệ giữa hai nước Pháp-Đức tệ như hiện nay. Người Đức thì đang lo một ngại nguy cơ Pháp cố tình « bài Đức ».

Nissan sẽ giúp Renault gia tăng sản xuất tại Pháp

Liên quan đến tình hình kinh tế tại Pháp, báo Le Figaro trong mục kinh tế đưa tin vui cho ngành sản xuất xe hơi Pháp đang trong thời kỳ u ám.

Tập đoàn sản xuất xe hơi Nhật Nissan sẽ cho ra đời chiếc Micra tại Flins thuộc ngoại ô Paris vào năm 2016. Mục tiêu là sản xuất ra 82 000 chiếc.

Đây là lần đầu tiên mà một đối tác của Renault sản xuất một lượng xe hơi du lịch đáng kể trên đất Pháp.

Nhà sản xuất ô-tô Pháp đã giữ lời hứa khi cam kết với các công đoàn cho sản xuất 710 000 vào năm 2016 trong khi chỉ có 530 000 chiếc năm ngoái mà trong đó có 80 000 chiếc là do đối tác sản xuất.

Renault chiếm 43.3% cổ phần của Nissan, giờ đây có thể trong thời gian ngắn giải tỏa được một số khó khăn của hãng mặc dù lượng sản xuất vẫn không bằng hồi năm 2003.

Tờ báo cho biết chiếc Micra được sản xuất tại Pháp nhằm cung ứng cho châu Âu. Bên cạnh đó, Nissan vẫn sản xuất song song tại các xưởng ở Chennai (Ấn Độ).

Nissan khẳng định đã có lý khi chọn Pháp vì xưởng tại Ấn Độ được xem như đã bão hòa.

Từ lâu, Renault đã đánh giá rằng khó có lời khi sản xuất ô-tô tại Pháp. Cụ thể là để sản xuất một chiếc Clio IV tại Pháp thì giá thành đắt hơn khoảng 1300 euro so với sản xuất chiếc này tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào lúc thị trường châu Âu đang suy sụp, việc Nissan đến sản xuất tại Pháp quả là điểm khởi sắc cho tập đoàn nhân viên Renault, cũng như cho chính phủ.

Chủ nghĩa dân tộc của ông Shinzo Abe gây lo ngại các láng giềng của Nhật

Trở lại thời sự tại châu Á, báo Le Figaro hôm nay có bài báo đăng tin thủ tướng Nhật Shinzo Abe được người dân hoan nghênh bao nhiêu về các chính sách kinh tế thì ông lại bị chỉ trích bấy nhiêu về thái độ cực hữu của mình.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hòa Ánh Ánh chỉ trích việc ông Shinzo Abe cùng 189 dân biểu Nhật đi thăm đền Yasukuni như một động thái chối bỏ quá khứ gây chiến tranh của Nhật.

Trung Quốc, Hàn Quốc đặc biệt công kích hành động này vì các quốc gia trên từng có lịch sử chiến tranh với Nhật Bản.

Phía Nhật Bản thì coi đây như một hành động để tưởng nhớ các vị anh hùng của đất nước.

Một giáo sư thuộc trường đại học Yosei của Hàn Quốc châm biếm : « hành động này chẳng khác nào việc bảo Hitler chưa bao giờ xâm lược Ba Lan ».

Ông Shinzo Abe muốn đào tạo lực lượng tự vệ và chuyển thành quân đội chính quy có thể tham chiến.

Để làm được điều này thì ông cần phải sửa đổi một số điểm trong hiến pháp chủ hoà. Trong nội bộ, một quan chức nhận xét đảng cầm quyền của ông Shinzo Abe không chỉ đơn giản là đảng bảo thủ mà còn theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.


Switch mode views: