Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-04-2018

Vì sao Samsung chọn Việt Nam làm “đất lành” ?

VN samsung



Cho đến nay, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 17 tỷ đô la. Biển hiệu quảng cáo Samsung trên một phố ở Hà Nội.
AFP /HOANG DINH Nam

Chủ đề thời sự được quan tâm trên các tạp chí tuần này nhưng đề tài khá tản mạn, với ba nhân vật khác nhau nổi bật trên bìa các tuần báo lớn :

Cựu tổng thống Pháp François Hollande trên tờ L’Obs, bà góa phụ Laeticia Hallyday trên Le Point, và đạo diễn Pháp Luc Besson trên L’Express.

Riêng Courier International thì quan tâm đến vụ tai tiếng đang đeo bám Facebook, còn tuần báo Anh The Economist đặt trọng tâm trên nước Đức.

Cũng The Economist có một bài viết rất thú vị về quan hệ chặt chẽ hai bên đều có lợi giữa tập đoàn Hàn Quốc Samsung với Việt Nam. Bài báo mang tựa :
 « Tại sao Samsung của Hàn Quốc lại là công ty lớn nhất tại Việt Nam ? », với ghi chú « nơi mà tập đoàn Hàn Quốc sản xuất đại bộ phận điện thoại thông minh của mình ».
Bài báo trước tiên nêu bật vị trí quan trọng của Samsung tại Việt Nam qua một vài số liệu :
Cho đến nay, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 17 tỷ đô la, với những nhà máy làm ra gần 1/3 lượng sản phẩm mà tập đoàn Hàn Quốc xuất ra trên toàn thế giới.

Chi nhánh tại Việt Nam của Samsung đã trở nên tối quan trọng đối với Việt Nam vì là ông chủ sử dụng đến hơn 100.000 nhân viên, đạt được doanh số 58 tỷ đô la vào năm ngoái, vượt qua tập đoàn dầu khí Petro Việt Nam để trở thành tập đoàn lớn nhất nước, giúp Việt Nam chiếm vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh thứ nhì của thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Một mình Samsung đã chiếm gần một phần tư tổng xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái, với trị giá lên đến 214 tỷ đô la Mỹ.

Một chi tiết thú vị được The Economist nêu bật : Nhà máy chính của Samsung ở Thái Nguyên, miền bắc Việt Nam, sử dụng hơn 60.000 người.
Ba nhà ăn tập thể của nhà máy này cần đến khoảng 13 tấn gạo mỗi ngày.
Đây là nhà máy có sản lượng điện thoại di động lớn hơn bất kỳ cơ sở sản xuất nào khác trên thế giới.

Samsung đã mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Nhờ tập đoàn Hàn Quốc, Thái Nguyên và tỉnh Bắc Ninh lân cận đã trở thành hai trong số những địa phương giàu nhất nước.
Nhà hàng, cửa hàng và khách sạn mọc lên như nấm quanh các khu công nghiệp Samsung.
Số lượng các công ty Việt Nam được liệt kê là nhà cung cấp quan trọng cho Samsung đã tăng lên gấp bảy lần trong ba năm qua.
Và Samsung đã nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam.

Trong số 108 tỷ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam đã nhận được kể từ khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2007, một phần ba xuất xứ từ Hàn Quốc.
Ngoài Samsung, còn có LG, một chàng khổng lồ khác của Hàn Quốc, sản xuất màn hình truyền hình trong nhà máy trị giá 1,5 tỉ đô la tại cảng Hải Phòng, hay là Lotte, chủ nhân một dây chuyền siêu thị.

Việt Nam tốt hơn Trung Quốc

Đối với Samsung, Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn, thế vào chỗ của Trung Quốc.

Trước hết, Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ, đông đảo và giá rẻ. Đấy từng là lợi thế của Trung Quốc, nhưng ngày nay thì công nhân Trung Quốc bình quân đã già hơn 7 tuổi so với Việt Nam, và lương lai đắt hơn gấp hai lần so với Việt Nam.
Lao động giá rẻ giúp Samsung hạ thấp chi phí sản xuất, tạo cho nhà sản xuất điện thoại thông minh Hàn Quốc một lợi thế cạnh tranh so với Apple.

Trong lúc nhiều nước khác trong khu vực có xu hướng xuất khẩu nguyên liệu hoặc linh kiện sang Trung Quốc, để được lắp ráp thành sản phẩm, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thành phẩm hoàn chỉnh.
Việt Nam cũng là một hàng rào có giá trị, giúp tránh được cách hành xử thất thường của chính quyền Trung Quốc.

 Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc tổ chức tẩy chay các công ty và sản phẩm của Hàn Quốc để trừng phạt chính quyền Seoul vì đã cho triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Mặc dù hệ thống này nhằm mục đích bảo vệ chống lại một cuộc tấn công từ Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh cho rằng nó có thể được dùng để làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Trung Quốc.
Cuộc tẩy chay, dù đã kết thúc, nhưng đã làm cho các nhà đầu tư Hàn Quốc lo ngại.

Trái lại, Việt Nam đang tự do hóa nền kinh tế để đón chào giới công nghiệp nước ngoài.
Năm 2015, Việt Nam đã mở cửa 50 ngành công nghiệp cho nước ngoài và giảm nhẹ ràng buộc trong hàng trăm ngành khác.

Việt Nam đã bán đi phần lớn cổ phần của Sabeco, hãng sản xuất bia quốc doanh lớn nhất, cho một công ty nước ngoài vào năm ngoái.
Sự nhiệt tình của Việt Nam đối với các hiệp định thương mại tự do đã khiến cho Việt Nam trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng là một thành viên sáng lập của Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại đa phương bao gồm cả Úc, Canada và Nhật Bản.
Việt Nam cũng sắp ký kết một hiệp định thương mại với Liên Hiệp Châu Âu. Thỏa thuận đã ký với Hàn Quốc vào năm 2015 đã giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc.

Moon Jae In, tổng thống Hàn Quốc, đã viếng thăm Việt Nam hồi tháng Ba, cùng với các đại diện của Samsung và nhiều công ty khác.
Đây là chuyến đi thứ hai của ông tới Việt Nam trong vòng chưa đầy một năm cầm quyền.

Các cố vấn của tổng thống Hàn Quốc đã cho rằng Hàn Quốc không nên tự thỏa mãn với việc trở thành « con tôm giữa bầy cá voi » như Trung Quốc và Nhật Bản, mà trái lại phải trở thành một cường quốc khu vực bằng cách kết minh với các đồng minh nhỏ hơn.

Điều đó, theo họ, sẽ giúp Hàn Quốc trở thành một « con cá heo », làm chủ được vận mệnh của chính mình.
 Ít ra là tại Việt Nam, kế hoạch của Hàn Quốc đã như cá gặp nước.

Trung Quốc : Quân Đội mới của Tập Cận Bình

Tạp chí L’Express chú ý đến Châu Á qua một bài nhận định về « Quân đội mới của ông Tập », tựa bài viết trên hai trang của phóng viên Romain Rosso, nêu bật sự kiện Trung Quốc tiếp tục công cuôc hiện đại hóa quân đội, và như thế cuộc so tài chiến lược với Mỹ đã được khởi động.

Bài viết bắt đầu bằng chuyến ghé cảng Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, kèm theo những trận đấu giao hữu bóng đá, basket, viếng thăm nạn nhân chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trước đây.

Chuyến viếng thăm mang tính biểu tượng lịch sử này là để cho thấy sự xích lại gần nhau giữa hai kẻ thù năm xưa, mà chuyến thăm của tổng thống Obama đã đánh dấu một cách ngoạn mục năm 2016 khi bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Hà Nội.

Tuy nhiên, đối với tác giả bài viết, thông điệp nằm ở chỗ khác : Khi đưa hàng không mẫu hạm đến vùng biển Việt Nam, Hải Quân Mỹ muốn chứng minh rằng họ đang trở lại vùng Biển Đông, một cử chỉ trấn an trong lúc mà Bắc Kinh gia tăng xây dựng đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa trước sự quan ngại của Việt Nam, Malaysia hay Philippines.

Bài báo nhắc lại là vào đầu nhiệm kỳ của mình, tổng thống Mỹ Donald Trump bị chỉ trích là đã bỏ mặc vùng Biển Đông này do quá tập trung trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, nhưng ngày nay thì Washington tạo cảm giác đã chỉnh lại tầm nhắm với các loạt trừng phạt thương mại, áp thuế đối với Trung Quốc.

Cuộc « chiến thương mại » với nền kinh tế thứ nhì của thế giới có lẽ còn che đậy một mục tiêu khác của Washington, đó là đối phó với Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ trên toàn cầu.
Vào tháng Hai, đô đốc Harry B Harris, tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, đã đánh giá :

« Việc Trung Quốc tăng cường ngoạn mục sức mạnh quân sự của họ có thể sắp là một thách thức đối với Mỹ trong mọi lãnh vực, hay là gần như thế ».
Sau đó không lâu, tổng thống Mỹ đã đề cử một nhân vật diều hâu làm đại sứ Mỹ ở Úc, một nước cũng đang quan ngại về những tham vọng quân sự của Trung Quốc.

Trung Quốc : Ngân sách quân sự được nhân ba

Phía Trung Quốc thì từ một chục năm qua, ngân sách quân sự đã như thế được nhân lên gấp 3 lần.
Theo số liệu của chính quyền Bắc Kinh, ngân sách trên đã lên đến 142 tỷ euro, đứng hàng thứ nhì hành tinh.
 Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình ở Stockholm, năm 2016, ngân sách này đã vượt mức 175 tỷ euro, tức 1,9% GDP.

Dĩ nhiên Trung Quốc không phải là nước duy nhất ngốn tiền cho quân sự . Các quốc gia Trung Đông, Nga, Hàn Quốc, cả Mỹ cũng thế, và Trung Quốc, tuy đã nỗ lực, nhưng còn kém xa Mỹ mà ngân sách năm nay tương đương với 570 tỷ euro.
Việc tăng cường sức mạnh quân đội này nằm trong cao vọng của ông Tập Cận Bình, muốn cải tổ để quân đội Trung Quốc trở nên hiện đại, hùng mạnh mà đảng dễ kiểm soát.
Điều đó nằm trong quan niệm xây dựng một nước Trung Quốc trù phú của ông Tập.

Theo bài viết, hiện nay quân đội Trung Quốc được cải tiến đáng kể.
Trước tiên ông Tập đã sớm đánh vào tham nhũng trong quân đội, rút gọn bộ máy điều hành, tăng cường sự giám sát của Đảng.

Trên bình diện năng lực, trang thiết bị, các phương tiện tin học, không gian, drone, thông minh nhân tạo, vũ khí siêu âm được phát triển nhanh.
Để khuyến khích sự sáng tạo, việc phối hợp năng lực dân sự và quân sự đã trở thành quốc sách.

Trong lúc mà Trung Quốc gia tăng đầu tư ở nước ngoài thì phương tiện của Hải Quân cũng được phát triển mạnh : Trong vòng bốn năm, 80 chiếc tàu đã được hạ thủy, trong đó có một tàu sân bay thứ 2.

Theo ông Alexandre Sheldon-Duplaix, chuyên gia hàng hải Châu Á, những tàu nói trên cho phép Trung Quốc bảo đảm an toàn cho tàu buôn của họ đi qua vịnh Aden, nơi có nhiều cướp biển.
Có 3 chiếc tàu thường trực trên biển trong khu vực. Với cãn cứ ở Djibouti, tàu Trung Quốc có thể đảm nhiệm nhiều việc hơn, từ chống hải tặc, giải thoát con tin, cho đến di tản người nếu cần…

Tàu hải quân Trung Quốc dần dà tăng cường sức khống chế ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, không ngừng gây căng thẳng với các nước chung quanh.
Chuyên gia Alexandre Sheldon-Duplaix ghi nhận : « Nhiệm vụ chính của Hải Quân Trung Quốc là đảm bảo chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Và Đài Loan là trọng tâm. »

Sát nhập Đài Loan là mục tiêu lớn của ông Tập Cận Bình trong lúc Washington vẫn phớt lờ phản đối của Bắc Kinh để tỏ dấu hiệu quan hệ tốt hơn với đảo.
Luật mới của Mỹ, Taiwan Travel Act, có hiệu lực vào tháng 3, cho phép các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ Đài Loan thăm viếng lẫn nhau đã làm cho ông Tập Cận Bình phẫn nộ.

Tóm lại, theo tác giả bài báo, cạnh tranh Mỹ Trung chỉ mới bắt đầu thôi.

Facebook bổ nhào ?

Riêng Courrier International theo sát thời sự quốc tế với vụ tai tiếng Facebook, mỉa mai trong dòng tựa trang bìa :
 « Các chàng khổng lồ của mạng Internet : cuộc chơi đã tàn ».

Tuần báo giải thích bên dưới một hình vẽ ngược chữ F trong logo của Facebook : « Cơn khủng hoảng mà Facebook đang trải qua đã lan ra toàn lãnh vực internet : Người dân và giới chính trị muốn nắm lại quyền kiểm soát ».

Malaysia : Thanh niên thờ ơ trước cuộc bầu cử Quốc Hội

Dành hồ sơ chính cho Facebook, nhưng Courrier International không quên châu Á, và đã quan tâm đến Malaysia, sắp bầu lại Quốc Hội, « một cuộc bỏ phiếu mà giới trẻ tẩy chay ».

Dưới tựa đề trên tạp chí nhắc lại : Năm 2013, bầu cử quốc hội đã động viên được tầng lớp công dân trẻ Malaysia.
Ngày nay sự cứng ngắt của quyền lực chính trị, không lay chuyển từ hơn 60 năm qua, đã khiến họ xa rời phòng phiếu.

Courrier trích báo New Naratif, Oxford, ghi nhận : Gần đến ngày bầu cử 19/05, sự thờ ơ của thanh niên đến tuổi đi bầu và chưa ghi danh trên danh sách bỏ phiếu đang làm giới chính trị lo âu.
Theo Ủy Ban Bầu Cử, số thanh niên trên, trong thế hệ sinh giữa 1980 và 2000, chiếm 2/3 số 3,8 triệu cử tri Malaysia chưa ghi tên trên danh sách bầu cử.

Tại một đất nước mà cử tri khoảng 17 triệu, thì số thanh niên này rất quan trọng. Cho nên hiện có cả một chiến dịch vận động họ đi bỏ phiếu .
Câu giải thích thường được ra về sự không hứng thú bỏ phiếu này là « không có thời gian, đi bỏ phiếu hay không thì cũng vậy thôi ».

Trong khi đó thì ai cũng nhớ là nhân cuộc bầu cử năm 2013, thanh niên tham gia đông đảo, và lần đầu tiên liên minh cầm quyền của đảng Barisan National, từ khi giành độc lập 1957, bị thua trong cuộc bỏ phiếu của người dân, chỉ được 47% số phiếu, thấp nhất chưa từng thấy, nhưng với những thủ đoạn chồng chéo đã chiếm được 60% số 222 ghế dân biểu Quốc Hội.

Trước tình hình này khôi phục lòng tin của thanh niên đối với chính trị không dễ.

Cựu tổng thống Pháp Hollande chỉ trích người kế nhiệm

Như nói ở trên, ba tuần báo lớn của Pháp đã chọn ba nhân vật khác nhau để đưa lên trang bìa.
Trước tiên là tuần báo L’Obs, với chân dung cựu tổng thống Pháp François Hollande nổi bật trên trang bìa, và lời chỉ trích nhắm vào người kế nhiệm được tóm lược thành tựa : « Macron đào sâu thêm hố bất bình đẳng ».

L’Obs đã giải thích ngay lựa chọn của mình bằng ghi chú bên dưới : Nhân dịp cho ra mắt quyển sách mới của ông :
« Những bài học về quyền lực – Leçons du pouvoir »,
François Hollande đã dành cho tuần báo Pháp một bài phỏng vấn độc quyền. Nhân dịp này, L’Obs đã ghi nhận một số tiết lộ mới chứa đựng trong quyển sách có thể gọi là hồi ký của cựu tổng thống Pháp.

Đối với tuần báo Pháp, François Hollande không thuộc mẫu người hay tự trách mình. Thế nhưng, trong suốt quyển sách, cựu tổng thống đã nhiều lần tỏ ý hối tiếc về một sô điều đã làm, mà trước tiên hết là đã « nói quá nhiều ».

Trả lời phỏng vấn, ông công nhận : « Tôi đã nhận thức được rằng việc nói quá nhiều, thay vì giúp tôi gần gụi hơn với người dân, thì đã đẩy họ lánh xa tôi… Khi lúc nào cũng xông vào nhà người khác, kết cục sẽ là bị người ta đóng cửa không cho vào… »

Một trong những tiếc nuối mang tính chất rất thời sự của ông François Hollande là đã không tấn công Syria vào năm 2013.
 Ông nói « Giá mà chúng ta can thiệp vào Syria vào mùa hè 2013, thì phong trào đối lập có lẽ đã giành được lợi thế, và Daech sẽ không ngự trị tại đấy ».

Đánh giá của cựu tổng thống Pháp về các lãnh đạo khác cũng rất đáng chú ý : « Tổng thống Nga Putin là người chỉ tôn trọng sức mạnh… », cựu tổng thống Mỹ Obama thì đã khiến ông thất vọng não nề khi lùi bước giờ chót trên vấn đề Syria vào năm 2013, còn đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump mà ông chỉ tiếp xúc hai lần qua điện thoại thì là một con người « có vấn đề ».

Bà vợ góa của Johnny Hallyday phản công

Một nhân vật khác nổi bật trên trang bìa Le Point là Laeticia Hallyday, đã mượn một cuộc phỏng vấn dài 14 trang báo với để kể về cuộc sống của bà từ ngày gặp gỡ đầu tiên với thần tượng nhạc rock Pháp, Johnny Hallyday, những tình tiết ít biết khi hai người bên nhau, cho đến những tháng cuối cùng khi Johnny lâm bệnh rồi qua đời.

Le Point rất hãnh diện là đã có được bài phỏng vấn mà chủ nhiệm tạp chí đánh giá là một « tài liệu lịch sử », về danh ca quá cố, được phản ánh qua tựa đề ngắn gọn trên trang bìa « Đó là Johnny Hallyday ».

Có điều là trong bối cảnh bà đang bị hai người con lớn của Johnny Hallyday là David Hallyday và Laura Smet kiện ra tòa để đòi quyền thừa kế gia sản của Johnny, và không ngần ngại tung chiến dịch mô tả bà như là một người nham hiểm đã âm mưu thâu tóm trọn tài sản của cha họ, bài phỏng vấn cũng là dịp để Laeticia phản công.

Trả lời Le Point, bà vợ góa của Johnny Hallyday không ngần ngại nêu bật thái độ vô tâm của hai người con lớn của Johnny đối với cha mình : « Sau khi được tin cha mình lâm bệnh, phải 6 tháng sau David mới ghé thăm, còn Laura là 4 tháng.

Tôi không muốn phán xét họ, họ có lẽ có lý do riêng… nhưng đối với Johnny thì thật là đau đớn khi biết được qua mạng xã hội là con trai mình có ghé qua Los Angeles, hay sau đó là Paris, mà không hề báo ».

Luc Besson, người tài xế của loạt phim Taxi từ 1 đến 5

Tuần báo Pháp L’Express đã dành trang bìa của mình để quảng cáo cho chuyên mục mới của mình được đặt tên là « Ký sự của L’Express – Le Récit de L’Express », với hồ sơ đầu tiên nói về đạo diễn điện ảnh Pháp Luc Besson với một tựa đề rất dễ gây ngộ nhận : « Luc Besson Taxi Driver » bên trên chân dung của đạo diễn, bên cạnh hình một chiếc xe tắc xi.

Luc Besson không có dính dáng gì đến bộ phim Taxi Driver của đạo diễn Mỹ Martin Scorcese, ra mắt năm 1976 và được đánh giá là một kiệt tác điện ảnh của mọi thời đại.
L’Express mượn từ ‘ taxi driver’ với đơn thuần nghĩa ‘tài xế tắc xi’, ngụ ý nói đến loạt phim Taxi nổi tiếng mà Luc Besson viết kịch bản và sản xuất – tức là đã lái - từ năm 1998 đến nay đã ra được 4 tập, với Taxi 5 vừa ra mắt khán giả.

Taxi được đánh giá là bộ phim « nhiều hồi » nổi tiếng nhất của Pháp, đã chinh phục được đến 28 triệu khán giả, lần nào được chiếu lại trên truyền hình cũng đều ăn khách, và Taxi 5 mới ra mắt tuần trước cũng đã vươn lên đứng đầu danh sách phim chiếu rạp được nhiều người xem nhất.

Hồ sơ của L’Express đã điểm lại quá trình hình thành loạt phim Taxi đầy gian truân mà Luc Besson và các cộng tác viên đã trải qua.


Switch mode views: